Có lẽ đây là câu ai cũng đã từng đọc 1 lần.
Kiểu như một cách nói hài hước cho vụ giao dịch không mấy vui vẻ giữa giá trị bản thân và những gì được nhận (lương, thưởng, chế độ).
Đâu mới là cán cân tương xứng giữa 2 khía cạnh này, khi mà giờ những cộng đồng về review/ bóc phốt công ty ngày càng trở nên sôi nổi hơn. Có phải ít có nơi nào là công ty trong mơ? Có phải càng ngày cán cân này càng lệch về phía tối ưu lợi ích công ty thay vì lợi ích của người lao động?
Mình không biết đang lệch về phía nào vì không có số liệu cụ thể về vấn đề này (thực ra nếu có đi khảo sát thì cũng khó có chủ doanh nghiệp nào tự nói rằng mình đang chỉ quan tâm tới lợi ích công ty được).
Tuy nhiên có 1 điểm mà mình nghĩ đó là: Có thể không phải số lượng “tư bản” không hợp gu người lao động nhiều lên, mà có thể là do dần dần mọi người cảm thấy việc nói lên quan điểm cá nhân trở nên dễ dàng hơn (và còn dễ dàng hơn nữa khi có “chế độ đăng ẩn danh” trên mạng xã hội), từ đó dẫn đến chúng ta đang thấy là sự không hợp gu nhiều lên do có nhiều bài đăng.
“Mình sẽ kiếm được công ty tốt hơn với vị trí tốt hơn” - Đây có lẽ là suy nghĩ của mình ngày trước khi quyết định nhảy việc.
Bản thân mình và nhiều đứa bạn mình dù đã từng có vị trí tốt hơn ở công ty tốt hơn. Nhưng đều có sự đánh đổi tương xứng với cái “tốt hơn” đó, có thể là thời gian, công sức, sức khỏe, áp lực,... để rồi lại đi tìm kiếm thứ “tốt hơn” nữa.
Hoặc chỉ đơn thuần là một vị trí tốt hơn trong chính công ty hiện tại với mức được nhận gấp đôi nhưng kéo theo đó là khối lượng, áp lực, trách nhiệm phải gấp bốn, gấp năm lần.
Cho đến bây giờ mới nhận ra được một điều rằng chỉ có tự kinh doanh một sản phẩm nào đó thì mới cái “tốt hơn” theo ý của mình được. Đương nhiên cái khó ở đây nó gấp thêm vài chục lần nữa rồi. Tạm thời chuyện này là một chủ đề khác nên mình sẽ không bàn sâu.
Nhưng có 1 điều thú vị là chính bản thân mỗi người có thể quyết định được vị trí của cán cân “tư bản” đó chứ không phải ngoại cảnh như: kpi, doanh số, sếp, đồng nghiệp,...
Mình nghĩ ai cũng đều hiểu một chuyện rằng chúng ta cần cố gắng, càng mang lại nhiều giá trị cho công ty thì sẽ nhận được giá trị tương xứng (hoặc không :)) )
Vấn đề xảy ra ở đây là muôn vàn yếu tố tác động như cảm xúc, hiệu quả công việc, không được trao quyền, không được thừa nhận, bị nói xấu sau lưng,... nó ảnh hưởng tới tinh thần làm việc của mỗi người.
Mình thấy hầu hết mọi người (và mình) lúc mới bắt đầu vào một công ty mới thì đều mang cho mình một nguồn năng lượng cao, một hy vọng tươi sáng,... bởi vì chúng ta nghĩ rằng mình đã vào được một nơi “tốt hơn” rồi sau đấy mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy.
Đúng như những gì chúng ta nghĩ mọi chuyện sẽ đâu vào đấy thật, nhưng mà là vào lại cái câu nói “bán mình cho tư bản” :)) Hơi mỉa mai nhưng nó là sự thật. Vì nếu bạn để ý kỹ thì năng lượng, động lực, hy vọng được mấy tuần đầu sẽ bị dập tắt thôi à.
Mà nói đúng hơn là số ít những công ty trong mơ mà bạn (và mình) đang nghĩ đó thì họ ít khi tuyển dụng lắm. Vì nhân sự của những công ty trong mơ đó có nghỉ đâu mà bạn vào được :)) Đây chính là lý do tại sao rất khó tìm được vị trí “tốt hơn” nào đó ở ngoài kia.
Chính vì điều đó cho nên cái câu chúng ta cần cố gắng hay cần mang lại giá trị nhiều hơn nó mang tính khá chung chung, nghe thì hiểu nhưng không biết làm thế nào. Vì khi năng lượng bị dập rồi thì khó cống hiến tiếp lắm. Cứ tạm “bán mình” cho đến lúc nào hay lúc đó vậy. Kiểu tự gắng mỉm cười trên số phận của mình :))
-
Vậy tại sao mình lại nói chúng ta vẫn có thể quyết định tới vị trí cán cân này?
Trong 3 trụ cột Tâm - Thân - Tuệ. Để rèn luyện Tâm và Tuệ thì một trong những môi trường gần nhất và hiệu quả nhất với chúng ta đó chính là công sở. Bởi vì ở đó gần như hội tụ đầy đủ các yếu tố: Tham, sân (thù hằn), si (mê muội), mạn (kiêu ngạo), nghi (ngờ vực) trong Phật Giáo hay Bảy đại tội trong Kinh Thánh.
Mỗi một yếu tố đều có nhiều bài học chúng ta cần vượt qua để đến cõi niết bàn :)) Thôi mình đùa đấy. Nhưng sự thật là khi chúng ta học được 1 bài học thì bạn sẽ thấy bản thân mình trưởng thành hơn, cứng rắn hơn, bình an hơn.
Chính sự tương tác giữa người với người sinh ra các yếu tố trên để chúng ta dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng khi đi làm.
Mức độ chịu đựng mỗi người là khác nhau nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cảm nhận nỗi đau của mỗi người là khác nhau. Nhiều người bảo sếp dí deadline hay kỳ vọng cao là chuyện bình thường nhưng đối với 1 người chưa từng phải chạy deadline thì đó là một chuyện không dễ dàng (giống như họ chưa qua bài lớp 5 mà mình lớp 10 bảo là bài lớp 5 dễ được).
Cho nên những bài đăng đánh giá hay cảm nhận trên mạng xã hội về công ty này có sếp đặt điều, không công bằng hay đồng nghiệp toxic thì đó chỉ đơn thuần là mình đang còn chưa đủ lực mà lỡ vào lớp cao học. Thì việc cần làm là chọn lớp lại chứ không có gì phải suy nghĩ cả. Hay nói cách khác là chọn lại game vừa sức để chơi.
Khi chọn được game vừa sức được rồi thì chúng ta sẽ tập trung vào 2 trụ cột Tâm - Tuệ.
1. Tâm
Dù là đi làm hay gặp bất cứ chuyện gì nó chỉ xoay quanh 3 việc:
A. Việc không có quyền kiểm soát: Cách đối xử của người khác với mình hay nói cách khác là quyết định của người khác
B. Việc có quyền kiểm soát một phần: Kết quả công việc của mình (nó sẽ bị kiểm soát một phần bởi người khác, xu hướng thị trường, cung cầu, thời tiết, thuật toán,...)
C. Việc có quyền kiểm soát toàn phần: Lời nói và hành động của mình với công việc và người xung quanh
Đơn cử như việc chọn một công ty làm việc thì trong đó đều nằm ở 3 khía cạnh trên.
A. Chọn mình vào làm hay không là việc của sếp và HR
B. Chọn được công ty tốt hay không là do mình nghiên cứu và đánh giá dựa trên những gì có thể. Còn phần còn lại là có nhiều góc khuất phía sau thì phải vào trong công ty mới biết được
C. Việc chuẩn bị CV hay dành thời gian tìm hiểu công ty, vị trí hay chuẩn bị phỏng vấn như thế nào là phụ thuộc hoàn toàn vào mình
Ở mỗi một lựa chọn, mỗi một công việc khi chia ra 3 khía cạnh thì bạn sẽ thấy Tâm mình nó nhẹ nhàng lắm. Vì những gì mình kiểm soát được thì mình làm, còn những việc không kiểm soát được là do nhân quả, do duyên số, do nghiệp lực có tích đủ hay chưa thôi :))
2. Tuệ
Cố gắng như thế nào mới đủ?
Công ty giao đủ việc thì em làm xong việc thì xong. Đúng nhưng chưa đủ.
Nói cách khác với suy nghĩ như vậy thì chỉ có quen tay thôi chứ khó để phát triển. Bởi vì suy nghĩ này sẽ dẫn đến một tâm lý bị động. Tâm lý bị động kéo dài một thời gian sẽ dẫn đến sự nhàm chán, bảo gì nghe nấy, ít khi có suy nghĩ phản biện, không có tò mò khám phá thêm,...
Vậy như thế nào mới đủ?
Mình thấy câu hỏi thú vị hơn đó là: Nếu bạn đồng hành cùng đứa con (hoặc bạn đời hoặc nhân viên) của mình sau này thì bạn mong muốn bản thân sẽ trở thành người như thế nào?
Giống như câu hỏi nếu bạn là phiên bản khác giới của bạn, thì bạn có yêu bản thân mình không ý :)) Hơi creepy nhưng nó hay.
Mình nghĩ chỉ cần trả lời câu hỏi đó thì bạn sẽ biết bản thân cần làm gì rồi.
Ví dụ đối với mình khi nhận một công việc về viết email chẳng hạn thì mình sẽ cố gắng trả lời càng nhiều câu hỏi, hoặc làm nhiều hơn những gì được yêu cầu nhất trong khả năng có thể:
+ Mình đang viết cho ai, về chủ đề gì
+ Chủ đề đấy đã có ai viết chưa, cách tiếp cận của họ là gì, có điều gì mà chưa người nào khai thác hay không
+ Họ có phải là người đọc email thường xuyên không
+ Mình có nên chia nhỏ tệp độ tuổi ra để thử nghiệm không
+ Phần mô tả hiện thêm phía sau tiêu đề có quan trọng không
+ Sử dụng công cụ này có bị vào phần quảng cáo không
+ Tiêu đề đặt icon được không, có tùy biến được tên vào tiêu đề hay không
+ Hình ảnh hiển thị trên di động khác gì trên máy tính
+ Đặt liên kết ở đâu người đọc sẽ bấm vào nhiều hơn
+ Cách thuyết phục người đọc ở phần mở đầu liệu có nên chơi liều một chút ghi là “đừng đọc phía dưới không” :))
Thử nghĩ xem nếu bạn được yêu cầu viết 1 email đơn giản mà bạn gửi lại một bài nghiên cứu khoa học có số liệu rõ ràng về cách tối ưu gửi email thì quản lý bạn sẽ nghĩ gì :)) Tăng lương vội ấy chứ.
Tò mò và sự bền bỉ sẽ dẫn bạn đến trí tuệ vô hạn.
-
Và đương nhiên nếu trong quá trình này bạn rèn được trụ cột còn lại là Thân nữa thì quá tốt. Mà thực ra mình lại cho đây là trụ cột quan trọng nhất cơ, vì có thực với vực được đạo, có sức mới dời núi được mà :)) Thân mà đủ tốt thì Tâm và Tuệ sẽ có một bệ đỡ chắc chắn để đi lên.
Như vậy dần dần mình nghĩ bạn có thể kiểm soát được cán cân “tư bản” theo hướng bạn muốn. Có khi bạn kiểm soát được rồi lại không muốn khởi nghiệp kinh doanh (để đạt trạng thái “tốt hơn”) luôn cũng nên ấy chứ. Vì lúc đó ở công ty nào bạn cũng có thể đạt được trạng thái ổn định hết rồi mà :))
Mình hy vọng giúp ích bạn được một phần nào đó. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cảm ơn bạn đã đọc bài.
Cường.
Bạn có thể đọc các bài viết khác của mình tại đây nha: