Đôi lời về tác giả:

Mình là Minh, 23 tuổi, trước học Ngoại Thương. Mình đã đi làm ở 3 công ty khác nhau từ thời sinh viên. Mình làm việc nhiều bên mảng Venture Capital dưới vai trò Business Development. Nhờ công việc và các hoạt động ngoại khóa nên mình có khá nhiều mối quan hệ, được lắng nghe chia sẻ của nhiều người, nhiều bạn bè nên mình học được rất nhiều điều từ những người xung quanh. Những câu chuyện mình chia sẻ thường chủ yếu là kinh nghiệm từ mọi người cộng với một chút sửa đổi cho phù hợp với bản thân mình. Mình tin rằng có nhiều bạn trẻ cũng có những phẩm chất và suy nghĩ như mình, bởi vậy mình muốn chia sẻ để chúng ta có thể trao đổi và cùng phát triển. 
man holding book on road during daytime
Photo by Ben White on Unsplash
Chuyện nghề nghiệp thì đương nhiên, từ lâu nay vẫn là cơn đau đầu của tuổi trẻ. Thậm chí với nền kinh tế hội nhập như hiện nay thì ở các độ tuổi lớn hơn 20s, các anh chị cũng vẫn có thể gặp nhiều vấn đề về sự nghiệp. Bởi vậy, định hướng nghề nghiệp cho mình từ những năm 20 tuổi luôn luôn vẫn là điều vô cùng quan trọng và có ý nghĩa sống còn với sự phát triển của mỗi cá nhân ở những độ tuổi chín hơn (28 đến 35). Mình nghĩ không có một hướng đi nào là cố định, không có một tốc độ nào là có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng có những tiêu chí và công thức nhất định hỗ trợ mỗi cá nhân trong việc đưa ra các quyết định quan trọng về sự nghiệp. Dưới đây mình xin chia sẻ 5 tiêu chí và công thức mà mình cho rằng có ý nghĩa nhất với mình.

1. Xây dựng ý thức và cảm về bản thân thật tốt

Hiểu mình muốn gì. Đó chính là điều đầu tiên mà mỗi cá nhân cần xây dựng được. Có nhiều bạn thực sự phân vân không biết mình muốn gì, hoặc mình thực sự hợp với điều gì. Theo mình thì để đạt được một mức độ hiểu bản thân nào đó, việc đầu tiên mỗi cá nhân cần làm là trung thực với bản thân mình. Trung thực ở đây là không dấu giếm nỗi sợ hãi, không dấu giếm tật xấu của chính bản thân mình. Nói về khái niệm lừa dối bản thân thì hơi khó định nghĩa. Nhưng hãy thử đưa vào trường hợp cụ thể như việc bạn phải tự chấm điểm cho các nỗ lực và kết quả bản thân mỗi ngày, bạn sẽ hiểu hơn về việc trung thực với bản thân mình. 
Khi đã trung thực rồi thì bạn có thể tổng hợp lại những nhìn nhận và đánh giá về hành vi cũng như cảm xúc, thái độ của mình với các công việc mà bạn đã từng trải qua. Ví dụ, công việc nào đem lại cảm xúc tốt cho bạn, công việc nào khiến bạn phải làm hùng hục quên các việc khác, công việc nào bạn tỏ ra hời hợt, .... Qua việc đánh giá lại các hành động của mình như một người quan sát ở ngôi thứ 3 chứng kiến cuộc đối thoại giữa bạn và bản thân (con người bên trong bạn), bạn có thể có được cái nhìn khách quan về thế mạnh và phần nào là mong muốn của bản thân. Từ đó hiểu được mình thực sự muốn gì và phù hợp với điều gì.

2. Đi theo nhịp độ của riêng mình

Photo by Chander R on Unsplash
Giống như chạy Marathon, mình khuyến khích các bạn đi trên xa lộ sự nghiệp theo nhịp độ của riêng mỗi người. Chạy nhanh hơn sức mình sẽ gây ra "chấn thương" và nhiều rủi ro sức khỏe khác nữa. 
Nhiều bạn so sánh mình với người khác vì họ thành công ở độ tuổi sớm hơn. Mình có lần được nghe rằng: "Đó là điểm chung của sinh viên Ngoại Thương." Mình thì nghĩ chỉ cần chơi chung với 1, 2 người thành công hơn mình ở cùng độ tuổi, là bạn đã có thể tự cảm thấy đuối hơn người ta rồi. Và vấn đề chính là ở đó. Vì sao bạn thấy đuối hơn? Vì bạn đang tự so sánh mình với người ta. Nếu có một tiêu chí cần so sánh, hãy chỉ so sành về nỗ lực của cả 2 bên trong hoàn cảnh tương tự thôi nhé.
Đi theo nhịp độ của riêng mình, có nghĩa là đi chậm khi bản thân bạn cần chậm, đi nhanh khi bản thân bạn cần bứt phá. Ở độ tuổi 20s, tuy rằng chúng ta có rất nhiều tham vọng, muốn thành công và muốn tạo ra bệ phóng tốt cho sự nghiệm sau này, nhưng cũng cần lắng nghe xem bản thân mình có đi được nhanh như vậy không. Thường thì ta thấy người khác đi nhanh, ta cũng tự tạo áp lực lên bản thân mình và thúc ép bản thân phải làm được điều tương tự. Đây là sai lầm vì tốc độ phát triển của họ khác với ta, khi đi nhanh hơn tốc đồ phù hợp của bản thân, ta rất có thể đưa ra các quyết định sai lầm khiến ta phí thời gian. Dẫu tuổi trẻ có nhiều thời gian, nhưng không có nghĩa là có thể phung phí các quyết định ở những thời điểm quan trọng. Do vậy, hãy chậm lại khi cảm thấy bản thân chưa đủ sức và dành thời gian, quan sát nhiều hơn để học hỏi, đi chậm mà chắc, lùi một bước để tiến hai bước, thay vì cố gắng thúc ép bản thân làm một việc không vừa sức mình. 

3. Luôn luôn dành chỗ cho việc mở mang và học thêm điều mới

Điều này thì khá hiển nhiên rồi. Với việc các sản phẩm và công cụ hỗ trợ ra đời ngày càng nhiều, nhiều công việc được tự động hóa, cơ cấu các tổ chức thay đổi nhanh và thị trường cũng rất năng động, việc một cá nhân sở hữu nhiều kỹ năng và am hiểu nhiều thị trường tạo nên lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn cho các ứng viên đó. Học thêm các kiến thức về các ngành khác, theo đam mê hoặc theo thế mạnh, đều là những điều mà mình khuyên mọi người. Một là để dự bị cho việc thị trường thay đổi. Hai là để bản thân có một skillset (bộ kỹ năng) độc đáo, tạo ra sự khác biệt, giúp mình dễ dàng tìm ra môi trường phù hợp. Ba là để làm chủ các công cụ và biến những thay đổi về công nghệ và sự thay đổi của thị trường thành lợi thế của mình, giúp cá nhân mình làm việc năng suất và hiệu quả hơn. Khi đã có được những phẩm chất này thì không nơi nào là không muốn nhận bạn. 

4. Có tầm nhìn cuối cùng


close-up photo of person covering sunlight
Photo by Bruno van der Kraan on Unsplash
Hãy mơ mộng một chút, hình dùng ra xem ở tuổi 35, 40, bạn muốn là người như thế nào? Cuối cùng, vị trí mà bạn muốn đứng trong xã hội là gì, vai trò của bạn trên thương trường? Từ đó, hình dung ra bạn sẽ phải thêm cho mình những trải nghiệm, kỹ năng, kiến thức gì trên con đường đến đó. Bạn cũng có thể tìm ra công việc phù hợp để đưa bạn đến cái đích đó nhanh hơn. Dựa vào đây, bạn có thể tự đưa ra quyết định cho việc chọn công ty hay công việc. 
Một ví dụ về điều này. Anh bạn tôi muốn trở thành một tech-entrepreneur. Để định nghĩa ra entrepreneur thực sự là gì thì hơi rộng. Nhưng với anh bạn đó, anh ta muốn trở thành một founder của một công ty khởi nghiệp công nghệ, sau đó cũng có thể kiêm luôn là một nhà đầu tư. Thực ra trên thế giới đã có nhiều hình mẫu như thế này (lại thêm một công thức cho bạn tìm ra end game của mình). Do đó, trong quá trình, anh ta phải bổ sung kiến thức về các thị trường tiềm năng để khởi nghiệp, anh ta phải bổ sung kiến thức về kinh doanh và cả công nghệ nữa. Đồng thời là kiến thức tài chính để nắm kiểm soát tốt hơn trong các thương vụ đầu tư. Con đường phù hợp cho anh ta có thể là: Làm việc tại một startup công nghệ, hay học code, các môn gần với công nghệ, làm việc cho một quỹ đầu tư khởi nghiệp, .... 
End game của mỗi người rất quan trọng không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống. Để tìm được end game, mỗi cá nhân cần đi sâu vào phân tích tính cách, con người, các phẩm chất của mình để thực sự tìm được tầm nhìn riêng độc đáo cho mình. 

5. Đừng ngại rủi ro

Tuổi 20s, ta là tỷ phú thời gian. Chính xác là như vậy. Tuổi 20s là cơ hội để bạn thử nhiều công việc, nhiều lĩnh vực, đương đầu với khó khăn để phát triển. Tất nhiên, mình không khuyến khích việc chọn bừa một công việc hay định hướng mà không có sự phấn tích kỹ lưỡng. Tuy nhiên hãy giữ cho mình một tinh thân chấp nhận rủi ro để bạn có thể tự tin hơn với những quyết định của mình và làm hết sức một khi bạn đã đưa ra quyết định. Khi cơ hội đến, đừng ngại bước ra khỏi vùng an toàn, đừng ngại bước ra khỏi những điều trước kia mình biết để làm một điều mình chưa biết. Đó cũng là một cách học hỏi, để bản thân luôn rộng mở với các kiến thức và cơ hội mới. Mình được dạy rằng: "Ai sợ thất bại sẽ không bao giờ thành công với bất cứ dự định nào." bởi một anh Forbes 30 Under 30. Mình nghĩ đây là bài học có ý nghĩa nhất nhì với mình trong việc dám bước ra khỏi vùng an toàn cả trong công việc và trong cuộc sống. 

Lời kết

Để đi lên thì khó, nhưng đi xuống thì khá dễ. Nếu con đường bạn đang đi mà bạn gặp khó khăn, thì có nghĩa là bạn đang muốn đi lên. Nếu bạn thấy quá dễ dàng, có vẻ như bạn có xu hướng sẽ đi xuống. Chỉ là một hình ảnh rất mang tính minh họa thôi nhưng nó đủ để tạo cho người trẻ chúng ta một niềm tin, để chúng ta nỗ lực hơn trong chặng đường còn dài mà chúng ta phải đi phía trước. Khi còn trẻ ta còn được thử, bởi vậy hãy trân trọng mỗi lần mà chúng ta được thử. Suy nghĩ, phân tích kỹ càng, chớp lấy cơ hội và nỗ lực hết mình. Đó cũng là vài từ ngắn ngủi mà mình hy vọng các bạn có thể ghi nhớ để tự tin hơn trên con đường sự nghiệp đầy trông gai của các bạn. Mình rất vui, vì có thể nói ra những chia sẻ này, để phần nào đó giúp các bạn vững tin hơn trong mỗi bước chân ra đời sau này. 

Mình rất hy vọng nhận được ý kiến của các bạn về những suy nghĩ của mình. Trao đổi thêm với mình tại: [email protected]
By Otakuguy
Đọc thêm: