Chuyên đề Triết học Kant: Từ thuộc tính của các quan năng nhận thức tới những quan niệm về Tự do và Đạo đức - 1
Tóm tắt: Thông qua việc phân tích nhưng thuộc tính của các quan năng nhận thức của theo quan điểm triết học Kant, tiểu luận nỗ lực...
Tóm tắt: Thông qua việc phân tích nhưng thuộc tính của các quan năng nhận thức của theo quan điểm triết học Kant, tiểu luận nỗ lực làm rõ những quan niệm về Tự do và Đạo đức, đồng thời ứng dụng vào hiện trạng Việt Nam đương đại
Từ khóa: Kant, triết học, đạo đức, luân lý, tự do, Việt Nam
Dàn ý (có thể thay đổi vì đang trong quá trình hoàn thiện):
A. Mở đầu
1. Một câu chuyện thường ngày
2. Nhận thức là nền tảng của đạo đức
B. Nội dung
1. Thuộc tính của những quan năng nhận thức
2. Hiện tượng và Vật tự thân
3. Nghịch lý giữa Tự nhiên và Tự do (cái Đang là và cái Phải là)
4. Lý tính ban bố quy luật
5. Ứng dụng vào hiện trạng Việt Nam đương đại
C. Kêt luận
D. Chú thích và danh mục tài liệu tham khảo
1. Một câu chuyện thường ngày: leo lề và bị công an bắt
8h15 sáng, ngày đầu tuần, Luân kẹt trong đám tắc đường. Anh đang rất sốt ruột, vì vào lúc 8h30 anh sẽ cùng với sếp của mình có cuộc họp qua truyền hình trực tuyến với “big boss” bên Singapore. Anh quyết định leo lề, thực ra, đó cũng là việc anh thường làm khi đi qua đoạn đường này, hàng ngày. Nhưng không trót lọt như mọi khi, hôm nay anh Luân bị chặn lại bởi anh Lý, công an giao thông.
Một chuỗi trình tự diễn ra mà hầu như người Việt nào cũng biết: người công an chào và thực hiện các trình tự điều lệnh ngành, thông báo lỗi một cách hình thức và kẻ cả; người vi phạm sau một hồi giải thích hoặc cự cãi thì thường là chấp nhận, bắt đầu xin xỏ và mặc cả. Nếu như không phải là trong đợt chiến dịch cao điểm, anh Lý không lập biên bản và thu giấy tờ xe bằng mọi giá, thì anh Luân sẽ xử lý bằng cách dúi tiền hối lộ một cách nhanh nhẹn, khéo léo và kín đáo vào tay anh Lý. Rồi cả hai lại tiếp tục công việc của mình như thể chưa có gì xảy ra.
Đây là một câu chuyện phổ biến và diễn ra hàng ngày, với bất kỳ ai, ở bất kỳ địa điểm nào trên đất nước Việt Nam. Câu chuyện này ĐANG LÀ điều diễn ra trên thực tế đời sống và trong tâm thức mọi người như một điều TỰ NHIÊN. Dù rằng, sự thực là bất kỳ ai cũng biết những việc làm đó không thể là những hành vi đúng đắn.
(Hình từ internet, chỉ có tín chat minh họa)
Và anh Luân, cũng như tôi, bạn và hầu hết mọi người Việt đều cảm thấy mình rất “thoải mái trong lựa chọn”, “muốn làm gì cũng được” nhưng đồng thời cũng cảm thấy rằng rất cả những gì đang diễn ra thật là bất định, bất an bởi những mối rằng buộc vô hình không theo một QUY LUẬT nào cả, và do đó, không ai cảm thấy mình có TỰ DO một cách thực chất. Hành vi ĐẠO ĐỨC, điều thực sự đúng đắn, PHẢI LÀ một cái gì đó khác. Toàn bộ phần tiếp theo của tiểu luận này là để đi tìm “cái gì đó khác” đã được nêu ra ở trên.
2. Nhận thức là nền tảng của đạo đức
Mèo mẹ đôi lúc có thể ăn thịt những đứa con mới đẻ, gà hay bồ câu có thể giao phối với chính cha mẹ mình, con bọ ngựa cái ăn thịt bạn tình ngay sau cuộc giao hoan, hay nhiều loài sinh vật sẽ bỏ rơi hay tiêu diệt những cá thể khác thường và yếu ớt ra khỏi đàn. Tùy thuộc vào tình huống, nhưng thường thì tất cả những hành vi trên đều dễ dàng bị phán xét là VÔ ĐẠO ĐỨC trong xã hội loài người. Nhưng phần lớn mọi người cũng chẳng mảy may cho rằng, hành động của những sinh vật trong tự nhiên đã nêu trên là không đúng đắn, hay vô đạo đức.
Trong thế giới tự nhiên, có lẽ các sinh vật chẳng hề phản tư hay tự vấn về việc những hành động của chúng có đúng đắn hay không. Đôi lúc, loài vật có những hành vi đạo đức theo chuẩn mực của loài người: phổ biến là sự trung thành của loài chó, cá ngựa đực mang trứng hộ con cái, sự chung thủy của chim uyên ương, hay đức hi sinh của những cá thể làm mẹ đối với đứa con của chúng … nhưng những hiện tượng đó phần lớn là cá biệt và nếu không cá biệt thì cũng hoàn toàn có thể lý giải được theo những cơ chế sinh học. Chúng là ĐANG LÀ điều diễn ra theo cơ chế của TỰ NHIÊN.
(Hình từ internet, logo của Yamato Express, sự khéo léo của mèo mẹ)
Rõ ràng là có một điều gì đó bất thường ở đây, bất thường một cách căn bản. Điều đó đã làm nên sự khác biệt giữa con người và giới tự nhiên. Và đó cũng là điều làm nên ĐẠO ĐỨC.
Chúng ta không thể tìm sự khác biệt đó về mặt bản thể. Hay tạm diễn đạt lại một cách đơn giản và dễ hiểu hơn: chúng ta không thể tìm thấy sự khác biệt đó trong thế giới vật chất. Vì rằng nếu xét về mặt vật chất thì chỉ tồn tại một thế giới duy nhất, con người và giới tự nhiên cùng tồn tại trong thế giới duy nhất nhất đó. Các cơ chế vận hành của thế giới vật chất mà tiêu biểu nhất là các cơ chế vật lý, có tác dụng như nhau đối với con người, loài vật, thực vật và kể cả những vật thể vô tri. Cơ sở của đạo đức phải tìm kiếm ở một khía cạnh khác.
Nhận thức là nền tảng của đạo đức. Con người và phần còn lại cùng ở trong một thế giới duy nhất nhưng NHẬN THỨC KHÁC NHAU về thế giới đó. “Không biết thì không có tội”. Loài vật không cảm thấy hành động của chúng là bất thường hay vô đạo đức, vì toàn bộ nhận thức của chúng tuân theo những cơ chế TỰ NHIÊN – ĐANG LÀ điều diễn ra như vốn dĩ. Năng lực nhận thức của loài vật không cho phép chúng phản tư và tự vấn về sự đúng đắn trong các hành động. Con người là sinh vật duy nhất nỗ lực nhận thức và lý giải về thế giới. Đồng thời, cũng là sinh vật duy nhất có năng lực phản tư và tự vấn chính mình về sự đúng đắn trong các hành động. Vì sự khác biệt trong năng lực nhận thức về thế giới, nên hiểu theo một cách nào đó có phần chặt chẽ, thì con người là sinh vật duy nhất có nhận thức về đạo đức, VÀ DO ĐÓ, có đạo đức.
(Hình từ internet, có tính minh họa)
Những điều trên hoàn toàn là điều dễ hiểu khi chúng ta khảo sát nội bộ trong xã hội loài người: những nền tảng nhận thức khác nhau dẫn đến những quy định luân lý khác nhau. Những hành vi đôi lúc là rất bất thường ở khu vực này lại hoàn toàn bình thường ở khu vực khác, và những hành vi không thể chấp nhận ở giai đoạn lịch sử nào đó lại hoàn toàn bình thường trong thế giới đương đại. Nhận thức thay đổi thì đạo đức thay đổi.
Đẩy vấn đề đi sâu hơn một chút và cũng là liên hệ với Triết học Kant; vậy thì ở đây, con người có đạo đức vì con người có những khả năng trí tuệ (hay các quan năng – theo thuật ngữ Kant dùng) để nhận thức về thế giới. Và rõ ràng, có những quan năng mà chỉ có con người có và quan năng đó có quyền ban bố quy luật vì chúng tạo nên nhận thức của con người về thế giới và về đạo đức. Trong phần B – phần nội dung, tiểu luận sẽ khảo sát thuộc tính của những quan năng nhận thức bên trong con người, từ đó lý giải quá trình con người hình thành lên nhận thức, phát hiện ra các nghịch lý và từ đó tiến tới việc mô tả, lý giải những quan niệm về tự do và đạo đức, theo quan điểm của Triết học Kant.
Quá trình triển khai nội dung sẽ làm rõ các câu hỏi: Tại sao TỰ DO lại là cơ sở của ĐẠO ĐỨC ? Quan năng nào có quyền ban bố QUY LUẬT luân lý ? và những điều này có thể ứng dụng cho từng con người Việt hay toàn bộ xã hội Việt Nam như thế nào ?
(Hình từ internet, có tính minh họa)
/khoa-hoc-cong-nghe
- Hot nhất
- Mới nhất