Cống hiến và Bị bóc lột: Ranh giới mỏng manh
Mấy ngày gần đây, mình nghe được một câu chuyện khiến bản thân cảm thấy rất băn khoăn. Một anh trưởng phòng IT, vào một công ty làm...
Mấy ngày gần đây, mình nghe được một câu chuyện khiến bản thân cảm thấy rất băn khoăn.
Một anh trưởng phòng IT, vào một công ty làm việc gần chục năm, từ lúc công ty mới bắt đầu chuyển từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online. Anh này xây dựng tất cả mọi thứ liên quan đến IT từ website cho đến hệ thống bán hàng, từ mạng internet cho đến phần mềm kế toán, nhân sự. Tất cả mọi thứ. Tuy cống hiến nhiều là vậy nhưng mọi người đều cảm thấy rằng anh không được đánh giá cao.
Tại sao ư? Tại vì những ý kiến đóng góp của anh không được ghi nhận. Tại vì nhân viên của anh chế độ thiệt thòi hơn nhân viên của những bộ phận khác. Tại vì anh rất cần tuyển bổ sung nhân sự mới nhưng lãnh đạo công ty không đồng ý. Điểm bùng nổ đó chính là, anh xin nghỉ nhưng không một sếp nào trong ban lãnh đạo hỏi lý do vì sao, đàm phàn thỏa thuận về cơ chế, chế độ để giữ anh lại. Kể cả người sếp đã gọi anh về làm từ những ngày đầu tiên.
Điều này thực sự đã làm mình suy nghĩ rất nhiều. Tại sao sau gần một thập kỷ cống hiến cho công ty anh này lại bị đối xử như vậy? Rõ ràng với một công ty định hướng phát triển bán hàng online, hợp tác với các đối tác quốc tế thì vị trí của anh là rất cần thiết, vậy tại sao công ty lại để cho anh này nghỉ việc? Tại sao những cống hiến của anh không được ghi nhận? Làm sao để cống hiến của mình được ghi nhận?
Để trả lời câu hỏi này đầu tiên, mình cần xác định lại như thế nào là cống hiến và như thế nào là bóc lột. Cống hiến là một hành động sẵn sàng, tự nguyện hy sinh thời gian, sở thích của bản thân vì công ty. Đây là một hành động xuất phát từ suy nghĩ và nhu cầu của bản thân người nhân viên, cảm thấy đó là điều cần thiết và nên làm, tình nguyện làm, không phải bắt nguồn từ nỗi sợ sếp hoặc đồng nghiệp đánh giá, bàn tán. Bóc lột là việc bạn phải làm, phải hy sinh lợi ích cá nhân vì công ty, vì tập thể trong một thời gian dài, do lo sợ sự đánh giá từ bên ngoài, áp lực từ cấp trên gây nên sự mệt mỏi, chán nản trong công việc. Hãy lấy việc tăng ca như một ví dụ để phân tích. Khi bạn tăng ca vì một dự án mới, bạn đam mê, tâm huyết với nó, sẵn sàng về muộn một vài đêm để phân tích, tìm hiểu đề xuất ra những phương án tốt nhất cho dự án và những đóng góp của bạn được ghi nhận bằng những trợ cấp thực tế đó là cống hiến. Khi bạn phải tăng ca thường xuyên, kéo dài do công việc chất đống mỗi ngày lại không có những ghi nhận về đóng góp của bản thân như trợ cấp, tăng ca thì đó là bóc lột. Hãy luôn nhớ rằng, nếu bạn hy sinh vì người khác 1 lần họ sẽ ghi nhận, khi bạn hy sinh vì họ quá nhiều lần, họ sẽ coi đó là điều hiển nhiên
Vậy phải làm thế nào để tôi có thể cống hiến cho công ty chứ không phải bị bóc lột? Để làm được điều này bạn phải nhìn lại chính mình. Hiện tại bạn có hay phải về muộn, hay phải làm ngoài giờ hoặc mang việc về nhà làm không? Nếu có thì lý do vì sao?
Nếu như nguyên nhân của việc này là do năng lực của bạn yếu kém, 8 tiếng một ngày bạn không thể hoàn thành được công việc thì hãy cố gắng tìm tòi học hỏi những công cụ hỗ trợ mình làm việc nhanh hơn. Hoặc đơn giản nhất, hãy trao đổi với quản lý trực tiếp để được tái phân bổ công việc hoặc những hỗ trợ chuyên môn cần thiết. Nhưng hãy nhớ, khi lý do vì mình kém bạn phải liên tục học tập, nâng cao trình độ phát triển bản thân, chứ không phải chỉ nghĩ đến quyền lợi của cá nhân.
Trường hợp khác, bạn thường xuyên phải ở lại muộn do công vệc quá nhiều, dù bạn là một nhân viên xuất sắc, xử lý công việc thành thạo và nhanh nhẹn nhưng vẫn không thể xong được khối lượng công việc khổng lồ. Vậy thì hãy trao đổi lại với sếp của bạn để có thể bổ sung người, chuyển giao một vài đầu việc cho người khác hoặc có những mức đãi ngộ riêng cho đóng góp của bạn. Nên nhớ, mọi nỗ lực tăng ca, làm thêm giờ sẽ là cống hiến khi ta vui vẻ, sẵn sàng triển khai nó.
Vậy nên, các bạn ạ, khi đi làm, chúng ta đương nhiên không nên chỉ đòi hỏi quyền lợi của bản thân mà quên đi tập thể. Nhưng cũng không nên vì tập thể mà hy sinh bản thân quá nhiều, việc đòi hỏi quyền lợi tương xứng với năng lực và đóng góp của bản thân cũng là một kỹ năng vô cùng quan trọng khi đi làm. Bởi lẽ chúng ta chỉ làm việc hiệu quả nhất khi chúng ta thực sự hài lòng với những gì mình làm.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất