Cô đơn - từ một dạng cảm xúc đến một loại dịch bệnh hay một đội quân quái vật trong tâm trí.
Một vài người nói cô đơn mạn tính như hút 15 điếu thuốc 1 ngày, giết nhiều người hơn bệnh béo phì....
Một vài người nói cô đơn mạn tính như hút 15 điếu thuốc 1 ngày, giết nhiều người hơn bệnh béo phì.
Nhiều thế kỉ trước, hầu hết không ai sống 1 mình, việc đi lạc quá xa ra khỏi “xã hội” đồng nghĩa với việc từ bỏ lá chắn bảo vệ. Vào thời kì đầu của nước Anh, rừng, núi, thảo nguyên hay những không gian trống rỗng thường được lấy ví dụ về những nơi mà bạn có thể gặp phải bất trắc, những “thứ” có thể làm hại bạn.
Vậy sự cô đơn thời hiện đại biến đổi như thế nào?
Rõ ràng, sự hiện đại ngày nay gắn liền với thành phố với những tòa nhà chọc trời đến những khu ổ chuột, với mật độ dân số lớn, một chiếc lồng chim với đủ các giống chim khác nhau chen chúc và phân chia rõ ràng lãnh thổ, thức ăn, nhưng giống chim quý sẽ được hưởng điều kiện sống tốt hơn giống chim “không quý”. Nhưng có chắc rằng điều kiện sống tốt hơn có còn hiện hữu nỗi cô đơn? Câu trả lời là có. Ngay cả khi chúng tận hưởng sự hoang dã, sải cánh trên bầu trời, thì nỗi sợ hãi về sự cô đơn vẫn tồn tại, vấn đề là sự cô đơn ngày nay đã ẩn mình trong những ánh đèn của thành phố.
Vào thế kỉ thứ 17, khi sự cô đơn như những con Titan liên kết chặt chẽ với không gian bên ngoài thành phố, phương thuốc tốt nhất đó là quay trở lại thành phố, sau bức tường thành kiên cố. Tuy nhiên, những con Titan đó đã vượt qua được nhiều lớp tường thành một cách âm ỉ, từ từ, qua từng lớp tường bị mài mòn theo thời gian, chúng càng trở nên khó đối phó bởi vì chúng ăn sâu vào trong tâm trí, kí sinh vào trong nội tâm. Đối phó với chúng thì con người trong thành phố đồng nghĩa với việc đối phó với tâm trí của chính mình. Sự hoang dã không còn bên ngoài thành phố nữa mà bây giờ là bên trong chúng ta.
Phương pháp chữa trị ư? Thật trừu tượng làm sao. Sự trừu tượng đáng sợ. Bảo trì những bức tường bao quanh thành phố để sự hoang dã này được cách li khỏi tâm trí hoàn toàn ư? Có vẻ không khả thi mấy. Bí quyết không nằm ở việc cố gắng làm cho nó biến mất hoàn toàn mà nằm ở việc tìm cách sống và thích nghi trong những điều trừu tượng đó. Khi trải qua cảm giác cô đơn, mình rất hay nhận được những lời khuyên kiểu: “Đừng ở một mình nữa”, “Tạo nhiều mối quan hệ lên”, “Đừng buồn nữa hãy vui lên”,… Nó giống như dùng kẹo bạc hà để chữa bệnh viêm phổi vậy, mặc dù vậy nhưng thật biết ơn những người đã động viên mình.
Mỗi người đều trải qua cảm giác cô đơn theo nhiều cách khác nhau, rất khó để diễn tả. Tiểu thuyết gia Joseph Conrad từng viết:” Who knows what true loneliness is – not the conventional word but the naked terror? To the lonely themselves it wears a mask.” Cảm giác cô đơn có thể đến với một sinh vật sau khi mất đi một thứ hoặc mất đi mối liên kết của thứ đó với sinh vật đó. “Sinh vật” vừa khái quát lại vừa gói gọn trong tự nhiên vì từng con vi khuẩn – cũng thuộc tập sinh vật- có vẽ như không quan tâm mấy đến sự cô đơn, nhưng sinh vật bậc cao lại phức tạp và khách quan hơn trong việc nghiên cứu về sự cô đơn.
Một ví dụ câu chuyện của “chàng tinh tinh” trong vườn thú Philadelphia Zoologica Garden được quan sát và đánh giá hành vi bởi những người chứng kiến sau khi “nàng tinh tinh” mất vì bệnh sau một trận cảm lạnh, câu chuyện này được kể bởi tác giả Jill Lepore trong bài viết “The history of loneliness” và được dịch lại bởi Huskywannafly. Họ nói rằng trong suốt một quãng thời gian dài, chàng tinh tinh cứ cố gắng làm cho nàng tỉnh. Rồi sau đó chàng ta “phát điên lên trong sự đau khổ”. Cơn bộc phát này trùng khớp với những gì mà Darwin đã mô tả về con người: “Những người phải chịu đựng sự đau khổ ngoài sức tưởng tượng thường cố tìm cách giải tỏa bằng bạo lực hoặc bằng các cử chỉ điên khùng.” Chàng tinh tinh đau khổ bắt đầu bứt tóc khỏi đầu. Chàng gầm rú, tạo ra những âm thanh mà người trông coi sở thú chưa nghe bao giờ. “Tiếng khóc của nó có thể được nghe ở mọi ngóc ngách trong khu vườn. Nó lao mình vào các thanh chắn ở trong chuồng và cố đập đầu mình xuống nền gỗ cứng. Và khi nỗi đau tột độ này qua đi, nó vùi đầu dưới đống rơm ở trong một góc và kêu thảm thiết như thể tim nó sắp vỡ ra.”
Có ai nhận ra mình trong đó không? Ai đã từng gầm rú trong im lặng hay dùng bạo lực nhưng bằng một cách “văn minh hơn”, không phải vì loài người tinh khôn chúng ta người cũng thuộc bộ linh trưởng như tinh tinh mà là vì cô đơn không chừa một ai.
Vậy nên dịch bệnh hiện giờ như buff thêm nội tại cho Titan bên ngoài thành phố, chỉ mong mọi người có một đội quân đủ sức trụ vững và hãy tìm kiếm một vị quân sư đủ tài tình để cầu hòa và kết giao với sự cô đơn trong tâm trí của mình.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất