Uchi mata - Một trong những đòn ném đẹp nhất và "hủy diệt" nhất của Judo
Có một thứ cảm giác tôi rất thích của việc học võ nói riêng và chơi những môn thể thao vận động nói chung, đấy là cảm giác "clicked". Nếu phải dịch ra tiếng Việt thì chắc gần nhất là trạng thái "đốn ngộ" ra thứ gì đó. 
Tôi học Judo (Nhu Đạo), và như rất nhiều môn võ của Nhật Bản, Judo có "kata", hay còn gọi là "hình". Cốt lõi của "kata" trong judo nằm ở "uchikomi" (mặc dù theo một số tài liệu thì thuật ngữ này được mượn từ kendo - kiếm đạo), có nghĩa: tập đi tập lại một động tác nào đó. Đối với Judo, thường đó là các bài tập ngã (Ukemi), cùng các động tác kéo, giật dùng tay và phần thân trên hay di chuyển và quét chân ở thân dưới. 
Uchikomi là một trong những phần thuộc loại nhàm chán nhất khi tập Judo. Chính vì thế mà trong các võ đường Judo tồn tại một loại võ sinh chuyên trốn tập Uchikomi, chỉ chú trọng vào Randori (tập đối kháng tự do) và Kumite (đối kháng tính điểm, hay là "đánh thật"). Họ có cái lý của họ. Sự phát triển của võ thuật hiện đại nói chung, đặc biệt là sự phát triển của võ tổng hợp, khiến rất nhiều môn võ thuật cổ truyền, cũng như những cách thức tập võ thuật cổ truyền bị coi nhẹ. Cũng có không ít các võ sỹ MMA, trong đó nổi bật là cái tên Từ Hiểu Đông, sẵn sàng hy sinh cả điểm công dân của mình để vạch mặt các võ sư cổ truyền. 
Thực tế thì ở một mặt nào đó Từ Hiểu Đông đúng, khi chính anh đã giúp cho các môn võ cổ truyền có thể bứt phá ra khỏi những khuôn mẫu vốn có hàng nghìn năm để tự cải thiện chính mình ở một số mặt. Nhưng ở một mặt khác, nếu như thường xuyên theo dõi những nơi bàn bạc về võ thuật, không ít người chối bỏ hoàn toàn các môn võ "không phù hợp" với MMA, và đặc biệt có thái độ khinh thị dành cho võ thuật cổ truyền khi võ thuật cổ truyền không phù hợp với "thực chiến". 
Đấy cũng là lý do đối với một môn trong nhiều trường hợp vẫn được coi là võ thuật cổ truyền như Judo, việc tập kata bị nhiều người coi nhẹ. Họ muốn tập trung hơn về mặt thực chiến của Judo thông qua Randori cùng Kumite, đồng thời dành rất ít thời gian cho kata hay kể cả những bài tập thể lực thông thường. 
Thực ra, lúc mới bắt đầu với Judo, tôi... cũng như thế. Vì ngoài việc tập Uchikomi hay thể lực rất chán, nó còn vô cùng mệt. Tôi bắt đầu chơi lại thể thao ở nửa cuối những năm 20 tuổi, bởi vì lý do đặc thù về thể trạng. Sau khoảng hai năm dành cho tập gym, và cảm thấy nền tảng thể lực mình ổn ổn, tôi quyết định kiếm cho mình một môn võ nào đó (mà lúc đó tôi nghĩ là) sẽ cần không quá nhiều thể lực đồng thời có thể dạy cho mình một ít kỹ thuật tự vệ. Thằng bạn thân của tôi trước học Judo và nó bảo "học Judo đi, cũng không cần quá khỏe đâu, tập cũng không khó nữa."
Tôi cũng chần chừ một bận, xong tình cờ một đợt xem John Wick thấy ngầu quá quyết định đi học cái môn mà John Wick dùng để vật lộn. Đáng lẽ phải học Brazillian Jiu-jitsu nhưng thế quái nào có ai đó bảo tôi là Judo, xong lại thêm nhớ mang máng thằng bạn từng bảo, thế là tôi lên facebook đi kiếm thử một lớp Judo quanh quanh trên đường đi làm về. 
Lần đầu đến lớp, thấy mấy cậu đai xanh với nâu tập. Nhìn nâng người lên rất nhẹ nhàng mà quật xuống cái "rầm" ở trên sàn đấu, tôi khấp khởi mừng thầm: "Đúng là môn mình cần đây rồi, nhìn nhẹ nhàng mà đầy uy lực." Giống như Trương Tam Phong với Thái Cực Quyền "dĩ nhu thắng cương". Tò mò, tôi lại gần hỏi thầy (tất nhiên là sau khi báo với thầy là tôi muốn học thử và thầy bảo cứ ngồi xem thử xem) rằng: "Tập bao lâu thì được như thế hả anh?" Với câu trả lời: "À, chỉ cần ba tháng thôi bạn ạ," tôi lập tức bỏ ngay tiền ra học ba tháng không cần suy nghĩ, chỉ để anh thầy nhìn tôi ý nhị vào bảo rằng: "Không cần vội đâu, cứ thử tập ba buổi đi đã."
Tôi thề là nếu như Kim Dung có sống lại, tôi sẽ chất vấn ông đến nơi đến chốn về việc tại sao ông lại viết về cái trò "dĩ nhu thắng cương" hay đến vậy, làm bao anh em tưởng rằng chỉ cần học được đủ bộ pháp cùng một tí "cơ duyên", "ngộ tính" là anh em có thể khiến cho hai thằng tự đánh nhau còn mình đứng giữa phiêu du như tiên giáng trần. Còn chưa kể đến cái món khinh công cùng bắn chưởng tí nữa khiến thằng tôi muốn mất cái mạng nhỏ. Nhưng thôi, chuyện đấy lúc khác kể. 
---
Thực sự thì tôi không phải là người có tố chất tốt cho lắm. Về mọi việc. Từ bé đến lớn, thường làm gì tôi cũng phải mất thời gian hơn người khác. Mặc dù lúc nào cũng được học sinh giỏi, nhưng tôi thừa biết vì sao lại thế. 
Không giống với những người anh em khác trong gia đình , tôi không thông minh. Có một cái dở trong việc bạn sinh ra trong một gia đình có nhiều cá nhân xuất sắc, đấy là bạn cứ suốt ngày bị so sánh với họ. Bố tôi được giải Toán miền Bắc cấp ba (trước kia không có thi Quốc Gia), bác tôi là tiến sỹ đầu ngành một ngành khoa học, lấy bằng từ Nga. Anh trưởng trong nhà tôi cũng chưa đầy ba mươi đã là tiến sỹ, xong sau mấy năm lại mở công ty riêng, sau vài năm nữa cũng thành công ty triệu đô. Anh họ thứ hai là một người thông minh kiệt xuất với tố chất thần đồng, mà chính tôi từ bé đã thấy anh tự nhìn người ta chơi rubik rồi chơi lại và dạy cho tôi. Tôi có hai đứa em họ được giải Quốc gia Toán, một đứa giờ cũng là Tiến Sỹ ngành Điện tử Viễn thông ở Hàn. Kể cả em ruột của tôi từ bé học cái gì cũng nhanh hơn tôi, thậm chí cả việc chơi game. Đến nỗi giờ tôi vẫn nhớ nếu phải chơi những game đấu nhau, thường là tôi sẽ thua đến phát quạu rồi đánh nó, rồi bắt chơi lại. Mà khổ nỗi nếu nó giả vờ thua là tôi biết ngay cơ... 
Nhưng lúc nào tôi cũng được học sinh giỏi, chỉ bởi hai thứ: tôi thích học thuộc lòng, và thích làm đi làm lại cho đến khi nào nhuần nhuyễn thì thôi. Từ cấp một, đến cấp hai, rồi cấp ba, hầu như lúc nào cũng thế. Học toán tôi cứ cố gắng nhớ hết công thức, rồi làm đi làm lại, hỏi đi hỏi lại, cho đến khi hiểu đến nỗi nhắm mắt cũng có thể viết ra được công thức hay những cách chứng minh từ đầu. Học văn tôi cũng vậy, đọc đủ hết văn mẫu, đọc đi đọc lại những đoạn mình thích cho đến khi tự viết lại được một đoạn tổng hợp mà chính mình thấy hài lòng. Tiếng Anh, Sử Địa, hay Lý, Hóa tương tự. Mà cũng may, bởi để học hết cấp ba ở Việt Nam cũng chỉ cần như vậy. Thi Đại Học cũng thế.
Điều tệ của việc đấy đó là chẳng bao giờ tôi có đột phá. Tôi biết mình luôn có thể đạt được đến tám điểm, nhưng để lúc nào cũng chín mười thì không thể. "Chín là điểm của Thầy, còn Mười là điểm của Chúa", thầy Toán hồi cấp hai của tôi vẫn hay đùa vậy, nên thầy chẳng bao giờ cho Mười, còn tôi thì hiếm khi được đến Chín. Mà không có đột phá thì chẳng bao giờ có đỉnh cao. Không đạt được đến đỉnh cao mà lúc nào cũng lưng chừng ở giữa thì hay bị thèm khát được một lần đứng ở vị trí thứ nhất. 
Còn thằng bạn thân của tôi vừa thông minh lại còn chăm, nên suốt ngày nó đứng nhất. Tôi không ghét nó, chưa bao giờ tôi ghét nó, nhưng đôi khi tôi cũng tự hỏi, "Liệu có lúc nào mình được như thế không nhỉ?"
--- 
Bạn tôi giỏi, rất giỏi. Giỏi ở một mức độ mà đến tận bây giờ, tôi biết và cũng chấp nhận được một điều: đấy là có lẽ chẳng bao giờ tôi có thể giỏi như nó ở lĩnh vực mà nó giỏi, Toán, vốn là thứ tôi cũng rất ưa thích từ tấm bé. Có thể nó không biết, chứ có lúc tôi ghét Toán vô cùng vì nó. Ở đời tồn tại một số loại khoảng cách, mà dù bạn có cố gắng đến thế nào đi chăng nữa, bạn không thể rút ngắn nổi. Nhất là với những thành phần vừa thông minh lại còn vừa chăm chỉ như bạn tôi. 
Nó được học bổng đi Mỹ khi vừa mới hết năm một đại học. Còn tôi nằm nhà ốm. Phải thi lại Đại học. Hận cuộc đời đến thấu xương. Và sợ môn Toán. Sợ thực sự. Ngại nó luôn. 

Đọc thêm:

Mỗi năm nó về một lần. Lần nào tôi cũng gặp nó. Nhưng lúc nào tôi cũng phải "gồng". Nó kể chuyện gì tôi cũng cố gắng phải nặn óc nghĩ ra một loại thành tựu mà tôi cho rằng có thể sánh với những việc nó làm. Dù vậy, sâu thẳm tôi biết là mình cũng chỉ đang gồng mà thôi. Nên tôi ngại gặp nó dần. Sau đó ngừng hẳn liên lạc một thời gian.
---
Những ngày đầu tiên tập Judo của tôi thật sự là những ngày "địa ngục". Tưởng rằng hai năm đi gym đều đặn là đủ để có thể theo, nhưng tôi đã lầm, lầm vô cùng. Bốn mươi lăm phút khởi động, cha mẹ ơi, đến tận BỐN MƯƠI LĂM PHÚT. Đủ các bài hành xác. Xe bò, lăn lưng, nhảy ếch, nhảy ngựa, lộn xuôi, lộn ngược, dùng hông đi chuyển, lau thảm và di chuyển bằng lưng... Tôi vẫn nhớ tối đầu tiên về nhà không mở mồm ăn nổi, chỉ có nằm thở, toàn thân đau nhức đến mức chỉ muốn ngủ, mà ngủ cũng không nổi vì thở dốc quá. Mà thế đã xong đâu, sau bốn mươi lăm phút đấy là MỘT TIẾNG RƯỠI, hẳn MỘT TIẾNG RƯỠI tập Uchikomi. Ngã trước, ngã sau, kéo tay, xoay người... mỗi động tác ba mươi cái. 
Có một điểm tệ của việc bạn gần ba mươi tuổi mới đi học võ đấy là thấy đám mười mấy, đầu hai mươi tập. Chao ôi sao mà khỏe, sao mà nhẹ nhàng thanh thoát đến thế. Chúng nó nhào lộn, bay qua bốn người không xi nhê gì. Chúng nó chưa đến sáu mươi cân mà quật mấy thanh niên to cao mét bảy hơn chục ký dễ như không. Bạn sẽ bắt đầu so sánh, rồi câu hỏi lớn vừa vừa sẽ đến, "Đến bao giờ mình mới làm được như thế?", "Ba tháng" - Tôi nhớ lại lời ông thầy. 
Thế là tôi lết mình đi ba tháng. Và sau ba tháng, tôi... không làm được như vậy. Hoàn toàn không. Tay chân vẫn luống cuống. Mặc dù thể lực có tăng lên, không còn thở bằng tất cả những lỗ có thể thở nữa, nhưng về mặt đòn thế lại gần như không thi triển được đòn nào. Tôi có thể Uchikomi được một mình hoặc với dây cao su, nhưng cứ với người là tôi lại cóng, không thể làm gì được. Mà đòn không ra gì thì không ai cho Randori nói gì Kumite, thế là tôi sợ Randori, chỉ dám Uchikomi cùng đám mới tập ngày này tháng khác. Rồi đám mới tập cũng tiến bộ, mà tôi thì không. Lúc này, câu hỏi lớn nhất ập đến, "Rốt cuộc mình làm tất cả những thứ này để làm gì?"
Và tôi bỏ, không tập nữa.
---
"Rốt cuộc tao làm tất cả những thứ này để làm gì?"
Thằng bạn tôi hỏi, về việc đi học của nó, trong lúc tôi với nó đi bộ trong khu nhà tôi. Nó trốn bố mẹ từ Mỹ về. Yêu xa không phải lúc nào cũng có kết cục tốt. Một buổi tối tự dưng nó nhắn tin trên facebook cho tôi rằng "Mày có rảnh không tao nói chuyện?", rồi từ chat thành gọi cho tôi, và nó khóc tu tu vì nghĩ rằng người yêu nó ở Việt Nam phản bội nó. 
Tôi, với tất cả kinh nghiệm tình trường có được trong những năm thằng bạn tôi đi học, rồi làm tiến sỹ ở Mỹ, tức là đâu đó đến thời điểm đấy khoảng bảy tám năm gì đó, còn với tôi ba bốn mối tình gì đó (khoe tí, mặc dù lắm lúc tôi cũng chẳng hiểu các nàng nhìn thấy điểm gì ở tôi), hùng hồn phán một câu "Còn nước còn tát, mày cứ phải về Việt Nam làm cho ra môn ra khoai đi đã, chứ ở đấy xong lo thì cũng chẳng được gì." Nó im im xong không nói gì.
Bố ai mà ngờ được nó về thật chỉ trong mấy ngày. Rồi mò về nhà tôi xin ngủ nhờ. Giữa lúc nhà tôi đang ăn cơm. Sau khi dặn dò mẹ tôi đừng có bép xép mà nói với mẹ nó, tôi bảo thằng bạn lên tắm rửa qua đi rồi "tao dẫn mày đi ăn." 
Nó ngồi trước mặt tôi ở cái quán cút lộn gần nhà tôi. "Lâu lắm không được ăn món này", nó bảo. "Tao biết mà, thế nên mới lôi mày ra đây." Tôi cười và gọi một bát cút lộn luộc, rồi cút lộn xào me, một mẻ ốc, một chai rượu. Mùa đông. Rượu vào lời ra. Nửa chai, rồi một chai. Nó cứ uống rồi nói. Tôi chỉ ngồi đấy nghe. 
Hóa ra cỏ bên kia cũng chẳng xanh như tôi tưởng. Nó bảo tôi rằng nó thèm được như tôi, tự do muốn làm gì thì làm, thích thì ở, chán thì đi, bố mẹ thấy tự lo được cũng chẳng phải quan tâm quá nhiều. Còn nó thì dù học bên Mỹ nhưng vì việc học quá nặng nên hầu như chẳng đi đâu, chẳng làm gì được, quanh quẩn trong trường, không nhà thì thư viện, không thư viện thì trong phòng thí nghiệm. Những đêm mất ngủ vì mất phương hướng. Những ngày tha thẩn không có ai trò chuyện. Cùng sự tin tưởng tuyệt, kỳ vọng đối của bố mẹ về một viễn cảnh tươi sáng về nước chắc chắn có việc làm, chắc chắn có một người con gái đang tự động chờ không cần quà cáp hỏi thăm. Cho đến khi lời chia tay được nói ra mà nó còn không tin rằng đó là sự thật. 
Tôi nghe nó nói và trầm ngâm. Bảy tám năm cứ thế trôi qua trong vài chén rượu. Rồi đến lúc cũng cạn chai. Chợt nhớ ra điều gì, nó ngẩng lên nhìn tôi, ái ngại, "Thế mày thế nào?"
Tôi nhìn thằng bạn nối khố của mình, rồi tự dưng tôi nhớ đến một buổi tối, rất lâu rồi, hồi cấp 2, nó ở nhà tôi chơi game và tôi thú nhận với nó tôi thích một bạn gái cùng lớp. Sau lời nói đấy, tôi cảm thấy thật nhẹ lòng. Và tôi nói một câu cũng khiến tôi nhẹ lòng như thế.
"Tao á, nói thật, nhiều lúc tao lại chỉ muốn được đi học tiến sỹ như mày."
---
Con người ta hay nhìn vào kết quả hơn là quá trình. Tệ hơn là đôi khi dùng chính kinh nghiệm, trải nghiệm của mình để đánh giá kết quả của người khác. Mà cái việc tập võ đôi khi lại thể hiện rõ cái điều đấy lắm lắm.
Tỉ như cái chuyện người ta không tập, nhưng rất thích tham gia vào việc tranh luận xem môn võ nào hay hơn môn võ nào. Ở đâu cũng có. Ông A "có thằng bạn bên Tán Thủ" kể chuyện "đ*t mẹ thằng bạn tao, TẬN MẮT TAO THẤY, nó đánh cho một thằng bên đô vật nằm im luôn. Xong ông B lại "có một thằng bạn bên đô vật" vạc lại, "Chém gió, mấy môn đấm đá ăn thế đíu nào được mấy môn tếch-đao, mà kể cả có ăn được cũng ăn được trên sàn có nệm thôi, ăn thế quái nào được trên nền gạch." Đấy là ở quán trà đá. Còn trên mạng thì võ sư một mình địch trăm tước vũ khí như đúng rồi chắc nhắm mắt cũng bớ ra cả rổ. 
Tôi nghĩ nếu như họ thực sự tập, và họ chuyên tâm tập chẳng hạn... mà thôi, nói thế có khi lại động chạm, tôi cứ chiếu từ tôi ra rằng, nếu như thực sự tập và chuyên tâm tập, thường cá nhân tôi sẽ... không có thời gian để tham gia vào những thứ tranh luận vô bổ đấy. Bởi để có thể cải thiện được trong võ thuật, thứ duy nhất bạn, không, nhầm, tôi, đối với tôi, có thể làm đấy là luôn nhìn lại chính bản thân mình và không ngừng rèn luyện. 
Võ thuật, nhất là ở mặt đối kháng của nó, là một thứ rất trung thực và thuần khiết. Bạn đeo đai, bạn chào đối thủ, trọng tài hô "Hajime" (bắt đầu), bạn thủ thế. Bạn cố gắng phòng thủ, rồi trong lúc phòng thủ tìm cách tấn công, đổi thủ của bạn cũng thế. Dù chỉ trong ba phút, nhưng ba phút đấy, bạn không biết gì xung quanh. Bạn chỉ có thể lắng nghe cơ thể của mình, căng mắt nhìn, cố gắng hết mức phán đoán bằng cơ bắp xem đối thủ sẽ ra đòn gì. Đoán đúng, bạn có một đòn ippon (lưng chạm đất). Đoán sai, bạn thấy trời đất đảo ngược, trọng tài hô "Ippon", bạn đứng dậy chào đối thủ. Bạn về nhà và nghĩ rất nhiều về trận đấu, để sáng hôm sau thử nghĩ lại xem mình có thể làm gì khác. Rồi đến phòng tập và hỏi huấn luyện viên, và tập, và lại có một trận đấu khác... Rồi thắng thì vui, thua thì lại lặp lại những thứ như trên, xen vào những video về Judo trên thế giới để học chuyển thế... Bạn cần trung thực bởi vì dù thắng, hay thua, cũng đều là do bạn. Bạn cần phải giữ cái tâm thuần khiết, bởi nếu bạn chơi bẩn không ai muốn chơi với bạn nữa. Võ thuật đối kháng không giống như đá bóng, đôi khi thắng là vì "tao đá hay", thua là vì "đù má cái đội chuyền toàn hỏng". Ở võ thuật, tất cả mọi đích đến đều là hành trình của bạn. Chỉ mình bạn mà thôi. Hỗ trợ bên ngoài dù có nhiều như thế nào, cũng không thể bằng bạn tự thân mình (theo nghĩa đen) nếm trải. Cứ sau một khoảng thời gian tập, rồi đấu, tôi lại thấy mình dũng cảm hơn, bình tĩnh hơn, và quan trọng nhất là khiêm tốn hơn. Bởi tôi biết tôi sẽ bị ăn đòn. Đòn đau là đằng khác. Nhưng tôi luôn sẵn sàng để ăn đòn, đồng thời cũng luôn sẵn sàng để ra đòn. Tôi nghĩ khiêm tốn nghĩa là như vậy. Người ta nhìn vào bên trong mình nhiều hơn là bên ngoài, biết mình làm được gì, chịu được gì và sẵn sàng đối mặt với tất cả những điều đấy.
Từng đấy thứ, kết hợp với công việc, cuộc sống của bạn, đào đâu ra thời gian để đi tranh cãi về nó nữa? À không, lại quên, đối với tôi, xin ghi nhớ rằng đây là đối với tôi.

Đọc thêm:

Nó quyết tâm đi đến thành phố người yêu (sắp cũ) của nó ở để nói chuyện một lần cuối. Sau lời khuyên "cứ làm những thứ mày thấy là đúng nhất, thấy cần phải làm nhất" của tôi. Nếu có một thứ mà bạn tôi, từ bé đến lớn, luôn khiến tôi khâm phục, đấy là cho dù kết quả thế nào nó cũng học được. "Có ăn cứt tao cũng phải ăn để xem nó thế nào." Nó nói trong men say với tôi. Tôi cười khẩy. "Đúng, có ăn cứt cũng phải ăn xem nó thế nào."
Nó bảo với tôi rằng nó sợ sai lâu quá rồi. Lúc nào nó cũng trong cái vòng an toàn là môi trường học thuật của nó. Rằng nó muốn thử một lần thoát ra khỏi đấy, làm những thứ không quan tâm đến kỳ vọng của người khác xem thế nào. 
Nghe nó nói, tôi chợt giật mình. Trong cái giây phút chuếnh choáng đó, tôi đột nhiên cảm thấy, liệu mình cũng có phải ở trong một cái vòng an toàn lâu quá rồi hay không. Đã bao lâu rồi mình không học một cái mới? Đã bao lâu rồi mình không dám bắt đầu một thứ gì đó mà không quan tâm đến kỳ vọng của người khác? 
"Tao định đi học võ mày ạ." Đột nhiên tôi nói với nó.
"Học Judo đi, cũng không cần quá khỏe đâu, tập cũng không khó nữa." Nó cười khà khà rồi vỗ vai tôi bảo. "Tao cũng đi tập bên trường đại học bên kia, vui lắm."
"Mà đôi khi, tao cũng chẳng biết rốt cuộc những cái tao làm để làm gì nữa." Tôi trả lời câu hỏi lúc đầu của nó. "Đôi khi tao chỉ muốn cứ thích là làm thôi. Có điều tao nghĩ nếu làm thì phải làm đến cùng."
---
"Không, em chẳng nghĩ mấy đâu anh ạ, ban đầu em chỉ tập cho vui thôi, ai dè nhoằng cái đã vào tuyển" - K. cười - Nụ cười hiền lành của một huấn luyện viên Judo đồng thời cũng trong đội tuyển quốc gia hạng cân trên 80kg. 
Tôi quyết tâm tập lại Judo sau khoảng ba tháng nghỉ. Ở một câu lạc bộ khác. Tình cờ tìm được ở ngay gần nhà tôi. Một trung tâm huấn luyện cũng lâu năm, đợt trước khi tôi tìm thì đang trong giai đoạn sửa chữa chuyển địa điểm nên đóng cửa, giờ mới mở lại.  
Một câu hỏi tôi dành cho K., khi tham gia vào câu lạc bộ này một thời gian, đấy là "Có cách nào làm mình có thể ra được đòn tốt hay không?" K. nghiêm mặt lại, bảo tôi thử Uchikomi. Rồi bảo tôi dừng lại. K. bảo mấy đứa tập cùng lấy đệm ra, rồi bảo tôi đứng lên đệm. Lúc đấy tôi chưa biết đệm này chuyên dùng để tập đòn nặng, tức là đòn vai trở lên trong Judo. "Anh mở mắt, thả lỏng chân tay ra." Rồi K. lấy thế, vào đòn. Một trong những đòn cơ bản nhất: Ippon Seoi Nage (Quật qua vai khóa một tay)
Lần đầu tiên trong đời tôi biết một tuyển thủ Judo quốc gia có cú quật khủng khiếp thế nào. Kể cả có đệm rồi thì người bạn vẫn rung lên. dư chấn một hồi mới hết. Kể cả có đệm đỡ, rồi người đánh kéo áo giảm lực rồi bạn vẫn cảm thấy phổi mình nảy lên, rồi đập xuống, toàn bộ trong người nhộn nhạo. 
"Anh phải ngã quen đã, biết đòn mình đánh ra có thể làm được gì đã. Từ giờ cứ cuối buổi anh cứ Randori (đấu tập) cho biết khi đấu như thế nào. Sau đó lại quay lại tập Uchikomi. Rồi Randori, rồi lại Uchikomi, nhưng nên Randori nhiều hơn. Xong Kumite. Cơ thể anh phải làm đi làm lại cho đến khi quen thì thôi, quen cả việc ngã nữa. Rồi mới choảng nhau được."
Chuỗi ngày lấm lưng trắng bụng đó, đến giờ tôi vẫn nhớ. Lúc đấy không biết gì, tôi cứ nghe răm rắp nghe theo mà thôi. Lại còn thường xuyên được "giao lưu" nên tiến bộ thấy rõ. Thậm chí còn thấy Uchikomi vô dụng, chỉ chăm chăm Randori thôi. Trong gần một năm, tôi thấy mình chắc sắp sửa lên tuyển đến nơi. Cho đến một lần đấu tập khác. Một cú giật vai quá mạnh. Tôi bị viêm gân tràn dịch ở vai. Bác sỹ bảo nếu muốn khỏi hẳn thì phải nghỉ ít nhất nửa năm.
Tạm biệt Judo lần hai. 
---
Bạn tôi chia tay. Không lâu sau cô bé kia cưới. Nó quay trở lại Mỹ. Trước khi đi nó bảo, dù gì thì gì tao cũng sẽ phải xong bằng tiến sỹ. "Tao đã làm hết những cái cần làm rồi, dù kết quả thế nào thì tao cũng phải xong cái bằng đã." Rồi nó trầm ngâm. "Sau đó, chắc là tao sẽ quay về Việt Nam." 
Sang bên kia, nó thay đổi thấy rõ. Tôi thấy qua Facebook của nó. Diện hơn. Tươi hơn. Đi chơi nhiều hơn. Chắc là nghe theo lời khuyên của tôi, "thay đổi đi một tí xem thế nào." Thậm chí là cả cần cỏ. Rồi... Tinder. Mỗi lần nghe nó nói về một cái mới tôi lại há hốc mồm. 
Tháng 6 năm đấy nó lại về Việt Nam. Lần này tươi vui, phấn khởi, dường như đã quên hết chuyện cũ. Nó báo với tôi là sắp xong bằng rồi. Đợt này về chơi, "have some fun" như nó nói. 
Một buổi tối, tự dưng nó gọi tôi lên bar nghe nhạc. Tôi hỏi là có chuyện gì thế. "Đi với tao, vì em này có đi cùng với một đứa khác, mày lên đây cùng cho tao đỡ thấy ngại." Nó nói. "Hả, em nào, cái gì, giải thích cái coi." Tôi không hiểu. "À, Tinder ấy mà." Nó nói, rồi cười hềnh hệch vui vẻ. "Được rồi, chờ tao tí."
Sau buổi hôm đấy nó có bạn gái mới. Hai người tiến nhanh như gió. Bạn gái mới thậm chí bỏ tiền sang Mỹ chơi với nó hẳn cả tuần. Cả hai tính đến việc cưới xin. Mời tôi đi gặp mấy lần hồ hởi lắm. Tôi vui mừng, thậm chỉ bảo, "Đ*t mẹ, đợt này mà có con tao phải được đặt tên."
Rồi nó về nước. Bố mẹ xin cho vào chỗ ngon. Làm được một thời gian thì tính chuyện cưới hỏi. 
Mẹ nó kịch liệt phản đối vì "lên chùa thấy không hợp tuổi."
Chia tay lần thứ  hai.
---
Nếu những vấp váp trong cuộc đời này có dạy được cho tôi điều gì mà tôi tâm đắc nhất, thì chắc đấy là: sai thì sửa, chửa thì đẻ. Thật. Có điều, phải biết tại sao mình sai. Hoặc là tại sao lại chửa. Bởi kết quả không thể thiếu quá trình, mà quá trình cũng không thiếu kết quả được. Nhiều khi chúng ta bị lao đầu theo kết quả mà đi chọn quá trình không phù hợp với mình, để rồi kết quả thì đạt được nhưng hậu quả lại lợi bất cập hại. Rồi cũng không hiếm đoạn ta cứ đi chẳng quan trọng kết quả gì, để khi nhìn kết quả của người khác thì lại cuống cuồng than thân tại sao lại lãng phí thời gian như thế. 
Thành thử, với một kẻ bình thường như tôi, thứ quý giá nhất, đấy chính là việc luôn phải được chuẩn bị. Sự chuẩn bị ở đây là để đảm bảo, nếu như quá trình hỏng, thì mình phải biết cách thay đổi kỳ vọng ở kết quả cho những lần sau, còn nếu kết quả hỏng, thì mình phải biết nhìn lại quá trình để thay đổi cách làm cho những lần sau. 
Khi còn sống, luôn có những lần sau, nhưng phải biết đường mà thử lại.
---
Tôi đi học Judo lần thứ ba chỉ với mục đích: cho khỏe. Không phải tự vệ, không phải đấu đá, mà chỉ để cho khỏe. Judo chứ không phải môn khác vì tôi đã quen với cách vận động của Judo. 
Lại một câu lạc bộ khác. Lần này thì vì chuyển nhà. Cưới xong ở với bố mẹ được dăm bữa nửa tháng thấy cần phải chuyển. Lý do nói sau. Câu lạc bộ gần nhà nhất có thể. Chỉ đơn giản là muốn đi tập cho khỏe thôi, còn tập cái gì cũng được. 
Huấn luyện viên lần này của tôi là một cậu bằng tuổi. Cũng là một người nhẹ nhàng nữa. Hình như cao thủ món này có vẻ thấm nhuần tư tưởng "Nhu" hay sao ấy. Một tay cực kỳ đam mê võ thuật. Đồng thời cũng vô cùng chăm chỉ. Tận tình hướng dẫn từng chút một. Sửa cả những thứ nhỏ nhất. 
Câu lạc bộ ít người, cái món này vốn quanh đi quẩn lại cả thành phố được một nhúm tập. Lần này đi tập để cho khỏe, tôi chẳng đặt cho mình kỳ vọng gì cả. Uchikomi cũng được, Randori cũng được, Kumite cũng xong, người ta tập gì tôi tập nấy. Tôi làm chỉ đơn giản là muốn duy trì một môn thể thao mà thôi. Nhưng lần này tôi để ý kỹ hơn những thứ mình làm. Và chắc chắn mình hiểu thì mới làm. 
Tôi đọc về Judo, tìm hiểu nguồn gốc, học thuộc lòng tên những đòn đang tập, quan sát thật kỹ những thứ mà huấn luyện viên làm, rồi bắt chước theo. Cố gắng hiểu tại sao lại có những đòn đấy, mà cậu huấn luyện viên cũng rất sẵn sàng giảng giải. Không chỉ về đòn, thế, mà còn về nguyên lý của chúng. Cứ quên tôi lại hỏi, lại làm lại, Uchikomi đến khi nào không phải nghĩ thì thôi. Tôi tìm được cho mình cách tập, mà lúc tôi thấy sẵn sàng thì Randori, còn không thì cứ Uchikomi. Thi thoảng được Kumite nữa, nhưng không quan trọng thắng thua. 
Cứ quanh quẩn thế cũng nửa năm, tôi tìm được cái nhịp điệu của mình. 
---
Bạn tôi nghỉ làm ở chỗ bố mẹ xin cho. "Tao cảm thấy không hợp, tao muốn tìm được thứ gì đó phù hợp với mình hơn, mà vẫn có cơ hội để học. Ở kia không có cơ hội, tao thấy mệt mày ạ."
Một buổi cà phê tôi nghe nó nói thế. Tôi nhờ nó dạy lại Toán. Bỏ lâu quá rồi, muốn học hành lại tử tế, có gốc, nên nhờ dạy thôi. Mà đúng là học thầy không tày học bạn. Nó thực sự yêu Toán, và nó luôn có cách nhìn nhận vô cùng tường minh. Nhờ nó dạy, tôi thấy mình sáng ra được bao nhiêu thứ. 
Nó cũng bảo thôi chẳng dùng Tinder nữa. Không hợp, nó nói vậy. Cứ sống thật với mình, rồi từ từ, làm sao thoải mái với mình thôi. Tôi đồng ý. Tự mình phải hiểu được mình muốn gì, làm được gì trước đã chứ. 
Rồi nó lại đi tìm việc. Dăm ba chỗ phỏng vấn. Nhưng lần này nó chẳng vội vàng gì. Tôi cũng bảo nó thế, cứ từ từ thôi, người giỏi như nó đâu có thiếu chỗ mời. Tìm chỗ nào mình cảm thấy thực sự thích rồi hẵng vào. 
Cứ quanh quẩn thế cũng nửa năm, hôm nọ nó bắt đầu được đào tạo ở một chỗ mới, một công ty cộm cán về đúng ngành nó học. Tôi nghĩ nó bắt đầu tìm được nhịp điệu của nó. 
---
Cách đây không lâu tôi lại Kumite. Lần này là với người mạnh nhất câu lạc bộ. Mục tiêu của tôi chỉ là cố gắng ăn được nửa điểm Waza-ari (ném ngã nhưng lưng không chạm thảm). Vì tập với thằng cu này nhiều, nó kém tôi gần chục tuổi, khỏe kinh khủng. Uchikomi với nó tôi đã thấy lắm lúc bở cả hơi tai. Mỗi một cú giằng gi (áo tập Judo) với nó đều toát hết mồ hôi hột. Thường chẳng bao giờ tôi ăn nổi đến nửa điểm. Nhưng lúc nào tôi cũng đặt ra mục tiêu, chỉ cần nửa điểm thôi.
"Ai lên đánh với em nào." Nó cười, sau khi vần mấy cậu khác bở cả hơi tai. 
"Tao." Tôi đang bở hơi tai cũng đứng lên xung phong. Chẳng hiểu sao muốn làm thế. 
Anh em cười hà hà.
Thắt đai. Chào. 
"Hajime!"
Di chuyển. Giằng giật. Cố lấy miếng. Nó nắm được ve rồi. Không để nó nắm được tay. Di chuyển sang bên trái. Túm được áo rồi. Nhưng nó cũng túm được ve rồi. Nó đẩy mình đi, định Osoto à, không, quay người, bỏ mẹ là Harai Goshi. Nó hay đánh đòn này. Tao biết rồi nhá. Giằng ra. Đối diện, nắm lại tay áo nó. Tiếp tục bên trái. Ve. Lại bị giật ra. Đù má nó khỏe quá. Không chơi đòn vai được, hết sức rồi, đòn chân thôi. Có liên đòn nào nhỉ. Nó lại tiếp tục tấn công. Trong một tíc tắc đấy, tôi không kịp nghĩ, chỉ kịp làm như phản xạ, sau hàng nghìn lần Uchikomi. Một tích tắc đốn ngộ. Đầu ốc trống rỗng, mệt quá chẳng nghĩ nổi nữa. Nương người tóm lấy ve áo. Kéo. De Ashi Barai. Không được. Đẩy.  Ouchi Gari. Không được. Dùng hết sức kéo. De Ashi Barai tiếp. 
Tự dưng thấy nhẹ bẫng. 
Ô, nó ngã rồi. 
"Mate!" (Dừng lại)
"Được Ippon không ông ơi?!" - Tôi ngẩng lên nhìn trọng tài
"Waza-ari thôi"