Khi mình viết bài về niềm tin trong kinh tế học, vì viết vắn tắt nên có lẽ mình đã không giải thích đầy đủ được ý trong bài.  Do đó mình đã tổng hợp ý, lược dịch và viết lại một phần trong sách Sapiens: A brief history of humankind của Giáo Sư Đại học Harvard, Yuval Noah Harari. Bài viết này sẽ làm sáng tỏ hơn khái niệm niềm tin trong xã hội. Chú thích trong ngoặc là của mình. Từ “thần thoại” là tạm dịch từ chữ “myth” và từ “loài người” từ chữ “Sapiens”.
Bìa sách
Bất cứ một tổ chức hay công việc quy mô lớn đòi hỏi sự tham gia của một số lượng lớn người (trên 150 người) - bất kể đó là một quốc gia hiện đại, một nhà thờ thời Trung Cổ, một đô thị cổ hay một bộ lạc xa xưa - đều có khởi nguồn từ những chuyện thần thoại phổ biến mà chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người. Các nhà thờ tồn tại nhờ vào các thần thoại trong tôn giáo. Hai người Công Giáo tuy chưa gặp nhau bao giờ trước đây có thể sát cánh với nhau trong một cuộc Thập Tự Chinh (diễn ra vào thế kỷ XI-XIII) hoặc cùng góp tiền xây bệnh viện vì họ tin rằng Chúa đã đầu thai dưới hình hài con người và để cho mình bị đóng lên cây Thập tự nhằm xóa tội cho loài người. Khái niệm quốc gia tồn tại cũng nhờ vào niềm tin vào thần thoại. Hai người Serbs tuy chưa gặp nhau bao giờ nhưng sẵn sàng hi sinh thân mình bảo vệ mạng sống cho nhau vì họ tin vào một khái niệm gọi là quốc gia, dân tộc, tin vào lá cờ tổ quốc của Serbia. Hai luật sư tuy chưa gặp nhau nhưng đều có thể cùng chung sức bảo vệ quyền lợi cho một người lạ bị hãm hại vì họ tin vào sự tồn tại của luật pháp, công bằng, quyền con người và tin vào giá trị món tiền trả cho họ.
"Khả năng tưởng tượng là năng lực duy nhất mà chỉ loài người sở hữu. Bạn không bao giờ có thể thuyết phục được một con tinh tinh cho bạn một quả chuối bằng cách hứa với nó rằng khi chết, nó sẽ được lên Thiên Đàng và nhận được vô vàn những quả chuối vì những việc thiện nó đã làm nơi trần thế. Không con tinh tinh nào sẽ tin vào chuyện hoang đường đó cả. Chỉ có con người mới tin vào chúng."
Trạm Đọc, Tại sao loài người thống trị Trái Đất?
Những khái niệm ấy chỉ tồn tại trong những câu chuyện con người tưởng tượng ra và kể cho nhau. Không có các vị thần trong vũ trụ này, không có quốc gia, không có tiền bạc, không có quyền con người, không có luật pháp và không có công bằng thực sự tồn tại trong thế giới thực; những thứ đó chỉ có nếu con người tiếp tục tin vào trí tưởng tượng của mình.
Nhưng chỉ tưởng tượng thôi là không đủ, con người còn cố gắng thuyết phục đồng loại của mình tin vào điều tưởng tượng đó nữa. 
.........
Huyền thoại về hãng xe Peugeot là ví dụ tiêu biểu cho khái niệm trên.
Biểu tượng trông giống như người-sư-tử Stadel xuất hiện khắp mọi nơi hiện nay trên các xe hơi, xe tải và xe gắn máy từ Paris cho tới Sydney. Nó là một biểu tượng trang trí làm đẹp cho các xe sản xuất bởi Peugeot, một trong những hãng xe lâu đời và lớn nhất Châu Âu. Peugeot thuở ban đầu chỉ là công ty nhỏ của một gia đình trong một ngôi làng ở Valentigney. Hiện nay tập đoàn này có hơn 200,000 công nhân làm thuê trên khắp thế giới và đa số bọn họ đều là người lạ của nhau. Những người lạ này phối hợp với nhau tốt đến nỗi vào năm 2008  Peugeot sản xuất được 1.5 triệu xe hơi, kiếm được 55 tỷ Euros doanh thu.

Theo nghĩa nào thì chúng ta có thể nói rằng Peugeot SA (tên chính thức của công ty) tồn tại? Có rất nhiều xe Peugeot nhưng chắc chắn chúng không phải là công ty. Cho dù một ngày nọ toàn bộ xe Peugeot trên thế giới bị vứt đi và bán lại cho xưởng tái chế,  Peugeot SA vẫn còn tồn tại. Tập đoàn đó sẽ vẫn tiếp tục sản xuất xe mới và ấn hành báo cáo tài chính hằng năm. Tập đoàn đó sở hữu  nhà máy, máy móc và showrooms, thuê nhân viên kỹ thuật, kế toán, thư ký nhưng bọn họ và những máy móc đó gộp lại không tạo ra Peugeot. Một thảm họa nào đó có thể xảy đến và giết chết hết tất cả nhân viên của Peugeot cùng với toàn bộ máy móc của nó nhưng nó vẫn tồn tại. Tập đoàn sẽ thuê nhân viên mới, vay tiền để xây mới nhà máy và mua nguyên vật liệu. Peugeot có quản lý và cổ đông nhưng họ không tạo thành Peugeot.  Tất cả quản lý có thể bị sa thải và cổ phần công ty bị bán đi hết. Nhưng công ty vẫn sẽ tồn tại.
Tuy vậy điều đó không có nghĩa là Peugeot là bất tử và không thể bị tiêu diệt. Nếu một quan toàn có thẩm quyền bắt Peugeot phải bị giải thể thì toàn bộ công ty sẽ bị biến mất, mặc dù từ nhà máy, máy móc, giấy tờ cho đến nhân viên, kỹ sư, kế toán lẫn quản lý lẫn các cổ đông vẫn còn tồn tại. Nói ngắn gọn, Peugeot dường như không có bất kỳ mối liên kết nào đến thế giới thực, vậy nó có thực sự tồn tại?
Peugeot chỉ là một mảnh ghép trong vô số mảnh ghép trong trí tưởng tượng của chúng ta. Thậm chí ở New Zealand, người ta đã coi một con sông đã được coi như một thực thể sống dưới mắt pháp luật, đó là sông Whanganui, và nó có nhân quyền như bất kì người dân New Zealand nào. Các luật sư gọi đó là “legal fiction” (xin lỗi không dịch được). Nó không thể bị cầm nắm hay sờ được. Nhưng nó vẫn tồn tại như một thực thể tồn tại trong khuôn khổ pháp luật. Giống như bạn và tôi, nó bị gò trong khuôn khổ pháp luật của nước sở tại mà nó hoạt động. Nó có thể mở tài khoản ngân hàng và sở hữu tài sản. Nó trả thuế và có thể bị kiện và có thể bị phạt mặc dù người chủ của nó không bị phạt.
New Zealand river granted same legal rights as human being
Peugeot tồn tại trong một khái niệm pháp lý gọi là “công ty trách nhiệm hữu hạn”. Ý tưởng tạo nên khái niệm này là một trong những phát minh tuyệt vời nhất của loài người. Loài người đã trải qua nhiều thiên niên kỷ từ thời kỳ là người tối cổ cho đến thời kì Trung Cổ mà không hề biết đến khái niệm này. Trong suốt mấy nghìn năm tồn tại của loài người, tài sản được quy định chỉ có thể được sở hữu bởi con người bằng xương bằng thịt, tức là chủng loài đứng trên hai chân và có não bự. Nếu bạn mở một cửa hàng kinh doanh vào thế kỷ 13 ở Pháp và vay tiền từ ngân hàng để làm “startup”, rồi một ngày chiếc xe gỗ bạn đóng cho khách hàng bị hỏng nặng một tuần sau khi bán, người khách giận dữ sẽ kiện chính bạn. Nếu bạn vay 1000 đồng vàng từ ngân hàng và không làm ăn lời được, bạn sẽ phải bán nhà bán đất để trả nợ. Thậm chí là bán con cái. Và nếu vẫn không đủ thì bạn bị tống vô tù. Tài sản của công ty cũng là tài sản của bạn. Trách nhiệm của bạn lúc đó là “vô hạn”. Với khái niệm “trách nhiệm vô hạn”, rất ít người dám làm ăn lớn. 
Thế rồi để giải quyết vấn đề này, loài người tập hợp lại và bắt đầu tưởng tượng ra một khái niệm mới gọi là “công ty trách nhiệm hữu hạn”. Công ty đó là một thực thể hoàn toàn tách biệt với người sở hữu nó, những người bỏ tiền đầu tư vào nó và những người quản lý nó là hai nhóm khác nhau. Tài sản của công ty không liên quan gì đến tài sản của CEO cả và nếu công ty có phá sản thì cũng không ai đến nhà gõ cửa những người quản lý để đòi tiền. Trong những thế kỷ qua, khái niệm tưởng tượng này đã giúp thành lập nên hàng trăm công ty lớn trên thế giới, giúp thúc đầy sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Ở Mỹ, thuật ngữ để chỉ những công ty này là “tập đoàn”. Đây là một điều mỉa mai vì từ “corporation” (tập đoàn) có nguồn gốc từ chữ “corpus” trong tiếng Latin vốn mang nghĩa “body” (cơ thể), thứ mà các “tập đoàn” hoàn toàn không hề có. Mặc dù không có “cơ thể thực”, pháp luật Mỹ vẫn coi các tập đoàn này như người bằng xương bằng thịt. Khi Armand Peugeot thành lập tập đoàn Peugeot vào năm 1896 ở Pháp, pháp luật của quốc gia này đã bắt chước hoàn toàn khái niệm tập đoàn từ Mỹ. Peugeot mất năm 1915 nhưng công ty của ông vẫn tồn tại và sống khỏe đến giờ.
Khái niệm trách nhiệm hữu hạn đã tồn tại hàng trăm năm nay và lan ra khắp nơi trên thế giới.
Vậy các “công ty trách nhiệm hữu hạn” được thành lập như thế nào? Những công ty đó được thành lập theo cách giống như các thầy phù thủy và tông đồ tạo nên Chúa ở thời cổ đại, cũng giống như các buổi lễ tôn giáo diễn ra hằng ngày ở Nhà Thờ ở Paris vào Chủ Nhật. Công việc chính để tạo ra những cái thật từ trí tưởng tượng là đi rao giảng khái niệm đó ở khắp nơi và thuyết phục mọi người tin là nó có thật. Ví dụ như theo như lễ Cures ở nhà Thờ ở Paris, câu chuyện cốt lõi xoay quanh về cuộc đời và cái chết của Jesus Christ. Theo như câu truyện này, nếu một linh mục Thiên Chúa Giáo khoác lên mình một bộ quần áo linh thiêng, nghiêm trang đọc những từ đã được định sẵn vào đúng thời điểm định sẵn, thì những mẩu bánh mì và rượu vang sẽ biến thành thịt và máu của Chúa trời. Linh mục sẽ thốt lên: “Hoc est corpus meum!” ( Tiếng Latin cho “Đây là cơ thể của ta”) thì “hocus pocus”, mẩu bánh mì sẽ thành thịt của Chúa. Khi thấy ngài linh mục đã hoàn thành nghi lễ một cách nghiêm trang và đúng theo các quy tắc, hàng triệu người Công giáo ở Pháp sẽ hành xử như thể Chúa đang tồn tại quanh họ dưới hình dạng bánh mì và rượu vang.
Trong trường hợp của Armand Peugeot, câu chuyện cốt lõi xoay quanh những điều khoản trong luật pháp của nước Pháp, được viết và phê chuẩn bởi một nhóm người gọi là Quốc hội. Theo các nhà làm luật của nước Pháp, nếu một luật sư có đủ chứng chỉ hành nghề quy định thực hiện đủ các bước đăng ký giấy tờ theo đúng quy định (như linh mục làm đủ các bước quy định trong nghi lễ Cures), viết toàn bộ những câu chữ cần thiết trong một tờ giấy được trang trí đẹp đẽ và ký vào cuối tờ giấy tên của mình thì “hocus pocus” - một tập đoàn ra đời. Khi Armand Peugeot thành lập Peugeot, ông thuê một luật sư để thực hiện đầy đủ các “nghi lễ” này. Khi các nghi lễ đã hoàn tất, hàng triệu công dân Pháp hành xử như thể Peugeot có tồn tại.
.......
Khả năng tạo ra cái thực từ trí tưởng tượng khiến cho hàng triệu người lạ có thể tin vào nhau và làm việc chung với nhau một cách hiệu quả. Nhưng nó cũng tạo ra nhiều hệ quả khác. Khi con người ta làm việc chung với nhau dựa vào chung một niềm tin, một câu chuyện thì họ cũng có thể thay đồi bằng cách kể cho nhau một câu chuyện khác. Khi gặp đúng hoàn cảnh, câu chuyện có thể thay đổi một cách chóng mặt. Năm 1789, người dân Pháp chỉ sau một đêm đã không còn tin vào câu chuyện rằng vị vua của họ có quyền lực từ Chúa ban cho mà bắt đầu thuyết phục nhau để tin rằng mọi người sinh ra có quyền tự do và độc lập (dẫn đến Cách mạng Pháp). 
Và điều đáng kinh ngạc của con người đó là mặc cho những câu chuyện có thay đổi cấu trúc xã hội loài người thế nào thì con người vẫn thích nghi và phát triển được. Hãy cân nhắc trường hợp một công dân Đức sinh ra ở Berlin vào năm 1900. Thời niên thiếu cô ấy sống dưới chế độ Quân chủ của Đế quốc Đức với câu chuyện phổ biến là Hoàng đế Wilhem II của dòng họ Hohenzollern được ban quyền lực từ chúa Trời. Năm 1919, nước Đức chuyển qua chế độ cộng hòa Weimar và mọi người tin vào khái niệm dân chủ. Năm 1933 nước Đức chuyển qua chế độ Phát Xít và mọi người tin vào thuyết nhân chủng học, rằng người da trắng Aryan thì là thượng đẳng và vượt lên tất cả các chủng người khác. Câu chuyện dân chủ bị vứt đi và thay thế bằng niềm tin vào chế độ độc tài, và Hitler thành vị thánh mới. Sau năm 1945 nước Đức có hai niềm tin: ở Đông Berlin, nơi cô gái sinh sống, người dân tin vào khái niệm Cộng Sản, nền kinh tế tập trung và công bằng cho toàn bộ nhân loại, ở Tây Berlin hàng xóm của cô gái tin vào sự dân chủ và kinh tế thị trường. Sau năm 1991, nước Đức thống nhất và mọi người lại thống nhất tin vào các khái niệm tự do, dân chủ, kinh tế thị trường. Người phụ nữ sinh ra ở Berlin đã trải qua rất nhiều thay đổi trong cấu trúc xã hội nhưng DNA của cô ấy vẫn giữ nguyên và cô ấy có nhu cầu ăn uống, mua sắm như khi cô ấy sống dưới thời Wilhem II, chỉ có cách làm để đạt được nhu cầu đó là thay đổi.
"Nếu một bầy ong phải đối mặt với sự đe dọa hay cơ hội mới, chúng không thể tái tạo hệ thống xã hội của mình qua một đêm để thích nghi tốt hơn. Ví dụ, bầy ong không thể tử hình ong chúa và thành lập ra nền cộng hòa."
Trạm Đọc, Tại sao loài người thống trị Trái Đất.
..........
Kể một câu chuyện thuyết phục không hề khó. Phần khó nằm ở chỗ không phải kể chuyện mà là thuyết phụ mọi người tin vào nó. Phần lớn lịch sử loài người xoay quanh câu hỏi này: làm sao để thuyết phục hàng triệu người khác tin vào các khái niệm như Chúa trời, quốc gia hay là “công ty trách nhiệm hữu hạn”. Nhưng khi đã thành công rồi thì nó giúp con người sở hữu quyền năng siêu nhiêu vì nó giúp hàng triệu người lạ mặt làm việc chung với nhau để đạt được kết quả chung. Hãy tưởng tượng cuộc sống sẽ khó khăn thế nào để thuyết phục người khác xây nhà thờ, tòa án, thành lập chính phủ và tin vào lòng yêu nước nếu chúng ta chỉ nói về những thứ thực sự tồn tại, thấy được, chạm được, nghe và ngửi được như cây, đá, sông và biển?
________________________________________________________________________________
Còn đây là bài đánh giá về sách trên Trạm Đọc: Tại sao loài người thống trị Trái Đất?