Chuyện Ngộ Không thật giả
Trong những ngày tương lai là chuyện bí ẩn, nghĩ về điều mới mẻ theo cách quen thuộc (Bài dự thi thực hành triết học Spiderum). Cảm ơn vì đã quan tâm.
Những ngày giãn cách tôi có dịp xem lại những bộ phim cũ từ hồi tivi chưa có màu. Với tôi phim truyện không chỉ để giải trí, đôi khi nó chứa đựng những triết lý có thể trở thành kim chỉ nam cho cả một đời người. Tây du kí là phim truyện nổi tiếng, qua bao thế hệ vẫn được yêu thích, thi thoảng người ta vẫn mở xem lại dù đã thuộc từng tình tiết, câu thoại và mỗi lần như thế lại hiểu ra thêm những triết lý cuộc sống được lồng ghép vào.
Một tác phẩm kinh điển tự thân nó luôn có sức hút bất kể thời gian, bề ngoài là một bộ phim giúp người ta giải trí, bề sâu là triết lý để nghiền ngầm, suy tư. Ngộ Không thật giả là một tập phim ấn tượng, 2 Ngộ Không đi khắp tiên giới để nhờ phân biệt ai thật ai giả. Các bậc thần thông cũng không phân biệt được, kể cả Quan Âm bồ tát. Khi đến Âm phủ, Đế Thính đã nhận ra thật giả nhưng ông ta lại bảo rằng không thể tiết lộ, sau đó 2 Ngộ Không đến Đại Lôi âm tự tìm Phật tổ. Ngài đã chỉ ra nguyên nhân, cõi đời có ngũ tiên (thiên, địa, nhân, thần quỷ) và ngũ trùng (doanh, lân, mao, vũ, côn) nhưng có 4 loại khỉ không nằm trong 10 loại này và Ngộ Không giả là một linh hầu trong trời đất.
Ngộ Không giả được Phật tổ thu phục và giúp Ngộ Không thật hóa giải được hiểu lầm với sư phụ Đường tăng. Xem xong tập phim tôi cũng ngẫm ra những bài học dựa trên góc nhìn của bản thân, với thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
BẢN NĂNG VÀ BẢN LĨNH
Tại sao Ngộ Không thật giả lại giống nhau đến nỗi những vị thần tiên tinh thông cũng không nhận ra. Theo tôi, vì cả hai cùng là một. Ngộ Không thật là cái biểu hiện ra ngoài, một nhân cách được bộc lộ và Ngộ Không giả chính là cái bản năng bên trong. Lý do để Ngộ Không giả xuất hiện là do Đường Tăng đã hiểu lầm Ngộ Không, khiến nhân cách tiềm ẩn bị kích động dậy. Chính sự hiểu lầm khiến bản năng hoang dã của Ngộ Không bộc lộ và lấn át đi phần bản lĩnh đang trong thời gian rèn luyện.
Xét cho cùng, con người cũng tiến hóa từ động vật, chúng ta có phần “con” với những cuồng dại, phần “người” thích nghi với sự phát triển của xã hội. Khi chúng ta đi lệch với chuẩn mực xã hội không có nghĩa chúng ta là một nỗi ô nhục của xã hội đó. Điều đó chỉ đủ để chứng minh chúng ta chưa được xã hội hóa phù hợp với chuẩn mực của xã hội mình đang sống, trong một giai đoạn cụ thể.
Khi nảy sinh bất đồng, Đường Tăng chọn cách đuổi Ngộ Không đi như cách mà ba mẹ thường nổi giận với đứa trẻ khi chúng chưa kịp giải thích bất cứ điều gì về lỗi lầm của chúng. Điều đó gây ức chế khiến Ngộ Không trỗi dậy bản năng hoang dại của trước đây và Ngộ Không giả là đại diện cho những điểm chưa được xã hội hóa trong nhân cách, sinh ra hành động đánh trả Đường Tăng, đi ngược với luân thường đạo lý đang được người đời tôn sùng.
Khi không giải thích được bằng lời, người ta dùng hành động bản năng bộc phát trong lúc nóng giận để giải thích. Nếu tin rằng vũ trụ cùng một thể thì người ta sẽ biết là thương người cũng là đang thương thân, vị tha cho kẻ khác cũng là đang vị tha cho chính mình. Người ta sẽ lắng nghe nhau hơn thay vì tranh từng lời nói, người ta sẽ nghĩ về nguyên nhân sâu xa hơn là những điều đang phơi bày trước mắt. Cơn giận bộc phát có thể là bản năng còn kiềm chế được cơn giận chắc chắn là bản lĩnh.
Bản năng là vùng đất hoang sơ còn bản lĩnh là thửa ruộng đã được gieo trồng. Bản năng thiên về cảm xúc, bản lĩnh ngả về phía lý trí.
Giữa lúc dịch bệnh, tôi cũng có lúc bực tức vì không được ra ngoài làm những điều mình muốn, thực hiện kế hoạch còn dang dở và thật đáng mừng vì đã không để những suy nghĩ bản năng dẫn dắt, hành động bộc phát nhất thời mà bất chấp hậu quả về sau.
VÔ VI NHI VÔ BẤT VI
Lão Tử có câu Vô vi nhi vô bất vi. Trong chuỗi thức ăn, nếu tác động
vào một mắt xích, cả chuỗi cũng ảnh hưởng theo hay thuyết cấu trúc chức năng với quan điểm tác động vào một bộ phận bất kì, cả hệ thống chịu tác động. Đế Thính là người nhận ra điều này, dù ông phân biệt được Ngộ Không thật giả nhưng ông không tiết lộ. Ông hiểu được mình không phải là người mở nút thắt và nếu hành động sai sẽ đẩy sự việc đi xa hàng dặm, đi lệch quỹ đạo của nó.
Ngộ Không thật giả xảy ra mâu thuẫn tựa như phần bản năng và bản lĩnh của chúng ta đang mâu thuẫn lẫn nhau. Thứ mâu thuẫn nội sinh khiến người ta hành động càng mất kiểm soát với những người xung quanh (bạo lực, giết người, cưỡng hiếp) và với cả chính mình (tự sát). Theo Đế Thính, chỉ có đến Đại Lôi âm tự, nơi “Phật pháp vô biên” mới đủ để giải quyết được việc này. Vô vi nhi vô bất vi được thể hiện rõ trong hành động của Đế Thính, tạm hiểu theo nghĩa không làm đã là làm. Vị thần này ý thức được tầm quan trọng của vấn đề và hiểu được điều nên làm lúc này là để sự việc tiếp tục diễn ra như nó nên là.
Khi con người ngày càng thông minh, việc người ta có thể làm được rất nhiều, từ luộc một củ khoai cho tới bay ra ngoài vũ trụ. Làm được nhiều thứ khiến người ta tin rằng mình có thể làm được mọi thứ ở trên đời. Có lẽ, không cứu vãn được vấn đề là điều đau khổ nhưng bất lực trước năng lực hữu hạn của mình là điều xót xa hơn. Những việc nỗ lực tiếp tục nỗ lực, nhưng rõ ràng có những việc xảy ra mà tôi tin rằng việc chối bỏ hay hoảng loạn không phải là ý hay, rõ ràng là trước tiên chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của nó.
Dịch bệnh Covid – 19 là một cú sốc đối với nhân loại, sức ảnh hưởng tiêu cực đã ở quy mô toàn cầu. Khi dịch bệnh vừa khởi phát, giới chuyên nhà và các nhà khoa học đã đưa ra những kịch bản nhưng dù là kịch bản xấu đến mấy cũng khó tiệm cận được với tình hình dịch bệnh phức tạp của hiện tại. Tôi chưa từng nghỉ Tết Âm lịch lâu như thế, chưa từng ao ước được hít khói bụi giữa làn xe cộ đông đúc lúc 5h chiều hay đơn giản là chưa từng tự hứa với lòng sẽ không cáu gắt với đèn đỏ 80s. Những điều bình thường vốn thành xa xỉ.
Điều làm người ta bứt rứt không phải vì không chịu được giãn cách xã hội mà đúng hơn là sự bất lực. Khi số ca nhiễm trong cộng đồng cao thì giãn cách xã hội là cần thiết. Nghĩa là chúng ta sẽ không thể yên tâm nếu số ca nhiễm trong cộng đồng cao mà không giãn cách hoặc giãn cách mà không có ca nhiễm cộng động nào. Vậy ra điều mong đợi nhất chính là chấm dứt giãn cách xã hội khi không còn ca nhiễm trong cộng đồng. Vì thế có thể khẳng định rằng nhiều người lo lắng vì số ca nhiễm tăng hơn là tiếp tục giãn cách xã hội. Sự an toàn sức khỏe, tính mạng của cộng đồng không thể đo lường bằng thời gian thực hiện chỉ thị giãn cách mà đến từ chất lượng kiểm soát ca bệnh.
Câu Vô vi nhi vô bất vi, theo tôi khá đúng trong tình hình hiện tại,
nhưng không nên hiểu theo nghĩa tuyệt đối hóa vấn đề. Dù thực hiện giãn cách, ở yên trong nhà thì chúng ta đã thực hiện được rất nhiều điều rồi, nghĩa là chúng ta không làm gì nhưng thực ra đã giúp hạn chế được sự lây nhiễm trong cộng đồng, đã chấp hành tốt chỉ thị của Chính phủ, khuyến cáo 5K và khi xét nghiệm, khi tiêm vắc xin đã là một đóng góp đối với công cuộc chống dịch của cả nước.
Cái Vô vi ở đây là không hành động trái với khuyến cáo 5K, chỉ thị của Chính phủ,…Nếu thực hiện được việc này thì đã Vô vi nhi vô bất vi. Đơn giản là, miễn dịch cộng đồng không thể đến từ nỗ lực của đơn lẻ từng cá nhân.
Những triết lý cổ xưa không đáng rơi vào vùng quên lãng, nếu chắt lọc những điểm phù hợp để vững vàng với tình hình thực tế thì tại sao không.

Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất