"Chứng chỉ Tiếng Anh" và "Học bạ"
Phải nói rằng đã lâu rồi tôi mới có thể ngồi xuống và viết bài vì bản thân cũng bận việc cá nhân và không có đủ thời gian để viết....
I/ Quan điểm
Phải nói rằng đã lâu rồi tôi mới có thể ngồi xuống và viết bài vì bản thân cũng bận việc cá nhân và không có đủ thời gian để viết. Vậy tại sao tôi lại quay lại với một bài viết với vấn đề như này ? Có lẽ đây là điều làm tôi cảm thấy bức xúc nhiều nhất trong khoảng thời gian dài...
Trước hết, chứng chỉ Tiếng Anh có thể hiểu là "chứng nhận do một tổ chức có thẩm quyền cấp cho mỗi cá nhân dựa trên kết quả đánh giá các kì thi tuyển Tiếng Anh sau một thời gian huấn luyện và đào tạo". Có thể thấy rõ hiện trạng bây giờ, các trường đại học, cao đẳng thậm chí là giờ đây cả một số trường cấp 3 lẫn cấp 2 đều yêu cầu có chứng chỉ Tiếng Anh cho mục đích xét tuyển học sinh vì tính phổ biến của ngôn ngữ này khắp thế giới và như đã nói ở trên, chứng chỉ này cho họ thấy mức độ thành thạo của bạn ở Tiếng Anh như thế nào.
Do đó, những lợi ích của việc có chứng chỉ là rất rất lớn, dẫn đến người người nhà nhà đổ xô đi thi chứng chỉ Ielts, Toefl,... vô số lần cho đến khi có thể đạt được số điểm vừa ý rồi cả năm họ chỉ cần ngồi chơi bởi những yêu cầu về "điểm học bạ thấp" chưa bao giờ là vấn đề với những người này. Điều mà chỉ bất ngờ với họ là trượt một ngôi trường mà mình nộp hồ sơ xét tuyển. Nghĩ thử mà xem, bạn không đủ tài chính để học cũng như thi một cuộc thi trị giá hơn 4 triệu, cả năm phải học một cách trầy trật để có thể đủ sức thi THPT quốc gia. Nhưng, rồi sao, bạn trượt ngôi trường mơ ước do nó lấy điểm cao chót vót bởi ngôi trường này xét tuyển "điểm học bạ" kết hợp "chứng chỉ ngoại ngữ" tới 70% chỉ tiêu, 30% còn lại dành cho kết quả thi THPT. Và, những người bạn của mình thì đã nằm trong số 70% kia dù cả năm chả học hành gì mà chỉ đâm đầu vào học Tiếng Anh và kết quả học bạ cao đều nhờ "của nhà trồng được".
Đọc xong đoạn trên, khoan lầm tưởng tôi với một thằng cay cú vì không có chứng chỉ xong thi điểm không ra gì và trượt mình mong muốn. Tôi cũng là một người nằm trong số người có chứng chỉ Tiếng Anh kia, chỉ khác tôi chỉ có 5.5 Ielts thôi. Thực tế, tôi cực kì ngưỡng mộ những người có chứng chỉ Tiếng Anh cao và bản thân cũng đề cao việc có số điểm thi chứng chỉ cao vì nó đánh giá một phần nào đấy công sức mà bạn bỏ ra cho một việc trong một khoảng thời gian. Điều làm tôi cảm thấy bực tức chính là việc các trường ngày càng dựa nhiều hơn vào chứng chỉ Tiếng Anh để đánh giá một học sinh. Có thể nói, việc làm này vô tình cường điệu hóa tầm quan trọng của cuộc thi và mở ra trào lưu "thẦn ThÁnH hÓa ChỨnG cHỉ nGoẠi NgỮ" cho các phụ huynh và học sinh ngày nay.
Với thực trạng đáng sợ như trên, người viết xin khẳng định rằng chừng nào các trường còn xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và học bạ thì những "siêu nhân" 28, 29 điểm thậm chí là 30 điểm học bạ vẫn sẽ xuất hiện. Hơn hết, tình trạng "điểm học bạ thật, điểm thi giả" hoặc "lam phát điểm học bạ" sẽ chỉ ngày một trầm trọng và các trường sẽ chẳng tìm ra nổi những viên ngọc ẩn sâu trong đống đá này. Mình đồng ý rằng, những kẻ như này khi vào môi trường đại học sẽ sớm bị đào thải. Theo báo Vietnam.net, Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, trung bình mỗi năm 700-800 sinh viên bị buộc thôi học do kết quả học tập kém. Liệu rằng trong con số kia có bao nhiêu người đã từng vào được ngôi trường này bằng điểm thi thật của mình ?
II/ Đề suất giải pháp
Chắc chắn rồi, khi muốn lọc gạch cua chúng ta phải dùng rây với màng lọc được đan càng nhỏ, độ tinh khiết càng cao. Khi màng lọc càng thưa, ta càng dễ để lọt vỏ cua vào và phải bỏ nó đi vì không sử dụng được. Tương tự với việc xét tuyển đại học vậy, phương thức xét học bạ đã có quá nhiều lỗ hổng lớn và ngày một lớn hơn nên việc cần thiết chính là bỏ phương thức này (đã có ĐH Bách Khoa làm) và thay thế bằng một phương thức mới phù hợp với xu thế. Chắc chắn rồi, tôi muốn đề nghị một giải pháp đó là các trường có thể tự tổ chức một kì thi riêng cụ thể như là Đánh Giá Năng Lực của ĐHQG hay Đánh Giá Tư Duy của Đại học Bách Khoa... và mở ra một phương thức xét tuyển mới như là ĐGNL kết hợp chứng chỉ Ielts (hiện nay đã có một số trường bắt đầu sử dụng). Nhìn chung, với cảm nhận của một người đã trải qua các kì thi riêng của các trường ĐHQG Hà Nội, Đại Học Bách Khoa và Đại học Sư phạm Hà Nội, những bài thi được này đều được tôi đánh giá còn nhiều vấn đề như là: đề còn có câu sai xuất hiện, cách tổ chức chưa thực sự chuyên nghiệp,... có lẽ là còn phải khắc phục nhiều hơn để là kì thi chuẩn đánh giá học sinh. Tựu chung lại, mình dám khẳng định khi không còn xét học bạ, cơ hội mới thực sự mở ra với những người được cho là "xứng đáng" ngoài kia và việc phân loại ra học sinh để tuyển chọn cho các trường cũng trở nên phần nào đó khách quan và hợp lý. Có lẽ là sẽ có nhiều thứ hiệu quả kéo sau sau đó. Điều cuối mình muốn viết đó là dù kết quả có như nào, có thể bạn đã không đỗ được trường mình mong muốn, nhưng như cô giáo dạy Toán của mình đã từng nói rằng:
Hãy lạc quan lên nhé vì em đã cố gắng rồi! Cô tin ông trời không phụ lòng ai bao giờ đâu
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất