Chuyện về “Start-up” và Hàn Quốc 4.0
Khi bạn còn trẻ, khi mà nhiệt huyết của tuổi thanh niên còn đang căng tràn trong lồng ngực bạn, đã có một lúc nào đó hay đơn giản chỉ...
Khi bạn còn trẻ, khi mà nhiệt huyết của tuổi thanh niên còn đang căng tràn trong lồng ngực bạn, đã có một lúc nào đó hay đơn giản chỉ là một khoảnh khắc thôi, bạn nghĩ mình sẽ thử start-up (khởi nghiệp) hay chưa? Một ngày bỗng dưng những ý tưởng kinh doanh mới mẻ nhưng đầy mạo hiểm vụt qua tâm trí bạn, liệu bạn có dám thử thách bản thân đến thế? Tôi tin chắc rằng ai trong chúng ta cũng đều có những giây phút "máu lửa" như vậy của riêng mình đúng không, cá nhân tôi đã từng có suy nghĩ mình sẽ mở một cửa hàng bán những bức tranh do mình tự tay vẽ (hồi đó hình như tôi mới có 8 tuổi thôi, mà tôi vẽ xấu lắm á:>) cũng có lần tôi gật gù với quyết tâm sẽ mở tiệm chè sau khi thử trộn kem sữa dừa với sữa chua kèm bánh cá *cười lớn*. Nhưng tất nhiên những suy nghĩ trẻ con như vậy đều chẳng đi tới đâu cả và tôi vẫn đang ngồi trước màn hình máy tính mà viết những dòng này đây.
Trong bài viết của kì trước, tôi từng nói rằng phim Hàn đang có sự thay đổi vô cùng mạnh mẽ đặc biệt vào những năm gần đây. Đúng thế, khi thế giới đang rộn ràng hội nhập thì cùng với đó là sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0, nền điện ảnh, theo một lẽ tất yếu, cũng ngày càng mở rộng ra nhiều phạm vi, phạm trù hơn nữa. Tất nhiên các nhà biên kịch Hàn Quốc cũng không hề chậm trễ mà ngay lập tức tiếp thu một khái niệm còn rất mới vào những câu chuyện của mình: "Start-up". Thú thực trong khoảng 10 năm gần đây, cái tên "khởi nghiệp" đã được nhắc tới khá nhiều trong phim Hàn, song hầu như ít có nhà làm phim nào thực sự đi sâu vào nó. Những nhân vật mà ta vẫn quen nhìn thấy hầu hết đều là các cậu ấm cô chiêu, con cháu tài phệt giàu có hoặc nhân viên văn phòng, part-timer,... bét nhất thì là vô công rồi nghề mà thôi. Còn khởi nghiệp nếu có thì kịch bản phim cũng sẽ đi theo hướng phát triển vô cùng quen thuộc: Nam/nữ chính có ước mơ lớn( làm chủ một cửa hàng/mở công ty,...) -> gặp vô cùng nhiều khó khăn -> gặp đc nữ/nam chính còn lại -> hai người giúp đỡ lẫn nhau -> thành công rực rỡ và happy ending. Chấm hết. Nhưng gần đây có vẻ các biên kịch xứ Kim chi đã bắt đầu đem đến cho ta những kịch bản thú vị và đời hơn rất nhiều về vấn đề này.
Vào đầu những năm 90 hay 2000, phim Hàn thường đi theo hướng lãng mạn, ngôn tình hóa khi nhân vật nam nữ sẽ phải trải qua rất rất nhiều thăng trầm để rồi cuối cùng tưởng chừng như happily ever after thì lại bị biên kịch bẻ lái bằng mấy căn bệnh ung thư kiểu máu trắng hay bị đâm xe, vân vân và mây mây để cho đôi trẻ đau đớn thêm vài tập nữa rồi mới bên nhau hạnh phúc. Bắt đầu từ thế kỷ 21, kịch bản phim Hàn có sự đa dạng về thể loại nhiều hơn hẳn khi những tựa phim chuyển thể từ sách, truyện xuất hiện (200 Pounds Beauty, Boys Over Flowers hay Coffee Prince) rồi thể loại xuyên không - thứ vẫn còn sức hút không thể bàn cãi cho tới tận bây giờ, với đại diện xuất sắc Rooftop Prince,... Từ đây làn sóng Hallyu tràn vào từng ngõ ngách của Châu Á, tạo nên sự khai sinh cho một trong những "đế chế" giải trí lớn mạnh nhất thế giới và cũng là sự bắt đầu cho những tháng ngày cuồng nhiệt của tôi. Cho tới nay - 2021, K-drama đã trở thành một cụm từ quốc tế, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người trẻ, trong khi đó Hàn Quốc cũng đã, đang và luôn cho thấy được sức sáng tạo vô cùng tuyệt vời cùng lối diễn xuất đỉnh cao khiến bất cứ người yêu điện ảnh nào cũng phải tấm tắc khen ngợi.
Là một người lớn lên cùng phim Hàn, tôi thấy rằng sự xuất hiện của ông lớn Netflix đã thực sự tạo nên một bước ngoặt rất đỗi to lớn cho nền điện ảnh xứ Củ sâm. Từ trước tới nay, phim Hàn luôn có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ khó thể chối bỏ nhưng hầu như những bộ phim đó đều là phim đài cáp nội địa, đồng nghĩa với việc nếu bạn là người nước ngoài muốn xem phim thì sẽ phải dùng các ứng dụng của Hàn Quốc (mà thường những ứng dụng này sẽ khá chậm trễ trong việc update Engsub chứ đừng nói các thứ tiếng khác) hoặc trong trường hợp bạn là người Trung Quốc hay Việt Nam:>, bạn sẽ xem chúng trên các web phim lậu đầy rẫy trên Internet. Như vậy thì dù phim Hàn có được sự lan tỏa rộng rãi khắp thế giới nhưng cuối cùng lại chẳng hề đem lại nguồn lợi nào cho nhà sản xuất phim, đó chính là lý do các ứng dụng xem phim trả phí quốc tế vào cuộc. Tôi rất thích Netflix, đặc biệt là những phim có dòng chữ " A netflix original series" vì nó như một dấu hiệu bảo chứng cho độ chất lượng của bộ phim. Đó cũng là lý do ngay từ đầu tôi đã vô cùng trông chờ vào dự án Hàn Quốc "Start-up" mà Netflix quyết định đầu tư, và khi những hình ảnh tĩnh đầu tiên cùng trailer chính thức của bộ phim được tung ra tôi đã vỡ òa trong sung sướng, vì nó quá đẹp, quá đỉnh, quá hiện đại!
Đôi nét về "Start-up"
Nếu bạn đang khó hiểu vì sao tên tiêu đề chỉ xoay quanh bộ phim mà tôi lại tám nhảm về điện ảnh Hàn Quốc chung chung lâu tới vậy thì tôi thật lòng xin lỗi vì trong tôi, bộ phim chỉ còn đọng lại hai chữ: THẤT VỌNG. Thực ra phim hay lắm á, nó hay tới nỗi đủ sức tạo nên một cú sốt không hề nhỏ trong suốt thời gian phim lên sóng tuy nhiên điều đã khiến tôi chẳng thể xem cho đến hết bộ phim lại cũng chính nằm ở kịch bản phim ấy cùng diễn xuất của Nam Joo Hyuk.
Trước hết là kịch bản, về mặt tích cực thì tôi không phủ nhận rằng phim sở hữu kịch bản tương đối logic và có sự phát triển của các nhân vật khá rõ ràng, đặc biệt là nhân vật của nam phụ quốc dân Kim Seon Ho. Tôi rất thích nhân vật "Bé ngoan" của anh, lúc nhỏ cậu ấy có sự bất cần, luôn ngờ vực bất cứ ai rất đáng cảm thông ở một cậu bé mồ côi nhưng ẩn đằng sau dáng vẻ cứng cỏi kia lại là một trái tim ấm áp và khao khát yêu thương; khi trưởng thành thì anh lại gây ấn tượng sâu sắc với tôi bằng sự chín chắn, đĩnh đạc đầy trách nhiệm của một người đàn ông thành công. Nếu ngay từ đầu tôi không theo dõi thông tin của dàn cast có lẽ tôi sẽ nhầm Kim Seon Ho là nam chính của bộ phim thay vì Nam Joo Hyuk, âu cũng bởi vì nhân vật Bé ngoan của Kim Seon Ho chiếm sóng gần 80% thời lượng của tập 1, hơn nữa tất tần tật từ tuổi thơ cho tới mối quan hệ của anh với nữ chính đều được biên kịch khắc họa rất tỉ mỉ và chi tiết. Trong khi đó, phải tới tập 2, tập 3 người xem mới được thấy gương mặt điển trai của nam chính Nam Joo Hyuk và tôi thực sự phải than phiền với các bạn một điều: nhân vật này được khắc họa cẩu thả quá đỗi!
Cứ như biên kịch dành hết tâm sức cho nhân vật nam phụ nhiều quá tới lúc đến lượt nam chính thì bí ý tưởng hay sao đó mà nhân vật Nam Do San chẳng để lại một chút ấn tượng nào tới người xem hết cả.
Đường đường là một thiên tài toán học, đạt giải thưởng cao ngay từ khi còn bé song anh chàng này hình như hơi thiếu may mắn, khởi nghiệp thì luôn luôn thất bại, tính tình thì có phần lập dị, nerdy quá đà hơn thế nữa lại còn là một dân FA có nghề: gái tán auto không đổ. Với background như này, tôi và rất nhiều bạn khán giả khác chắc cũng đều có một thắc mắc như nhau: sao anh thành nam chính hay vậy? Có lẽ câu trả lời cho câu hỏi này sẽ được sáng tỏ nếu ta xem đến những tập cuối cùng nhưng thật tiếc tôi đã không đủ kiên nhẫn. Một điều nữa tôi muốn nói về kịch bản của Start-up đó là nó đã quá tham lam! Phim làm khá ổn ở mảng tạo nên một không gian khởi nghiệp chuyên nghiệp đúng với tiêu chí "Thung lũng silicon tại Hàn Quốc" và những ý tưởng cùng cách thức làm việc của các nhân vật trong phim cũng rất sáng tạo, chuẩn chỉnh. Nhưng trong một không gian phim vốn đã eo hẹp (vỏn vẹn 16 tập) mà vừa muốn tạo nên một bộ phim khởi nghiệp 4.0 chuyên nghiệp vừa muốn có chuyện tình cổ tích tay ba tay tư thì tôi tin chắc chắn phim sẽ không thể nào thành công cả đôi đường. Và tôi đã đúng, diễn biến tình cảm của đôi chính trong phim có phần thiếu tự nhiên và hơi nhanh chóng, các tình tiết diễn ra quen mặt đến nỗi người xem phát ngán, điển hình là cảnh nam chính và nam phụ tranh giành nhau việc nhà để gây ấn tượng với nữ chính hay cảnh bà ngoại nữ chính hỏi cô yêu chàng trai trong bức thư 10 năm trước hay chàng trai cô đang gặp ở hiện tại để người xem phải "quắn quéo" chờ xem nữ chính chọn yêu nam chính hay nam phụ,... Có lẽ tôi đang quá khắt khe chăng, nhưng giờ là thế kỷ 21 rồi tôi thật sự mong nền điện ảnh hãy bỏ đi những tình tiết được sử dụng quá nhiều, hay thậm chí bỏ hẳn yếu tố tình yêu trong bộ phim này tôi thấy cũng hoàn toàn có thể. Câu chuyện khởi nghiệp đầy gian nan của những con người tràn ngập mơ ước đó cùng tình cảm bè bạn, gia đình đã đủ sức hấp dẫn để níu chân khán giả rồi, tôi tin là vậy, hãy cứ nhìn gương Misaeng mà xem, chẳng cần yếu tố tình yêu tay ba tay tư gì cũng đạt được tỉ suất người xem kỷ lục. Tình yêu là không thể thiếu nhưng đừng tham lam mà cho rằng nó là thỏi nam châm hút người xem!
Điều thứ hai là diễn xuất của Nam Joo Hyuk. Tôi xin nói trước rằng tôi là fan cứng của anh ấy nhưng là một người yêu phim, tôi không thể dối lòng mình được: Nam Joo Hyuk diễn vẫn chưa tốt! Buồn làm sao, tôi đã theo chân anh suốt từ những tập đầu tiên của School 2015 cho tới nay nhưng có một điều tôi nhận thấy rằng phong độ diễn xuất của anh khá trồi sụp và trong Start-up, tôi thấy nó sụp ngang cỡ "Cô dâu thủy thần". Bởi vậy chemistry của anh với Suzy cũng không hề tốt, nó ở mức tạm chấp nhận được tuy thế cũng chẳng thể đủ giữ chân tôi ở lại mà xem cho hết 16 tập.
Cuối cùng thì bài viết dài ngoằng này cũng kết thúc rồi, đến tôi cũng bỏ ngang bộ phim giữa chừng nên thực lòng tôi không biết nên khuyên các bạn xem hay không xem bộ phim này nữa. Có lẽ tôi nên để các bạn tự quyết định điều đó nhé:> Bây giờ thì tôi xin cảm ơn ai đó đã đọc tới dòng này, tôi không dám mơ mộng chiếc bài viết bé xinh này được nhiều người biết tới, chỉ đơn giản muốn viết một bài nói lên cảm xúc của tôi về bộ phim này và K-dramas 10 năm trở lại đây mà thôi. Đây chỉ là những ý kiến rất cá nhân của tôi nên tôi mong mọi người nhìn nhận nó như một quan điểm riêng thôi nha, làm ơn đừng quá khắt khe với tôi nhé :) Nếu có ai muốn tôi chia sẻ thêm về bất cứ bộ phim nào thì hãy comment ngay bên dưới nhá! Love you all too much~
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất