Đọc tựa đề thì chắc chắn bạn cũng biết bài này viết về đầu tư tài chính rồi. Để giải thích rõ hơn về tiêu đề thì có một câu nói rất phổ biến của cụ Warren Buffet mà ai mới tìm hiểu về chứng khoán hẳn cũng biết, đó là: hãy tham lam khi người khác sợ hãi. Đây là một cách nói khác của việc bắt đáy (buy the dip). Tham lam ở đây tức là mạnh tay mua vào các cổ phiếu tốt nhưng bị bán với giá rẻ bởi những người đang sợ hãi. Kỳ vọng của việc mua vào này là khi thị trường hồi phục thì những cổ phiếu giá rẻ bạn đang nắm giữ sẽ đạt mức tăng trưởng vượt trội và mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho bạn.
Câu nói này ai cũng biết nhưng mình để ý trong nhiều năm qua rằng khi thị trường sụp đổ, bản thân mình sợ không kém gì người khác, muốn lòng tham trỗi dậy cũng không được. Tất nhiên nó không phải chỉ là trải nghiệm của riêng mình, cứ nhìn dòng tiền suy giảm nghiêm trọng sau những phiên thị trường giảm 1%, 2% là thấy rõ, mọi người đạp lên nhau mà bán và mòn mỏi mong có người mua.
Mình luôn tự hỏi rằng tại sao lại như thế, tại sao ai cũng tự nhủ rằng họ sẽ canh mua khi giá giảm nhưng khi giá giảm rồi họ lại biệt tăm.
Bài viết này do đó sẽ tập trung vào tâm lý của những nhà đầu tư hơn là phân tích kỹ thuật. Nó chỉ là đúc kết của riêng cá nhân mình.

Chuyện mình cố gắng tham lam năm 2020

Trước khi đi vào chi tiết bài viết thì mình phải thực hiện nghiệp vụ đầu tiên là phải...khoe tài khoản. Viết bài về đầu tư chứng khoán mà không khoe tài khoản là vi phạm quy định của hội chứng sĩ Việt Nam. Do đó mình chia sẻ một vài giao dịch đầu tư của mình thời đỉnh điểm Covid, là tầm giữa năm 2020 lúc thị trường chứng khoán toàn cầu và chứng khoán Việt Nam đang chao đảo. Đây là các giao dịch được thực hiện lúc thị trường đang trong sự hoang mang sợ hãi cao độ.
Năm đó mình còn rất mù mờ về đầu tư tài chính nên mình không dám bỏ tiền ra tự mua cổ phiếu mà mình lựa chọn bỏ tiền vào quỹ đầu tư cho an toàn. Quỹ mình chọn là quỹ cổ phiếu VEOF của công ty VinaCapital. Dưới đây là danh sách các lệnh giao dịch mình thực hiện trong năm 2020 và mức lời/lỗ trong bảng tính đến hôm 05/06/2024.
Nói ngắn gọn về các quỹ đầu tư này thì đây là một hình thức đầu tư ủy thác, bạn đưa tiền cho người khác đầu tư dùm bạn. Bạn đưa tiền bằng cách chuyển khoản vào tài khoản của quỹ để mua các chứng chỉ quỹ.
Ưu điểm của việc gửi tiền cho quỹ đầu tư là khả năng cao quỹ đó đầu tư tốt hơn bạn tự đầu tư nếu như bạn không có chút kinh nghiệm gì cả. Bạn cũng không tốn thời gian để đi canh mua canh bán cổ phiếu, một việc thực sự rất nhức đầu nếu bạn mua cổ phiếu của nhiều công ty khác nhau. Nhược điểm của việc đầu tư thông qua quỹ là bạn sẽ tốn phí để họ quản lý quỹ, và phí này bạn vẫn phải đóng dù năm đó quỹ đầu tư lỗ. Bạn cần biết rằng quỹ vẫn có thể đầu tư lỗ, chỉ là lỗ ít hoặc nhiều hơn so với mốc tham chiếu thôi.
Mình không viết thêm nhiều về quỹ đầu tư vì như vậy sẽ đi lạc đề bài viết.
Quay trở lại với bảng giao dịch trên. Nếu bạn nhìn những dòng cuối, thể hiện các giao dịch đầu tiên mình thực hiện thì sẽ thấy mức lời rất cao, từ 128% đến 143%, nhưng số tiền mua vào chứng chỉ quỹ thì không nhiều, thường chỉ quanh mức 8 triệu, 10 triệu cho mỗi lần giao dịch. Mãi đến gần cuối năm khi thị trường phục hồi tốt thì số tiền mua vào mới tăng cao lên.
Giá trị tiền mua vào này phản ánh rất đúng tâm lý đầu tư của mình khi đó. Khi thị trường đầy biến động và mọi người đều hoang mang thì chỉ mua nhỏ giọt, nhưng khi thị trường hồi phục tốt và mọi người lạc quan hơn thì mình mua vào nhiều. Kết quả là lúc có cơ hội ngon ăn thì mình ăn được ít.
Lúc nhìn lại các con số này mình đã tự hỏi tại sao lúc đó mình lại nhát, điều gì khiến mình không dám vô lệnh lớn. Tại sao khi thị trường run sợ, mình lại sợ không kém người ta dù biết rằng cụ Warren Buffet khuyên là hãy nhào vô ngay lúc đó? Mình đã rút ra được một số điều sau.

1. Thứ làm người khác sợ cũng là thứ khiến bạn sợ

Viễn cảnh chúng ta tưởng tượng ra trong đầu thường chỉ là một bối cảnh hạn hẹp và khác xa với những gì chúng ta suy nghĩ thực tế. Mọi người hay nói rằng họ sẽ để tiền đó chờ cơ hội để bắt đáy, nhưng họ quên mất rằng thị trường không rơi ngẫu nhiên. Không phải tự nhiên một ngày đẹp trời thị trường lại giảm 15%, 20% chỉ trong vài tuần.
Quay trở lại năm 2020 khi thị trường chứng khoán Việt Nam giảm khoảng 40%, cú giảm đó tất nhiên là vì một đại dịch mà cả trăm năm rồi nhân loại mới chứng kiến trở lại. Cả thị trường đổ vỡ vì một cơn sóng thần mang theo bao nhiêu hung tin ập tới: chính phủ đóng cửa biên giới, xuất nhập khẩu bị gián đoạn, người dân bị hạn chế ra đường, khẩu trang và nước rửa tay cháy hàng, các công ty lên kịch bản cho nhân viên làm việc từ xa. Ở bên kia đại dương chính phủ Mỹ liên tục đưa ra cảnh báo mới về đại dịch, Fed cắt lãi suất liên tục và kéo mức lãi sát về 0, thị trường chứng khoán New York chao đảo.
Và tất nhiên cái tin thị trường chứng khoán tan vỡ như giọt nước làm tràn ly cho một tâm trí đã đầy sự lo lắng.
Tâm trí chúng ta không thể tiêu hóa được một lượng thông tin tiêu cực lớn như vậy trong một thời gian quá ngắn, chúng ta ngay lập tức rơi vào trạng thái hoang mang và sợ hãi. Chúng ta lo về sức khỏe, lo về tương lai của công việc, các kế hoạch công tác, du lịch đều bị hủy, đối tác làm ăn bỗng ngừng ký hợp đồng.
Với nỗi hoang mang cao độ như vậy, hiển nhiên chúng ta không muốn làm bản thân căng thẳng thêm bằng cách....bỏ tiền vào thị trường chứng khoán, một thị trường đã giảm tận 40% và không ai biết được rằng đó đã là đáy hay chưa.

2. Bắt đáy là hành động trái bản năng

Hiển nhiên là vì rơi vào trạng thái hoang mang cao độ nên bản năng sống sót của chúng ta trỗi dậy và não chúng ta trở nên nhạy cảm với mất mát cao hơn bình thường. Chúng ta đang phải đối mặt với một tương lai đầy sự bất định.
Quay lại năm 2020, không ai biết được khi nào lại có một ca F0 mới xuất hiện, chi phí điều trị cho Covid là bao nhiêu, khi nào mới có thuốc chữa hoặc vaccine phòng bệnh. Không ai rõ được liệu bệnh này có biến mất trong năm sau 2021 không và các biến chủng mới có nguy hiểm hơn biến chủng cũ nhiều không.
Ngay cả bản thân thị trường chứng khoán cũng vậy. Thị trường không bao giờ hồi phục theo một đường thẳng, nhiều lúc giảm 1, 2 phiên bằng công sức tăng của cả một tháng. Những cú dập đột ngột như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế ổn định chúng ta còn chịu không được chứ đừng nói đến bối cảnh đầy hỗn loạn như thời Covid. Tất cả những điều đó đều khiến ai muốn bắt đáy thì càng sợ hãi hơn.
Ví dụ như bạn có thể thấy ở hình trên sau khi thực hiện ba giao dịch trong tháng 7 thì mình ngừng lại và đến tận tháng 9 mình mới giao dịch lại, và trong tháng 11 và tháng 12 mình mới tiến hành giao dịch lớn. Những mốc giao dịch đó trùng khớp với tình hình của thị trường. Khi mà thị trường trở nên rất xấu trong tháng 7 thì mình giao dịch nhỏ, và chỉ khi thị trường hứng khởi trở lại và tăng trưởng mạnh rõ rệt vào quãng thời gian cuối năm, khi sự tự tin đã trở lại thì dòng tiền chảy vào mạnh hơn.
Thị trường lao dốc trong tháng 7/2020
Thị trường lao dốc trong tháng 7/2020
Thị trường tăng mạnh mẽ trong tháng 12/2020
Thị trường tăng mạnh mẽ trong tháng 12/2020
Thật ra hiện tượng này rất phổ biến, ví dụ như đợt cổ phiếu công nghệ Mỹ lao dốc trong nửa cuối năm 2022, rất nhiều quỹ đầu tư và chuyên gia đầu tư khuyến nghị đừng giữ cổ phiếu công nghệ nữa. Thậm chí ngân hàng Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư hàng đầu bên Mỹ, đã khuyến nghị các nhà đầu tư hãy bán hết cổ phiếu Nvidia vào cuối năm đó.
Như vậy có thể thấy cảm xúc là một thứ rất mạnh mẽ và chúng ta rất rất khó để thắng được cảm xúc và vượt qua nó. Ngay cả khi mình dùng lý trí để nhận định rằng đây là điều mình cần nên làm thì mình cũng không hành động dứt khoát được. Nỗi sợ là một thứ quá lớn và nó luôn kiềm chúng ta lại.

3. Bạn nghĩ rằng lần này khác lần trước

Câu hỏi đặt ra rằng sau bài học năm 2020 thì liệu các nhà đầu tư có dũng cảm hơn và sẵn sàng lao vào bắt đáy trong những lần thị trường sụt giảm tiếp theo không, ví dụ như đợt giảm mạnh năm 2022? Câu trả lời ngắn gọn là không, đơn giản bởi vì chúng ta có một lối suy nghĩ mà mình cho là bản năng của con người, đó là: lần này không giống lần trước.
Điều này là bản thân mình rút ra khi theo dõi các cuộc trao đổi về thị trường chứng khoán trên các diễn đàn trong và ngoài nước, nhưng thường là ngoài nước nhiều hơn. Khi đặt câu hỏi rằng liệu có nên bắt đáy lần này không, thì rất nhiều người trả lời rằng lần này khác lần trước và họ sẽ đưa ra danh sách dài các lý do hợp lý mà mình tóm tắt dưới đây.
Nếu như đó là năm 2020, mọi người sẽ bảo đợt khủng hoảng này khác hoàn toàn đợt khủng hoảng năm 2008 bởi vì nó đến từ một dịch bệnh mà thế giới cả trăm năm chưa gặp, tác động của nó lên nền tài chính, kinh tế toàn cầu là rất lớn và chúng ta không chỉ dùng các biện pháp tài chính mà giải quyết được. Do đó thị trường sẽ thực sự sụp đổ.
Nếu là năm 2022 mọi người sẽ bảo tình hình rất khác năm 2020, và khác cả năm 2008, vì lãi suất của Fed đang quá cao và lạm phát cũng cao, cao nhất trong hơn 40 năm qua. Họ cho rằng các doanh nghiệp còn rất yếu sau cú đánh của Covid và bây giờ Fed bồi thêm cú đấm lãi suất nữa các công ty sẽ gục ngã, người tiêu dùng đã xài hết tiền trợ cấp các năm trước và giờ họ hết tiền chi tiêu nên sức mua giảm. Bên cạnh đó lạm phát chưa biết khi nào xuống vì cuộc chiến Nga - Ukraine, cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945, chưa biết khi nào sẽ kết thúc và nó đang gây hỗn loạn thị trường năng lượng cũng như thị trường nông sản toàn cầu. Nhu cầu mua sắm giảm trong khi chi phí vận hành tăng cao do lạm phát và lãi vay cao, nhiều công ty sẽ không chịu nổi nên sẽ sụp đổ, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng lớn, giá nhà sẽ lao dốc, cổ phiếu sẽ lao dốc.
Và cả hai nhận định rất hợp lý kia đều không đúng. Những ai không lao vào bắt đáy hai lần đó đều bỏ lỡ những giai đoạn hồi phục ngoạn mục.
Chứng khoán Việt Nam cũng tương tự, năm 2022 thị trường chứng khoán sau hai năm lại lao dốc mạnh, chỉ số VN-Index tụt hẳn từ mức trên 1500 xuống 900 vào cuối năm đó, gây ra sự choáng váng cho hàng triệu nhà đầu tư lớn nhỏ. Cũng như năm 2020, ngoài những lời than trách và chửi bới nặng nề, mọi người tin rằng lần này khác lần trước và thị trường không còn cơ hội hồi phục nữa: thị trường bất động sản tan nát, trái phiếu tan nát, chiến tranh Nga - Ukraine khiến thế giới sắp đi vào suy thoái, Mỹ suy thoái thì Việt Nam cũng không thoát được.
Nhìn lại chúng ta thấy những ai liều lĩnh bắt đáy đợt đó thì giờ đang tận hưởng quả ngọt khi chỉ số VN-Index đang ở quanh mức 1280 (thời điểm viết bài).

Vậy bài học rút ra là gì?

Bài học đầu tiên là không nên tiếc nuối. Mình không nên quay lại nhìn vào thời điểm quá khứ mà tiếc rằng mình đã không bắt đáy, mình đã không mua nhiều hơn, mình đã vội bán đi. Những gì đã xảy ra mình không thể thay đổi được nữa và điều mình cần tập trung vào là cố gắng tránh lặp lại các sai lầm đã có.
Bài học hai là bài học sẵn sàng mất tiền. Khi đầu tư chứng khoán chúng ta có rất nhiều nỗi sợ: sợ bị úp bô, sợ mua xong giảm, sợ bán xong tăng, sợ bị cá mập ăn, sợ bị kẹp hàng. Những nỗi sợ đó bao trùm và khiến chúng ta rơi vào trạng thái không thể hành động. Mình nhận ra rằng giải pháp cho nỗi sợ đó không phải là tìm kiếm sự chắc chắn bằng cách vẽ đồ thị, hay là chờ phím lệnh, hay là hóng tin đồn. Sẽ không có sự chắc chắn nào cả và những thứ đó sẽ càng khiến bạn phân vân hơn. Chỉ có duy nhất một giải pháp đó là chuẩn bị tâm thế: "Kệ m* nó, mất tiền thì thôi" và rồi đặt lệnh mua vào. Giống như khẩu hiệu của Nike vậy: Just do it. Bắt đúng đáy thì lời tính bằng lần, mà sai mất tiền thì ta làm lại không có gì phải xoắn cả.
Tất nhiên việc mua vào không phải là ngẫu nhiên, bạn đã phải dành thời gian trước đó để tìm hiểu về cổ phiếu, về công ty. Mình đang nói ở đây là cách để bạn vượt qua nỗi sợ để bạn đi tới bước tiếp theo sau khi tìm hiểu là bước mua vào. Ngoài ra lượng tiền mua vào cũng cần phải ở mức vừa phải, để có mất nó bạn cũng không mất ngủ. Không khuyến nghị bạn tất tay bởi vì bắt đáy là một hành động có rủi ro rất cao.
Bài học thứ ba mình rút ra được đó là bạn cần lạc quan một cách vô lý đến mức gần như cuồng tín. Hãy nhớ lại đợt giảm năm 2020 khi mọi thứ trở nên u ám, rõ ràng những người mua vào chứng khoán thời điểm đó là những người vô cùng điên khùng, bởi vì mọi thứ xung quanh người đó đang sụp đổ và người đó lại còn sẵn sàng chịu mất thêm tiền. Nhưng rõ ràng chính những người như vậy lại là những người thu lời nhiều nhất trên thị trường. Tức muốn bắt đáy thành công, thậm chí nói chung là muốn đầu tư thành công, bạn cần một sự lạc quan ở mức cực đoan vì chỉ có sự lạc quan như vậy mới giúp não bộ vượt qua được bao nhiêu là nỗi sợ để dẫn đến hành động mua vào.
Bạn phải hiểu rằng thị trường chứng khoán là thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam, và nếu bạn còn tin rằng tương lai Việt Nam tươi sáng và doanh nghiệp Việt còn phát triển xa, thì thị trường chứng khoán sẽ còn mang tiền về cho bạn.
Nói nhiều như vậy nhưng câu hỏi đặt ra là sắp tới khi thị trường sập lần nữa thì mình có nhào vô bắt đáy không? Chắc là không, bởi mình cũng không còn tiền nữa, mình đã đóng quá nhiều học phí cho ba bài học.
Chúc các bạn tham lam đúng lúc và hái được quả ngọt.
Chia sẻ từ một người đã trải qua nhiều mất mát.