Quanh công ty tôi có nhiều chuồn chuồn. Hằng ngày, nhìn lên cửa sổ, ra bầu trời phía trên mặt hồ qua khung kính to chỉ hé mở được 5cm – là cả một trời chuồn chuồn. Những con chuồn chuồn ngô to bằng ngón út bay bay và đậu lại giữa không trung. Chúng dừng một chút – rồi lại bay tiếp. Chúng không liệng như những loài chim hay vo ve lảo đảo như loài ong bướm. Chuồn chuồn bay những đường thẳng, gãy gọn. Tôi ngờ rằng, nếu có ai đó quan sát đường bay của một “tiểu đội” chuồn chuồn – tầm năm, sáu con chăng – họ sẽ vẽ lên được cả một bản đồ sao với những ký hiệu lạ thường. Chuồn chuồn thì cứ bay thôi.
Trong công ty, tôi tưởng tượng âm thanh mà chuồn chuồn tạo ra bên ngoài. Có lẽ là tiếng lao xao, giống của ve nhưng nhỏ hơn. Có lẽ là không có tiếng gì. Mà tôi khá chắc là không có tiếng gì. Tôi nhớ là không có tiếng gì. Tiếng lao xao chỉ phát ra từ bên trong công ty tôi.
Tôi bảo: “Chuồn chuồn kìa!”.
Người đồng nghiệp của tôi, hơn tôi mười tuổi và cũng dành bằng đó thời gian trong công ty, nói: “Phải, cơ quan gần hồ nên nhiều chuồn chuồn”. Anh không ngước nhìn lên.
Tôi nhớ mấy câu đùa tụi trẻ con hay nói với nhau, giễu lại một câu tục ngữ:
“Chuồn chuồn
Bay thấp thì cao,
Bay cao thì thấp,
Bay vừa, thì thôi”.
Những ngày ở quê, bà ngoại đã bắt cho tôi biết bao nhiêu là chuồn chuồn và những con côn trùng khác. Con ve sâu, bà bỏ vào hộp diêm dùng hết. Con chuồn chuồn, bà bỏ vào hộp bóng đèn mới thay. Bà chỉ, đây là chuồn chuồn ngô, đây là chuồn chuồn ớt, đây là chuồn chuồn kim. Tôi nhớ, con ve kêu nhẹ dần, nhẹ dần, rồi nhẹ hơn nữa trong ánh nắng tắt dần của một mùa hè sắp tắt. Tôi nhớ, con chuồn chuồn không kêu gì. Chúng bò và cố bay lên, nhưng cặp cánh mỏng đã gãy nát trong hộp bóng đèn, những đường gân run rẩy rung như những cuống lá vàng khô giòn đầu đông. Những con chuồn chuồn chui ra khỏi hộp bóng đèn mà tôi quên đóng nắp, và chết khô trong tối ngày mai trên bậu cửa sổ màu xanh da trời trong căn nhà cấp bốn dưới ánh đèn trắng mới. Đuôi chúng co tròn và đầu gục xuống. Những con kiến đến, ngửi và sửa soạn khuân xác chúng đi.
Tiếng lao xao đến từ trong phòng làm việc. Tiếng từ hệ thống không khí điều hòa cho cả tòa nhà. Tiếng từ những chiếc quạt CPU. Tiếng gõ bàn phím. Tiếng click chuột. Tiếng ai đó xoay ghế một cái. Tiếng của những cuộc rì rầm về chứng khoán, về sếp và thỉnh thoảng là về công việc. Tiếng máy in. Và một tiếng rít khẽ, như thể một ấm nước điện không bao giờ ngừng lăn tăn sôi được giấu ở đâu đó trong hộc tủ của một ai đó.
Có một triết gia Pháp đã nói, có gì đó rất đúng trong tiếng rì rào của ngôn ngữ. Nó giống với tiếng rì rào của một cỗ máy hoàn chỉnh. Một âm thanh thể hiện sự toàn diện, sự hiệu quả. Một âm thanh của cái gì đó đang hoạt động đúng như người ta mong muốn. ‘Tiếng rì rào là âm thanh của những sự vận động hoàn hảo. […] Ngày nay, trong những đại sảnh đánh bạc ở Nhật Bản, người ta mải chơi pachinko. Ở những đại sảnh này ngập ngụa những tiếng ồn của những hòn bi, và những tiếng rì rào này báo hiệu điều gì đó, tất cả là, chạy tốt: sự khoái chí…”"
Ngồi giữa văn phòng trắng, trước mặt là tường, bên trên là bóng đèn và bên phải là ô cửa sổ không thể mở quá 5cm, chúng ta phải đặt lại câu hỏi này. Nếu như chỉ cỗ máy có sự rì rào của con người? Nếu như con người và cỗ mày cùng rì rào một âm thanh giống nhau – nhưng tuyệt nhiên không giống giống loài của mình – thì tiếng rì rào có còn đúng nữa không. Hay đó chỉ là tiếng rì rào như lớp mặt nạ che đậy một khoảng không-có-gì?
Một con chuồn chuồn bay vào văn phòng, thông qua khe cửa sổ 5cm. Không ai ngước nhìn lên. Nhưng, bên trong căn phòng bỗng có một tiếng động khe khẽ: À, hóa ra chuồn chuồn cũng có tiếng kêu.
Tiếng thụp thụp đều đặn và nhẹ nhàng khi nó cố đập đầu vào cửa sổ để bay ra.
Bay vừa, thì thôi.