Nạn nhân của các vụ hiếp dâm, bạo hành, cướp của,... sau khi đối mặt với những bi kịch vừa kể thường phải đối mặt với áp lực từ dư luận. Trong quá trình phát triển, có những luồng ý kiến như sau.

"Không có lửa làm sao có khói?"

Đây là phản ứng thông thường của những mẹ bỉm sữa, những người "sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo" hay kể cả những nhóc loai choai đang lớn dần. Khi biết tin ai đó vừa trải qua bị kịch, họ sẽ nói những câu kiểu:
“Con đấy nghĩ gì khi ăn mặc như thế ra đường?”
“Cô ấy đã có thể bỏ đi nhưng lại không làm thế, đó là lỗi của cô ấy khi bị bầm mắt.”
“Ui, con bé này nó tự chuốc mình say ấy chứ.” 
...
Và nhóm còn lại là:

"Chúng là một thế hệ vô cảm, đổ lỗi cho nạn nhân và bỏ qua lũ phạm tội."

Đây là nhóm mới xuất hiện sau này, sau khi chủ nghĩa cá nhân bùng nổ cùng với nhiều quan điểm hiện đại và hậu hiện đại khác. Nhóm này thường đả kích trực tiếp vào nhóm bên trên bằng những luận điểm bảo vệ nạn nhân.
Họ cho rằng những thứ mà nhóm "không có lửa làm sao có khói" cho là “đáng trách” mà nạn nhân thực hiện để “mời mọc chuyện xấu xảy ra” thực ra lại là quyền lợi và quyền tự do mà mỗi con người đều có. “Con người” ở đây bao gồm cả phụ nữ.

Và dưới đây là 5 tác động xấu của Victim Blaming:


Victim Blaming: đổ lỗi cho nạn nhân. Họ cho rằng khi ai đó là nạn nhân của bất kì hành động phạm tội hoặc sai trái có tổ chức nào đều hoàn toàn hoặc một phần do hành động của nạn nhân mà ra. Từ đó cho rằng bi kịch xảy đến với họ như một kiểu trách nhiệm phải chịu.

1. Việc đầu tiên và rõ ràng nhất đó là nó bảo vệ tên tội phạm
“Đàn ông hiếp dâm người khác. Trước giờ đã thế rồi.”
Quan điểm đó đã vô tình hạ thấp giá trị của đàn ông. Đa số những người đàn ông là người tốt, và một số người không phải thế. Một trong những quan niệm vô lý khác là:
“Đàn ông không thể tự điều khiển mình.”
Suy nghĩ đó tạo điều kiện thuận lợi cho những người muốn phạm tội thực hiện âm mưu của mình. Họ biết bằng tội ác của họ sẽ được bảo vệ và bỏ qua. Họ chắc rằng mình sẽ không phải chịu trách nhiệm đâu. Những việc như thế cần phải thay đổi.
2. Thay vì ngăn ngừa tội ác, việc đổ lỗi cho nạn nhân thực ra lại tạo điều kiện cho nó xảy ra nhiều hơn
kim1

3. Việc đổ lỗi cho nạn nhân thể hiện sự phân biệt đối xử với phụ nữ
Có một số người cho rằng:
“Cô ấy phải đối mặt với hậu quả từ những việc cô ấy đã làm.”
Tư tưởng này xem tội ác như là một hình phạt cho những người phụ nữ "không chuẩn mực". Bằng cách này, việc đổ lỗi cho nạn nhân đã tạo ra một danh sách dài vô hạn bao gồm những việc mà phụ nữ phải làm để nhân cách của họ được coi trọng, ví dụ như là không được ăn mặc hở hang, không được đi chơi khuya, không được say xỉn, không được đi ra ngoài một mình, v.v..
4. Tư tưởng rằng nạn nhân có lỗi ngăn cản công lý được ban phát 
Tư tưởng này ở khắp mọi nơi, từ phiên tòa đến đồn công an hay rải rác khắp giới truyền thông. Nó vùi dập những nạn nhân dũng cảm và quyết định dành lại công lý cho mình khi thẩm phán lại hỏi váy của họ đã ngắn đến mức nào.
5. Nạn nhân phải đối mặt với những bi kịch khác
Khi chúng ta sống trong một xã hội mà việc đổ lỗi cho nạn nhân xảy ra như chuyện thường tình, nạn nhân khó có thể có được can đảm để dành lại công lý cho mình. Có cả một chuỗi những ảnh hưởng về tâm lý mà nạn nhân bị hiếp dâm phải trải qua. Họ đã phải dằn vặt mình với những câu hỏi như:
“Tôi đã làm gì sai?”
“Tôi đã có thể ứng xử như thế nào để ngăn chặn việc này xảy ra với mình?”
Sự thật là, họ chả làm gì sai cả. Kẻ phạm tội mới là người sai. Trẻ em và đàn ông cũng bị hiếp dâm, liệu họ có “âm thầm mong muốn nó” bằng cách “ăn mặc thiếu vải”? Việc này gây rất nhiều khó khăn để củng cố công lý vì chúng ta không nghĩ rằng nạn nhân xứng đáng nó, và họ cũng không nghĩ như vậy.

Nhưng có thật mọi chuyện đơn giản như vậy?

1. Thế giới có thật sự tốt đẹp để ta làm điều mình thích?
Đồng ý việc ăn mặc hở hang, đi chơi khuya, chia sẻ thông tin lên internet,... đều là những chuyện hợp pháp và là quyền cá nhân của mỗi người. 
Nhưng việc bạn bơi ra giữa biển, đi vào rừng hay đi bộ giữa sa mạc cũng là hợp pháp và là quyền cá nhân của riêng bạn.
Xã hội này vô cùng khắc nghiệt và tồn tại những hiểm nguy mà chúng ta phải chấp nhận (cho tới khi có thể thay đổi). Vì thế cách khôn ngoan là thích nghi chứ không phải cứ làm việc mình thích và bắt thế giới phải... "thương xót" cho bạn.
2. Việc mọi người chê trách có thật sự đầy ác ý?
Cần phải làm rõ: những người chê trách nạn nhân không hề bỏ qua tội lỗi của kẻ phạm tội. Họ vẫn làm rạch ròi hai điều: trừng phạt tội phạm và trách móc nạn nhân. 
Theo quan sát của riêng mình, sự trách móc thường kèm theo một chút thương xót và tiếc nuối chứ không hẳn là chứa đầy cay nghiệt vô cảm.
Xã hội Việt Nam về cơ bản đề cao sự khôn ngoan hơn thông minh. Khôn ngoan tức là biết người biết ta, biết phải làm gì.
Vì sao mọi người dè bỉu việc con gái ăn mặc hở hang? Là để hạn chế nó. Giống như việc người ta vẫn dè bỉu những hành vi xấu khác để hạn chế sự xuất hiện của nó. Tốt hay xấu thường mang tính tương đối, tức là có thể ở góc nhìn của cộng đồng này là tốt, cộng đồng kia là xấu. Nhưng việc một cộng đồng cho rằng việc ai đó ăn mặc hở hang là xấu phải có lý do nào đó.
Cá nhân tôi nghĩ, mọi người sẽ chẳng quan tâm nhắc nhở hay chửi bới nếu bạn sống ở một nơi cực kì an toàn, một nơi tiền rơi không ai nhặt, cởi truồng không ai nhìn. Nhưng không, xã hội Việt Nam - về cơ bản - khá loạn. Chúng ta là nước có tỉ lệ tử vong vì tai nạn giao thông vẫn còn cao, tỉ lệ tội phạm cũng không thấp (đứng thứ 35). Nhưng người Việt Nam là những kẻ điếc không sợ súng. Chúng ta cho rằng mình đang sống ở một đất nước bình yên và ổn với những việc kể trên.
Xã hội Việt Nam chưa thật sự ổn định, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng người Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng lại du nhập quá mạnh mẽ những chủ nghĩa tự do thái quá. Từ đó, ta vô tình trở thành những đứa trẻ đi lạc trong rừng sâu.
Đó là lý do mà những người mẹ thường bảo ban những người con về giờ giấc đi chơi, người lớn hay nói với người trẻ về việc ăn mặc,... cốt để hạn chế việc trẻ lạc trong rừng. 
Thế nên mỗi khi có chuyện không hay xảy đến, mọi người thường vô tư đổ lỗi cho nạn nhân, mục đích - theo họ - là để giáo dục những người còn lại.
Nhưng có lẽ việc này cũng chẳng hiệu quả lắm.
Vì nếu thế giới này quá tăm tối, đi đêm có ngày cũng gặp ma. Cách triệt để nhất là cải tạo lại thế giới.
3. Nhưng tạm thời bạn phải chấp nhận rằng thế giới là một mớ hỗn độn
Trong thời gian chờ đợi, và đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn, bạn cần là một người khôn ngoan.
Chúng ta, hơn ai khác, nên tự biết bảo vệ mình khỏi những rủi ro không đáng có. Vì nếu không đi vào rừng, tỉ lệ bị hổ nhào ra cắn sẽ thấp hơn biết mấy.
Đồng ý rằng những kẻ biến thái, những tên tội phạm khi đã có ý định thì nếu bạn mặc kín cổng cao tường hay hở hang, đẹp hay xấu,... đều sẽ trở thành nạn nhân nếu vô tình gặp. Hoặc nếu không phải là bạn, thì cũng sẽ là cô gái khác.
Nhưng bạn cũng cần biết rằng, những con hổ đói cũng chỉ loanh quanh trong khu vực của nó. Nếu bạn, và những người khác nữa, đều né những nơi có nhiều rủi ro thì bọn chúng chẳng làm được gì khác ngoài việc đói hơn nữa. Và nếu phải manh động hành động ở một nơi ít thuận lợi hơn (đông người), thì chúng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn còn bạn thì an toàn hơn. Đây gọi là chiến thuật đối phó với kẻ thù. Vì khi ta đã có kẻ thù rồi, thay vì ngồi than thân trách phận thì nên có phương án đối phó.

4. Nhưng bạn tôi ơi, có thật mọi chuyện đơn giản như vậy?
Đồng ý rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Thực tế cho thấy tỉ lệ lạm dụng tình dục ở những người quen biết nhau nhiều hơn từ người lạ. 
Tại sao chúng ta phải chấp nhận sống chung với hổ và lúc nào cũng phải né tránh, mà không tìm cách giết hết chúng?
Vì bạn của tôi ơi, chúng ta, tạm thời không thể. Xã hội này có hơn 7 tỉ người. Có đủ loại người và đủ loại bệnh hoạn tương tự xung quanh ta. Luật pháp không thể hạn chế hoàn toàn bản năng xấu xa của con người. Chúng ta vẫn tử hình những kẻ giết người nhưng có bao giờ hết xuất hiện những vụ giết người đâu?
Chúng ta, một cách đáng thương, cần phải (tôi lại phải nhắc lại điều này một lần nữa) chấp nhận rằng thế giới này quá ư là phức tạp và tồn tại những rủi ro ở đâu đó, vào lúc nào đó.
Và cách tốt nhất là hạn chế đi vào những khu vực có xác suất rủi ro cao.
Vì kể cả hiếp dâm, ung thư hay thiên thạch rơi trúng đầu, ta đều đâu thể kiếm soát được chứ. Chúng ta ở trong một trò chơi và bị bắt phải chơi theo những luật lệ nhất định.
Chúng ta phải đấu tranh, nhưng phải vừa đấu tranh vừa đề phòng.
5. Sự tự do có phải lúc nào cũng hay ho?
Vì sao chúng ta phải ăn mặc hở hang? Liệu đó có phải phương án duy nhất, một nghi lễ bắt buộc hay thậm chí là một xu hướng thời trang được đề cao?
Vì sao mọi người nghĩ rằng khi được tự do làm việc họ thích, họ sẽ được là chính mình, họ sẽ hạnh phúc hay đại loại thế? Theo quan sát của tôi thì đa phần những người buông thả và nuông chiều bản thân lại gặp nhiều vấn đề rắc rối với tâm lý hơn bao giờ hết. Và hạnh phúc, một điều phức tạp, thật ra chẳng liên quan nhiều lắm tới sự tự do.
Và vì sao mọi người lại cho rằng gia đình, cộng đồng đang cố gắng bao che cho lũ tội phạm, mà không nghĩ rằng họ chỉ đang cố gắng bảo vệ ta khỏi những rủi ro bằng những lời khuyên của họ?
Trong suốt quá trình tiến hóa, loài người đã học được cách né tránh đi những rủi ro tiềm tàng bằng kinh nghiệm của mình. Những gia đình hay những cộng đồng nhỏ bé thường đặt ra những luật lệ để hạn chế những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Việc một người mẹ cấm con mình chơi ở gần sông cũng tương tự như việc cấm con cái đi chơi về khuya vậy. Và dù rằng cách tốt nhất là nên dạy đứa trẻ biết bơi, hoặc nhà ở xa sông suối, hoặc sống ở nơi có an ninh thật tốt. Nhưng sức của mẹ có hạn, sức người cũng có hạn, và mọi người chỉ nhắc nhở nhau, phần còn lại đành phải... phó mặc cho trời.
Biết đâu được,
Biết đâu được hôm nào đó thế giới thật sự trở nên tốt đẹp và yên bình.
Nhưng trước khi tới ngày đó, chúng ta cứ mặc giáp và cầm kiếm lên đã.

Có sử dụng chất liệu từ: