Chuyện con đại bàng vượt bão và mặt trái của chế độ nhân tài trị
Tính chuyên chế của chế độ trọng dụng nhân tài
Có câu chuyện về con đại bằng như sau:
“mọi loài chim đều tìm kiếm nơi trú ẩn trong mưa bão, nhưng Đại Bàng tránh mưa bão cất cánh bay cao hơn những đám mây giông”
Bài học được rút ra ở đây là “cùng một vấn đề, nhưng cách xử lý tạo ra sự khác biệt” hay nói cách khác, số phận của chúng ta đều được quyết định bởi những lựa chọn. Câu chuyện trên được coi là một trong những bài truyền cảm hứng vượt lên tất thảy cho giới trẻ. Chỉ có nỗ lực mới giúp ta trở thành “chúa tể bầu trời”, chỉ có nỗ lực mới tạo nên kết quả phi thường. Trong khi các loài chim khác tìm nơi trú mưa, ẩn nấp dưới những hiên nhà, tán cây thì đại bàng lại bay cao vút lên trên những đám mây giông đó, tận hưởng cảm giác đứng trên muôn loài (nghĩa đen luôn :>>>). Đối diện với những bài toán khó của cuộc đời, chúng ta thường có nhiều lựa chọn, tóm gọn lại chúng ta có 3 nhóm lựa chọn chính:
1. Chấp nhận thua cuộc, bỏ cuộc
Đôi khi có những vấn đề ta không thể hiểu và cũng không thể giải quyết được, lúc đó bỏ cuộc là lựa chọn tối ưu nhất. Thế nhưng đó là trường hợp thiểu số và không thể lấy để đại diện cho toàn bộ. Chúng ta thường bảo rằng tôi không thể làm được thế nào, không làm được thế kia, nó quá khó. Thế nhưng chúng ta đã cố gắng hết sức chưa? Điều này các bạn phải tự vấn. Nhưng hãy nhớ rằng, bỏ cuộc đôi khi là hèn nhát nhưng đôi khi lại là sự dũng cảm
2. Thỏa hiệp với thử thách, “tôi sẽ tìm cách khác”
Đây có lẽ là cách đỉnh cao của những người khôn ngoan. Nếu con đường bên phải khó đi quá, sao chúng ta không sang con đường bên trái, chúng cùng đích đến mà. Thế nhưng thỏa hiệp cũng có 2 kiểu giống bỏ cuộc. Theo cách gọi của tôi chính là cầu hòa và đàm phán. Với đàm phán, chúng ta chỉ là tìm con đường khác để đi thôi. Giống như việc học hay không đại học ấy, tuy con đường khác nhau nhưng đều hướng tới mục đích chung là kiến tạo cuộc đời đáng sống. Cái thứ hai là thỏa hiệp. Giống như Gia Cát Lượng đã từng nói, cầu hòa chính là hàng, chỉ là cách nói khác cho khỏi mất danh dự. Thật vậy, cầu hòa chính là hàng, cầu hòa chính là nước cờ cuối khi chúng ta nhượng bộ cho những thử thách đó, mong tìm ra phương án khác bằng cách hạ thấp mình.
3. Điều khó khăn nhất, nhưng cũng đem lại trái ngọt, chính là đối đầu
Không có điều gì là chắc chắn bạn sẽ thành công, nhưng nếu bạn không tiến lên, sẽ có một lúc nào đó bạn sẽ hối hận. giống như con đại bàng trong câu chuyện kia. Đứng trước mây bão, nếu nó thỏa hiệp, nó phải tìm chỗ trú. Nhưng nó lại đối đầu, để vượt lên mây bão nó cần đối đầu với mưa, gió lốc và cả sấm sét. Khó khăn nhiều đi kèm với nguy hiểm cao, nhưng chỉ cần vượt qua nó, thứ chờ đợi phía trước sẽ là cả khoảng trời bình yên, tươi sáng. Vậy nên nó đã lựa chọn đối đầu và nhận về cho mình thành quả tuyệt vời. Có một câu nói trong bộ phim “kiếm tìm hạnh phúc” - một trong những bộ phim được khuyến khích xem nhiều nhất. Đó là “tôi không biết mình có làm được không, nhưng tôi biết chắc rằng tôi sẽ cố gắng hết mình để làm nó”
Khi đọc kĩ, chắc nhiều bạn sẽ lấn cấn, tại sao lại đi so sánh đại bàng với các loài chim khác?
Ngay từ đầu câu chuyện này đã có rất nhiều vấn đề không được thỏa đáng như là so sánh đại bàng với các loài chim khác. Câu chuyện truyền cảm hứng này giống như nhiều câu chuyện, câu nói khác, đều là sản phẩm của một xã hội trọng dụng nhân tài.
Nói đôi chút về tính chuyên chế của chế độ trọng dụng nhân tài, thì nguyên văn một bài luận có viết rằng:
“Chế độ trọng dụng nhân tài được mặc định là một sân chơi bình đẳng cho mọi cá nhân tham gia và nếu ai đó không vươn lên được thì đó là do họ chưa đủ cố gắng. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với thực tế. Bất bình đẳng trong giáo dục luôn tồn tại ở mọi xã hội. Những ai có khả năng tiếp cận tốt hơn với giáo dục bậc cao thường sẽ nắm giữu nhiều cơ hội hơn để chuyển hóa những thành tích học tập của mình thành công việc tốt, của cải và nhiều mặt của xã hội”
Ở trong câu chuyện đại bàng vượt bão tố, ta dễ dàng nhận ra rằng người sáng tạo đã mắc một lỗi nghiêm trọng, đó chính là mặc định đại bàng cùng các loài chính khác có cùng một khả năng, khác nhau của chúng phải chăng chỉ là ở chỗ lựa chọn. Điều này khá dễ hiểu bởi chế độ trọng dụng nhân tài được áp dụng vào mọi xã hội hiện nay. Nếu hay để ý quan sát hoặc xem những chương trình tự nhiên ta đều thấy rằng đại bằng vượt trội hơn hầu hết các loài chim khác về cân nặng, kích thước, sải cánh, tốc độ bay,... vậy nên cũng không khó hiểu khi người ta đặt cho nó cái biệt danh “chúa tể bầu trời”.
Tuy nhiên nếu áp dụng câu chuyện trên vào thực tế chưa hoàn toàn hợp lý. Bởi mỗi người chúng ta thường có một xuất phát điểm khác nhau, không thể đặt chung tất cả vào một quy chuẩn được. Nếu vậy chẳng khác gì chúng ta cho một con cá và một con khỉ thi leo cây. Nếu áp dụng một quy chuẩn chung sẽ gây mất cân bằng và không đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất. Giống như trong giáo dục, thật ngu ngốc khi cho một người giỏi vẽ nhưng kém toán thi chung 1 đề thi với một người giỏi toán. Kết quả của người giỏi vẽ kém toán đương nhiên sẽ thấp rồi, chúng ta vội vàng kết luận họ là ngu dốt thì thật ấu trĩ. Họ không giỏi trong lĩnh vực của chúng ta, thế nhưng sang lĩnh vực của họ, chúng ta chưa chắc đã bì kịp họ đâu. Điều đáng buồn là chúng ta còn quá nhiều quy chuẩn chung cho rất nhiều kiểu tài năng và điều này vô tình làm lãng phí nguồn nhân lực tài năng quý giá.
Câu chuyện con đại bàng vượt bão tố tuy mang tính truyền cảm hứng cao nhưng lại mắc một lỗi vô cùng lớn. Từ đó mà chúng ta thấy chế độ trọng dụng nhân tài cũng có nhiều điểm hạn chế mà không thể sửa trong một sớm một chiều.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất