Bạn đã bao giờ ở trong một mối quan hệ mà không biết nên đi hay ở chưa? Rằng rõ ràng bên ngoài thì mọi việc đều tốt đẹp, nhưng bản thân lại không hiểu tại sao lại có ý nghĩ muốn chia tay? Hay ai cũng thấy được mối quan hệ này rất tệ, và bản thân cũng có phần nào đồng ý, nhưng lại mãi không thể dứt ra được? Bài viết sau đây mong rằng sẽ giúp bạn đưa ra được quyết định tốt nhất cho bạn.

1. Tại sao ta không thể quyết định dứt khoát? 

Khi các bạn đọc bài viết này mà cảm thấy có gì đó liên hệ tới bản thân, có lẽ mối quan hệ của các bạn với đối phương đang có điều gì đó lấn cấn. Và điều mà phần lớn chúng ta đều làm khi gặp những tình huống thế này là cân đo đong đếm mặt lợi và hại của hai khả năng. 

Vấn đề ở chỗ, cách thức liệt kê này chỉ có thể cân được hộp sữa và hộp đường, chứ không thể áp dụng để cân những thứ không cố định – tình cảm. Có thể hôm nay việc anh ta hắt xì là việc đáng yêu, nhưng ngày mai ta lại thấy đó là vô duyên. Có thể ta liệt kê ra cả đống những điểm ta không hài lòng về cô ấy, bên cột ưu điểm chỉ có một, và ta lại tự huyễn hoặc bản thân rằng “Cái một này đủ để bù đắp cho chục cái kia”. Vì vậy, việc chỉ ra mặt lợi và hại ở đây chỉ làm ta thêm rối thêm, bởi mỗi lần chúng ta cân lại cho ra kết quả khác nhau, thậm chí những thứ để cân cũng thay đổi không ngừng. 

2. Bạn phải tự quyết định cho bản thân 

Việc ra đi hay tiếp tục ở lại hoàn toàn là quyết định của bạn. Đừng hy vọng bạn bè hay bố mẹ hay người bạn tin tưởng nhất, kính nể nhất sẽ cho bạn một lời khuyên rõ ràng, bởi rất có thể lời khuyên đó đã bị ảnh hưởng bởi những định kiến của người ta về đối phương của bạn. Những câu hỏi dưới đây chỉ định hướng cho bạn đi tới quyết định sáng suốt nhất. Tôi khuyến khích các bạn đọc hết các câu hỏi, ngay cả khi bạn có thể sẽ tìm được ngay câu trả lời ở câu hỏi đầu tiên. 

Câu hỏi 1: Hãy nhớ về khoảng thời gian mà mối quan hệ của bạn và đối phương ở trạng thái tốt nhất. 
Nhìn vào đó, hãy nghĩ kĩ xem liệu mọi thứ khi đó đều rất tốt đẹp không? Nếu, khi mối quan hệ của hai bạn ở điểm thăng hoa nhất, mà mọi thứ giữa hai người vẫn cảm thấy có gì đó không đúng, hoặc hai bạn vẫn có những điểm không hòa giải được, có lẽ bạn nên ra đi.
Câu hỏi 2: Đã từng có nhiều hơn một lần xảy ra bạo lực trong mối quan hệ của hai bạn chưa? 
Bạo hành xảy ra nhiều hơn một lần có nghĩa bạn nên chia tay. Nếu không, nó sẽ xảy ra lần nữa, rồi lại lần nữa, và lần sau sẽ khủng khiếp hơn lần trước. Sự tự tin của bạn sẽ giảm, và cảm giác bế tắc sẽ tăng. Dù bạn có yêu người đó tới đâu, mối quan hệ của hai bạn đáng ngưỡng mộ và ghen tỵ tới đâu,  bạn nên chuẩn bị ra đi đi thôi. Ngoại lệ duy nhất là khi người bạo hành chủ động và nhiệt tình tham gia các chương trình chỉnh đốn hành vi trong ít nhất 1 năm.
Câu hỏi 3: Nếu người bạn kính nể nhất nói với bạn rằng không có gì sai hay xấu hổ nếu chia tay, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều không? 
Nếu bạn cảm thấy thở phào như trút bỏ được gánh nặng bao lâu nay khi có ai đó nói với bạn rằng, việc ra đi là việc hoàn toàn bình thường, rất có thể bạn sẽ sống hạnh phúc hơn khi chia tay. Có một số trường hợp đặc biệt, họ không cảm thấy thở phào, cũng không cảm thấy nặng nề hơn, mà dường như họ mong đợi câu trả lời từ đáng tối cao kia là “Không được chia tay!”. Điều này xảy ra khi bạn đặt quá nhiều hy vọng và đầu tư quá nhiều thời gian, công sức, tuổi trẻ hay những thứ khác vào mối quan hệ này, tới mức bạn nghĩ rằng nếu mất nó, bạn sẽ trắng tay và không làm được gì khác nữa. Đừng để sự tiếc nuối hay mộng tưởng kia làm mờ mắt bạn. Nếu một mối quan hệ đáng để ở lại, thì bản thân nó phải đáng để ở lại, chứ không phải vì bạn muốn nó đáng để ở lại. 
Câu hỏi 4: Hai bạn có những hoạt động chung nào mà cả hai đều thích làm và trong khi làm chúng, hai bạn cảm thấy có sự kết nối giữa hai người? 
Nếu có thậm chí chỉ 1 điều mà bạn và đối phương thích làm cùng nhau (ngoài việc chăm sóc con) khiến hai bạn cảm thấy gần gũi hơn, kết nối hơn, mối quan hệ của hai bạn vẫn cứu được. *Nếu hai bạn mới gặp mà đã có một điều như vậy, rất có thể hai bạn đang yêu đấy ^^ 
Câu hỏi 5: Khi được yêu cầu trả lời thật lòng, bạn có ngay lập tức nói rằng người yêu bạn là một người tốt, thông minh, ưa nhìn và không quá bẩn? 
Nếu bạn có thể ngay lập tức nói bạn cảm thấy người yêu bạn là một người tốt bụng, thông minh (dù chỉ ở mức độ vừa phải cũng được), trí óc ổn định (không bị tâm thần), không xấu và không có mùi khó chịu (mùi cũng quan trọng lắm nhé), thì bạn chưa tới nỗi phải ra đi. Bạn đã tìm được một người đạt phần lớn các tiêu chí của một “đối tượng giao phối chuẩn mực”. 
Câu hỏi 6: Những tham vọng hay ước muốn dù nhỏ nhất của bạn có bị người kia vùi dập, phản đối hay không? 
Khi bạn đạt được bạn muốn, bạn có phải trải qua cả 1 quá trình đấu tranh với người kia, vất vả tới mức bạn cảm thấy thành tựu của mình không đáng để chịu đựng từng đó khổ cực không? Một người ngăn cản sự phát triển của bạn vì bất cứ lý do gì không thể là một người yêu bạn thực sự. Nhưng cũng hãy cẩn thận với câu trả lời này. Có những trường hợp, người được phỏng vấn trả lời rằng “Anh ấy rất yêu tôi, không muốn rời xa tôi nên mới nằng nặc không cho tôi đi du học. Đó chẳng phải là dấu hiệu của tình yêu đó sao?” Không, đó là dấu hiệu của việc đặt lòng ích kỉ cá nhân lên lợi ích của người khác. Nếu người đó yêu bạn thực sự, họ sẽ ủng hộ việc bạn đón lấy mọi cơ hội tốt nhất đến với bạn. 
Câu hỏi 7: Đối phương có tôn trọng ý kiến của bạn không? 
Nếu đối phương luôn đem lại cho bạn cảm giác bị coi thường, cảm giác như mình là người vô hình trong mối quan hệ này, không có tiếng nói, bạn nên thoát khỏi nó trước khi chính bạn bị thôi miên rằng những lời đối phương nói là thật. 
Câu hỏi 8: Đối phương có cản trở bạn trong việc đặt câu hỏi hay nêu ra vấn đề, nhất là về những điều bạn quan tâm không? 
Thậm chí bạn còn chưa kịp mở lời, người ấy đã nói “Anh/em không muốn nghe gì hết”. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, bạn rất dễ cảm thấy bị ngạt thở và uất ức. Bạn sẽ  hạnh phúc hơn nếu ra đi. 
Câu hỏi 9: Mỗi khi đối phương của bạn nói ra điều gì đó, bạn có thường cảm thấy trong lời nói của người đó có chút gì đó không đáng tin tưởng không?
 Đồng ý rằng, có những lời nói dối là vô hại, được dùng với mục đích tốt. Nhưng nếu tới mức, nhặt bất kỳ lời nói nào của đối phương, cho bạn đặt cược rằng người đó đang nói dối hay nói thật, bạn sẽ luôn đặt nói dối, thì rõ ràng bạn đang có một lỗ hổng lớn về niềm tin đối với người còn lại. 
Câu hỏi 10: Nếu đặt những điểm tốt mà không những bạn mà cả những người khác cũng thấy ở đối phương, và đặt cả những khi hai bạn có mâu thuẫn nhất thời sang một bên, bạn có thực sự thích đối phương không? Và đối phương có thực sự thích bạn không? 
“Thích” ở đây có thể hiểu là cảm thấy thoải mái và hạnh phúc khi ở bên. Giống như tình bạn vậy (tình yêu được xây dựng từ nền tảng tình bạn có độ bền vững cao hơn). Đành rằng giai đoạn đầu ai cũng có thể có chút căng thẳng, ngượng ngùng, nhưng sau một thời gian, nếu bạn cảm thấy bản thân mình được chính là mình, vui vẻ, cười đùa nhiều khi ở bên họ, đó là khi bạn thích họ. Nhiều người nhầm lẫn sự ngưỡng mộ với tình yêu. Sự ngưỡng mộ sẽ khiến không chỉ giai đoạn đầu, mà cả thời gian về sau khi hai bạn đã quen nhau rất lâu rồi, bạn vẫn luôn phải gồng mình lên để cố gắng xứng đáng với người kia. Bạn không dám làm điều bạn muốn làm vì sợ người kia đánh giá mình. Bạn cảm thấy ngộp thở, căng thẳng, tuyệt đối không muốn sai sót khi ở bên người kia, giống như bạn đang ngồi cạnh một giám thị trong giờ kiểm tra vậy. Một hiểu nhầm khác thường gặp là khi hai người có chung một sở thích hoặc một điều gì đó mà cả hai người đều rất quan tâm. Điểm chung này dễ khiến hai người ngộ nhận một tình yêu, trong khi về mặt cá nhân, hai người lại không thực sự thích nhau. 
Vế thứ hai của câu hỏi, là đối phương có thực sự thích bạn không? Rõ ràng chúng ta không thể nào đọc được suy nghĩ của đối phương, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được điều này từ những hành động của họ. Người đó có luôn cố gắng thay đổi con người bạn theo ý của người đó không? (Điều này khác với việc muốn góp ý xây dựng để mong bạn trở thành một con người hoàn thiện hơn theo cách của riêng bạn). Người đó có những hành động làm bạn cảm thấy người đó thích con người bạn, ngay cả những lúc bạn ngớ ngẩn nhất không? Tóm gọn lại cho câu hỏi này là: không có tình “thích” thì không có tình yêu. 
Câu hỏi 11: Bạn có sẵn sàng cho đi nhiều hơn những gì bạn vẫn đang cho đi mà không mong đợi nhận lại không?
Dù đôi khi bạn có thể cảm thấy bị tổn thương hay bị lợi dụng, nếu bạn luôn sẵn sàng cho đi thật nhiều mà không mong đợi nhận lại gì từ đối phương, rất có thể gốc rễ của tình yêu vẫn còn vững vàng trong mối quan hệ của hai bạn. Ngược lại, nếu bạn chỉ cho đi khi đã nhận lại, có mong đợi hoặc nhận được lời hứa sẽ được nhận lại, đó là Hợp đồng tình yêu mất rồi. 
Câu hỏi 12: Hai người bạn có muốn chạm vào người nhau, mong đợi được chạm vào nhau và luôn cố gắng để được chạm vào nhau không? 
“Chạm” ở đây dao động từ hôn, ôm, chọc ghẹo, nắm tay, mát xa, đặt tay lên đùi đối phương, cho tới bất kỳ những đụng chạm nào khác, vô tình hay cố ý, gợi dục hay không gợi dục, xảy ra trong một mối quan hệ. Khi có sự va chạm vật lý, hai bạn cảm thấy thế nào? Bạn có muốn đối phương chạm vào mình nhiều hơn không? Bạn có cảm thấy nhớ nhung khi người bạn đời của mình dạo này ít chạm vào người mình không? Và người bạn đời của bạn, nếu lâu ngày không chạm vào bạn, bạn thấy người ấy có ổn không? Nếu một trong hai bạn đang cảm thấy không muốn chạm vào nửa kia, hoặc lâu rồi không chạm vẫn thấy ổn và không có nhu cầu chạm, bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn nếu bạn rời bỏ khỏi mối quan hệ này *Câu hỏi này cũng được mở rộng ra cho việc giao tiếp. Nếu bạn luôn hạn chế giao tiếp với đối phương, trừ những trường hợp buộc phải giao tiếp, điều đó cũng có nghĩa bạn không còn hào hứng với mối quan hệ này nưa rồi. 
Câu hỏi 13: Bạn có cảm thấy sức hấp dẫn về tình dục nơi đối phương không?
 Nhiều người đọc tới đây cho rằng câu hỏi này là thực dụng, là ghê tởm. Thực sự, tình yêu không thể thiếu đi tình dục, bởi không tình dục là đi ngược lại với bản năng của giống loài: duy trì nòi giống. Và chưa một mối quan hệ nào không tình dục mà có thể bền lâu được cả. Câu hỏi này cũng không có ý nói về trình độ “giỏi giang” của đối phương trong việc làm tình, mà muốn nói tới sự hưng phấn, thèm muốn trong bạn mỗi khi bạn nhìn thấy đối phương. Nếu bạn luôn có sự khát khao cơ thể của đối phương, một niềm khát khao mà bạn không thể có với bất kỳ ai khác, tốt hơn là bạn nên ở lại. 

Câu hỏi 14: Đối phương của bạn có phản đối, cố tình lờ đi hay từ chối hành động trước những điều đang làm cho mối quan hệ của bạn trở nên tệ hơn không? 
Người đó không biết, chối bỏ sự thật khi bạn nói cho họ biết, hay chấp nhận nhưng không có hành động gì, cả ba trường hợp đều sẽ làm một mối quan hệ càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Sự bền vững của một mối quan hệ là kết quả của sự vun đắp từ cả hai phía. Khi chỉ có một bên níu giữ, bên kia lại thờ ơ, để ngọn lửa tình cháy được tới đâu thì cháy, rõ ràng bạn nên rời đi sớm, bởi đối phương đã không còn tôn trọng tới sự sống còn của mối quan hệ này nữa rồi. 
Câu hỏi 15: Bạn đã từng thử bỏ qua, lờ đi hay không khó chịu với những điểm từ đối phương khiến bạn cảm thấy muốn rời đi chưa? Bạn có thể làm được điều đó trong thời gian dài không
Ai cũng có nhược điểm, và rất có thể một hay nhiều nhược điểm này trái với những giá trị mà bạn coi trọng. Nếu bạn có thể bỏ qua nó, ngó lơ coi như không có, hoặc học được cách chấp nhận và đối mặt với nó mà không còn thấy khó chịu nữa trong một thời gian dài, mối quan hệ của bạn vẫn còn đủ tốt đẹp để ở lại. Nếu điều ngược lại xảy ra, tốt nhất bạn nên đi, nếu không, những giá trị làm nên con người bạn sẽ bị bẻ cong trước nhược điểm của người kia, và bạn sẽ dễ bị stress bởi không được sống đúng với con người mình. 
Câu hỏi 16: khi bạn góp ý với đối phương về những đặc điểm trên, đối phương có CHỦ ĐỘNG thay đổi không? Và người ấy có THÀNH CÔNG trong việc thay đổi đó không?
Tôi in hoa chữ CHỦ ĐỘNG và THÀNH CÔNG, bởi điều này rất quan trọng. Chỉ khi hai người thực sự có thể điều chỉnh bản thân để khớp lại với nhau, hòa hợp với nhau hơn, mối quan hệ tình cảm mới trở nên thăng hoa và bền chặt. Đối phương cần là người chủ động, bởi bạn không thể luôn túc trực 24/7 ở bên cạnh họ để nhắc nhở, càng không muốn trở thành người thuyết giáo mỗi khi hai người ở cạnh nhau. Và đối phương phải thực sự thành công, thực hiện được điều thay đổi đó, bởi sẽ là vô ích nếu họ suốt ngày hứa lên hứa xuống rằng sẽ thay đổi nhưng ý chí không đủ mạnh, động lực vì tình yêu không đủ lớn khiến họ chỉ có thể làm được nửa vời hay thậm chí còn không bắt đầu được.
Câu hỏi 17: Đã bao giờ đối phương cố tình vượt qua giới hạn chịu đựng của bạn chưa? 
Mỗi chúng ta đều có giới hạn chịu đựng của bản thân, và khi bất kỳ ai vượt qua giới hạn này, chúng ta sẽ bùng lên và đẩy người đó về vị trí cũ. Nhưng không ai lại muốn mình trở nên tức giận và xấu xí khi ngọn lửa giận dữ bùng phát cả. Vì vậy, chúng ta thường nói rõ với đối phương những giới hạn của chúng ta, và mong muốn rằng họ sẽ không bước qua chúng. Tuy nhiên, vì một lí do nào đó (thường là do nóng giận hay bị công kích), họ cố tình vượt qua giới hạn chịu đựng đó với mong muốn làm tổn thương hay uy hiếp chúng ta. Nếu việc đó xảy ra, bạn nên ra đi, vì những giới hạn đó nên được đối phương tôn trọng như tôn trọng chính bản thân bạn vậy. Nhưng hãy nhớ, để thật công bằng, bạn phải cho đối phương biết rõ những điểm giới hạn của bản thân, thay vì cứ ngấm ngầm nghĩ trong đầu nhé. 
Câu hỏi 18: Những giá trị làm nên chất lượng cuộc sống của bạn có khác nhiều so với đối phương không
Câu hỏi này liên quan tới phong cách/lối sống. Ví dụ, một trong hai bạn thích một cuộc sống năng động về thể chất, và người còn lại thì không. Nếu hai bạn có thể cùng trao đổi và thoải mái đồng ý với việc trong khi một người đi đạp xe cuối tuần và người còn lại ở nhà đọc sách, hai bạn đã hòa hợp được hai lối sống lại với nhau. Nhưng nếu một người coi việc đạp xe vào cuối tuần với người mình yêu mới làm nên một cuộc sống hạnh phúc, và người kia lại không coi là vậy, thì hai bạn đã có sự khác biệt về giá trị cuộc sống, và điểm khác biệt này sẽ làm yếu đi trái tim của mối quan hệ tình cảm. Nếu một trong hai người hoặc cả hai bạn đều bắt đối phương phải sống theo lối sống của mình mà không quan tâm tới những giá trị hạnh phúc của người kia, hai người nên đường ai nấy đi. 
Câu hỏi 19: Sau khi bạn vạch ra một viễn cảnh thực tế hết mức có thể nếu bạn rời đi, bạn có cảm thấy việc chia tay là khả thi không? 
Trong xã hội hiện đại, mục tiêu cơ bản nhất của mỗi người là tồn tại một cách khỏe mạnh cả về sinh lý lẫn tâm lý. Nếu bạn đã tự đặt ra những câu hỏi về cuộc sống của mình sau chia tay, ví dụ: 
- Mình sẽ sống ở đâu? Liệu mình có thể chi trả tiền chỗ ở hay không? 
- Số tiền tiết kiệm của mình còn bao nhiêu? Thu nhập của mình có đủ để chi trả tiền sinh hoạt phí không? 
- Khả năng mình sẽ “đi bước nữa” là bao nhiêu? (Hãy thành thực với bản thân và xem xem liệu mình có những đặc điểm hấp dẫn đủ để thu hút một người khác giới không) 
- Liệu mình có khả năng chống chọi với nỗi cô đơn ngay sau khi chia tay không? 
- Nếu bạn có con, bạn có thể bảo vệ chúng khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ những thay đổi tới cuộc sống sau chia tay hay không? 
- Bạn có nhận được sự giúp đỡ nào từ những người xung quanh không?
Trong câu hỏi này, tình yêu không được đề cập đến. Nó thuần túy xem xét về khả năng tồn tại một cách tự lập của bạn. Nếu bạn cảm thấy quá khó khăn nếu ở một mình, ít nhất là ở hiện tại, thì tốt nhất bạn nên ở lại. Còn nếu bạn hoàn toàn tự tin vào khả năng tự lập cả cho mình lẫn cho những người phụ thuộc bạn, không còn lí do gì để giữ chân bạn nữa. 
Câu hỏi 20: Đối phương có dùng những lời nói và hành động thiếu tôn trọng để thuyết phục bạn, khiến bạn thực sự tin rằng bạn không tốt như bạn nghĩ không? 
“Nếu anh/cô không có tôi, anh/cô sẽ chả là gì/làm được gì cả”. Những lời nói mang tính “thôi miên” này, nếu sử dụng trong thời gian dài, rất có thể khiến một người thực sự tin rằng mình không có thực lực. Một người trong hoàn cảnh đó sẽ bắt đầu nghi ngờ khả năng của mình ở mọi lĩnh vực, dần dà sẽ thực sự tin tưởng rằng mình sẽ phải phụ thuộc vào người kia. Nếu bạn còn đủ lí trí để nhận ra một vài “điểm yếu” mà đối phương gán cho mình là không đúng, hãy rời đi trước khi bạn bị bẻ cong thành một con người khác dưới trướng họ. 
Câu hỏi 21: Nếu hai người chia tay, bạn có mất đi điều gì quan trọng, một điều mà bạn không thể sống mà không có nó không? Bạn có tôn trọng những điều bạn nhận được từ đối phương không? 
Nếu câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên là Không, sẽ rất khó để bạn có thể duy trì lòng tôn trọng của mình đối với đối phương. Nếu bạn cảm thấy mọi thứ có ý nghĩa với bạn vẫn giữ nguyên được giá trị của chúng sau chia tay, rõ ràng đối phương không hề có sức ảnh hưởng gì với bạn. Và nếu tất cả những gì bạn nhận được từ đối phương là những điều bạn không ngưỡng mộ, hay điều mà bạn cũng làm được, thậm chí còn tốt hơn, thì bạn nên rời bỏ mối quan hệ này. 
Câu hỏi 22: Giữa hai bạn có chỗ cho sự tha thứ chân thành? 
Biết tha thứ không chỉ giúp cho mối quan hệ của bạn bền vững hơn, mà còn giúp chính bản thân bạn thanh thản và thoải mái hơn. Đừng quên chữ “chân thành” trong câu hỏi. Có rất nhiều người nói đã tha thứ rồi, trước mặt thì đã vui vẻ trở lại, nhưng bên trong vẫn ấm ức, đi bêu xấu với người khác. Hoặc có người lại để bụng rất lâu, thậm chí vài tháng sau, chỉ cần 1 đốm lửa mâu thuẫn mới cũng khiến họ có thể lôi chuyện cũ ra để làm bùng lên. Nếu không có sự tha thứ chân thành, sẽ tốt hơn nếu bạn ra đi. 
Câu hỏi 23: Bạn có luôn là đối tượng để đối phương công kích, chê bai, trút hết phẫn nộ và uất sức lên không? 
Nếu câu trả lời là Có, thời gian hai người bên nhau quả thực là địa ngục với bạn. Dù những biến cố mà người đó gặp phải trong cuộc đời là do đâu đi nữa, họ đều quy là lỗi của bạn. Mọi việc người ấy làm không được như ý, họ cũng nói là lỗi của bạn. Nếu bạn không sớm thoát ra, bạn rất dễ bị stress tới mức phát điên. 
Câu hỏi 24: Hai bạn có định nghĩa khác nhau về “Sự thân mật” không? 
Giả sử sự thân mật đối với bạn là được nắm tay hay được ôm ấp, gần gũi, nhưng người yêu bạn định nghĩa sự thân mật là mua những món đồ vật chất cho bạn, từ đồ ăn tới quần áo, phụ kiện. Sự khác biệt về “thân mật” này rất có thể sẽ làm cho bạn cảm thấy cô đơn dù bạn luôn có một cuộc sống đầy đủ, và chính sự cô đơn này có thể sẽ giết dần giết mòn ngọn lửa tình yêu trong hai bạn. Nếu cả hai đều không cảm thấy thoải mái về sự thân mật của nhau, hai bạn nên chia tay. 
Câu hỏi 25: Hoàn cảnh có cho phép hai bạn có thời gian vui vẻ bên nhau không? 
Câu hỏi này không giới hạn ở mặt gần nhau về vị trí địa lý. Với công nghệ hiện đại ngày nay, những người yêu xa hoàn toàn có thể vẫn có những giây phút nồng ấm và vui vẻ bên nhau, dù không được đụng chạm thể xác. Tuy nhiên, ngay cả khi hai bạn ở gần nhau, nhưng vì công việc, hai người rất ít khi gặp mặt, hoặc có đủ thời gian để cùng nhau làm điều gì đó thích thú. Có khi người này được nghỉ thì người kia phải đi làm v..v…. Nếu cả hai luôn vịn cớ này kia để  không sắp xếp thời gian dành cho nhau, và những tình huống như trên thường xuyên xảy ra, thì bạn sẽ hạnh phúc hơn nếu ra đi. 
Câu hỏi 26: Hai bạn có mục tiêu hay niềm đam mê gì chung hay không?
Những trường hợp có các mục tiêu hay tầm nhìn khác nhau dễ gây ra tan vỡ như sau: 
- Một người muốn sống trong nước, một người thích sống ở nước ngoài. 
- Một người hài lòng về bản thân và dậm chân tại chỗ, một người luôn không ngừng hoàn thiện bản thân 
- Một người có lối sống tiết kiệm, dành dụm cho tương lai; một người kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, sống tới đâu hay tới đó. 
- Một người cuồng đạo, một người vô thần 
Nếu hai bạn cùng có chung những mục tiêu hay tầm nhìn mang tính quan trọng tới bản thân, tình yêu trong hai bạn vẫn có thể tiếp tục cháy tiếp. 
Câu hỏi 27: Nếu tất cả những mâu thuẫn của hai bạn đều được giải quyết êm đẹp, liệu bạn có còn cảm thấy có gì đó còn thiếu trong mối quan hệ này hay không? 
Đây là khi mà một người được đối phương đối xử hết sức tử tế, đáp ứng mọi yêu cầu của mình, sẵn sàng sửa bất kỳ điều gì mà mình không thích, nhưng vẫn cảm thấy chưa được hài lòng. Đó là vì mối quan hệ ấy còn thiếu tình yêu. Khi bạn nhận ra, nếu mọi sự khác biệt, mọi mâu thuẫn giữa hai bạn được một phép màu nào đó giải quyết hết trong tích tắc, mà bạn vẫn cảm thấy một khoảng trống nào đó giữa hai người, đó là lúc bạn nên ra đi. 

*Nguồn tham khảo: Too good to leave, too bad to stay – tác giả Mira Kirshenbaum

Xem chi tiết tại: https://tamly.blog/chuyen-tinh-yeu-dung-lai-hay-di-tiep/