Chiến tranh Thanh - Nhật kết thúc với thắng lợi của Nhật Bản, đưa Nhật chính thức trở thành một đế quốc Phương Tây kiểu mẫu. Thật không may, một rừng thì không thể có hai hổ, nhầm, hai con gấu, và con gấu Nga ngồi phía trên cảm thấy những lợi ích của mình ở dưới mông đang bị đe doạ.

Và đây không chỉ là nỗi lo của riêng Đế quốc Nga.


Đô đốc Togo trước trận Tsushima trên chiến hạm Mikasa, 1915


Kỳ đà cản mũi

Nhật Bản cần Triều Tiên như một bước đệm giữa Nga lẫn Trung Quốc với bản thân, và họ đã thành công trong việc ngăn chặn Trung Quốc giành quyền kiểm soát bán đảo này bằng trận Hải chiến Hoàng Hải. Dù vậy, lòng tham thì vốn là vô đáy, và người Nhật muốn vùng đệm này lớn hơn nữa. Họ đòi hỏi Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, bán đảo Liêu Đông (đi kèm hàng khuyến mãi là cảng Lữ Thuận) cùng lượng tiền mặt tương đương gần 9000 tấn bạc. Tiền và Đài Loan thì không thành vấn đề, nhưng hải cảng Lữ Thuận thì khiến các nước phương Tây nóng mặt.

Cảng Lữ Thuận

Hãy nói qua một chút về hải cảng này. Cảng Lữ Thuận (và hậu duệ của nó, cảng Đại Liên), là một căn cứ hải quân mà bất kì quốc gia nào khu vực này cũng phải thèm muốn. Khác với Vladivostok, nó không bị đóng băng về mùa đông, có khả năng hoạt động quanh năm, và hơn hết là gần với tuyến giao thương lúc bấy giờ. Từ Lữ Thuận, hải quân của bất cứ quốc gia nào cũng có thể kìm hãm khu vực Đông Á - Thái Bình Dương; với Nga thì hải cảng này lại càng quan trọng vì đây sẽ là trung tâm giao thương buôn bán, nối liền vùng Siberia băng phủ tuyết dày với vùng biển ấm áp, giao thương mạnh mẽ. Không có lí do gì để Nga từ bỏ Lữ Thuận cả.



Để bảo vệ quyền lợi của mình, Nga thuyết phục Pháp và Đức cùng nhau gây sức ép lên Nhật, buộc Nhật phải từ bỏ bán đảo Liêu Đông, bù lại sẽ được bù thêm 1 khoản chiến phí. Đức, cay cú sau khi hạm đội Bắc Dương do mình hỗ trợ thảm bại dưới tay những con tàu Anh Quốc, và Pháp - một kẻ thù khác của Anh, đồng ý can thiệp cùng với Nga.

Nhật Bản chấp nhận điều kiện này, để rồi năm 1898, người Nga ép triều đình Mãn Thanh cho họ thuê bán đảo Liêu Đông và cảng Lữ Thuận, trong vòng 25 năm. Người Nhật tất nhiên là tức điên, nhưng không thể làm gì khác được.

 Một lần nữa, vào năm 1899, Nga lợi dụng vụ Nghĩa Hoà Đoàn mang quân vào chiếm đóng Mãn Châu, lại đòi nhà Thanh phải nhượng quyền kiểm soát khai mỏ - đốn gỗ ở gần hai con sống Áp Lục và Đồ Môn - vốn là biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Sa hoàng Nga Nikolai II không những lì lợm không thèm rút quân sau khi đàn áp Nghĩa Hoà Đoàn, mà đến năm 1903, ông còn ra lệnh cho quân đội Nga "loại bỏ sự ảnh hưởng của bất kì thế lực ngoại bang ra khỏi khu vực Mãn Châu".

Tình thế đang ngày càng trở nên nóng dần........


Tư duy quân sự Nga - Nhật

Tới đây, cần phải nói một chút về tương quan quân sự giữa hai bên, tất nhiên, là về mảng hải quân.

Nước Nga phải kiểm soát nhiều vùng biển rộng lớn khác nhau, trong đó bao gồm biển Baltic, biển Đen, Bắc Băng Dương lẫn Thái Bình Dương. Xét trên tổng quát, đây là một lực lượng lớn hơn hẳn bên phía Nhật Bản, nhưng do những vùng biển này nằm rất cách xa nhau nên không thể triển khai và tập trung chúng lại một cách nhanh chóng. Họ chỉ có thể điều những thiết giáp hạm và một lượng nhỏ tàu tuần dương của mình từ biển Baltic tới Thái Bình Dương chứ không thể huy động toàn bộ lực lượng tuần dương hạm, do khả năng đi biển dài ngày và dự trữ nhu yếu phẩm kém cỏi của chúng.

Hành trình của hạm đội biển Baltic tới trợ giúp cho hạm đội Thái Bình Dương


Một mặt khác cũng cần phải xét đến, đó là do phải di chuyển dài ngày trên biển mà không được phép dừng lại bảo trì hoặc đại tu, những thiết giáp hạm của Nga gặp phải những vấn đề cực lớn. Chúng bị rất nhiều sinh vật biển như rong, rêu, hải tiêu bám vào, và đặc biệt, là con hà.

Khi bị những sinh vật này bám vào, vỏ tàu bằng thép bị ăn mòn dần, trong khi đó, trọng lượng và sức cản nước của tàu tăng lên đáng kể - đồng nghĩa với việc sức cơ động và khả năng di chuyển của tàu trong trận chiến trở nên tụt dốc không phanh. Thời gian của chuyến hải trình càng kéo dài, hà bám càng nhiều, trọng lượng và lực cản nước tăng lên lại càng làm kéo dài hải trình hơn nữa, tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn, gây hại nặng nề tới hiệu suất của lực lượng hải quân.

trông thế này thôi cơ mà ăn ngon lắm đấy.........


Trái với tình cảnh của nước Nga, Nhật thể hiện vị thế của "kẻ có tiền", liên tục đặt hàng từ Anh Quốc những con tàu chiến mạnh nhất với tính năng hiện đại nhất vào thời điểm nó được hạ thuỷ. Lợi thế của Nhật là họ có thể nhanh chóng tập hợp toàn bộ lực lượng hải quân thành một Hạm đội Liên hợp chủ lực, do đó, thay vì tập trung vào việc đóng nhiều con tàu lớn, thì xây dựng lực lượng xung quanh một vài thiết giáp hạm với tính năng vượt trội so với đối thủ, cùng số lượng lớn tuần dương hạm, sẽ tối ưu hơn rất nhiều.


Kẻ đứng ở đỉnh thế giới - Mikasa 

Và tất nhiên, để thoả mãn chiến lược đó, họ có trong tay chiến hạm mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ : thiết giáp hạm tiền-dreadnought Mikasa.

Không bị giới hạn bởi những tay Đô đốc Anh phiền nhiễu, Vickers đã áp dụng những thiết kế tốt nhất của mình lên Mikasa nhằm làm hài lòng vị khách hàng châu Á tiêu tiền như nước. Về cơ bản thiết kế của Mikasa được dựa trên lớp Majestic ưu việt trước đó của Anh, nhưng được cải tiến với những chi tiết bổ sung của lớp Formidable cùng hoả lực vượt trội hơn hẳn những thiết giáp hạm đang có trong biên chế của Anh, khiến Mikasa là thiết giáp hạm mạnh mẽ nhất vào lúc nó được đặt lườn.


Mikasa chạy thử máy ở Anh


Vũ trang cơ bản của con tàu gồm hai tháp pháo nòng đôi 12 inch (305mm) đặt ở phía trước và sau thân tàu, như mọi tàu chiến chủ lực khác của Vickers. Dàn hoả lực hạng hai gồm 14 khẩu pháo 6 inch (152mm) đặt ở dọc hai bên sườn tàu, cùng với 20 khẩu pháo bắn nhanh 12 pounder (76mm) và 6 ống phóng ngư lôi dưới mặt nước cỡ 450mm, vượt trội hơn tất cả các thiết giáp hạm khác. Hệ thống động lực được cung cấp bởi hai động cơ hơi nước ba buồng bành trướng với 25 nồi hơi, cho phép Mikasa đạt tốc độ tối đa là 18,5 hải lý mỗi giờ; nó được bảo vệ an toàn bởi đai giáp dày tới 240mm ở ngang mực nước, và dày tối đa 350mm ở mặt tháp pháo. So sánh với lớp Borodino vừa mới hoàn thiện của Hải quân Nga, cô nàng Mikasa mạnh gấp rưỡi về hoả lực và gần gấp đôi về vỏ giáp, mặc dù Mikasa hoàn thiện trước chiếc Borodino đầu tiên tới 3 năm.


Vickers đã không khiến cho ông khách đại gia của họ phải thất vọng.


Leo thang tranh chấp - Mãn Châu và Triều Tiên - Chiến tranh bùng nổ

Ngày 26/3/1902, dưới sự ảnh hưởng của Anh và Nhật, Nga kí với Trung Quốc một thoả thuận rút quân bằng tiến trình ba bước ở Mãn Châu. Tuy thời hạn thực hiện của thoả thuận này là ngày 26/9/1903, nhưng người Nga vẫn tiếp tục lì lợm, buộc người Nhật theo đuổi đến cùng các biện pháp ngoại giao. Theo đó, từ ngày 28/7/1903 tới ngày 6/2/1904, Nhật Bản đã gửi tới 51 công hàm ngoại giao tới Nga để nhắc nhở về thoả thuận 26 tháng 3, tuy nhiên, không hề có hồi đáp lại từ phía Sa hoàng.

Người Nga rất kiêu ngạo trong vấn đề này. Đô đốc Yevgeni Ivanovich Alekseyev, tư lệnh lực lượng Nga ở Liêu Đông, cho rằng không đời nào "một đất nước da vàng nhỏ bé" lại dám chống lại đế quốc Nga to lớn và hùng mạnh. Ông và cấp dưới thân thuộc của mình, đại úy Bezobrazov, liên tục khiêu khích thái độ của Nhật trong vấn đề Mãn Châu : thành lập công ty Gỗ Viễn Đông Nga với một vài thành viên Nga hoàng, cho phép lính mặc thường phục và mang vũ khí đốn gỗ ở biên giới Triều Tiên, tăng cường lực lượng đồn trú ở Mãn Châu và đuổi người ngoại quốc ra khỏi khu vực. Rõ ràng, Alekseyev không tính đến chuyện tuyến đường sắt ở Siberia chưa thể đáp ứng nhu cầu cho một lực lượng đông đảo như vậy, còn lực lượng Hải quân trong tay ông thì thua thiệt về lợi thế chất lượng trang bị so với phía Nhật - đó hẳn là một sự tự mãn mà phía Nga sẽ phải trả giá đắt.

Khó có thể chịu đựng được thêm, vào ngày 01/02/1904, thống chế Iwao Oyama yêu cầu Nhật hoàng Meiji cho phép gây chiến với lực lượng của Nga, và ngày 05/02/1904 thì nhận được sự đồng ý từ Nhật hoàng. Quan hệ ngoại giao giữa hai bên bị cắt đút vào ngày hôm sau, và đến ngày mồng 8 tháng 2 thì Nhật Bản tuyên chiến với Đế quốc Nga.

Tuy nhiên, 3 giờ đồng hồ trước đó, đô đốc Togo Heihachiro đã đem một hải đội khu trục hạm/phóng lôi hạm tấn công sớm vào bên trong cảng Lữ Thuận. Đây là một điều gây sốc đối với Sa hoàng : lực lượng của đế quốc bị tấn công trong khi chưa nhận được lời tuyên chiến chính thức, và mặc dù đó không phải là một trận đánh thành công của đô đốc Togo, nó lại chỉ ra những yếu điểm cơ bản của hải quân Nga đóng ở Liêu Đông. Ngân sách bị chia bớt sang cảng Đại Liên gần đó, nên ở Lữ Thuận không có đủ pháo bờ biển để phòng thủ, khiến cho lực lượng tấn công nhanh của Nhật mặc sức tung hoành, bắn trung và gây thiệt hại nặng cho hai thiết giáp hạm Retvizan Tsesarevich, cũng như tàu tuần dương bảo vệ Pallada.


Cuộc tấn công của người Nhật vào cảng Lữ Thuận


8 giờ sáng ngày hôm sau, theo tin báo của phó Đề đốc Dewa, Togo một lần nữa mang lực lượng của mình chặn đánh lực lượng của Nga đang rút ra vùng nước sâu. Phía Nga sớm phát hiện ra lực lượng Nhật Bản và đáp trả lại bằng toàn bộ hoả lực; phía Nhật cũng không vừa, dồn toàn bộ số pháo 12 inch của mình bắn phá những ụ pháo bờ biển, và ưu tiên những con tàu tuần dương của Nga bằng pháo cỡ nòng nhỏ hơn. Rất may là thuỷ thủ cả hai bên (có lẽ) hầu hết đều chưa ăn sáng, nên bắn trật lất.....

Tới 12h, Đô đốc Togo liều lĩnh rút lực lượng của mình về để bảo toàn hạm đội, và bị tàu tuần dương Novik của hải quân Nga phóng ngư lôi đuổi theo, tuy nhiên không có thiệt hại nào được gây ra. Trái lại, Novik nhận hoả lực đáp trả khiến cấu trúc dưới mực nước của cô bị tổn thương nghiêm trọng.


Đào thoát khỏi Lữ Thuận

Để ngăn cản quân Nhật một lần nữa tấn công Lữ Thuận, hải quân Nga cho thả thuỷ lôi để tạo vành đai an toàn (tuy nhiên thì họ mất 2 tàu nhỏ trong lúc rải thuỷ lôi). Người Nhật cũng không kém phần tai quái, khi Đô đốc Togo cho 5 tàu vận tải cũ chở xi măng đến trước của hải cảng, với mục đích đánh chìm chúng nhằm ngăn cản hải quân Nga tìm cách trốn ra khỏi cái túi bị buộc chặt. May mắn cho người Nga, thiết giáp hạm Revitzan, vốn đang đậu ngoài cảng, đã chặn đứng âm mưu này.

Ngày 8/3/1904, Phó Đô đốc Stepan Makarov được cử đến làm tư lệnh lực lượng ở đây, và ngay lập tức được thăng lên chức Đô đốc. Sáng ngày 10/3, Makarov dẫn đầu trên kỳ hạm là tuần dương hạm Askold tiến hành phản công vào vị trí bao vây của quân Nhật, nhưng không hiệu quả; ngược lại họ còn mất 5 khu trục hạm do bị người Nhật gài vào bẫy thuỷ lôi. Makarov tiếp tục triển khai những cuộc phản công : 12 ngày sau, ông tấn công hai thiết giáp hạm FujiYashima của Nhật, ép cả hai phải về Sasebo để sửa chữa; sau đó vào ngày 27, lực lượng của Makarov tiếp tục chặn đánh thành công đội tàu vận tải chở xi măng của Togo, khiến nhuệ khí của thuỷ thủ Nga tăng cao một cách bất ngờ trước những chiến thắng liên tiếp.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngày 13/4, Makarov trên kì hạm mới Petropavlovsk cùng bốn thiết giáp hạm nữa là Poltava, Sevastopol, Peresvyet  Pobieda , với sự hộ tống của các tàu tuần dương Askold, Diana, Novik, đào toát ra khỏi Lữ Thuận để di chuyển tới Đại Liên. Togo chờ sẵn, và khi Makarov xuất hiện, ông bị đánh chặn bởi một loạt tàu khu trục Nhật Bản. Không phát đạn nào của kì hạm Petropavlovsk bắn trúng kẻ địch, và khi ông mang đội hình được bổ sung của mình chạy ra tới Hoàng Hải, kì hạm của Makarov trúng 3 liên tiếp quả thuỷ lôi. Con tàu bị phá huỷ ngay lập tức, mang theo Đô đốc và 635 thuyền viên đi theo. Pobieda cũng bị thương nặng do thuỷ lôi.


Petropavlovsk trúng phải thuỷ lôi



Lữ Thuận bị bao vây dài ngày, và hai bên liên tiếp chơi trò bẫy thuỷ lôi với nhau. Ngày 15 tháng 5, người Nga thành công trong việc đánh chìm thiết giáp hạm Hatsuse, khiến cô chìm ngay lập tức cùng 450 thành viên thuỷ thủ đoàn. Yashima, cũng bị trúng thuỷ lôi nhưng may mắn hơn, cô được kéo về Incheon để sửa chữa. Tuy vậy, nỗ lực này không khiến cho vòng vây của Nhật Bản nới lỏng ra. Mọi nỗ lực của Đô đốc mới Wilgelm Vitgeft đều thất bại, và ông hi sinh bởi một quả đạn pháo 12 inch đáp trúng cầu tàu của kì hạm Tsesarevich vào ngày 10 tháng 8, trong khi đang mang sáu thiết giáp hạm Tsesarevich, Retvizan, Pobeda, Peresvet, Sevastopol  Poltava vượt qua cửa tử đề trở về Sevastopol.


Lữ Thuận thất thủ


Ngày 02/01/1905, Lữ Thuận thất thủ. Lúc này, hạm đội Baltic (giờ là hạm đội Thái Bình Dương số 2) đang ở mũi Hảo Vọng, và tin tức về Lữ Thuận truyền tới khi họ đang dừng chân ở Madagasca. Không còn lựa chọn nào khác, họ phải tiếp tục tiến lên, cập bến Vladivostok, tái trang bị, và ngăn cản quân Nhật.

Họ quyết định tiến vào Tsushima, một tuyến hải trình lạ với thông thường để tránh tai mắt quân Nhật, nhưng lại là một con đường cực kì nguy hiểm.


Thảm hoạ ở Tsushima, và dấu chấm hết cho hạm đội của Sa hoàng

Tsushima nguy hiểm đến đâu thì ta phải xem trước tấm bản đồ này.


trên là cảng hải quân Busan của Nhật, dưới là căn cứ hải quân Sasebo

có lẽ ông Nga nào lại uống hơi nhiều vodka


Rạng sáng ngày 27 tháng 5, hạm đội Thái Bình Dương số 2 tiến vào Tsushima. Cuộc đào thoát có lẽ sẽ là ngon lành cành đào, nếu như tàu vận tải vũ trang Shinano Maru không phát hiện ra ba ánh đèn của tàu cứu hộ Orel đi theo đoàn. Khi Shinano Maru tới gần, Orel tưởng đó là tàu Nga, và báo cho Shinano Maru biết rằng "cả hạm đội Nga đang ở đây".

"oh sweet chesse and crackers......."

Ngay lập tức, Shinano Maru đánh điện cho Togo, Tới 6h40 phút sáng, Togo đánh điện về cho bộ trưởng Hải quân và khởi hành hạm đội của mình tiến ra chặn đánh kẻ địch. Khi tiến đến gần đủ khoảng cách, lúc 1h55 phút chiều, Togo hạ lệnh treo lá hiệu kỳ Z (Zulu flag) và nói với các binh sĩ của mình : 


Vận mệnh Đế quốc phụ thuộc vào kết cục trận đánh này, mỗi binh sĩ hãy tận lực thực hiện nhiệm vụ.

Đây cũng là câu nói của Đô đốc Nelson trước khi bắt đầu trận hải chiến Trafalgar nổi tiếng.


Zulu flag


Thoạt đầu tiên, Togo ra lệnh cho hạm đội của mình nối đuôi cắt ngang chữ T qua mặt kẻ địch, giáng một lượng lớn đạn pháo lên đầu đối thủ. Sau khi thực hiện xong lần 1, ông ra lệnh cho hạm đội của mình quay đầu lại và thực hiện cắt chữ T lần 2 - điều này khá nguy hiểm khi vị trí quay ngoặt của cả hạm đội có thể bị kẻ địch tập trung hoả lực, nhưng quân Nga bắn quá tồi, ít nhất là tồi hơn quân Nhật. Togo đã thành công.


Bị chặn đầu bởi quân Nhật, hạm đội của Nga gắn sức vùng vẫy. Nhưng nhờ ưu thế về tốc độ (tàu chiến của Nga bị dính vỏ hà, nhớ chứ !) cộng với độ chính xác của pháo và kĩ năng của pháo thủ, người Nga không thể nào thoát khỏi con rắn trườn ngoằn nghèo. Đội hình phía Nga buộc phải tách nhau ra mà chạy thoát.

Người Nhật không để cho họ bất kì cơ hội nào. Hạm đội của Nhật cũng tách ra, chia làm hai nhánh, kẹp chặt kẻ địch ở giữa và liên tục khai hoả. Trò mèo vờn chuột này khiến người Nga mất nhiều sức lực, và cuối cùng, họ mất tới 4 thiết giáp hạm trong khi chỉ có Mikasa là bị xước xát một chút.

Tới lúc trời tối, Togo tung lực lượng số 2 vào trận : tàu khu trục và tàu phóng lôi. Nhật và Nga lúc này đánh một trận hỗn chiến : đôi lúc chiến hạm của cả 2 bên đâm thẳng vào nhau. Khoảng 11h đêm, trời đã quá tối để người Nhật có thể truy đuổi, nhưng người Nga một lần nữa lại mắc sai lầm. Họ bật đèn pha công suất lớn để soi tìm kẻ địch.


"oh sweet chesse and crackers......."


Hạm đội Thái Bình Dương số 2 mất thêm hai thiết giáp hạm nữa, nâng tổng số thiệt hại lên 21 con tàu. Trong khi đó, người Nhật chỉ mất 3 tàu phóng lôi, và lúc này, về mặt cơ bản, hạm đội Baltic và hạm đội Thái Bình Dương đều đã bị xoá sổ. 10h30 phút sáng, phía Nga thượng cờ hiệu đầu hàng. Số tàu còn lại không chịu đầu hàng, bị người Nhật truy đuổi tới tận cùng và đánh chìm gần như toàn bộ.

Con gấu Nga, chính thức bị châu chấu Á Châu đá cho gục ngã.


Kết quả


Phía Nga mất gần 5000 thuỷ thủ, ngần đó nữa số thuỷ thủ bị bắt giữ làm tù binh, trong số đó có hai đô đốc. Hai hạm đội lớn nhất của người Nga - Thái Bình Dương và Baltic - coi như không còn tồn tại trên bản đồ hải quân thế giới, và điều này sẽ khiến họ tụt hậu đi đáng kể trong thời đại Dreadnought, sau đó là sự yếu ớt của hải quân Liên Xô trong thế chiến thứ 2.


Nhật Bản, một lần nữa, đả bại kẻ thù to xác, mạnh mẽ hơn mình bằng những chiến thuật tối ưu, đội ngũ được huấn luyện tốt và vũ khí đồng bộ. Tuy nhiên, một lần nữa, người Nhật lại bị xử ép trên bàn đàm phán, và chính điều này sẽ tạo ra chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản cùng mặt trận Thái Bình Dương trong thế chiến thứ 2 - họ cần thêm một cuộc chiến nữa để khẳng định tiềm lực hải quân của mình.

Trên tất cả, đây là trận hải chiến hiện đại lớn nhất trên thế giới từng xảy ra cho tới thời điểm năm 1905. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử giữa hai châu lục Âu - Á, cổ vũ tinh thân độc lập cho rất nhiều quốc gia đang bị phương Tây kìm kẹp - trong đó có Trung Quốc, và Việt Nam. Người Nhật đã dạy cả châu Á cách để sống sót giữa những tên châu Âu thích nắm đấm hơn là củ cà rốt.


[Bài tiếp theo : Thoát khỏi nước Anh, và tứ đại chị em lớp Kongou]



Phụ lục I : Những cựu binh Tsushima

Không nhắc đến những cựu binh này thì quả là phí phạm.........

Mikasa, thiết giáp hạm đã làm nên tên tuổi của Đô đốc Togo và Hải quân Đế quốc Nhật Bản, đúng như lời nhận xét "một con tàu tốt, một vị chỉ huy tốt, một chiến thuật tốt, một kíp thuỷ thủ cực tốt".Cô được đặt lườn vào ngày 24 tháng 1 năm 1899, hạ thuỷ ngày 8 tháng 11 năm 1900 và vào sổ đăng bạ hải quân ngày 1 tháng 3 năm 1902. Không lâu sau hải chiến Tsushima, cô bị nổ hầm đạn và chìm khi neo đậu tại Sasebo (thuốc nổ của Anh rất dễ bị kích nổ, hừm -_- ) nhưng sau đó được kéo nổi trở lại và tái trang bị với vũ khí hiện đại hơn. Sống sót qua hai cuộc thế chiến, hiện cô nằm tại hải cảng nổi tiếng Yokosuka với vai trò như một bảo tàng thiết giáp hạm.


Diana, tàu tuần dương lớp Pallada của Nga, kém may mắn hơn. Sau khi thoát khỏi sự truy đuổi của Nhật Bản hậu trận chiến ở Hoàng Hải, cô cập bến cảng Ba Son ở Sài Gòn, miền Nam Việt Nam nhằm tiếp tế và sửa chữa, do Pháp lúc này là một đồng minh của Nga. Tuy nhiên, người Pháp đã gây khó dễ cho kíp thuỷ thủ của tàu : toàn bộ vũ khí bị đem lưu kho, thuỷ thủ trên tàu bị quản thúc, thuốc men và thực phẩm thiếu thốn. 12 thuỷ thủ đã chết tại xứ nhiệt đới nóng ẩm này; họ được Hải quân Liên Xô và Hải quân Nhân Dân Việt Nam dựng một tượng đài nho nhỏ ở nghĩa trang Lái Thiêu để các thuỷ thủ Liên Xô đóng ở Cam Ranh có thể tưởng nhớ. Diana sau đó bị bán sắt vụn cho Đức, trong một nỗ lực cứu đói người dân Xô Viết vào năm 1922.


Aurora, sau trận hải chiến Tsushima, đến Sài Gòn đưa chị em của mình trở về Nga sau khi đàm phán với nước Pháp. Cô trở thành một phần của lịch sử nước Nga hiện đại : đúng lúc 21 giờ 45 phút đêm ngày 25/10/1917, thuỷ thủ của cô đã bắn một phát đạn báo hiệu từ khẩu pháo trước mũi, khai màn cuộc tấn công Cung điện Mùa Đông - đánh dấu sự thắng lợi quyết định của cuộc cách mạng tháng 10 Nga. May mắn hơn người chị, cô trở thành biểu tượng của Hải quân Xô Viết và Hải quân Nga sau này. Hiện cô là soái hạm biểu trưng của Hải quân Nga, và trở thành bảo tàng nổi ở thành phố Saint Petersburg.