*Đôi điều: Mình muốn truyền tải và gỡ rối cho một vài người vì họ đã không thật sự hiểu trầm cảm là một căn bệnh như thế nào. Dưới góc nhìn là một bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn trầm cảm loạn thần đã và đang được chữa trị trong khoảng thời gian 2 năm vừa qua rất tích cực cũng như một người thích thú tìm hiểu về nó, mình mong muốn mọi người sau khi đọc bài viết này, nếu có quen biết những người trầm cảm hoặc đơn giản vì muốn biết thêm được vài điều có thể  giúp ích được họ thì mong rằng bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Đây là quan điểm cá nhân, cũng như có sự tham khảo của các tài liệu, sách, phân tích kĩ về căn bệnh từ các nguồn tiếng việt lẫn tiếng anh. Hãy tôn trọng ý kiến cá nhân. Thân.
-------------------------------------------------------
Tôi được nghe rất nhiều lời động viên từ người xung quanh khi họ biết tôi mắc phải rối loạn tâm thần. Tôi biết rất khó chấp nhận nhưng trầm cảm thật sự là một rối loạn tâm thần cần phải được điều trị bằng thuốc và những phương pháp trị liệu khác. Vì tôi là một ví dụ điển hình cho việc một người trẻ trong bộ dạng khỏe mạnh đang rất tràn đầy năng lượng để bắt đầu cho cuộc sống mới tại ngôi trường cấp 3. Tôi không biết từ khi nào mà nó lại ghé thăm tôi, tất nhiên trong khoảng thời gian điều trị tôi cũng có những đợt tái phát. Tôi tưởng tượng lúc đó tâm trí tôi như một tòa tháp được xây bằng các mảnh ghép lego vậy. Cứ ngày qua ngày nó rơi ra, rơi ra từng chút. Tôi chỉ lặng yên rồi vỡ ra. Cảm tưởng như thế giới không hề có âm thanh vậy, khi tòa tháp sụp đổ tôi thậm chí còn không nghe thấy tiếng những mảnh ghép chạm sàn. 
Khi tôi đi khám, bác sĩ lúc nào cũng động viên tôi rằng cố gắng tích cực. Tôi biết chứ, nhưng ông chẳng bao giờ nói tôi phải làm gì để tích cực. Nghe đối với người bình thường nó sẽ rất hài hước vì làm sao mà không biết cách làm mình vui được chứ? Nhưng tôi sẽ bày tỏ luôn, khi bạn mắc trầm cảm bạn chẳng cảm thấy cái gì có thể khiến cho bạn tiêu khiển, bạn sẽ ngồi hàng giờ chỉ xem đi xem lại một MV ca nhạc và đờ đẫn như một loài zombie. Mặc dù MV ca nhạc lời Việt nhưng tôi không hề nghe thấy. Thậm chí tôi không thể rời khỏi giường vào mỗi buổi sáng vì tôi biết rằng thức dậy thật đau khổ. Những cơn đau đầu tra tấn tôi liên tục. Cảm tưởng như bạn bị ai đó lấy cây liên tục gõ vào trán vậy. Tôi tự ý nghỉ học trên trường chỉ để ở nhà. Tôi không còn muốn ăn bất cứ gì, tôi ăn ít đi nhưng khi tôi muốn cảm nhận gì đó tôi ăn rất nhiều, tôi cứ liên tục bốc đồ ăn bỏ vào mồm, liên tục liên tục đến nỗi ói ra. Tôi vừa ăn vừa khóc vì tôi sợ cái cảm giác tôi không thể nếm được mùi vị nữa.
Tạm gác lại những nỗi sầu đặc quánh. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về vài điều trong suy nghĩ của bản thân, những điều nói về sự phiền phức của trầm cảm mang đến.
#1 Do thuốc?
"Sao lại làm thế?". Một người quen thuộc hỏi tôi sau khi giúp tôi thoát khỏi việc tự tử bằng cách nhảy lầu.
Tôi trả lời rằng tôi không biết, cứ như có cái gì điều khiển tôi vậy. Và những cơn mất ngủ của tôi không đỡ nó làm tôi kiệt sức mặc dù tôi đã uống thuốc đủ liều. Đây là lần tái phát sau 8 tháng tôi dùng thuốc. Người ta bảo là thuốc trầm cảm phải 6 tháng mới có tác dụng cơ. 
"Do thuốc sao? Vậy phải nói bác sĩ ngay đi."
Tôi bảo không phải. Tôi không điều khiển được hành vi.
Loại thuốc trầm cảm tôi dùng là "venlafaxine" nó thuộc nhóm thuốc trầm cảm tái hấp thu serotonin và được rất nhiều bác sĩ kê đơn vì tác dụng phụ tương đối ít và ổn định. Nhưng tôi đủ tỉnh táo để biết rằng có thể không thể là do thuốc vì hành vi tự tử cũng là một biểu hiện của bệnh. Đúng là đã có nghiên cứu về tác dụng phụ của thuốc sẽ có thể khiến người dùng tự tử hoặc tổn hại chính mình nhưng nó có tỉ lệ rất thấp. Và tôi nghĩ chắc hẳn bác sĩ biết ông đang làm gì chứ?
#2 Chuyện kì thị.
Bố tôi kì thị tôi vì tôi mắc bệnh tâm thần?
Tôi sẽ đặt dấu hỏi chấm cho câu này, mặc dù tôi biết đây là sự thật.
 Định kiến về những bệnh nhân tâm thần thì dù ở xã hội phát triển nào cũng gặp phải. 
Khi một vài người bạn biết tôi bị trầm cảm và thường hay tự tử, họ sợ tôi lây bệnh cho họ và cách ly tôi. Họ nói với những người khác rằng không nên tiếp xúc vì nó có thể khiến chính người đó trở nên như thế. Tôi hiểu, tôi biết nhưng tôi sẽ im lặng. Tôi không biết đây là sự thiếu hiểu biết hay là chính bản thân họ cũng gặp vấn đề chăng?
Tôi luôn vậy, thay vì đi trần dưới trời mưa, tôi sẽ mở ô.
#3 Hội chứng serotonin và những rắc rối.
Tôi thường lên cơn như vậy. Bắt đầu là những cơn chóng mặt gây nôn mửa. Tiếp theo là những cơn tăng trương lực cơ. Sau đó là run rẩy như người bị tiểu đường lên cơn đói. Người tôi trở nên lạnh buốt nhưng lại nóng ngoài da.
Tôi biết lí do tại sao. Khi tôi sử dụng thuốc trầm cảm nhiều sẽ gây ra hiện tượng này lúc ấy serotonin được sản sinh ra quá nhiều. Và việc tiếp theo một là tôi nên đi ngủ hoặc uống thuốc như benzodiazepine. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng sẽ mang theo nó.
Nó khiến tôi nói không rõ ràng luôn ấy. Tôi lái xe cũng khó khi bị lên cơn. Tôi bước đi không vững. Tôi thậm chí không thể cầm bút viết. Khi ngồi một chỗ tôi cảm thấy như mình lơ lửng. Thật phiền phức khi nó ghé thăm. 
Serotonin tập trung rất nhiều ở hệ tiêu hóa, nên khi lên cơn cách tôi cảm thấy dễ chịu nhất là được nôn ra. Nghe hơi kì cục nhưng nó khiến tôi cảm thấy thoải mái.
#4 Khi tôi nói muốn ở một mình xin đừng gõ cửa.
#5 Thấu hiểu.
Trước khi mắc trầm cảm tôi cho rằng bản thân mình chẳng quan tâm làm gì về vấn đề tình yêu đôi lứa. Khi mắc trầm cảm, nó càng làm tôi mất niềm tin hơn. 
Nói về sự thấu hiểu, chẳng cần tình yêu đôi lứa cũng có thể có những tình cảm khác sẵn sàng thấu hiểu. 
Nhưng, người trầm cảm nói dối rất nhiều về cảm xúc của họ.
Thế nhưng nếu có một chút thấu hiểu xin bạn hãy giúp họ, chỉ một ít thôi.
#6 Gia đình rất quan trọng. 
#7 Không phải là tôi cảm thấy cô đơn, mà là tôi sợ bản thân không còn cảm thấy mình cô đơn nữa.
#8 Trầm cảm và sự thiếu trách nhiệm.
Tôi từng đọc qua một confess nói về một cô bạn biện hộ bản thân mình bị trầm cảm để coi như sự chối bỏ về những hành động cô làm là bắt nạt bạn mình. Trường hợp này tôi tìm hiểu và được biết rằng cô này hoàn toàn bình thường về tâm lý. Từ bao giờ người ta dùng trầm cảm để chối bỏ trách nhiệm?
Tôi biết bản thân người trầm cảm rất hay cáu bẩn và bạo lực. Tuy vậy họ chỉ có cáu bẩn với người thân và bạo lực với bản thân. 
#9 Muốn mắc bệnh trầm cảm.
Chưa bao giờ tôi thấy người ta lầm bệnh trầm cảm với cô đơn như bây giờ.
Trầm cảm là một căn bệnh liên quan đến các phản ứng hóa học trong não bộ. Nó là sản phẩm của sự thiếu hụt những chất dẫn truyền thần kinh điển hình như Serotonin. Hiểu đơn giản trầm cảm làm thay đổi bộ não của bạn. Nó là một căn bệnh, một rối loạn.
Cô đơn chỉ là một trạng thái cảm xúc thôi. Đừng nhầm lẫn về nó.
Tôi không muốn mọi người lợi dụng nhiều thứ tiêu cực trong cảm xúc rồi đánh đồng nó rằng mọi người bị trầm cảm thay vào đó họ nên làm những việc vui vẻ để lấy lại tâm trạng. Những người mắc trầm cảm không ai muốn bị nó hết. Nó rất khắc nghiệt, nó là một căn bệnh tuy không truyền nhiễm cũng mang trên mình sự kì thị thế nhưng không hiểu sao nhiều người muốn mắc nó chỉ để muốn được chú ý.
Kết.
Còn khá nhiều thứ tôi muốn chia sẻ hơn.
Nhưng bài viết đã khá dài rồi. 
Hãy luôn giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất để luôn được sống lành mạnh nhé.