Không biết là có phải do tôi cập nhật tin tức trễ hay không, hay chỉ là do tôi đang bận tâm những vấn đề khác, như Covid hay cá nhân hơn thì là về sức khỏe tinh thần của mình. Thì cho đến hôm nay tôi mới đọc được tin một bạn du học sinh Việt Nam 22 tuổi đã bị đã bị hành hung và sát hại tại thành phố Osaka của Nhật Bản.
Thật sự thì vấn đề bạo lực và xô xát ở trên đường phố không phải là quá hiếm, dù là ở Việt Nam hay ở bất kỳ một quốc gia nào. Nhưng một điều mà mình chú ý nhất ở trường hợp lần này, chính là việc một bạn người Việt khác quay lại cả quá trình sự việc diễn ra khá lâu và kèm theo rất nhiều lời bình luận khiếm nhã.
Sự việc diễn ra tại ven sông Dotonbori năm trong khu Minami khá sầm uất. Xung quanh có rất nhiều người và họ chỉ đơn giản là nhìn và thậm chí là quay lại quá trình.
Thật ra việc đó xuất phát từ một hiệu ứng chung của tất cả mọi người - The Bystander Effect, hay còn gọi là hiệu ứng bàng quan.
The Bystander Effect
The Bystander Effect
Hiện tượng này nó có một nghịch lý mà mình thấy rất không thông cảm được. Đó là khi một vấn đề, một sự việc cần được giúp đỡ xảy ra ở nơi công cộng, Thì số lượng người chứng kiến sự việc đó sẽ tỷ lệ nghịch với khả năng mà người ta sẽ hành động trước sự việc đó.
Hiệu ứng này được nghiên cứu lần đầu bởi hai nhà tâm lý học người Mỹ là John Darley và Bibb Latané vào năm 1968. Hai người đã thực hiện hơn bốn mươi thí nghiệm khác nhau trong 12 năm, và kết quả luôn rút ra được rằng sự xuất hiện của nhiều người sẽ luôn cản trở sự giúp đỡ của mọi người (Wikipedia).
Một ví dụ khác là tôi nhớ một vài năm trước có một vụ té xe của hai vợ chồng đi xe máy ở ngay một đoạn đường lớn vào buổi tối (theo trí nhớ không mấy tốt của tôi là vậy), anh chồng thì bất tỉnh còn chị vợ thì giật người liên tục. Khá là nhiều người đi ngang họ, có người còn dừng xe lại trước họ, nhưng rồi cũng chạy đi mất. Cho đến khi anh chồng đã xử lý xong cơn choáng của mình và chú ý đến chị vợ thì đã quá muộn.
Điều này khiến tôi đặt ra một câu hỏi rằng, liệu khi chính tôi ở trong trường hợp như vậy, thì tôi có lên tiếng không hay chỉ lặng im rồi chờ người khác hành động. Nhưng thật ra những trường hợp nó có hậu quả lớn như vậy thì không quá nhiều để chúng ta va chạm, nhưng hãy nhớ lại những tính huống nó đơn giản hơn một chút như khi ta nhìn thấy một bà cụ loay hoay không thể qua đường chẳng hạn. Liệu ta sẽ dừng xe lại và giúp cụ hay ta sẽ đi luôn? Tôi xin thành thật, là trước kia tôi rất hiếm khi dừng lại, trong đầu tôi sẽ luôn có rất nhiều lý do để biện minh cho hành động của mình.
Vì chúng ta là một thế hệ hành động
Vì chúng ta là một thế hệ hành động
Nhưng rất may là trong khoảng một vài năm trở lại đây thì mindset của tôi đã thay đổi khá nhiều. Khi mà trong khá nhiều lần xe tôi hết xăng giữa đường và tối phải dắt bộ đến hàng km để tìm cây xăng. Không dưới một lần có người đã chìa tay giúp tôi, điều này khiến tôi rất cảm kích và bồi đắp thêm cho mình lòng trắc ẩn, cũng như cảm nhận được sự ấm áp của tình người nơi đất Sài Gòn này (thật sự điều này làm tôi yêu Sài Gòn hơn rất nhiều).
Từ sau những sự việc xảy ra khá nhiều như vậy, tôi dần mở lòng và hành động nhiều hơn. Tuy những việc đó chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, nhưng tôi tin rằng việc rèn luyện cho mình hành động như vậy thì số ngón chân của tôi cũng sẽ được đếm hết. Và nếu bạn đã từng nhường ghế cho cụ bà trên xe bus, thì bạn cũng biết cảm giác lâng lâng, cái cảm giác mà sau khi gửi một chút yêu thương cho một cá thể khác chúng ta sẽ như thế nào.
Nhưng cũng cần lưu ý vài điều. Việc chúng ta giúp đỡ người khác, chỉ nên khi nào chúng ta có đủ điều kiện và bản lĩnh đề làm việc đó, giống như việc bạn cứu một té sông trong khi bạn không biết kỹ thuật cứu hộ trong nước vậy, nó rất nguy hiểm. Cho nên hãy chắc rằng mình đủ kỹ năng và kiến thức trước khi làm một việc gì nhé.
Việc hành động trước một sự việc hay không đều hoàn toàn là ý muốn của mỗi người, nhưng đừng ngại chia sẻ một ít yêu thương cho những người xung quanh bạn. Bởi vì chỉ cần bạn góp một ít màu, thì bức tranh đầy màu sắc nhân văn của chúng ta lại càng hoàn thiện hơn. Vì chúng ta là một thế hệ hành động.