Những cơn đau đầu vẫn luôn tìm đến chúng ta vào nhiều thời điểm khác nhau trong đời sống thường nhật. Loại bệnh tật cực kì phổ biến này thường mang đến trải nghiệm không mấy dễ chịu, thậm chí đầy khổ sở cho những ai từng phải đối mặt với chúng.
Dù vậy, chúng ta chỉ cảm nhận được mức độ cụ thể của cơn đau đầu khi bản thân ĐANG ở trong tình trạng tương tự. Thực tế, mặc dù biết và hiểu rõ điều đó nhưng một số cá nhân vẫn xem nhẹ vấn đề liên quan đến sức khoẻ này của người khác. Họ thường vô tình hoặc cố ý phớt lờ những cảm xúc, biểu hiện khó chịu từ đối phương.
Công bằng mà nói, chẳng ai có nghĩa vụ lúc nào cũng phải để tâm hay nghĩ đến các vấn đề cá nhân của những người xung quanh mình. Nhưng vì cuộc sống của mỗi người dù diễn ra như thế nào thì thời gian vẫn không ngừng trôi về phía tương lai nên người ta vẫn hay an ủi nhau rằng "Chuyện này rồi sẽ qua thôi!" và "Ai cũng từng phải trải qua điều đó!".
Đúng với câu nói trên, chúng ta không thể phủ nhận rằng mọi việc đều sẽ trôi theo thời gian nhưng chúng sẽ qua NHƯ THẾ NÀO?! Sau cùng, quá trình và kết quả mà mỗi người nhận lại được phần lớn sẽ chẳng thể giống nhau.
Tuy nhiên, nhiều người trong số chúng ta chỉ vừa mới "bước qua" vài biến cố trong đời thì đã vội tự huyễn hoặc bản thân rằng mình đã “trưởng thành”, thậm chí đôi lúc còn có người tỏ ra tự hào về điều đó. Và rồi họ bắt đầu dùng những “bài học kinh nghiệm” ấy để khuyên nhủ người khác: “Cứ cố gắng rồi chuyện gì cũng sẽ qua, tôi từng rơi vào trường hợp tương tự như thế này rồi!” hoặc “Việc này thật ra chẳng có gì đáng quan ngại cả, cái gì tới thì chắc chắn sẽ tới, mà đã tới thì sẽ qua thôi!”, và tệ hơn khi những người này tự cho mình cái quyền phán xét người khác dưới danh nghĩa an ủi hoàn cảnh của đối phương: “Chỉ riêng chuyện này thì đã nhằm nhò gì so với thứ mà tôi đã từng đối mặt/ trải qua mà bạn lại trở nên khổ sở đến thế! Với bấy nhiêu chuyện đó thôi thì tôi tin bạn sẽ vượt qua rất dễ dàng!”
Kiểu động viên trên có vẻ sẽ giúp người nghe cảm thấy bớt tủi thân và được vỗ về phần nào nhưng không phải tất cả đều có cùng phản ứng hoặc suy nghĩ như thế. Điều mà đối phương cần nhất vào thời điểm đó là sự thấu hiểu từ người mà họ đã tin tưởng để chia sẻ các vấn đề của bản thân, hay ít nhất là một vài giải pháp cụ thể chứ không phải là những lời khích lệ suông kia. Nếu cứ tiếp tục đưa ra các lời khuyên tương tự, không sớm thì muộn, đối phương sẽ tỏ ra chán ghét và khó chịu với điều mà bất cứ ai cũng biết hoặc được tiếp xúc quá nhiều từ những nguồn thông tin khác nhau trước đó.
Chúng ta vẫn không ngừng nhắc nhở nhau về việc phải tự đặt bản thân vào vị trí, hoàn cảnh của người khác. Nhưng có vẻ điều này lại "quá sức" với hầu hết mọi người khi mà ai cũng muốn chứng minh mình là một người "từng trải", "có vốn hiểu biết rộng", và đặc biệt là không vô dụng, tức là bản thân đủ khả năng làm ít nhất một điều gì đó có thể ảnh hưởng đến vấn đề hiện tại của đối phương.
Cuộc sống thường chứng minh cho chúng ta thấy rằng bất cứ chuyện gì cũng đều có thể được giải quyết, dù bằng cách này hay cách khác. Mọi người luôn xem thời gian là điểm tựa vững chắc để họ bám víu lấy với hy vọng nó sẽ giữ các "nốt trầm" ở lại khoảng thời gian mà chúng xảy đến nhằm "dọn đường" cho những thứ tốt hơn. Và việc tận dụng tính chất của thời gian dường như đã trở thành một lựa chọn không thể thiếu trong tiềm thức của chúng ta, thậm chí nó có thể trở thành sự ưu tiên hàng đầu đối với nhiều trường hợp. Do vậy mà không ít cá nhân vẫn một mực tin vào "sức mạnh" của thời gian, với họ, mọi chuyện trên đời rồi cũng sẽ theo "dòng chảy" đó mà trôi qua đi, cứ thế tạm biến mất khỏi cuộc sống của mình.
Nhưng như đã đề cập trước đó vài dòng, thời gian chỉ "giữ chân" những khoảnh khắc đáng quên trong một số thời điểm nhất định nào đó nên chúng vẫn luôn tồn tại trong ký ức và nhận thức của mỗi người, chẳng thể bị xoá đi hoàn toàn. Chuyện gì cũng sẽ có cách giải quyết nhưng không hẳn hướng đi của ai cũng giống nhau, và chưa chắc việc phụ thuộc vào thời gian đã là một phương án phù hợp cho tình huống hay vấn đề trước mắt. Thậm chí, dù có thể né tránh vài chuyện đáng quên thì chúng ta cũng phải thực hiện một quá trình cụ thể để làm được điều đó. Mọi người có thể quên đi chúng nhưng họ sẽ quên NHƯ THẾ NÀO?!
Mỗi khi nhắc đến thời gian, đa số chúng ta chỉ nghĩ ngay đến một cuốn sách chứa đựng hàng tá câu trả lời cho vô số các vấn đề mà mọi người thường hay gặp phải. Không ít “độc giả” đã bỏ qua quá trình áp dụng các phương thức tìm ra những lời giải ấy, vốn luôn được “viết” ngay trước đáp án cuối cùng.