Thuật ngữ “Chủ nghĩa Marx phương Tây” (Western Marxism) được những người cộng sản Xô viết sử dụng lần đầu tiên, khi họ chỉ trích việc quay trở về với phái Hegel và một số hình thái chủ yếu của chủ nghĩa Marx ở Tây Âu. Sau đó, trong những thập niên đầu thế kỷ 20, thuật ngữ này nhanh chóng được chấp nhận bởi các nhà tư tưởng như Georg Lukacs và Karl Korsch để mô tả một chủ nghĩa Marx có tính độc lập hơn so với chủ nghĩa Marx theo tinh thần của Quốc tế II và Quốc tế III.

Chủ nghĩa Marx phương Tây thường được đồng nhất với “Chủ nghĩa Marx mới”, hay còn gọi là thuyết Tân Marxist (Neomarxism). Những nhà tư tưởng chủ nghĩa Marx phương Tây chủ trương chống lại CNTB, nhưng mặt khác, chống lại chủ nghĩa Stalin và CNXH theo mô hình Xô viết. Họ phát triển học thuyết và triết học Marxist theo cách riêng và tách mình khỏi phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Trong bài viết, chúng tôi giới thiệu những nội dung cơ bản, các trường phái chính của trào lưu tư tưởng này.

Những người sáng lập của chủ nghĩa Marx phương Tây

Georg Lukacs (1885- 1971), Karl Korsch (1886-1961) và Antonio Gramsci (1891-1937) được coi là những người sáng lập của chủ nghĩa Marx phương Tây vào những năm 1920.
Các nhà tư tưởng này chống lại xu hướng giải thích khách quan – lịch sử tự nhiên của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Họ không chấp nhận các luận điểm triết học của Quốc tế II, đặc biệt là luận giải triết học của chủ nghĩa Marx – Lenin ở Liên Xô về tính quyết định cực đoan của các quy luật kinh tế khách quan, giống như các quy luật tự nhiên đối với tư duy và hành động của con người trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nói khác đi, họ không chấp nhận quyết định luận kinh tế, mặc dù thừa nhận vai trò cơ bản của yếu tố kinh tế.
Đối lập với quyết định luận kinh tế, đề cao vai trò của chủ thể lịch sử của giai cấp vô sản như quan niệm của Marx và Engels, Lukacs và Korsch đã coi chủ nghĩa Marx như một triết học về hành động thực tiễn tích cực, bao hàm trong đó cả yếu tố tư duy, ý thức.
Khác với chủ nghĩa Marx kinh điển, tập trung chủ yếu vào học thuyết kinh tế, chính trị và lịch sử, Lukacs, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Hungary đã tập trung vào các hiện tượng văn hóa và học thuyết xã hội. Lukacs đã quan tâm nghiên cứu chủ nghĩa Marx, cố gắng sử dụng lý luận của Marx về phương thức sản xuất, giai cấp, đấu tranh giai cấp và tư bản với tính cách là cơ sở để phân tích các hiện tượng văn hóa – xã hội.
Trong tác phẩm Lịch sử và ý thức giai cấp (1923), Lukacs cho rằng, cách tiếp cận của Marx về chỉnh thể và về vai trò của yếu tố kinh tế là cơ sở phương pháp luận để phân tích xã hội tư bản hiện nay và phát hiện ra giai cấp vô sản cách mạng như là lực lượng có khả năng xóa bỏ chế độ xã hội đó. Lukacs chấp nhận quan điểm của chủ nghĩa Marx Xô viết cho rằng cuộc cách mạng của giai cấp công nhân và CNXH là giải pháp cho các vấn đề của xã hội tư bản.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong quan niệm triết học của Georg Lukacs là việc ông đưa ra cách tiếp cận đối với xã hội từ lập trường của phép biện chứng: Thừa nhận phép biện chứng với tính cách là phương pháp tư duy về thế giới và phương thức tham gia vào quá trình cải tạo thế giới, ông xem xét sự tương tác của các mặt đối lập cơ bản như yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan, yếu tố con người và yếu tố khách thể. Mặc dù bác bỏ phép biện chứng tự nhiên theo quan niệm của F. Engels, Lukacs thừa nhận phép biện chứng trong tư duy và trong lĩnh vực xã hội (1).
Karl Korsch là nhà tư tưởng cách mạng người Đức đã phát triển chủ nghĩa Marx theo tinh thần của Hegel. Trong tác phẩm Chủ nghĩa Marx và triết học(1923), Korsch coi chủ nghĩa Marx là lý luận biện chứng cơ bản với tính cách là công cụ hữu hiệu để phê phán học thuyết tư sản và xã hội tư bản, và giai cấp vô sản như là lực lượng có khả năng biến đổi xã hội đó. Theo ông, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là tiêu chuẩn thực sự của chủ nghĩa Marx, tựa như sự thống nhất giữa tư duy và tồn tại theo quan điểm của Hegel. Xem chủ nghĩa Marx như lý luận cách mạng cho phong trào của giai cấp công nhân, Korsch đã đưa ra khái niệm “chủ nghĩa xã hội thực tiễn”. Trong tác phẩm Karl Marx(năm 1938), Korsch cho rằng, chủ nghĩa Marx đưa ra sự phê phán đặc thù lịch sử đối với xã hội tư bản và những khả năng lựa chọn dành cho xã hội đó. Ông coi nguyên tắc đặc thù lịch sử là tiêu chuẩn cơ bản của lý luận của Marx.
Antonio Gramsci, nhà Marxist, lãnh đạo Đảng Cộng sản Ý, đã phê phán gay gắt việc hệ thống hóa một cách chặt chẽ của triết học Xô viết, đặc biệt là việc phân chia triết học Marxist thành chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Ông cho rằng, toàn bộ triết học Marxist có tính xã hội và tính lịch sử: Triết học Marxist không đòi hỏi chân lý tuyệt đối phổ quát. Theo ông, cũng như mọi triết học khác, triết học Marxist là một bộ phận của xã hội, bộ phận của kiến trúc thượng tầng mang tính hệ tư tưởng trong một giai đoạn phát triển nhất định của nó.
Gramsci đứng trên lập trường của chủ nghĩa lịch sử về triết học, đồng nhất triết học và lịch sử. Theo ông, để hiểu được sự phát triển của xã hội, cần phải nghiên cứu sự tác động qua lại giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, trong chủ nghĩa Marx phương Tây xuất hiện các khuynh hướng khác nhau với nhiều biến thái, trường phái khác nhau:
Khuynh hướng thứ nhất thiên về nghiên cứu con người với tính cách chủ thể và khách thể từ góc độ triết học, đặc biệt tập trung vào chủ nghĩa duy vật lịch sử. Khuynh hướng này chủ trương trở về với chủ nghĩa nhân bản, nên còn được gọi là khuynh hướng nhân bản. Khuynh hướng kêu gọi quay trở về với Marx thời trẻ và dựa vào các tác phẩm của Marx thời trẻ, chẳng hạn Bản thảo kinh tế – triết học 1844.
Khuynh hướng thứ hai thiên về nghiên cứu xã hội, cấu trúc và sự phát triển của nó từ góc độ của khoa học cụ thể. Khuynh hướng này thường được gọi là khuynh hướng duy khoa học của chủ nghĩa Marx phương Tây. Khuynh hướng này dựa vào Marx và các tác phẩm của ông thời kỳ sau (2).

Khuynh hướng nhân bản của chủ nghĩa Marx phương Tây

Khuynh hướng nhân bản của chủ nghĩa Marx phương Tây quan tâm đến vấn đề con người, sử dụng các khái niệm triết học như bản chất và tồn tại người, chủ thể, khách thể, thực tiễn, tha hóa, xóa bỏ tha hóa, phê phán xã hội đương thời vì sự hận thù, sự phi nhân bản đối với con người, vì đề cao con người đại chúng, hạ thấp giá trị và phẩm giá của con người cá nhân. Khuynh hướng nhân bản của chủ nghĩa Marx phương Tây cố gắng thực hiện việc tổng hợp giữa chủ nghĩa Marx và một số tư tưởng của triết học phương Tây hiện đại với mong muốn bổ sung những điểm bị họ coi là hạn chế trong chủ nghĩa Marx – Lenin như tính giáo điều, tính phi nhân bản và tính phi khoa học. Tuy nhiên, trong bản thân khuynh hướng nhân bản này, cũng xuất hiện những hình thái khác nhau, các cách tiếp cận khác nhau:
– Trường phái Frankfurt có các đại biểu như Max Horkheimer (1895-1973), Theodor W. Adorno (1903-1969), Herbert Marcuse (1898-1979). Trường phái này tập trung vào mối quan hệ giữa các học thuyết của Hegel, Marx và Freud tại Viện Nghiên cứu Xã hội, thành phố Frankfurt Cộng hòa Liên bang Đức từ năm 1924. Các nhà tư tưởng này đại diện cho một trường phái có ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx phương Tây, là đại biểu của lý thuyết phê phán. Trường phái Frankfurt đã trở nên nổi tiếng vào những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, không chỉ ở Cộng hòa Liên bang Đức, mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới.
Vấn đề mà các nhà tư tưởng trường phái Frankfurt đưa ra là: tại sao nhân loại lại có thể hướng đến tình trạng man rợ mới của chiến tranh, của chủ nghĩa phát-xít, chứ không phải đến với trạng thái đích thực của mình? Tại sao những khát vọng đối với lý tính, tự do và nhân tính trong thời kỳ khai sáng lại trở nên tồi tệ như vậy trong thế kỷ 20, hoàn toàn ngược lại với tư tưởng trước đây?
Horkheimer và Adorno đã tìm cách trả lời câu hỏi này trên cơ sở các khái niệm từ triết học Marxist và ngoài Marxist và cố gắng tập trung chủ yếu vào vấn đề về sự thống trị theo nghĩa rộng, thay cho vấn đề về bóc lột như trong chủ nghĩa Marx kinh điển. Theo họ, dự án về triết học và chính trị của thời kỳ Khai sáng nhằm xây dựng xã hội phù hợp với tinh thần của lý tính, về thực chất vốn là một dự án tư sản, nên ngay từ đầu đã chứa đựng khát vọng cực đoan vươn đến sự thống trị: sự thống trị đối với giới tự nhiên và sự thống trị đối với những người khác. Horkheimer và Adorno cho rằng, hai kiểu thống trị này có liên quan chặt chẽ với nhau và chúng đã biến lý tính thành công cụ để thực hiện những điều phi lý, biến tự do thành nô dịch, và rút cuộc đưa đến hệ tư tưởng phi nhân tính của chủ nghĩa phát xít với cố gắng thiết lập nền thống trị toàn trị tuyệt đối.
Để chấm dứt các xu hướng toàn trị trong xã hội, Adorno đã đưa ra quan niệm về “phép biện chứng phủ định”, trong đó ông bác bỏ phép biện chứng Hegel, đặc biệt tam đoạn thức: “chính đề – phản đề – hợp đề”, bởi vì khi ấy với tính cách là phủ định của phủ định, hợp đề chỉ là sự biện minh không chắc chắn cho cái đang tồn tại. Theo ông, triết học là lý thuyết phê phán, tức là nó phải thể hiện tinh thần phủ định vĩnh viễn, phủ định mọi xu hướng tự khép kín trong một hệ thống, phải hóa thân trong thế giới và trở thành công cụ thống trị của con người đối với con người. Như vậy, phép biện chứng phủ định được Adorno coi là sự phòng ngừa chống lại các tham vọng toàn trị phổ quát của mọi lược đồ và công nghệ (3).
- Chủ nghĩa Marx – Freud (Freudo – Marxism) với các đại biểu như Wilhelm Reich, Erich Fromm và Herbert Marcuse. Chủ nghĩa Marx – Freud trở nên phổ biến từ những năm 30 đến những năm 50 thế kỷ 20 và hiện nay đã không còn chỗ đứng trong triết học phương Tây nữa. Chủ nghĩa Marx – Freud chủ trương tổng hợp quan điểm của chủ nghĩa Freud và chủ nghĩa Freud mới về nhân cách với quan điểm của chủ nghĩa Marx về các vấn đề xã hội. Trường phái này cố gắng nghiên cứu những biến dạng của cấu trúc nhân cách và cách thức khắc phục nó trong điều kiện xã hội công nghiệp hiện đại (4).
Là người sáng lập của chủ nghĩa Marx – Freud, nhà tâm lý học người Áo Wilhelm Reich (1897 – 1957) cố gắng hợp nhất triết học xã hội của chủ nghĩa Marx với quan niệm của phân tâm học của Freud về nhân cách (5). Theo Reich, nguyên nhân của các chứng bệnh thần kinh làm biến dạng tâm lý cá nhân là do lĩnh vực xã hội, là do sự đè nén các khát vọng tự nhiên của con người như tình yêu, sự khao khát sáng tạo. Do vậy, theo ông, học thuyết của chủ nghĩa Marx về tha hóa có thể giúp tìm ra con đường khắc phục những nguyên nhân đó và cách mạng tính dục là cần thiết để giải phóng các khát vọng đó. Ông là người khởi xướng xã hội học kinh tế tính dục.
Trong khi đó, chủ trương kết hợp chủ nghĩa Marx với chủ nghĩa Freud mới, Erich Fromm (1900 – 1980) đưa ra quan niệm phân tâm học nhân bản như là phương tiện để khắc phục tha hóa và đạt được cái tôi đích thực thay cho tồn tại ảo. Còn Herbert Marcuse (1898 – 1979), trong tác phẩm Nữ thần tình yêu và văn minh, lại giải quyết vấn đề xung đột giữa tồn tại cá nhân và tồn tại xã hội từ quan điểm tổ chức lại tâm sinh lý con người trên cơ sở “cảm giác mới” (6).
- Chủ nghĩa Marx hiện tượng học (Phenomenological Marxism). Trường phái này được phổ biến chủ yếu ở Italia và Mỹ với các nhà tư tưởng tiêu biểu là Enzo Paci (1911 – 1976) và Paul Piccone (1940 – 2004). Chủ trương kết hợp các khái niệm của chủ nghĩa Marx và hiện tượng học, xây dựng một tập hợp các phạm trù. Enzo Paci cho rằng mục đích của lịch sử là khắc phục “sự khách quan hóa”, khi người ta sử dụng các thuật ngữ của Husserl hay khái niệm “tha hóa” như ở Marx, và tạo ra “Liên chủ nghĩa xã hội” (Intersocialism), tức là xã hội được xây dựng trên cơ sở các mối quan hệ tương hỗ của những con người với tính cách là chủ thể, hay của các cá thể tự do, không lệ thuộc vào các yếu tố quy định bên ngoài (7).
- Chủ nghĩa Marx hiện sinh (Existential Marxism). Trường phái này do J.P.Sartre (1905 – 1980), một triết gia hiện sinh người Pháp nổi tiếng khởi xướng vào đầu những năm 1960 với mục tiêu kết hợp giữa chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hiện sinh, phối hợp việc giải quyết vấn đề tồn tại – bản chất ở con người với việc tái tạo các tư tưởng triết học của Marx trẻ. Trong tác phẩm hậu kỳ Phê phán lý tính biện chứng, Sartre đã chủ trương kết hợp quan niệm duy vật về lịch sử của Marx với luận điểm nhân học hiện sinh về khả năng của con người trong việc tự kiến tạo bản chất của mình và sáng tạo ra lịch sử (8).
Các biến thái khác nhau của chủ nghĩa Marx hiện sinh có thể được thể hiện trong các tác phẩm của Merleau – Ponty (1908 – 1961): Chủ nghĩa nhân văn và sự khủng bố; Những mạo hiểm của phép biện chứngvà trong các bài viết của các nhà triết học Pháp trên tạp chí Chủ nghĩa xã hội hay sự tàn bạo (Socialisme ou barbarie) và Tạp chí Những luận chứng (Arguments). Tư tưởng của họ đã bị các nhà tư tưởng cực tả ở Pháp sử dụng vào những năm 1960. Các nhà Marxist hiện sinh tập trung chủ yếu vào các chủ đề như tính chủ quan của con người, sự tha hóa và sự phục hồi các giá trị con người. Ngoài ra, có thể thấy những hình thái của chủ nghĩa Marx hiện sinh qua các tác phẩm của một số triết gia ở Ba Lan, Tiệp Khắc và các nước Đông Âu khác (9).
- Triết học về hy vọng (Philosophie der Hoffnung) của Ernst Bloch (1885 – 1977), nhà Marxist người Đức. Trong bộ sách gồm ba tập nhan đề Những nguyên lý của hy vọng, trên cơ sở những tiền đề của triết học Marx, ông đã đưa ra tư tưởng bản thể luận của triết học về hy vọng. Theo ông, khác với các học thuyết triết học trước Marx do thừa nhận cái tuyệt đối chỉ hướng về quá khứ, chủ nghĩa Marx lại được định hướng về tương lai. Gọi dự án Marxist là sự cải tạo thế giới bằng “sự không tưởng cụ thể”, Bloch cho rằng, triết học có nhiệm vụ mô tả sự vận động của thế giới hướng đến sự hoàn thiện và phải định hướng cho sự tiên tri. Theo ông, bao hàm tri thức về tương lai, “hy vọng” là thuộc tính của tồn tại, là điều kiện cho quá trình hoàn thiện. Ông luận giải nguyên tắc hy vọng từ lập trường thực tiễn trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng(10).
- Trường phái thực tiễn (die Gruppe der Praxis). Đây là trường phái của các nhà Marxist Nam Tư, tiêu biểu như: Gajo Petrovic (1927-1993), Mihailo Markovic (1923-2010) Svetozar Stojanovic (1931-2010). Trường phái này tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề khác nhau của triết học, đặc biệt là khái niệm thực tiễn. Phê phán lý luận phản ánh của Lenin là thiếu tính biện chứng, chưa quan tâm đầy đủ đến khía cạnh hoạt động của nhận thức, trường phái này coi thực tiễn là mối quan hệ nền tảng giữa chủ thể và khách thể, giữa con người và thế giới. Họ ủng hộ một chủ nghĩa Marx nhân bản (humanistischer Marxismus), phê phán gay gắt chủ nghĩa Stalin, coi tư tưởng trong các tác phẩm của Marx thời trẻ là chủ nghĩa Marx đích thực và chủ trương phát triển một chủ nghĩa Marx sáng tạo. Đến nay, trường phái này không còn tồn tại.
- Trường phái Budapest (Budapest School). Đây là một trào lưu của chủ nghĩa Marx ở Hungary với các đại biểu, như: Ferenc Feher, Agnes Heller, Mihaly Vajda,… phát triển vào những năm 1960 trên cơ sở tư tưởng của Georg Lukacs trong tác phẩm Lịch sử và ý thức giai cấp. Trường phái này tập trung nghiên cứu phương pháp biện chứng dựa vào khái niệm “tính chỉnh thể” và chủ trương ủng hộ chủ nghĩa nhân bản cực đoan nhằm khắc phục xu hướng “phi nhân hóa tuyệt đối” của chủ nghĩa Stalin. Hiện nay, trường phái này cũng không còn tồn tại nữa.

Khuynh hướng duy khoa học của chủ nghĩa Marx phương Tây

Khác với khuynh hướng nhân bản của chủ nghĩa Marx phương Tây mong muốn bổ sung tính nhân bản cho chủ nghĩa Marx – Lenin và xem chủ nghĩa duy vật lịch sử như triết học, khuynh hướng duy khoa học của chủ nghĩa Marx phương Tây mong muốn bổ sung tính khoa học và hình thức khoa học chặt chẽ cho chủ nghĩa duy vật lịch sử và coi nó như một khoa học cụ thể. Trong khuôn khổ của khuynh hướng này, cũng có những trường phái khác nhau như sau:
- Trường phái chủ nghĩa Marx cấu trúc (structural Marxism) của nhà tư tưởng Pháp Louis Pierre Althusser (1918 – 1990) và những học trò của ông. Đối lập với khuynh hướng Marxist nhân bản, trường phái này cho rằng, chủ nghĩa Marx là một khoa học nghiên cứu các cấu trúc khách quan, rằng các trường phái của chủ nghĩa Marx nhân bản dựa vào các tác phẩm của Marx trẻ, đã bị mắc kẹt trong một hệ tư tưởng nhân bản tiền khoa học. Althusser chủ trương giải phóng chủ nghĩa Marx khỏi các tàn dư của học thuyết của Hegel và Feuerbach cũng như khỏi hệ tư tưởng và biến chủ nghĩa duy vật lịch sử không phải thành triết học, mà thành khoa học cụ thể chặt chẽ (11).
- Trường phái chủ nghĩa Marx phân tích. Trường phái này hình thành vào cuối những năm 1970 ở Anh và Mỹ với các đại biểu như Jon Elster, John Roemer… Các nhà tư tưởng này đặt ra mục tiêu phát triển học thuyết xã hội trên cơ sở các phương pháp của khoa học hiện đại. Chủ nghĩa Marx phân tích đưa ra phương pháp tiếp cận chức năng, lý thuyết trò chơi và lôgíc tình thái với tính cách là cơ sở để nghiên cứu các động cơ của hành động con người, xây dựng các mô hình phù hợp và cố gắng làm chính xác hóa một số phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
- Chủ nghĩa phương pháp luận của nhà tư tưởng người Ý Galvano Della Volpe và các học trò của ông. Trên cơ sở xem xét các cách giải quyết vấn đề quan hệ giữa cái chung và cái riêng trong lịch sử triết học, Galvano Della Volpe đưa ra kết luận về sự không tương thích của sự trừu tượng hóa triết học đối với khoa học cụ thể. Theo ông, cần phải có lôgíc đặc thù cho đối tượng đặc thù và nhiệm vụ của triết học là ở chỗ nghiên cứu phương pháp đạt được những cái trừu tượng hóa đó, phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể và ngược lại. Như vậy, triết học được quy về phương pháp luận.
Tóm lại, nếu thế hệ đầu tiên của các nhà Marxist có xu hướng tập trung vào lĩnh vực kinh tế và chính trị, thì các thế hệ tiếp theo của các nhà Marxist phương Tây thế kỷ 20 lại tập trung phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nhằm thích ứng với sự thay đổi của thời đại. Các nhà lý luận đều cố gắng sử dụng học thuyết của Marx để làm sáng tỏ các hình thái kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội ở quá khứ và hiện tại, sự liên quan của chúng với yếu tố kinh tế và lịch sử, và những ảnh hưởng cũng như chức năng xã hội của các hình thái đó trong đời sống xã hội.
———————–
Chú thích:
(1), (3) Coreth, Emerich; Ehlen, Peter; Haeffner, Gerd; Ricken, Friedo: Philosophie des 20. Jahrhunderts, Verlag W. Kohlhammer, Stuttgart/Berlin/ Koeln, S. 102-105, 111-118.
(2) Xem: И.Т. Фролов. Введение в философию: учебное пособие для ВУЗовtrong: society.polbu.ru, theo Viện sĩ Frolov, Liên bang Nga ngay trong triết học Marx – Lenin ở Liên Xô vào những năm 60 thế kỷ 20, cũng xuất hiện hai xu hướng tương tự. Ông cũng lưu ý rằng, trong triết học phương Tây thế kỷ 20, cũng tồn tại hai trào lưu tương tự: Trào lưu thứ nhất hướng đến con người bao gồm hiện tượng luận, nhân học triết học, chủ nghĩa nhân vị, chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, v.v.. Trào lưu thứ hai hướng đến khoa học bao gồm chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa thực chứng mới, triết học phân tích, v.v..
(4) mirslovarei.com.
(5) Xem: neuch.ucoz.ru.
(6), (8), (9), (10), (11) Xem: Huegli, Anton; Luebke, Poul (Hg.): Philosophie im 20. Jahrhundert, Bd 1, Verlag GmbH Reinbek, Hamburg, 1992, S. 497-507, 360-364, 487-492, 339-357, 546-547.
(7) Xem: mirslovarei.com.
Tác giả: PGS, TS Nguyễn Vũ Hảo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguồn (trích đăng): Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2016.