Sheep in a meadow - tranh của August Friedrich Albrecht Schenck


Việc Viết của năm rồi



Mấy ngày cuối năm, tôi làm nốt một việc dang dở, đấy là gửi đi bản thảo tập truyện ngắn đến một nhà xuất bản, một lần nữa. Nếu như cuốn sách đầu tiên của tôi chủ yếu là hứng lên mà làm, thì tập truyện ngắn này tôi thực sự muốn được xuất bản. Có điều vu vơ thì trúng còn nghiêm túc thì trượt, tập bản thảo này cũng đã mấy lần bị từ chối. 
Tôi chơi (cũng không quá thân) với một người làm biên tập chuyên nghiệp, cô ấy giúp tôi chỉnh sửa bản thảo và gửi đi. Lần trước cũng cô ấy chỉnh sửa bản thảo của tôi, và cô bảo tôi sửa cái gì, bỏ cái gì thì tôi sửa, bỏ cái đấy. Lần này sửa thì được, bỏ thì không, vì tôi không muốn phải theo tiêu chuẩn xuất bản của mấy nhà đấy. Nên đến giờ vẫn chưa được chấp thuận. Đợt rồi cô ấy có việc nhà, tôi không tiện hỏi nữa, nên thôi tự mình gửi tập bản thảo đi thêm một hai nơi, không hi vọng lắm là được, nhưng coi như làm cho xong cái việc năm nay muốn làm. 
Địa hạt văn chương là thứ đáng sợ. Ở cái đất này thì lại càng đáng sợ. Xuất bản sách thì dễ, nhưng xuất bản được một cuốn ưng ý mình, là người viết, thì thật tình không dễ chút nào. Gần đây có Mối Chúa của Tạ Duy Anh - một nhà văn tôi ưa thích bị thu hồi xuất bản, lý do thì tìm trên mạng thấy ngay, là một việc khiến tôi tự hỏi nhiều về cái con đường văn chương của mình. Nói như vậy không phải tôi bất mãn gì, bởi việc bất mãn đến cuối cũng không giải quyết được điều gì cả, cùng lắm rạch mặt rồi hét lên "Ai cho tao lương thiện" là cùng, chứ đến cuối ngày không thay đổi được gì cả. Mà không bất mãn thì chỉ có một trong hai con đường: cắn răng đi tiếp để xem thay đổi được đến đâu, hay còn gọi là vừa viết vừa lách, cái thứ hai là gác bút. Việc thứ hai thì tôi chưa làm được. 
Còn một thứ đáng sợ nữa của cái địa hạt đấy, đấy là những cái "tôi" của người viết văn. Của người đọc văn. Của người bình văn. Đối mặt với những thứ đấy, kể cả các bậc lão làng, lắm lúc còn chửi thề nhét hết cứt đái vào mồm nhau, huống chi là một thằng ba vơ không tiếng không tăm như tôi. Và nếu như chọn cái việc viết văn là một cái nghiệp, một cái của nợ mà mình không vứt đi được, hoặc không nỡ vứt đi được, thì không chóng cũng chày sẽ đau đầu một lúc nào đó. Cái "tôi" trong văn học vốn không phải là thứ dễ kiểm soát. Bởi nếu anh kiểm soát chặt chẽ quá anh sẽ biến thành một kẻ vật vờ và lờ đờ, người ta đọc ở anh như uống bát canh không mắm, chẳng có cái vị gì cả. Nhưng nếu anh buông thả quá, đôi khi chính bản thân anh sẽ rơi vào sự tự mãn của một kẻ tự học. Như cụ Cao Xuân Hạo từng nói, mà tôi thấy thấm từng từ, ấy là: 
"Với người tự học, khả năng vẫn nhầm lẫn ngay cả sau khi trải qua cuộc khủng hoảng ấy lớn hơn rất nhiều so với người được đào tạo chính quy. Vì sự phản biện trong cảnh cô đơn là việc cực kỳ khó khăn. Ở đây có một vực thẳm không đáy chờ sẵn người tự học: đó là thảm cảnh của chứng vĩ cuồng, mà tôi đã có dịp bàn ở một chỗ khác. Lâm vào thảm cảnh này, người tự học sẽ trở thành kẻ điên rồ không phương cứu chữa, một phế nhân không có lấy được niềm an ủi tối thiểu của các phế nhân là lòng thương xót của đồng loại: không ai có thể xót thương một kẻ giương giương tự đắc, tự cho phép mình khinh miệt mọi người chỉ vì mình học không đến nơi đến chốn."
Mà rồi văn chương, để viết nổi, đến cuối cùng cũng chỉ toàn là tự học mà thôi. Tôi yêu thích việc viết văn vì tôi có một lòng yêu thích ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Dạo này nhiều người chỉ trích tiếng Việt không có lợi cho tư duy, mặc dù không phải không có phần đúng, nhưng chủ yếu tôi nghĩ họ chưa hiểu hết về thứ ngôn ngữ này. Mà để chứng minh cho điều đấy, tôi cố gắng rèn giũa việc dùng tiếng Việt trong tất cả các lĩnh vực mà tôi có thể dùng, đặc biệt là văn chương. Bởi ở văn chương, tôi thấy được sự kết hợp hoàn hảo giữa việc dùng tư duy ngôn ngữ và dùng cảm nhận nghệ thuật để viết. 
Viết, vốn là một việc dễ làm. Ngôn ngữ gắn liền với lịch sử phát triển của con người, nên trong nhiều khía cạnh, có thể coi ngôn ngữ thuộc về một phần bản năng của con người. Mà đã là một việc bản năng, thì hầu như ai cũng làm được. Nhưng để làm được ở một mức độ thấu hiểu cặn kẽ cả về mặt hệ thống lý luận lẫn mặt nghệ thuật biểu đạt của ngôn ngữ lại là việc rất khác. Nâng cao năng lực ngôn ngữ là tìm cách cải thiện không chỉ ngôn ngữ của bản thân, mà còn là chính ngôn ngữ mình đang dùng nữa. Nhiều lý luận của những người không học/không hiểu về ngôn ngữ, hoặc học hành không đến nơi đến chốn thường bị thiên lệch, hoặc là dùng tính thiên nghệ thuật của một ngôn ngữ để chỉ trích sự yếu kém về mặt lý luận của ngôn ngữ đó, hoặc dùng tính lý luận của một ngôn ngữ để hạ thấp mặt nghệ thuật. Cả hai việc, theo tôi, đều tệ như nhau cả. Chẳng phải tự nhiên việc học và nghiên cứu về ngôn ngữ học nói chung và các ngôn ngữ nói riêng lại phức tạp, bởi con người rất dễ bị thiên kiến với những thứ có dính bản năng. Để thực sự có một cái nhìn trung dung và đúng mực về ngôn ngữ cần phải hiểu cũng như dung hòa được không chỉ hai mặt lý luận, nghệ thuật, mà còn cả những mặt khác của ngôn ngữ.
Quay lại với cái bản năng trong việc sáng tác văn chương, hay tạm gọi với một cái tên "cái tôi trong văn học", một lần nữa, là thứ rất khó kiểm soát, không chỉ vì hai khía cạnh trên, mà còn vì sự tương tác của những con người trong địa hạt văn học nữa. Người viết, nhất thiết phải có người đọc. Bởi nếu như không có người đọc văn, người viết văn dễ dàng chùn tay. Không chỉ bởi  sự động viên tán thưởng, mà còn là vì phê bình chỉ trích nữa. Nếu như ta chỉ viết cho ta, đến một lúc nào đó ta rất dễ chán nản, bởi cảm giác cô đơn bình thường đã khó chịu, nhưng vẫn bỏ qua được vì đâu phải lúc nào ta cũng đem hết ruột gan ra mà nói, thì cảm giác cô đơn khi tận tâm với từng con chữ mà không ai đồng cảm còn khủng khiếp hơn. Và người viết văn, sẽ luôn bị chao đảo giữa hai thái cực: viết cho mình, hay viết cho người. 
Tôi trải qua hai thái cực này nhiều lần trong hơn mười năm viết văn của mình. Mỗi lần đều không dễ chịu gì. Có những lúc khó khăn đến mức độ phải tách hẳn con người văn chương của mình ra riêng, để người ta có bình phẩm bàn luận gì, thì cũng thuộc về cái "con người đấy", chứ không phải con người thật của tôi. Xong lại mắc phải vấn đề là chết cái chất văn đấy, khiến sự sáng tạo của mình bị kìm kẹp. Năm nay là một năm như thế, phần bởi tôi không có nhiều thời gian dành cho văn chương, phần bởi chính bản thân tôi cũng bị bí chữ. Được cái trong cái rủi thì cũng có cái may, đấy là vì thời gian ít ỏi, nên thường một khi đã viết, thì tôi tập trung viết được những thứ mình hài lòng, hoặc buộc mình phải hài lòng. Cũng nhờ vậy mà hoàn thành được tập bản thảo truyện ngắn gửi đi. 

Cùng tác giả

Nhưng ở khía cạnh còn lại, thì người đọc có vẻ không quá mặn mà với cái sự thay đổi về mặt sáng tác đấy. Trước đây tôi có độc giả nhờ viết chủ yếu là tản văn ngắn và tùy bút, chứ không phải là truyện ngắn. Đến cô biên tập viên tôi quen cũng nói rằng truyện ngắn là một thứ rất khác với độc giả vốn có của tôi, nhưng tôi chấp nhận điều đấy để xem mình còn có thể tiến bộ tiếp không. 
Việc bỏ đi, hoặc tạm mất những thứ đang có, đặc biệt là độc giả trong việc sáng tác văn chương là một thứ khó nuốt. Tôi vẫn biết rằng đối với những nơi tôi thường viết từ lúc mới bắt đầu (là yahoo blog 360) cho đến bây giờ (là fanpage, là spiderum), việc độc giả không còn thấy hợp với những thứ mình "đẻ" ra là chuyện bình thường, nhưng mỗi lần vì phải tìm cách đổi mới phương thức sáng tạo của mình mà mất đi người đọc đều chẳng dễ chịu lắm. Năm rồi tôi đặc biệt hài lòng với hai truyện ngắn 29Lão ấu tương giao viết vong niên của mình, nhưng đón nhận từ người đọc của tôi thì lại không hồ hởi cho lắm, cũng khiến chạnh lòng ít nhiều. Nhưng nếu giả sử có hồ hởi, thì lại khiến tôi sợ rằng nhiều người biết rồi nhiều người vào phê bình và khiến mình phải giải thích... Sản phẩm sẽ luôn đặt người làm ra nó vào cái trạng thái lo âu như thế. 
Đối với tôi, việc viết về chuyên môn luôn dễ chịu hơn, vì việc đúng sai hay dở rõ như ban ngày. Nhưng ở đấy thiếu sự thăng hoa, không có quá nhiều cảm xúc. Văn chương, nhất là khi bạn thành thật với con người văn chương của mình, đem đến những cung bậc thú vị, đến độ lắm lúc bạn sẽ còn vui, còn buồn, còn mừng, còn lo cho chính những nhân vật không tưởng mình tạo ra. Bản thân tôi coi nghệ thuật vừa là một thứ cần phải bảo toàn tính mỹ học vừa cần phải có tính nhân sinh trong đấy. Vì suy cho cùng, đấy cũng là một loại ngôn ngữ, một loại "tín hiệu". Mà đánh tín hiệu đi làm gì khi anh không muốn có ai bắt được. Nên việc viết, vừa là cho mình vừa là cho người vậy. Anh nhìn nghệ thuật với con mắt lạnh lẽo của một nhà phê bình cũng tốt, nhưng anh sáng tạo nghệ thuật mà thiếu đi cảm xúc thì đôi khi sẽ không vui cho lắm. Nên vị nghệ thuật hẳn cũng không hay, mà vị nhân sinh quá cũng dở. Thiết nghĩ cân bằng được vẫn hơn. 
Năm rồi việc viết truyện ngắn nhiều hơn khiến tôi học được không ít thứ. Đầu tiên là sự kiên nhẫn. Nếu như sáng tác tản văn chỉ mất đâu đó căng lắm cỡ nửa tiếng, thì một truyện ngắn có khi phải mất nửa ngày mới xong. Viết tản văn thì xong là xong, chẳng cần phải đọc lại, còn truyện ngắn cần phải đọc lại để đảm bảo không chỉ về mặt lỗi nhỏ, lặt vặt như chính tả hay viết sai mà còn phải chắc chắn về nhân vật, lời thoại, cấu trúc nữa. Mà đọc lại, với tôi, là một cực hình. Một trong những lý do đến giờ tôi vẫn không sáng tác cho xong nổi cuốn tiểu thuyết đầu tay chủ yếu vì cái sự đọc lại đó. Nên tôi đang hoãn vô thời hạn cho đến khi sáng tác được truyện ngắn nhanh hơn, mượt hơn. Thứ hai, đấy là việc không trông chờ vào những lời khen ngay lập tức (instant gratification). Trong viết lách văn chương thời hiện đại này, viết tản văn được nghìn like facebook, kể cả chục nghìn đi, là việc dễ (viết mấy thứ chửi bới bóc phốt còn dễ hơn nhiều, đừng hỏi tôi có làm được không vì tôi làm được rồi và chán lâu rồi), nhưng đầu tư tâm huyết vào một truyện ngắn để có vài chục người đọc tử tế khó hơn nhiều. Và khi không có nhiều người phản hồi, bạn buộc phải ngồi tự vấn với một tâm thế không vĩ cuồng cũng không yếm thế, để xem mình có thể sửa được những cái gì, rồi kể cả như vậy thì cũng không dễ dàng. Thứ ba, đấy là việc luôn phải cố gắng cải thiện những khía cạnh khác nhau của ngôn ngữ bởi truyện ngắn đòi hỏi vốn từ, mạch cảm xúc, xây dựng câu chuyện, nhân vật phức tạp hơn tản văn. Tản văn phần lớn chỉ là tự sự, còn truyện ngắn thì đòi hỏi nhiều nhân vật, nhiều hình mẫu, nhiều góc nhìn, nhiều bối cảnh hơn, việc sắp xếp, phân bổ ra sao tương đối tốn nháp. Một trong những thứ giúp ích cho tôi trong việc viết truyện ngắn là dịch truyện ngắn, nhưng cũng lâu rồi tôi không làm. Năm rồi tôi định dịch vài truyện ngắn của Charles Bukowski, nhưng lười nọ chồng lười kia thành ra không được. Đến thơ lần dịch đăng gần nhất cũng cả năm. 
Nói đến dịch thơ, trước khi chuyển sang phần tiếp theo của cái bài viết (tạm gọi) là tổng kết năm này, tôi xin tặng các bạn một bài thơ tôi mới dịch: 
Tương tư
của Vương Duy
Hán-Việt:
Hồng đậu sinh nam quốc,
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương ti (tư).
Dịch nghĩa:
Nước Nam sinh ra đậu đỏ
Xuân đến lại thêm cành
Xin chàng hái cho nhiều
Vật ấy gợi tương tư
Dịch thơ:
Nước Nam sinh đậu đỏ,
Xuân về cành đơm bông.
Chàng ơi hái nhiều nhé,
Thiếp nhận má thêm hồng
Bài hát lấy câu đầu của bài thơ này cũng rất hay:

Nếu được phép cho lời khuyên về việc viết cho những người đang theo đuổi con đường này



Vấn đề là như này: Thi thoảng có bạn, hoặc là ở đây, hoặc là những nơi tôi viết có hỏi tôi rằng "Làm sao để viết được như anh?" thì xin thưa, câu trả lời đơn giản lắm: "Chẳng bao giờ cả."

Đấy là sự thật. Nhưng điều ngược lại cũng là sự thật. Tức là tôi cũng chẳng bao giờ có thể viết được như các bạn cả. Tôi vẫn nghĩ rằng người viết với người không viết vốn chỉ khác nhau ở cái việc "có viết hay không mà thôi". Còn đã viết rồi, đã thích, hoặc tệ hơn là đã nghiện nó rồi, thì mỗi người một phách, mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười thì không.

Tôi biết văn mình như nào, bị các nhà văn cũ rích cũ nát ảnh hưởng ra sao, tôi cũng chẳng ngại ngần mà nhận, đôi khi còn thêm chút tự hào rằng: đọc cũng giống cụ Tuân, cụ Nam Cao, hay cụ Hoan vậy. Tôi còn cố tình học các cụ, không phải để đi ăn mày dĩ vãng, mà hiểu được một điều rằng, văn chương vốn là thứ vừa cần kỹ thuật, vừa cần góc nhìn, vừa cần trải nghiệm.

Thường khi đi học, chúng ta hay được học về kỹ thuật, tức là mấy cái môn cơ sở như từ ngữ, ngữ pháp, tập làm văn. Mà đã là kỹ thuật, thì thường có những quy chuẩn và trình tự nhất định. Kỹ thuật là thứ trăm hay không bằng tay quen, chỉ có học kỹ làm nhiều mà thành, ở đấy anh nào có năng khiếu chỉ nhanh hơn anh kia thôi, chứ vốn ở kỹ thuật không đòi hỏi sáng tạo nhiều đến như thế. Kỹ thuật viết vốn phổ thông, cũng chẳng muốn nói lại nhiều làm gì, vì ai cũng học được. Cái khó là dùng kỹ thuật mình học để phân tích kỹ thuật của người khác, hiểu về kỹ thuật của người khác để mà bắt chước lại.

Phân tích tác phẩm nói riêng và phê bình văn chương nói chung, có những phần đòi hỏi về nắm bắt cũng như phân tích kỹ thuật là vì vậy. Ngôn từ vốn vô nghĩa nếu như không hiểu ngữ cảnh. Việc phân tích hay phê bình vốn là để ta uyển chuyển trong cái thao tác dùng kỹ thuật mà nhận ra bối cảnh, để tự thân mình, nếu như là người viết, nắm bắt được những bối cảnh khác nhau. Đây, lại là một thứ, mà ai cũng học được.

Cơ sở vững chắc rồi, mới đến góc nhìn, khi góc nhìn được kỹ thuật hỗ trợ, góc nhìn sẽ được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, trau chuốt cả về hình thức lẫn nội dung. Lạm dụng kỹ thuật mà không có góc nhìn thì thành con vẹt. Chỉ có góc nhìn mà không có kỹ thuật thì khó mà tiếp xúc với người thưởng thức được. Vốn dĩ người viết hay người đọc đều khi có chung mặt bằng về kỹ thuật với góc nhìn thì mới thể hiểu nhau. Góc nhìn là riêng là duy nhất ở mỗi cá thể. Anh có cùng kỹ thuật trào phúng với Vũ Trọng Phụng, mà anh dùng kỹ thuật đấy để diễn dạt, mô tả thế giới quan của anh đặt trong thời đại sau đấy đến trăm năm, hẳn thiếu gì đất mà diễn?

Còn trải nghiệm làm nên những khía cạnh khác nhau của người viết. Người viết lâu năm khác người mới viết ở điểm thường họ sẽ có đa dạng kỹ thuật với đa dạng góc nhìn hơn. Không nói cái nào sẽ hay hơn, vì lâu lâu vẫn sinh ra những người kiệt xuất, nhưng vốn dĩ kinh nghiệm cũng là thứ khiến cho văn chương viết lách tinh thuần hơn về nhiều mặt.

Vậy nên đâu cần phải nghĩ sẽ viết giống ai, mà có giống kỹ thuật chắc gì đã giống góc nhìn, rồi kể cả cùng góc nhìn đi nữa, kẻ thanh xuân người già cỗi cũng thiếu gì thứ khác biệt.

Lời cuối



Thật lòng thì tôi rất cảm ơn những người đã theo dõi tôi ở đây, cũng như trên fanpage của tôi. Một trong những lý do lớn khiến đến bây giờ tôi vẫn muốn tiếp tục sáng tác, là bởi tôi biết rằng tôi có người đọc. Nếu như bạn cũng là người viết, tôi hi vọng những gì tôi trao đổi về việc viết lách có thể giúp ích cho bạn một phần nào đó. Tôi không phải là nhà văn có tiếng tăm gì, nhưng nếu về mặt sử dụng từ ngữ để sáng tác thì cũng có vốn liếng nhất định. Cũng nhân dịp năm mới chúc những người viết văn nói riêng và yêu thích viết lách nói chung ở Spiderum có thêm nhiều bài viết có chất lượng.