Chuyện nhờ vả qua tin nhắn và gợi ý cách hành xử
Đôi lúc chạnh lòng khi đọc tin nhắn nhờ vả
Chuyện tin nhắn nhờ vả - những lúc chạnh lòng
Tôi không phải người xuất chúng - điều hiển nhiên ai ai cũng thấy. Nhưng trộm vía là cũng có nhiều người tìm đến tôi để xin những lời khuyên, giải bài hộ, hay các cách nhờ vả khác… qua tin nhắn. Tần suất tin nhắn nhờ vả dày đặc hơn trong thời gian thi cử. Đỉnh điểm thì tôi phải bỏ dở việc thiết thực mình đang làm để giúp đỡ người khác (việc có khi không thiết thực mấy) chỉ bằng một dòng tin nhắn vội của họ. Việc này thì cũng không có gì đáng nói, vì mỗi người mỗi quan điểm, với tôi học hành thì quan trọng nhất rồi, nhưng với người khác có khi việc họ kẻ bên đậm bên nhạt chân mày lại tối quan trọng hơn. Và vì tôi tự nguyện giúp đỡ họ trong mọi trường hợp, nên tôi cũng không thể đổ lỗi cho ai được. Bài viết này không nhằm nói về việc có nên giúp đỡ người khác hay không, mà là cách mỗi người nên nhờ vả người khác - cụ thể là việc phát sinh và trả lời tin nhắn như thế nào.
Tôi chia những người tìm đến sự giúp đỡ của mình qua tin nhắn thành hai nhóm lớn: Nhóm thứ nhất là nhóm “thiên thần” - gồm những thiên thần đúng nghĩa, lễ độ, lịch sự, rào trước đón sau, cảm ơn đầy đủ, tử tế, không chút sai sót - với những người như vậy thì mình giúp cả trăm lần cũng nhẹ như không, lại thấy vui trong lòng. Nhóm thứ hai, ngược lại, tôi tạm gọi là “ác quỷ” - những người mà sự nhờ vả của họ đem đến cho tôi sự sượng trân, buồn man mác và đôi khi nghẹn ứ trong lòng. Về nhóm thứ hai lại bao hàm ba nhóm nhỏ nữa mà tôi sẽ trình bày sau đây.
Nhóm thứ nhất: Không bao giờ biết cảm ơn.
Tôi tin rằng không chỉ tôi mà rất nhiều người từng rơi vào tình huống như vậy - giúp đỡ người khác rồi không nhận được lời cảm ơn từ họ. Trường hợp này rất đơn giản, vì họ sẽ không nhận được sự tôn trọng từ bất cứ ai.
Hãy hiểu rằng, thời gian của người khác rất quý giá. Khi người khác trả lời tin nhắn của bạn, dù vấn đề của bạn có được giải quyết hay không, thì cũng nên cảm ơn vì họ đã dành một phần trong quỹ thời gian của họ để trả lời bạn. Điều này rất cần thiết, nhỡ đâu, bạn cần nhờ vả người ta trong một dịp khác thì sao? Tin nhắn trước bạn còn chưa cảm tạ người ta, lần sau bạn còn có can đảm hỏi nữa hay không?
Nhiều người bạn có vẻ thân thiết cho rằng lời cảm ơn là thừa thãi. Tôi cho quan điểm đó là sai lầm. Ngay cả người trong gia đình cũng cần cảm ơn lẫn nhau trong cuộc sống thường nhật, chứ đừng nói đến những mối quan hệ bạn bè - dù thân thiết thì vẫn là người dưng. Lời cảm ơn không phải là khách sáo mà là sự tôn trọng với thời gian, công sức của người khác. Nếu bạn nhận sự giúp đỡ từ ai, đừng bao giờ coi đó là hiển nhiên, vì nó không hiển nhiên.
Nhóm thứ hai: Nhóm cắc cớ, tranh biện
Nhóm này không phải nhóm phổ biến nhất, nhưng lại là nhóm tốn hơi sức nhất khi đối mặt. Thường là những người như vậy sẽ đặt một vấn đề họ không hiểu, tôi trả lời, sau đó họ hoài nghi câu trả lời đó rồi “tranh biện” với tôi.
Nên nhớ rằng tôi hoàn toàn không có vấn đề gì với việc tranh biện , thậm chí tôi coi đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tôi ưa tranh biện. Nếu có ai đó tìm đến để tranh biện những quan điểm của tôi một cách văn minh, có tính xây dựng, cánh cửa lòng tôi luôn rộng mở. Sự tranh biện này có tính bình đẳng giữa những người có cùng mối quan tâm, và cũng phải tương đương nhau trình độ hiểu biết về vấn đề tranh biện. Tuy nhiên, khi ai đó đã không rõ một vấn đề, họ tìm đến tôi để tìm kiếm sự giúp đỡ, để “làm sáng tỏ” những vấn đề họ không hiểu, thì sự “tranh biện” ấy rất thiếu nền tảng của sự tương đương về trình độ hiểu biết. Khổ nỗi là những người tìm đến để nhờ vả rồi sau đó “tranh biện” phần nhiều là bạn của tôi - những người mà giữa tôi với họ có sự cân bằng về vị trí, vai vế trong xã hội. Thế nên, khi cân bằng về vị trí dân sự nhưng lại chênh lệch về trình độ hiểu biết lại rất nguy hại. Chẳng thà họ nói thẳng là nhờ tôi “giảng” lại bài chẳng hạn, thì địa vị của tôi đã khác, đằng này họ lại “hỏi”. Và những kiểu người thích đi hỏi rồi lại “tranh biện” kì thực lại rất hay tự ái. Khi tôi giảng giải cho họ những vấn đề họ không hiểu, họ lại đem cái mối quan hệ bạn bè ra để bao biện cho lòng tự trọng khiêm tốn của họ. Tôi rất buồn và cũng như rất hụt hơi khi nói với những người như vậy, vì sau cùng thì họ vẫn không hiểu gì, vấn đề thứ nhất không được giải quyết mà lại đẻ thêm vấn đề tiếp theo về lòng tự ái.
Nhóm thứ ba: Nhóm khó hiểu
Nhóm này có lẽ là nhóm kì lạ nhất và theo tôi cũng là nhóm tôi ít có cảm tình nhất. Những người thuộc nhóm này sẽ là những người không mấy khi liên lạc với tôi, sự thân thiết xưa nay dừng ở mức xã giao, hoặc đã từng thân thiết những vì lí do khác nhau mà mối quan hệ không còn mặn mà nữa. Họ sẽ tìm đến tôi vì có công có chuyện - hẳn rồi - nhưng sau một câu mào đầu đầy tò mò, tôi trả lời họ, thì họ biến mất tiêu 🤨
Đến đây sẽ có nhiều người cho rằng tôi nhỏ mọn, thù dai hoặc quá tiểu tiết. Tôi không phủ định điều đó. Nhưng những người đối xử với tôi như trên, theo cách nào đó, vẫn liên quan đến cuộc sống hiện tại của tôi. Và trong mỗi lần tiếp xúc, va chạm với họ trên thực tế, tôi không thể quên được cảm giác hụt hẫng mà họ gây cho tôi. Cảm giác này y hệt khi đứa bạn của bạn nói rằng “Ê mày ơi t có chuyện này hay lắm” rồi cuối cùng nó chẳng nói gì vậy. Điều đó gây nên sự ức chế rất cao. Trên thực tế thì tôi cũng chưa đánh rơi một giọt mồ hôi nào để giúp đỡ những người này - thực tế thì tôi đã giúp được gì cho họ đâu. Tuy nhiên, nghĩ mà xem, suốt quãng thời gian tôi nhận được tin nhắn cho đến khi tôi biết rằng họ sẽ không hồi đáp tôi nữa - tôi sống trong bồn chồn, bức bối và tự dằn vặt: Không biết đứa này muốn hỏi mình gì nhỉ, nó muốn nhờ mình gì sao, mình trả lời như vậy là không được hả,... Những băn khoăn ấy mãi mãi không được giải đáp nếu tôi không cố gặng hỏi đi gặng hỏi lại - một việc tôi ít khi làm vì nó rất vô duyên và tốn thời gian. Vậy là, từ vị trí người được hỏi/được mong ngóng/được mang ơn, tôi bị đẩy vào tình cảnh người đi hỏi/mong ngóng/mang ơn.
Có thể những người đưa ra câu hỏi nửa vời như vậy cho đến khi tôi hồi đáp đã tìm được câu trả lời/đã giải quyết được vấn đề của họ, hoặc việc giải quyết vấn đề của họ trở nên không cần thiết nữa,...tôi không thể biết. Nhưng, lạy trời, xin hãy nhắn lại cho tôi về tình trạng của bạn, đừng lẳng lặng bỏ đi như vậy. Sự im lặng đáng sợ của họ chỉ cho thấy họ rất thiếu tôn trọng tôi.
Nhờ vả qua tin nhắn sao cho thỏa?
Thú thật, tôi không dám khẳng định mình chưa từng là một tập con trong ba nhóm “ác quỷ” tôi kể trên. Tôi luôn cố gắng để không rơi vào tình trạng như vậy. Tôi đã nghĩ ra cách để tiếp cận ai đó và “nhờ vả” họ sao cho hợp lí hợp tình nhất. Mong rằng bạn đọc sẽ góp ý sửa đổi, bổ sung để “công thức” của tôi hoàn thiện hơn.
Khi tính “nhờ vả” qua tin nhắn ai đó, ta có thể làm theo các bước:
1. Tìm hiểu sơ bộ - Đánh giá tình hình
Nghe thì có vẻ “làm quá” nhưng điều này thực sự quan trọng. Có một số điều trong bước này mà chúng ta cần xem xét:
- Người mình nhờ vả
- Mức độ gắn kết của mối quan hệ
- Sự cấp thiết của vấn đề định “nhờ vả”
- Hoàn cảnh nhờ vả
Bạn cần xác định xem, người bạn định nhờ vả là người như thế nào, họ có phải người sẵn sàng giúp đỡ/có khả năng giúp đỡ bạn hay không, bao lâu rồi bạn chưa trò chuyện với họ, vấn đề bạn sắp nhờ vả đây có thực sự cần thiết hay không, khung giờ hợp lí nhất bạn nên nhắn cho họ là khi nào? (không ai muốn bị quấy rầy vào giờ nghỉ ngơi, đặc biệt chú ý khi người bạn định nhờ vả đang sống ở múi giờ khác bạn)...Tôi đã từng “được” người khác nhờ vả vào gần nửa đêm để lập dàn ý bài tập học kì (bạn này nhờ tôi sau hai năm ngắt liên lạc) hoặc 30 phút trước khi đến deadline một bài văn tiếng Anh 350 chữ. Những lần nhờ vả đó tôi miễn cưỡng nhận lời, nhưng đó là những trải nghiệm chẳng mấy dễ chịu.
Khi đã quyết định nhờ vả qua tin nhắn, hãy chắc rằng đây không phải vấn đề quá hệ trọng. Nếu vấn đề quá hệ trọng (liên quan đến sự nghiệp lâu dài, lợi ích nhiều người,...) hãy nghĩ đến việc gửi một email trang trọng (không đề cập đến ở bài viết này) hơn là một tin nhắn cô đọng trên các nền tảng mạng xã hội. Cấm kị nhất là hỏi lại những gì họ đã nói/viết/trình bày ở đâu đó. Việc bạn “chẳng may” hỏi lại sẽ khiến một số người khó tính cảm thấy không được tôn trọng.
2. Phác thảo tin nhắn trong đầu
Nếu bạn chấp nhận những khó khăn ở bước 1 và vẫn quyết tâm gửi một tin nhắn nhờ vả, hãy thảo sẵn những ý tưởng trong đầu của mình. Bước này giống như bước lập dàn ý khi viết văn, khác là không nhất thiết phải thảo ra giấy. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương, tưởng tượng như đang đối mặt với họ. Hãy nhớ rằng bạn có lợi thế hơn khi nhắn tin ở chỗ, người ta không biết được bạn có nói vấp không, mắt bạn ngó nghiêng thế nào,... - tức là ngôn ngữ hình thể bị triệt tiêu. Khi đó, hãy chú ý đến giọng điệu của bạn, đừng để người khác hiểu lầm về thái độ của bạn. Nếu cần có thể voice chat để tăng tính thuyết phục về thái độ (tuy nhiên cách này thì có thể khó lưu trữ được về câu từ)
3. Soạn thảo tin nhắn
* Nội dung:
Tôi luôn cho rằng, viết một tin nhắn nhờ vả cũng như làm một bài văn, chỉ có điều những yếu tố không cơ bản được lược bỏ đi đáng kể. Nên có 3 phần tách biệt nhưng tương hỗ lẫn nhau: Mở - Thân - Kết.
Mở: Nếu người bạn nhờ vả đã đứt liên lạc với bạn từ lâu, hoặc mới quen, hoặc địa vị của hai bên có sự phân biệt rõ rệt,... nên bắt đầu bằng một câu chào xã giao, lịch sự. Khéo hơn thì có thể kèm theo lời khen - điều này sẽ gây thiện cảm rất nhiều. Còn nếu người bạn nhờ vả là người thân quen, nhắn tin thường xuyên hoặc giao tiếp thực tế ổn định thì phần này có thể thoải mái hơn, không cần quá câu nệ.
Thân: Nên đi thẳng vào vấn đề chính: trình bày vấn đề của bản thân, bày tỏ nguyện vọng của mình, có thể giải thích vì sao bạn nghĩ rằng người được hỏi sẽ giải quyết được vấn đề của bạn, chỉ rõ phần bạn cần trợ giúp cùng các điều kiện kèm theo. Nên thẳng thắn, đầy đủ, không mập mờ. Về phần này thì bạn ở hình trên làm khá tốt, bạn trình bày rõ ràng vấn đề “tiểu luận về môn pháp luật”, và nguyện vọng được xin “tài liệu” và gợi ý về cách làm bài.
Kết: Trình bày những thông tin thêm về vấn đề chính, lời thỉnh cầu sau cuối, lời chúc sức khỏe, và đặc biệt là CẢM ƠN.
Nếu vấn đề của bạn là một vấn đề dài hơi (ví dụ như thỉnh cầu người khác làm mentor học tập cho mình), gồm nhiều vấn đề nhỏ hệ trọng, thì tin nhắn đầu tiên có thể là lời ngỏ cho những tin nhắn đi sau. Ví dụ: Bạn/cô/thầy/bác/ông/bà/… có thể cho phép mình/em/cháu/con/… liên lạc thường xuyên hơn để hỏi về…. được không? Nếu họ đồng ý, cứ thể tiếp tục triển khai. Nếu không, bày tỏ sự tôn trọng bằng lời cảm ơn và lời chúc, sau đó nên dừng đoạn hội thoại lại. Nếu họ hứa hẹn giúp đỡ trong một thời gian khác, nếu việc đó thực sự có ý nghĩa với bạn, thì nhắc họ vào khoảng thời gian đó.
* Hình thức:
Nếu vấn đề nghiêm túc, nên nhắn bằng một đoạn tin liền mạch, mỗi đoạn tin diễn tả một nội dung hoàn chỉnh, người đọc sẽ dễ dàng theo dõi hơn. Cực kì chú ý chính tả, diễn đạt không được lan man, dài dòng, nước đôi. Hạn chế sử dụng icon/emoticon, hạn chế viết tắt nếu vấn đề thực sự nghiêm túc hoặc đối phương hơn bạn về vai vế.
4. Cảm ơn/Hậu tạ/Hồi đáp.
Bước này là tùy chọn, dựa vào từng trường hợp mà có hoặc không. Nếu việc bạn nhờ vả và được người khác giúp đỡ có thể có hệ quả đáng chú ý, có thể bạn cần cảm ơn người đó một lần nữa. Hoặc chỉ đơn giản là bạn hứa rằng sẽ thông báo lại cho họ về kết quả/họ yêu cầu bạn thông báo - hãy nhớ phản hồi. Nếu bạn hứa trả công cho họ cũng đừng để họ nhắc. Điều này khá cần thiết cho một mối quan hệ qua tin nhắn lâu dài, văn minh, khỏe mạnh, thiện chí.
Lời kết
Nhờ vả qua tin nhắn tưởng dễ mà khó. Trong thời đại mà mạng xã hội lên ngôi, có đôi khi ta giao tiếp qua tin nhắn nhiều hơn ngoài đời thực. Nhắn sao cho thỏa, nhắn sao cho đẹp lòng đôi bên mà vẫn giải quyết được vấn đề mình đang khúc mắc quả là gian lao. Mong rằng chúng ta đều “khéo” hơn trong nhờ vả người khác và cũng tránh được những lần nhờ vả khổ tâm và mệt óc.
Đọc thêm:
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất