Một bài viết về "niềm tin" trên Spiderum là bài "Phúc cho ai không thấy mà tin"
Theo như bài viết và những gì bản thân tìm hiểu, mình thấy rằng mọi người định nghĩa "niềm tin" là chỉ cần tin mà không cần bằng chứng hay phản biện. Bản thân mình cho rằng đó là "niềm tin" mù quáng của những kẻ lái máy bay đâm vào tháp đôi ngày 11/09.
Khi bạn gặp một ai đó bất kì lần đầu tiên ở bất kì đâu, bạn không thể tự nhiên tin và nói chuyện với người đó. Bạn sẽ xem xét ngoại hình, cách nói chuyện, cách hành xử của người đó rồi dựa trên kinh nghiệm mà bạn có với ai đó tương tự vậy để bạn quyết định xem có nên tin và nói chuyện với người này hay không.
Tương tự vậy, với "niềm tin" bất kì nào đó, bạn cũng cần phải có điều tra, bằng chứng và đối chiếu về những điều bạn tin. Nếu điều bạn tin chỉ dựa trên cảm giác hay cảm xúc thì đó trở thành "cuồng tín" rồi.
Làm thế nào để xác nhận một "niềm tin" nào đó là đúng đắn? bạn cần các tài liệu, chứng cớ liên quan đến "niềm tin" đó càng gần với thời gian người đó tồn tại càng tốt, từ đó bạn có thể so sánh, đối chiếu để xác nhận những điều thật sự là đúng. Việc này giống như điều tra một vụ án vậy, bạn cần tổng hợp các nhân chứng, vật chứng liên quan đến vụ án càng nhiều và càng gần thời gian xảy ra vụ án càng tốt.
Mình áp dụng điều trên để tìm hiểu và điều tra niềm tin Cơ Đốc, niềm tin vào Chúa Jesu của bản thân mình để biết rằng điều mà bản thân mình tin có đúng hay không?
Hạn chế lớn nhất mà mình gặp phải là mình không thể tiếp cận được các nguồn tài liệu sớm nhất có thể trong khoảng thời gian niềm tin Cơ đốc ra đời vì: Thứ nhất, mình không thể sang Israel, Anh hay Mỹ để tiếp cận các nguồn đó. Thứ hai, mình không biết ngôn ngữ gốc của các nguồn đó là tiếng Hi Lạp, tiếng Hê-brơ, và các ngôn ngữ cổ. Vì thế, những nguồn tài liệu mình đọc và tìm hiểu đã qua tìm hiểu, dịch và biên soạn rất nhiều lần trước khi đến tay mình rồi. Để hạn chế khuyết điểm này, mình tìm đến hai nguồn chính sau:
- Học giả về niềm tin Cơ đốc và Kinh Thánh vì họ có kiến thức đầy đủ về ngôn ngữ và được tiếp cận các nguồn tài liệu gốc.
- Những người từng là vô thần rồi họ tìm hiểu, điều tra và trở thành Cơ đốc nhân.
Mình không đề cao nguồn từ các mục sư hay các nhà thần học vì họ cũng không có kiến thức và cơ hội tiếp cận tài liệu như mình, và thứ hai là họ tiếp cận niềm tin Cơ đốc theo một góc nhìn khác,nhiều cảm xúc và không có nhiều kiến giải rõ ràng về những câu hỏi khó mà mọi người đưa ra với niềm tin vào Chúa.
Sau một thời gian tìm hiểu, thu thập và so sánh, mình tìm được 3 nguồn đáng tin cậy chính theo 2 tiêu chí mình đề ra ở trên:
- Một là Lee Stroble, ông một nhà báo từng là người không tin vào Chúa hay bất cứ điều gì liên quan đến Chúa. Nhưng, do vợ ông trở thành người tin Chúa, nên ông quyết định điều tra niềm tin Cơ đốc để chứng minh vợ ông sai. Kết quả điều tra của ông là cuốn "The case the real Jesus".
- Hai là J. Warner Wallace, ông là một nhà điều tra tội phạm và cũng từng là một người vô thần. Ông sử dụng các phương pháp trong phá án để điều tra về các bằng chứng liên quan đến Chúa Jesu. Kết quả điều tra của ông là cuốn "Cold-Case Christianity"
- Ba là kênh InspiringPhilosophy vì kênh này không chỉ dẫn nguồn từ Kinh Thánh hay từ các học giả thần học, mà còn dẫn các nguồn bên ngoài để so sánh và đối chiếu.
Tiếp theo là mình cần xác định điều căn bản nhất của việc "tin Chúa" là gì? Mình không thể mất thời gian để tranh luận những chủ đề không hồi kết như "Chúa Trời có tồn tại hay không được?", mình cần vào thẳng điều quan trọng nhất của niềm tin Cơ đốc là gì? Đó là Chúa bị đóng đinh trên thập tự, chết và sống lại sau ba ngày. Loại bỏ những yếu tố về thần học, nếu có thể chứng minh được điều này là sai thì 1/3 dân số thế giới là lũ ngớ ngẩn. Đơn giản!
Có những tài liệu nào về sự sống lại của Chúa đáng tin cậy?
Theo như các nguồn multi-hand đáng tin cậy nói trên thì bạn có thể thấy rằng:
- Bốn sách Phúc âm Mathew, John, Luke, Mark nếu loại bỏ vấn đề tôn giáo qua một bên, thì đây là bốn cuốn sách tiểu sử về Chúa Jesu được viết bởi những môn đồ của Chúa và gần thời gian Chúa còn sống nhất, tức là trong khoảng 100 năm sau khi Chúa sống lại.
- Các bức thư của sứ đồ Phao-lô là đáng tin cậy hơn hết vì thứ nhất ông từng là người bắt bớ và giết hại người tin Chúa. Thứ hai, các bức thư ông viết cho các tín hữu được chứng mình là ra đời sớm hơn cả 4 sách Phúc âm. Trong các bức thư, ông nói rõ về đức tin của ông và hành trình của ông trong đức tin.
Trong sách Phúc âm và các bức thư của sứ đồ Phao- lô, chúng ta thấy rõ các sứ đồ đã cố gắng điều tra, ghi chép và biên soạn các chi tiết cuộc đời của Chúa Jesu theo cách khoa học và rõ ràng nhất có thể.
Luca 1: Thưa ngài Thê-ô-phi-lơ khả kính, có nhiều người đã cố gắng biên soạn một bản tường thuật về những việc đã được thực hiện giữa chúng ta, đúng như những người đã từng chứng kiến và phục vụ đạo Chúa từ ban đầu truyền lại cho chúng ta. Vì thế, sau khi cẩn thận tra cứu mọi việc từ đầu, tôi thiết tưởng cũng nên theo thứ tự mà viết cho ngài để ngài biết những điều mình đã học là chắc chắn.
Giăng 20: Đức Chúa Jêsus còn làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đồ mà không ghi chép trong sách nầy. Nhưng các việc nầy được ghi chép để anh em tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và để khi anh em tin thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.
Giăng 21: Chính môn đồ ấy làm chứng về những việc nầy, và đã ghi chép lại. Chúng ta biết lời chứng của người ấy là xác thực. Đức Chúa Jêsus còn làm nhiều việc khác nữa. Nếu cứ ghi chép hết từng việc, thì thiết nghĩ rằng cả thế gian cũng không thể chứa hết những sách được viết ra.
Điều đáng chú ý là Phao-lô nói về đức tin của ông vào Chúa với nhân chứng xác đáng.
I. Cô-rinh-tô 15: Thưa anh em, tôi muốn nhắc lại cho anh em Tin Lành tôi đã rao giảng và anh em đã tiếp nhận, cũng như đang đứng vững trong đó. Nhờ Tin Lành ấy, anh em được cứu rỗi nếu anh em giữ vững điều tôi đã rao giảng; bằng không, anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền đạt cho anh em điều chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh. Ngài đã bị chôn; đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại theo lời Kinh Thánh; và Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, rồi cho nhóm mười hai sứ đồ. Sau đó, cùng một lúc, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em; phần lớn trong số nầy hiện vẫn còn sống, nhưng có vài người đã ngủ rồi. Ngài cũng hiện ra cho Gia-cơ, sau đó cho tất cả các sứ đồ.
Chính bản thân ông còn dành thời gian để xác nhận lại đức tin của bản thân
Ga-la-ti 2: Mười bốn năm sau, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem cùng với Ba-na-ba, có đem Tít đi nữa.Theo sự mặc khải, tôi đi lên đó để trình bày với họ Tin Lành mà tôi đã rao giảng giữa các dân ngoại, nhưng chỉ trình bày riêng với những nhân vật được tôn trọng, kẻo tôi đã và đang chạy một cách vô ích chăng.
Và chính bản thân sứ đồ Phao-lô cũng nói về "sự thảm hại" của Cơ đốc nhân nếu như Chúa không sống lại.
I. Cô-rinh-tô 15: Như vậy, nếu anh em được nghe rao giảng Đấng Christ đã sống lại từ cõi chết, thì sao trong anh em có người lại nói rằng những người chết không sống lại? Nếu người chết không sống lại thì Đấng Christ cũng đã không sống lại. Và nếu Đấng Christ đã không sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi là vô ích, và đức tin của anh em cũng vô ích. Nếu người chết thật sự không sống lại thì chúng tôi bị xem như làm chứng dối về Đức Chúa Trời; vì chúng tôi đã làm chứng rằng Đức Chúa Trời đã khiến Đấng Christ sống lại, trong khi Ngài không khiến Đấng Christ sống lại. Vì nếu người chết không sống lại thì Đấng Christ cũng không sống lại. Và nếu Đấng Christ không sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích, và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình. Như vậy, những người ngủ trong Đấng Christ phải bị hư mất. Nếu hi vọng của chúng ta trong Đấng Christ chỉ hướng về cuộc sống nầy mà thôi, thì trong tất cả mọi người, chúng ta là những người thảm hại hơn hết.
Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng "niềm tin" không phải là tin vào điều gì đó mù quáng. Ngay cả sứ đồ Phao-lô cũng dành thời gian để xác nhận lại "đức tin" của bản thân thì không có lý do gì chúng ta lại không dành thời gian tìm hiểu, điều tra "niềm tin" của bản thân.
Quay trở lại với câu "Phúc cho ai không thấy mà tin" mà được nhiều người trích dẫn. Nếu chúng ta đọc câu đó dựa trên câu chuyện về Chúa Jesu 4 sách Phúc Âm, chúng ta sẽ thấy Thô-ma đã được Chúa nói về sự chết và sự sống lại của Chúa 3 lần trước khi việc này diễn ra, Thô-ma đã được các nữ nhân chứng kể về sự việc ngôi mộ trống của Chúa, đã được các sứ đồ khác kể lại việc được tận mắt thấy Chúa sống lại. Như vậy, Thô-ma đã được chính lời Chúa nói và mọi người kể lại mà ông vẫn không tin. Câu "Phúc cho ai không thấy mà tin" nghĩa là phúc cho những ai tin dựa trên lời nói của Chúa, lời kể của nhân chứng mà không cần phải tận mắt nhìn thấy hay tận tay sờ được.
Mọi người có thể tìm hiểu thêm về "niềm tin" qua các tài liệu mà mình đã thu thập và sắp xếp.