Giá hiện tại 36-39k/cp = Vốn hoá 31.000 tỷ
Giá mục tiêu 80-100k/cp = Vốn hoá 7-80.000 tỷ
Mình sẽ tập trung chủ yếu vào các mảng doanh thu tiềm năng của GEX
I. CÁC MẢNG DOANH THU TIỀM NĂNG CỦA GEX
GEX hoạt động sản xuất kinh doanh trong 2 lĩnh vực chính là thiết bị điện, hạ tầng. Ngoài ra, công ty còn đang triển khai thêm các dự án thuộc mảng năng lượng và bất động sản. Trước năm 2021, doanh thu với lợi nhuận chính của công ty đến từ mảng thiết bị điện. Tại Q2/2021, sau khi hợp nhất với VGC, công ty đã có sự đóng góp đáng kể đến từ mảng hạ tầng.
1. Mảng thiết bị điện
Hiện nay, GEX đang sở hữu những công ty có quy mô và thị phần đứng đầu trong ngành Trong đó, Cadivi chiếm doanh thu và lợi nhuận chủ yếu trong mảng thiết bị điệnCadivi hiện tại có 3 nhà máy nằm tại 3 miền Bắc-Trung-Nam với công suất sản xuất đạt 60.000 tấn đồng/năm, 40.000 tấn nhôm/năm và 20.000 tấn hạt nhựa PVC. Công ty cũng sở hữu hệ thống phân phối lớn với số lượng nhà phân phối cấp 1 của Cadivi là hơn 200, Thibidi là hơn 120.
Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, công suất điện của Việt Nam năm 2030 sẽ đạt 137.2 GW (+98.8% so với năm 2020) và năm 2045 đạt 279.7 GW, tương ứng với tăng trưởng CAGR đạt 5.7% giai đoạn 2020-2045. Công suất điện tăng lên để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sẽ kéo theo yêu cầu truyền tải điện năng. Đồng thời, tăng trưởng mạnh nhất trong các nguồn điện là đến từ năng lượng tái tạo nên sẽ kéo theo nhu cầu truyền tải điện lớn hơn. Nhu cầu về lưới điện 220kV và 500kV là gần như tương đương giai đoạn trước và nhu cầu về máy biến áp 500kV tăng mạnh.
Xu hướng năng lượng tái tạo gây áp lực về cơ sở hạ tầng truyền phát điện, do đó sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm truyền tải điện của GEX.
* Dự phóng mảng thiết bị điện GEX với NPATMI năm 2021 đạt 790 tỷ đồng và trung vị P/E ngành là 10.0, giá trị mảng thiết bị điện của GEX đạt 7,900 tỷ đồng
2. Mảng hạ tầng
Mảng hạ tầng của GEX được đóng góp chính bởi Viwasupco và Vigalcera
Đối với mảng hạ tầng nước, thông qua công ty đầu tư Nước sạch Sông Đà, GEX có được dòng tiền đều và ổn định đi kèm với tăng trưởng hàng năm do tiêu thụ nước tại Hà Nội tăng cao. Đồng thời DN cũng đang xin phê duyệt nâng công suât lên 600,000 m3/ngày (gấp đôi công suất) và dự án tuyến ống truyền tải cấp 2
=> Đây sẽ là đóng góp quan trọng trong dòng tiền của GEX khi 90% tổng sản lượng nước của công ty được bán cho 3 khách hàng chính bao gồm Viwaco, Hawaco và nước sạch Hà Đông.Ngoài ra sau khi hợp nhất với Viglacera vào năm 2021, VGC sẽ đóng góp chính trong mảng hạ tầng của GEX, hoạt động chính là vật liệu xây dựng (bao gồm gạch gạch ốp lát, gạch ngói, sứ, sen, vòi, kính, gương) và bất động sản khu công nghiệp, trở thành công ty có công suât và thị phần lớn nhất trong sản xuất gạch ốp lát tại Việt Nam sau khi hoàn thiện việc mua Nhà máy Gạch men Bạch Mã
Các sản phẩm của Viglacera được dùng trong việc hoàn thiện cho nhà ở nên doanh thu của công ty sẽ được hưởng lợi lớn vào tình hình thị trường bất động sản cùng với tiến độ bàn giao nhà cuối năm nay
Viglacera là nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp hàng đầu tại miền Bắc với 12 KCN lớn. Trong đó, công ty còn nhiều quỹ đất cho thuê KCN có vị trí thuê hấp dẫn với giá cho thuê cao tại Hưng Yên và Bắc Ninh
Mới đây, Viglacera đã được phê duyệt chủ trương đầu tư khu công nghiệp Thuận Thành I (Bắc Ninh) với quy mô 249,75 ha, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Gelex cũng đã đầu tư vào KCN Dầu khí Long Sơn để chuẩn bị cho chiến lược phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
* Ước tính giá trị doanh nghiệp đóng góp vào GEX là 10,749 tỷ đồng từ cả Viwasupco và Vigalcera
3. Mảng bất động sản
Hiện tại, Gelex có các dự án bất động sản lớn như sau:
- Số 52 Lê Đại Hành (Gelex Tower) Hà Nội
Trụ sở làm việc chính của Gelex, là tòa nhà văn phòng hạng A với 22 tầng nổi cùng 3 tầng hầm. Diện tích tổng thể dự án 931 m2, diện tích xây dựng mặt sàn là 676 m2
- Số 10 Trần Nguyễn Hãn và số 27-29 Lý Thái Tổ Hà Nội
Diện tích khu đất là 9,934m2 được phê duyện vào 2013, xây dựng làm khách sạn, thương mại, văn phòng với quy mô 8 tầng, 1 tum và 4 tầng ngầm, mật độ xây dựng 51% với tổng mức đầu tư 1,900 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hiện nay dự án vẫn chưa được triển khai.
- Số 70-72 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Cadivi Tower) Hồ Chí Minh
Dự án được khởi công 03/2020 và hiện vẫn đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Dự kiến dự án sẽ là trụ sở làm việc chính của Cadivi với 12 tầng nổi và 4 tầng hầm.
- Công ty liên kết Số 44 Lý Thường Kiệt (Khách sạn Melia) Hà Nội
Tập đoàn Gelex thông qua công ty con là CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội, sở hữu 35% vốn tại SAS-CTAMAD pháp nhân sở hữu khách sạn Melia Hà Nội.
Dự phóng
Gelex Tower: Giá cho thuê (bao gồm phí dịch vụ) là 21 USD/m2, tỷ lệ lấp đầy 100%
Cadivi Tower: Giá cho thuê (bao gồm phí dịch vụ) là 34 USD/m2, tỷ lệ lấp đầy 100%
Khách sạn Melia: Giá phòng (bao gồm phí dịch vụ) là 140 USD/đêm, tỷ lệ cư trú 80% (trong bối cảnh khách sạn hoạt động bình thường)
4. Mảng năng lượng
CTCP Phú Thạnh Mỹ với nhiệm vụ chính là quản lý Nhà máy thủy điện Sông Bung 4A nằm tại tỉnh Quảng Nam, với công suất 45MW, có 2 tổ máy và đem lại 200 triệu kWh điện hàng năm.
Năng lượng tái tạo là mảng được GEX đầu tư CAPEX nhiều nhất và được GEX chú trọng đầu tư trong những năm gần đây. Chủ yếu nhờ vào việc giá điện thu mua từ EVN hấp dẫn, suất đầu tư hấp dẫn đem lại hiệu quả đầu tư cao. GEX chủ yếu tài trợ các dự án của mình với tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 7:3, do đó lợi nhuận ghi nhận trong 1-2 năm đầu sẽ không cao, tuy nhiên bắt đầu từ năm thứ 3 của các dự án thì lợi nhuận sẽ bắt đầu ghi nhận lớn hơn.
Dự án ĐMT Gelex Ninh Thuận do GEX làm chủ đầu tư, sở hữu 100% với công suất 50 MW, 70ha với sản lượng điện hàng năm ước tính 82 triệu kWh. Dự án đã đi vào hoạt động trong năm 2019 và được hưởng giá FIT 9.35 cent/kWh trong vòng 20 năm do đó có dòng tiền mạnh, dự kiến sẽ hoàn vốn không chiết khấu trong vòng 5 năm từ khi dự án đi vào hoạt động
Dự án Điện gió Gelex Quảng Trị và Dự án Điện gió Hướng Phùng do GEX làm chủ đầu tư
GEX đã hoàn thành 2 dự án điện gió Gelex Quảng Trị và Hướng Phùng với tổng công suất 2 dự án là 140 MW trước ngày 01/11/2021 để được hưởng ưu đãi giá FIT 8.5 cent/kWh
Theo cập nhật từ tổng thầu 2 dự án này là SCI thì hiện tại các dự án các dự án đang trong quá trình hoàn thiện đúng tiến độ. Với dự án Gelex Quảng Trị 1, 2, 3 tính đến 29/10/2021, SCI đã công nhận việc vận hành thương mại đối với 3 dự án này.
Khi 2 dự án trên đi vào hoạt động từ 11/2021 sẽ đem lại 420-460 triệu kWh/năm và đem về thêm cho GEX doanh thu 810 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế (sau giai đoạn đã trả hết vay nợ, khoảng sau 3 năm đi vào vận hành) là khoảng 400 tỷ đồng/năm
Với các dự án năng lượng tái tạo với các giả định là:
- Thời gian hoạt động dự án: 20 năm
- Tỷ lệ sụt giảm hiệu suất: 0.5%/năm
- Chi phí bảo dưỡng, quản lý: 10 USD/kW/năm với ĐMT và 35 USD/kW/năm với Điện gió
- Hiệu suất với các dự án điện gió: 35% (với tốc độ gió 6-7 m/s)
- Cấu trúc vay nợ/vốn chủ sở hữu: 70%/30%.
- Chi phí vốn: Ke = 11.4%, Kd = 9.0%, WACC = 9.1%
II. GELEX SẼ IPO, NIÊM YẾT MẢNG THIẾT BỊ ĐIỆN
Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex đang chuẩn bị những bước đi cần thiết cho việc đưa cổ phiếu của công ty con Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric) lên sàn UPCoM vào quý IV/2021.
Trước khi đưa GE lên sàn, GEX đã chào bán riêng lẻ cho 1 số nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư cá nhân nhằm đưa vốn điều lệ của GE~3,000 tỷ đồng, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu về mức 80% tại công ty này.
Vậy G-Electric sẽ sở hữu những tài sản nào của GEX: Toàn bộ nhánh sản xuất thiết bị điện (CAV, THI, HEM…) của công ty sẽ là công ty con của GE, bên cạnh đó các dự án điện tái tạo như Phú Thạnh Mỹ,Quảng Trị, Hướng Phùng…) sẽ được chuyển từ Hạ tầng Gelex sang nhánh của GE thông qua hoạt động M&A trong nội bộ tổng công ty. Bên cạnh đó, theo chia sẻ từ công ty, công ty đang tìm kiếm đối tác để có thể chuyển giao một số dự án điện tái tạo của công ty. Việc đưa Gelex Electric lên sàn một phần cũng là để tạo thanh khoản cho những tài sản dự án của công ty, và giúp cho các hoạt động huy động vốn cũng như các kế hoạch M&A của công ty được thuận lợi hơn.
Gelex “đẩy” doanh thu, lợi nhuận cho công ty con?
Bản giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Gelex Electric của công ty chứng khoán cho biết, theo kế hoạch, doanh thu giai đoạn 2021 -2026 của doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng 6%. Gelex Electric sẽ tiếp tục sử dụng chiến lược M&A để tăng quy mô và mạng lưới phân phối, tăng năng lực sản xuất.
Sau khi lên sàn, Gelex Electric sẽ thực hiện M&A các dự án năng lượng tái tạo từ các công ty trong Tập đoàn Gelex.
Cụ thể, sau khi lên sàn chứng khoán, Gelex Electric sẽ thực hiện M&A các dự án năng lượng tái tạo từ các công ty trong Tập đoàn Gelex, trong đó có các dự án đã phát điện thương mại và có thể ghi nhận lợi nhuận ngay lập tức.
Được biết, Gelex đang sở hữu hàng loạt nhà máy điện năng lượng tái tạo như Phú Thạnh Mỹ (thủy điện), Gelex Ninh Thuận (điện mặt trời), Hướng Phùng (điện gió), Gelex Quảng Trị (điện gió)…
Nếu kế hoạch này được triển khai, Gelex Electric được bổ sung doanh thu và lợi nhuận từ mảng năng lượng tái tạo. Trong khi đó, Gelex hợp nhất kết quả kinh doanh các dự án năng lượng tái tạo thông qua hợp nhất kết quả kinh doanh của Gelex Electric.
Việc đưa cổ phiếu Gelex Electric lên sàn và M&A mảng điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới có thể giúp Gelex thực hiện việc định giá lại tài sản là các công ty trong lĩnh vực thiết bị điện, cũng như có thể tận dụng thị trường triển khai các kế hoạch huy động vốn với thương hiệu Gelex, thay vì để các công ty đơn lẻ có gốc sở hữu nhà nước.
III. TỔNG KẾT
Như vậy qua bảng có thể thấy thì Giá thị trường hiện tại đang định giá ở mức thấp so với bình quân với các ngành sản xuất nói chung và thiết bị điện nói riêng.
Ngoài ra trong các năm tiếp theo khi BĐS được hưởng lợi từ các chính sách bơm tiền và đầu tư công mở rộng của chính phủ. Các mảng kinh doanh của GEX cũng được hưởng lợi rất lớn trong giai đoạn này.
Từ đó ra mức giá dự báo tiềm năng của GEX ở mức 80-100k/cp là hoàn toàn xứng đáng và có thể trở thành doanh nghiệp tiếp theo nằm trong chỉ số VN30 trong 1-2 năm tới.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất