"Chủ nghĩa nhân đạo" nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX trong văn học Việt Nam
Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX đã phản ánh phong phú và sâu sắc cuộc sống xã hội đương thời cùng những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của con người Việt Nam.
Nhà văn T.Sê-khốp nói: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”. Với nhận định trên, Sê-khốp đã coi tinh thần nhân đạo là phẩm chất bắt buộc phải có trong mỗi người cầm bút, là tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá mức độ chân chính của nhà văn. Tinh thần nhân đạo ấy thể hiện rõ nhất ở việc trân trọng những giá trị con người. Việc phát hiện ra phần “người”, đưa con người lên hàng đầu trong nhận thức của văn học đem đến một biến chuyển rất cơ bản cho lịch sử văn học, đó là sự ra đời của một trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Trong nền văn học trung đại Việt Nam, dù rằng ở các giai đoạn trước đã có đặt ra vấn đề con người, nhưng chỉ đến giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, vấn đề con người mới được đưa lên hàng đầu và sự khám phá ra con người mới như một tất yếu lịch sử. Điều đó đã tạo nên bước ngoặt mới cho văn học dân tộc. Đó là sự ra đời của một trào lưu nhân đạo chủ nghĩa.
Trong văn học ta thường nghe đến hai giá trị phổ biến đó là “nhân văn” và “nhân đạo”. Đôi khi chúng ta sẽ dễ bị lầm lẫn giữa hai giá trị này, vậy nên cần phân biệt rõ hai khái niệm “nhân văn” và “nhân đạo”. Chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo là những phạm trù lí luận, phạm trù lịch sử mà cho đến nay việc nhìn nhận, đánh giá vẫn còn nhiều tranh cãi, thậm chí trái nghịch. Chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa nhân văn là hai khái niệm gần gũi nhưng không thể đồng nhất với nhau. Khái niệm nhân văn được sử dụng nhằm phản ánh tinh thần văn hóa, các giá trị người, các quyền cơ bản của con người, đó là những phẩm chất tốt đẹp của con người như tâm hồn, tình cảm, phẩm chất, trí tuệ; cái tốt đẹp của con người trong xã hội như sự hài hòa, sự hanh thông của đất trời, của đời sống con người, là những tri thức, đạo đức, quan hệ đời sống hài hòa, tốt đẹp cùng với lòng vị tha, yêu thương con người. Chủ nghĩa nhân văn với những tư tưởng nhân sinh cao đẹp của nó được xem như là một hệ giá trị, một phẩm chất cao quý mà mọi nền văn học chân chính, cách mạng cần phải hướng đến. Còn khái niệm nhân đạo thường được quan niệm là nhân luân, đạo lí của con người; là những khuôn mẫu, quy tắc, luật lệ của con người, những nhân tố để con người trở thành người, khái niệm nhân đạo được sử dụng để nhấn mạnh tinh thần đạo đức, đề cao lòng yêu thương con người. Lòng nhân ái và nỗi đau của thân phận con người đều là những giá trị cơ bản của con người. Do đó có lẽ nên xem chủ nghĩa nhân đạo chỉ là một biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn. Chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa nhân đạo là những phạm trù lí luận, lịch sử, dân tộc quan trọng và phức tạp trong khoa học nghiên cứu văn học. Cả hai đều có chung điểm quy chiếu là hạnh phúc của con người, là hướng đến con người, vì sự tiến bộ, hạnh phúc của con người. Nhưng hai khái niệm cũng có những điểm khác biệt nhất định. Khái niệm chủ nghĩa nhân đạo được sử dụng để nhấn mạnh tinh thần đạo đức, đề cao lòng yêu thương con người, còn khái niệm chủ nghĩa nhân văn được sử dụng nhằm nhấn mạnh tinh thần văn hóa, các giá trị người, các quyền cơ bản của con người. Sự khác nhau này không chỉ đơn thuần là do cách dịch mà còn do truyền thống văn hóa của dân tộc.
Không chỉ cần phân biệt khái niệm chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa nhân văn mà chúng ta cũng cần phải phân biệt giữa hai khái niệm “tư tưởng” và “chủ nghĩa”. Trong văn học, chúng ta thường nghe đến “tư tưởng nhân đạo”, “chủ nghĩa nhân đạo”; hay “tư tưởng nhân văn”,“chủ nghĩa nhân văn”. Vậy “tư tưởng” và “chủ nghĩa” nên hiểu như thế nào? Tư tưởng là một hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm được xây dựng trên một nền tảng triết học nhất quán, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng một dân tộc, một giai cấp, đươc hình thành trên một giai cấp, thực tiễn nhất định và trở lại hoạt động thực tiễn, cải tạo hiện thực. Đó là tư tưởng hiểu theo theo nghĩa triết học, còn trong văn học, tư tưởng là điều mà tác giả muốn chuyển tải đến người đọc, một quan điểm, nhận định của tác giả về một vấn đề hiện thực trong cuộc sống, tình cảm với con người trong xã hội từ quan điểm đó nhà văn phát triển nó thành một nhận định, một chân lý trong tác phẩm của mình. Chủ nghĩa hiểu theo nghĩa triết học là phần tri thức phải soi sáng cho hành động, khiến cho có ý nghĩa, có giá trị về nghĩa lí, chứ không thành sự xuẩn động vô nghĩa lý. Trong văn học ta thường có chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực… Mỗi một tác phẩm nghiêng về một chủ nghĩa nhất định, trong đó hai chủ nghĩa ta thường thấy nhiều trong tác phẩm văn học, nhất là trong tác phẩm văn học trung đại là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo. Có thể thấy chủ nghĩa bao hàm cả tư tưởng, tư tưởng góp phần tạo nên chủ nghĩa trong một tác phẩm văn học. Chủ nghĩa nhân đạo là một trào lưu lớn trong văn học nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX.
Trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, xã hội phong kiến khủng hoảng trầm trọng, ý thức hệ phong kiến đã suy tàn, ý thức hệ tư sản chưa nảy nở. Sự khủng hoảng này bộc lộ trên nhiều phương diện như kinh tế, chính trị, văn hóa nhưng nổi bật nhất là tính chất thối nát, suy thoái trong toàn bộ cơ cấu của chế độ phong kiến. Các vua nhà Nguyễn rất bảo thủ, hay nghị kỵ, ăn chơi xa hoa, hưởng lạc. Nhà Nguyễn không xây chùa nhưng lại xây lăng tẩm. Công việc xây lăng Vạn Niên dưới thời Tự Đức được ghi lại trong ca dao:
"Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân".
Giai cấp thống trị tỏ ra không còn năng lực thống trị nữa. Mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp phong kiến, giữa nhân dân với giai cấp thống trị xuất hiện, cùng với đó là các cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Ý thức về con người cá nhân phát triển, từ đó, các phong trào đấu tranh của quần chúng bị áp bức phát triển hết sức rầm rộ, tiêu biểu là phong trào nông dân khởi nghĩa, mà đỉnh cao là phong trào Tây Sơn. Ngay cả một nhà Nho chân chính như Cao Bá Quát, vốn là “con đẻ” của hệ ý thức phong kiến Nho giáo mà nay ông lại đứng lên khởi nghĩa chống lại triều đình, khao khát thay đổi hiện thực thối nát tồn tại bấy giờ. Điều đó càng cho thấy tính chất vô dụng của nhà nước phong kiến đương thời.
Bên cạnh sự sụp đổ của ý thức hệ phong kiến còn có sự ra đời của tầng lớp thị dân, sự giao lưu giữa công chúng văn học. Phát triển trong bối cảnh xã hội như thế, trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học giai đoạn này phát triển mạnh mẽ, mà cụ thể trong các tác phẩm văn học thời kì này nó biểu hiện ở những nội dung mang giá trị nhân đạo sâu sắc như: phê phán xã hội phong kiến; cảm thông, yêu thương con người, trân trọng và đề cao giá trị của họ (đặc biệt là người phụ nữ); ngoài ra văn học giai đoạn này còn thể hiện ước mơ, khát vọng về một xã hội công bằng, bác ái, tôn trọng phẩm giá và hạnh phúc con người.
Xã hội phong kiến thối nát, giai cấp thống trị luôn chà đạp lên quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người. Cuộc đấu tranh trong xã hội giai đoạn này hết sức gay gắt, quyết liệt, làm cho nhà nước phong kiến không còn khả năng tạo ra sự thống nhất trong nội bộ nó và với cả quần chúng bị áp bức. Quần chúng bị áp bức ngày càng đối lập gay gắt với nhà nước phong kiến. Vì thế không ít nhà văn đã cất lên tiếng nói phê phán, lên án chế độ phong kiến cùng giai cấp thống trị thối nát đương thời. Văn học phát triển trong điều kiện như thế, đặc trưng cơ bản có tính lịch sử của nó là sự khám phá ra con người và khẳng định những giá trị chân chính của con người.
Trong văn học chữ Hán nhiều nhà thơ đã đi sâu vào miêu tả cuộc sống của nhân dân trong xã hội bấy giờ. Tiêu biểu truyện “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ, tập "Thượng kinh kí sự " của Lê Hữu Trác đã ghi lại cuộc sống đói khổ của nhân dân, đồng thời cũng cho thấy cuộc sống xa hoa của bọn vua chúa đối lập hoàn toàn với cuộc sống bần cùng cùa người dân, qua đó tác giả thể hiện tiếng nói phê phán, lên án bọn vua chúa chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, không quan tâm đến nhân dân. “Nam hành ký đắc tập” của tác giả Phạm Nguyễn Du đã phản ánh được tình cảnh khốn khổ của nhân dân Đàng trong thời chúa Nguyễn đồng thời cũng vạch trần những chuyện thối nát, xấu xa trong xã hội lúc bấy giờ.
Hơn bất cứ một tác phẩm nào khác, Hoàng Lê nhất thống chí là bức tranh sinh động về cảnh thối nát của triều đình phong kiến bấy giờ. Vua chúa bất tài, gây bè đảng trong triều đình. Quan lại vô dụng, cơ hội và sẵn sàng làm bất cứ việc gì, miễn là có lợi. Cuối cùng, cái triều đình thối nát ấy bị quân đội Tây Sơn tiêu diệt cùng hai mươi vạn quân xâm lược nhà Thanh.
Trong bài Phó Kinh Bắc (Đi sang Kinh Bắc) làm năm Đinh Mùi (1787), Phạm Quý Thích đã phản ánh rõ nét tình hình đời sống nhân dân vùng đồng bằng miền Bắc qua lời một ông già:
Ăn tấm ăn cám coi ngọt như đường
Thế mà nha lệ còn đến bắt người đi
Thôn nào thôn nấy cấp bách như lửa sém lông mày
Cuộc loạn lạc biết bao giờ yên ổn?
Đã động đến việc quân, thì tốn phí kể bao tiền của!
Kho tàng cố nhiên trống rỗng,
Loài sâu kiến có kể làm gì!
Ngoài chữ Hán, bộ phận văn học chữ Nôm cũng lên án sâu sắc xã hội phong kiến bấy giờ ở nhiếu phương diện khác nhau. Tiêu biểu là “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, thông qua nhân vật nàng Kiều tài sắc, nhà thơ đã lên án những thế lự tàn bạo chà đạp lên hạnh phúc, quyền sống của con người, trước hết là bọn quan lại:
“Phận đành chi dám kêu oan
Đào hoen quẹn má, liễu tan tác mày”
Không chỉ lên án thế lực quan lại mà Truyện Kiều còn là bản án đanh thép tố cáo thế lực đồng tiền:
“Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”
Một biểu hiện của giá trị nhân đạo dễ nhận thấy trong giai đoạn này đó là thái độ cảm thông, tình yêu thương con người đồng thời cũng thể hiện thái độ trân trọng, đề cao vẻ đẹp của họ. Xã hội phong kiến vốn là tàn bạo, là bất công. Số phận con người cũng bấp bênh, trôi nổi. Họ không có quyền hạnh phúc, quyền sống cũng bị tước đoẹt bởi những thế lực bạo tàn. Cũng chính vì lẽ đó mà không ít nhà văn, nhà thơ đã cất lên tiếng nói cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của những số phận bất hạnh. Đặc biệt là người phụ nữ, người phụ nữ có sắc, có tài nhưng cuộc đời lắm bất hạnh bởi sự trói buộc của lễ giáo phong kiến. Có thể nói, giải phóng tình cảm là nội dung chủ yếu của văn học chữ Nôm, đồng thời đó cũng là vấn đề trung tâm của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học giai đoạn này.
Trong trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của văn bọc giai đoạn này, vấn đề người phụ nữ được đặt ra sâu rộng với quy mô rộng lớn, và được soi sáng dưới nhiều góc độ tinh tế. Viết về người phụ nữ, các tác gia đã ca ngợi vẻ đẹp của họ bằng ngòi bút tài hoa và cũng bằng chính tấm lòng của họ. Người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến là bộ phận chịu thiệt thòi nhất bởi lẽ xã hội phong kiến vốn không xem trọng người phụ nữ, lễ giáo phong kiến hà khắc đã đẩy cuộc đời biết bao người phụ nữ rơi vào bi kịch. Nhưng không vì lẽ đó mà khi đề cập đến nội dung ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ, không thể không nói đến Truyện Kiều, Nguyễn Du tả một cách tinh tế vẻ đẹp cùng tài năng của Thúy Kiều chỉ bằng vài câu thơ:
“Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”
Hồ Xuân Hương- nhà thơ của phụ nữ, chú ý đến nét hình thể của người phụ nữ. Như trong bài "Đề tranh tố nữ”:
“Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh”
Ngoài vẻ đẹp hình thể, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương còn là hiện thân của vẻ đẹp tài năng, trí tuệ. Người phụ nữ bản lĩnh, thách thức số phận:
“ Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”
Ngoài ra trong các truyện thơ Nôm như “Phan Trần”, “Hoa Tiên”, “Tống Trân Cúc Hoa”, các nhân vật nữ đều là những người thông minh và ý thức về quyền sống, quyền được yêu thương và được hưởng hạnh phúc. Qua đó cũng thể hiện thái độ trân trọng, đề cao ước mơ cao đẹp của con người trong xã hội phong kiến.
Cùng với sự ca ngợi, trân trọng thì sự cảm thông, xót thương với những số phận bất hạnh cũng là một nội dung tiêu biểu của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Những kiếp người bất hạnh cất lên tiếng nói kêu than cho cuộc đời mình thì cũng là lúc các nhà văn, nhà thơ thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia với số phận của họ. Trong bài Hay trong bài “Làm lẽ” của Hồ Xuân Hương, bà thể hiện sự thông cảm với thân phận làm lẻ của người phụ nữ trong xã hội phong kiến:
“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”
Trong Văn chiêu hồn, Nguyễn Du thể hiện sự xót xa, tấm lòng nhân hậu trước những số phận khổ đau, chịu nhiều bất hạnh trong xã hội. Trước cái chết, nhà thơ thấy mọi người đều đáng thương như nhau:
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cối sa cây
Có người leo giếng đứt dây
Có người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành,…
Qua lời của người chinh phụ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn muốn lên án cuộc chiến tranh phong kiến phi nghĩa đó là nỗi nhớ người chồng nơi chiến trường gian khổ.
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương
Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Nỗi sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Những cuộc chiến tranh này thực chất chỉ là việc tranh quyền đoạt lợi của các tập đoàn phong kiếnvà phủ lên nó là một bầu trời đầy tang thương.
Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều thể hiện niềm cảm thông sâu sắc với số phận người cung nữ. Số phận bất hạnh của những người cung nữ đã làm động lòng nhiều nhà văn, nhà thơ nhất là dưới thời vua Lê, chúa Trịnh. Có một số tác phẩm viết về họ nhưng không tác phẩm nào có được tiếng nói tố cáo sâu sắc như Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều. Cung oán ngâm là khúc ca ai oán, uất hận của người cung nữ tài sắc lúc đầu được vua yêu chuộng, nhưng chẳng bao lâu đã bị bỏ rơi giữa tuổi thanh xuân. Nỗi hờn tủi cứ theo ngày tháng mà dâng lên tràn ngập tâm hồn, giày vò, day dứt nàng khôn nguôi, ở trong cung cấm, nàng xót thương cho thân phận mình và oán trách nhà vua phụ bạc. Qua khúc ngâm, tác giả phản ánh tâm trạng đau khổ của người cung nữ phải sống trong cảnh đợi chờ đến tuyệt vọng; đồng thời thể hiện quan niệm của mình trước cuộc đời bạc bẽo, phù du.
Một trong những nội dung đặc sắc của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học giai đoạn này chính ước mơ, khát vọng của con người được các tác giả đề cao và trân trọng. Đó là ước mơ, khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, một xã hội công bằng, bác ái, tôn trọng phẩm giá và hạnh phúc của con người. Đó là ước mơ về quyền sống, quyền bình đẳng, quyền được hưởng một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Những ước mơ ấy thật giản dị nhưng cao cả biết bao!
Trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm”, tác giả đã chỉ ra nhu cầu bức thiết của con người trong thời đại này đó là khát khao được yêu thương, được hưởng hạnh phúc trọn vẹn ngay trong kiếp này. Nó được thể hiện qau tâm trạng của người chinh phụ, nàng ước mơ, khát vọng hạnh phúc rất mãnh liệt :
“ Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu
Thiếp thì giừ mãi lấy màu trẻ trung”
Bên cạnh khát khao về quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc, văn học giai đoạn này đề cao khát vọng tình yêu tự do, những vấn đề số phận và con người trần tục. Trong các tác phẩm bằng chữ Nôm, các tác giả thường xây dựng những mối tình tự do, vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ giáo phong kiến, như tình yêu Thúy Kiều – Kim Trọng, của Phạm Kim – Trương Quỳnh Thư, của Phan Tất Chánh – Trần Kiều Liên, của Lương Phương Chân – Dương Dao Tiên,…Những chàng trai, cô gái đến với tình yêu bằng tất cả sự hồn nhiên, trong sáng và lòng khát khao hạnh phúc.
Trong “Truyện Kiều”, Thúy Kiều là hiện thân của khát vọng tình yêu tự do, khát khao hạnh phúc và quyền sống. Khát khao tình yêu tự do đậm màu sắc lãng mạn được thể hiện qua mối tình Kim-Kiều. Mối tình này đã vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến bằng tình yêu tự do, chủ động của hai người.Khác với những người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến phải chịu sự sắp đặt của cha mẹ, Kiều chủ động đến với tình yêu theo tiếng gọi của trái tim, Kiều táo bạo, chủ động nhưng cũng là người thủy chung trong tình yêu. Khát vọng tình yêu, hạnh phúc đã đưa Kiều trở thành đại diện cho con người bị áp bức đứng lên làm chủ số phận của mình, đặc biệt là người phụ nữ phong kiến sống trong một xã hội phong kiến đầy rẫy những tàn bạo, bất công và lễ giáo phong kiến hà khắc.
Văn học giai đoạn này còn đề cao ước mơ về một xã hội tốt đẹp cho con người, một cuộc sống tự do và bình đẳng. Và nhân vật Từ Hải trong “Truyện Kiều” là đại diện cho công lí và công bằng xã hội. Con người ấy đến từ một giấc mơ và ở lại như một huyền thoại, hiện diện trong “Truyện Kiều” như một nhân cách sử thi. Từ Hải đã làm nên nhửng trang văn hào hùng và đầy chí khí qua đoạn trích “Chí khí anh hùng”.
Ta thấy rằng, trào lưu nhân đạo chủ nghĩa vào giai đoạn này có tính chất chống phong kiến, đòi giải phóng con người, nhưng chưa đề ra một biện pháp cụ thể và càng không có một lí tưởng nào thay thế cho chế độ phong kiến. Dù chống phong kiến nhưng vẫn bị ràng buộc bởi những quan hệ phong kiến, chính vì thế cho nên mặc dù tính chất tố cáo của nó thống thiết và nhiều khi gay gắt, văn học nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX vẫn thường mang tính chất bi quan, không có lối thoát.
Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đấu thế kỉ XIX, phản ánh phong phú và sâu sắc cuộc sống xã hội đương thời cùng những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của con người Việt Nam. Các tác giả đã đứng trên quan niệm nhân sinh để tố cáo hiện thực, hiện thực không tách rời nhân đạo. Vì vậy văn học giai đoạn này đã đề cao con người, đề cao cuộc sống trần tục, lấy người phụ nữ, người anh hùng làm đối tượng phản ánh. Từ đó đánh dấu sự phát triển của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa thành một khuynh hướng tiêu biểu. Có thể khẳng định, hàng loạt những tiếng nói cất lên bênh vực con người và ca ngợi những giá trị tốt đẹp của con người trong giai đoạn văn học này đã làm nên một trào lưu văn học tiêu biểu, làm nên sợi chỉ đỏ xuyên suốt và tiếp nối với chủ nghĩa nhân đạo ở các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại sau này.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất