Theo Wikipedia, Thế hệ 9X là một khái niệm trong tiếng Việt dùng để chỉ đến những người sinh vào thập niên 1990. Hiện tại chúng ta đang ở năm 2020. Oh, 9X quả thực đã đi 1 quãng đường dài, 1/3 cuộc đời chưa nhỉ. Trong khoảng 30 năm đó, đã có rất nhiều thứ thay đổi và tôi vẫn tin rằng 9X là một thế hệ may mắn khi có cơ hội trải qua những chuyển biến tích cực của xã hội.
Thời đó, tivi vẫn chỉ có hai màu đen – trắng với 1 vài kênh chính thống đếm chưa hết một bàn tay. Hệ thống ăng-ten cắm trên ống tre đặt trên nóc nhà giúp thu bắt sóng cho chiếc tivi cồng kềnh. Hồi ý, mỗi lần tivi bị “ruồi” là bố lại sai tôi ra chỉnh ăng ten, xoay tới xoay lui cả nghìn vòng. Cùi bắp quá nhỉ.
Nguồn ảnh: Zingnews
Sau này có tivi màu thì nó cũng vẫn vừa to vừa dày. Tôi nhớ vòng tay của mình còn không đủ bao hết chu vi của nó. Rồi lại có cả “Chảo” thay cho cái ăng-ten, hình ảnh được upgrade căng đét, khỏi mất công “quay tay” mệt mỏi nữa. Có chảo rồi, số lượng kênh truyền hình cũng tăng lên, mấy đứa bạn tôi bắt đầu nghe Kpop, ca sĩ BoA hồi ấy nổi lắm. Nhưng thực ra, tôi không có nhiều kỉ niệm với vụ này, tôi không nhớ chính xác tại sao mà tivi nhà tôi luôn chỉ có 3 kênh: VTV1,2,3, vì vậy trong suốt một thời gian dài, khi mà nhà nhà người người phát cuồng vì “Hoàn Châu Cách Cách” thì tui vẫn chỉ có thể ngắm hình Tiểu Yến Tử trên mấy cái ảnh podcast bán ở cổng trường. Thật xấu hổ khi thừa nhận phải tới lúc lên Đại học, tôi mới mò lại phim này trên mạng để xem.
Lại nói tới chiếc đầu chạy băng. (Băng là cái loại mà hình hộp chữ nhật xong có 2 ống cuốn băng màu đen bên trong đó. Chắc ai cũng biết nhỉ). Sau khi xem hết một cuốn là lại phải ngồi quay tay tiếp, cho nó cuộn về điểm xuất phát mới có thể xem lại. Thời đó, các cửa hàng cho thuê băng cũng nhiều lắm, người ta đi thuê băng như tụi học sinh đi thuê truyện tranh vậy.
Nguồn ảnh: Internet
Sau này, hiện đại hơn, bắt đầu có đĩa CD, cái đầu chạy đĩa  cũng mỏng đi chút ít, và quan trọng là không có chuyện “quay tay” nữa. Đĩa CD lậu bán nhan nhản khắp nơi, ngày ấy, còn có nghề bán rong đĩa CD, từ phim chưởng Hongkong, phim võ thuật Trung Quốc, đĩa nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc thiếu nhi, nhạc Xuân Mai… Nếu ai hay phải đi xe đường dài để di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, thì chắc sẽ nhớ: trên xe hay lắp đặt một cái tivi nhỏ phía trên đầu bác tài xế. Từ chiếc tivi này, anh phụ xe sẽ trang bị mấy xấp CD để phục vụ hành khách. Phải thừa nhận là tôi đã biết thêm nhiều bộ phim thú vị nhờ dịch vụ này. Cho tới bây giờ, khi chiếc Tivi đã chuyển từ stupid thành smart, thì người ta đâu còn cần tới mớ đầu đĩa lỉnh kỉnh kia nữa.
Lại bàn tới cái điện thoại. Ngày trước, điện thoại bàn là công cụ chủ yếu để liên lạc giữa các gia đình và giúp phụ huynh nắm bắt tình hình con cái từ giáo viên. Những ngày đó, nhà tôi chưa được lắp điện thoại riêng mà phải dùng chung số với nhà ông ngoại ở đối diện. Do vậy, mỗi lần có ai gọi tới, ông sẽ đứng ở sân gọi với sang, rồi tôi từ bên nhà mình phi tới với tốc độ ánh sáng để nghe điện, hi vọng người ở đầu dây bên kia không phải đợi lâu quá mà dập máy. Nhờ vậy mà khả năng điền kinh lúc bấy giờ của tôi cũng khá ghê gớm. Hơi tiếc là sau này tôi không theo đuổi sự nghiệp vận động viên, nếu không chắc cũng rất “ra gì và này nọ” đấy…
Tua nhanh đến lúc nhà tôi có điện thoại bàn riêng rồi, mọi chuyện trở nên thoải mái hơn nhiều. Mẹ tôi còn cẩn thận chọn một số máy đẹp, đuôi “6688” ý là lộc phát =))). Ngày ấy tôi hay phải ở nhà một mình, và “rảnh quá thì sinh nông nổi”. Tôi thường xuyên gọi điện lên tổng đài 1080 để hỏi những câu hết sức ngớ ngẩn (thích nghe tiếng người quá mà =))). Có lần tôi gọi điện để nghe kể chuyện lâu ơi là lâu, thành ra cước tháng tăng lên chóng mặt. Hóa đơn điện thoại hồi đó còn liệt kê chi tiết từng số điện thoại bạn liên hệ. Và kết quả là tôi bị ăn mắng sấp mặt. À, nhớ lại vụ 1080, hình như tới tận lúc đi học xa nhà, tôi vẫn còn gọi 1080 chỉ để hỏi đường, hồi ý chưa biết xài Map =))).
Có điện thoại bàn, đồng nghĩa là có mạng. Hồi đó, đại ý là người ta sẽ kéo đường dây mạng cắm với cái điện thoại, xong dây mạng sẽ nối lòng vòng trong nhà để tới được cái máy tính bàn to đùng. Bây giờ có wifi rồi, máy tính cũng rất nhiều lựa chọn: Laptop, Tablet, Ipad, quá gọn nhẹ và dễ “cắp nách”.
Điện thoại cũng dần cải tiến, và chúng ta có chiếc di động đen trắng đầu tiên với hệ bàn phím bấm kinh điển đã tôi luyện ra khả năng bấm chữ bằng 2 tay không cần nhìn màn hình. Một thế hệ 9X chắc chắn không thể quên, cảm giác cầm điện thoại dưới ngăn bàn mà gõ phím liên hồi để nhắn tin cho gái/zai với tốc độ thần sầu và đầy chuyên nghiệp. Một thời nhắn tin không dấu đã trở thành kỉ niệm khó quên mang lại những hiểu nhầm dở khóc dở cười.
ST
Thật khó mà không nhớ tới những thương hiệu di động đã đi vào lịch sử của cả một thế hệ như Nokia, Blackberry, Motorola, O2, Sony Ericsson. Sau này, điện thoại vừa có màu, vừa có thể nghe nhạc, chụp ảnh, kích thước màn hình cũng lớn hơn, lại bắt đầu có cảm ứng, chẳng ai thèm dùng bàn phím bấm nữa rồi, lạc hậu lắm =))) Iphone bây giờ là “bá chủ” trong lòng người dùng rồi nhỉ =))).
Nguồn ảnh: Wikipedia
Lại nói về cái bếp một chút. Hồi còn nhỏ, nhà tôi còn dùng bếp than tổ ong, cứ tối đến là phải thay than, đậy bếp để giữ lửa. Hôm nào quên là y như rằng sáng hôm sau cái bếp nguội ngắt, lại phải ngồi gom củi nhóm lại. Ngày ấy nấu cơm vẫn còn dùng cái nồi Gang, nên luôn phải canh lúc gần cạn nước để đóng cái cửa bếp phía dưới lại, để nó he hé thui, thì cơm mới chín được. Nhưng dù cơm chín hay nhão, hay khê, thì cơ bản đáy nồi lúc nào cũng có một lớp cháy dày bịch, tha hồ gặm mỏi răng.  Bây giờ, không chỉ có bếp ga, còn có bếp từ, bếp điện, bếp hồng ngoại, bếp nổi, bếp chìm (bếp âm =)))) thậm chí chẳng cần bếp người ta vẫn có đồ ăn chín, có nồi chiên không dầu rùi nezz.
Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tới tầm quan trọng của việc nội trợ (đối với phụ nữ), tôi nghĩ mình hiện đại rồi, tân tiến rồi, nấu nướng cũng không phải kĩ năng quá quan trọng để đánh giá một người nữa. Nhưng tôi đã thay đổi bởi 2 việc:
  -  Hồi đi làm văn phòng, tôi hay nghe các chị nói: biết ít thì sướng, biết nhiều thì khổ, càng nấu giỏi thì càng phải nấu nhiều, đầy người phụ nữ nấu không giỏi xong lấy chồng được chồng chiều, chồng nấu cơm cho, có phải sướng hơn không?........Nhưng sau đó có một chị lên tiếng nói, nấu ngon cho chồng cho con, tại sao lại nói là khổ, nấu cho người mình yêu thương mà!
- Một lần tình cờ tôi được tới thăm nhà một người bạn, lúc bước chân vào gian bếp của bạn ý, tôi bị shock, đó là một sự shock về mặt cảm xúc. Tôi chưa bao giờ thấy một căn bếp nào ấm cúng và tràn ngập sự hiện hữu của tất cả các thành viên trong gia đình như vậy. Cái cảm giác ấy, tôi chưa bao giờ cảm nhận được trong căn bếp nhà mình (tôi không có ý gì, chỉ là do đặc thù nhà tôi, bố mẹ khá bận rộn). Căn bếp ấy có một giàn giá gỗ đựng rượu ngâm trong bình thủy tinh, phủ bên trên nắp là các tấm vải đỏ, đó là giá rượu của ba bạn ý. Trên mặt bàn ăn, có một lọ hoa nhỏ hơi rũ và một chiếc bình đựng chanh đào ngâm mật ong của mẹ bạn ý. Gần đó, có chiếc lò nướng và các dụng cụ làm bánh được xếp ngăn nắp của chính bạn ý. Nhưng trên tất cả là cái không khí mà căn bếp ý mang lại, tôi không sao diễn tả được. Nó cực kì cực kì ấm áp, cực kì có cảm giác gia đình. Đến giờ tôi vẫn tự tưởng tượng cảnh gia đình bạn ý sum họp bên bàn ăn trong căn bếp đó. Cảm giác tuyệt vời biết bao. À, thì ra, giá trị của việc “giữ lửa” trong căn bếp có ý nghĩa như vậy.
Ban đầu, lúc ngồi gõ bài này, tôi định viết về một chủ đề khác nhưng không hiểu vì sao lại kéo về đề tài hoài cổ này. Thực ra, 9X hồi trước có rất nhiều kỉ niệm, nhưng có thể trí nhớ tôi không đủ nhớ hết tất cả. Có phải già rồi thì hay hoài niệm không. Hay tại nhàn cư quá nên vậy =)))