Chủ nghĩa Khắc Kỷ – có phải chỉ là nhập môn của Thiền Tông?
Nếu đặt chủ nghĩa Khắc Kỷ cạnh các tư tưởng triết học Đông phương như Phật giáo, cụ thể là Thiền Tông, chúng ta có thể thấy điểm chung là 2 trường phái này đều hướng con người đến sự bình thản, tĩnh lặng trong tâm hồn...
Tôi biết đến Chủ nghĩa Khắc Kỷ cũng khá lâu rồi, sau khi đọc một số tiểu luận và tác phẩm của các học giả Hi Lạp, La Mã như Seneca, Epicurus, Zeno và Marcus Aurelius… Cá nhân tôi cho rằng đây là một trường phái triết học khá thú vị, một phương pháp, phong cách sống khá bản lĩnh để hướng tới sự bình thản, tự tin cho người thực hành.
Sau khi đọc quyển sách Chủ Nghĩa Khắc Kỷ của William B. Irvine, tôi có nhiều góc nhìn và kiến thức hơn về chủ nghĩa này. Từ lịch sử phát triển gắn liền với thần thoại Hi Lạp và đế quốc La Mã, chủ nghĩa Khắc Kỷ nổi lên như một quan điểm sống của những nhà hiền triết, những bậc minh quân để hướng con người tránh xa khỏi những ham muốn tiến hóa và tập trung vào lý trí trong bản thể của mình.
Những phương pháp chủ yếu của Chủ nghĩa Khắc Kỷ là tự tưởng tượng tiêu cực – một khoảng thời gian nào đó trong ngày, ta đắm chìm vào suy tưởng rằng một thứ quan trọng nào đó của ta mất đi, hoàn cảnh thoải mái hiện tại của ta sẽ không còn, để tập làm quen với việc ta có thể đột ngột mất đi 1 điều quan trọng, mục đích để ta nâng niu lòng biết ơn với cuộc đời, với những điều may mắn đã đến với ta, giúp ta nâng cao trải nghiệm tối đa với hoàn cảnh sống của mình.
Kỹ thuật thứ 2 là tam phân quyền kiểm soát – có nghĩa là chúng ta chia những sự vật, sự việc xảy đến với ta thành 3 loại: những việc ta có thể kiểm soát hoàn toàn, những việc ta có thể kiểm soát 1 phần và những việc ta hoàn toàn không thể kiểm soát. Sau đó, việc của chúng ta là hãy chỉ tập trung vào cái đầu tiên, cái thứ 2 cố gắng được bao nhiêu thì cố, còn cái thứ 3 thì tùy duyên, thế nào cũng được.
Tiếp theo là sử dụng linh hoạt Thuyết Vận Mệnh – Chủ nghĩa Khắc Kỷ không bài xích hoàn toàn vận mệnh cũng như không đề cao tuyệt đối nỗ lực cá nhân vào kết quả cuộc đời của mỗi người. Chúng ta hãy sống đúng với bổn phận và đức hạnh, chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt nhất trong vận mệnh của chúng ta. Còn những gì đã và đang xảy ra, nếu nó tiêu cực thì đó đơn giản chỉ là vận mệnh không thể thay đổi, và nên coi nó như gió thoảng mây bay.
Trên đây có thể coi là 3 kỹ thuật chính để thực hành Chủ nghĩa Khắc Kỷ, có những nhà hiền triết đã mở rộng hơn và thử nghiệm nhiều phương pháp hơn nhưng nhìn chung không đi ra ngoài con đường chính của Khắc Kỷ, dù là tự tiết chế bản thân, xả thân vào hoàn cảnh khó khăn (một khoảng thời gian) hay tự suy tưởng ở mức độ cao hơn của tự tưởng tượng tiêu cực…
Nếu đặt chủ nghĩa Khắc Kỷ cạnh các tư tưởng triết học Đông phương như Phật giáo, cụ thể là Thiền Tông, chúng ta có thể thấy điểm chung là 2 trường phái này đều hướng con người đến sự bình thản, tĩnh lặng trong tâm hồn để thực sự hưởng thụ khoảnh khắc của sinh mệnh ở thời điểm hiện tại. Có người cho rằng Chủ nghĩa Khắc Kỷ chỉ là da, lông, là bước nhập môn của Thiền Tông, có thể họ đúng! Với tôi, trên quan điểm Âm Dương, nếu mục đích là sự tĩnh lặng trong tâm hồn cũng như thân thể để đạt đến trí huệ viên mãn, Thiền Tông chính là đi con đường từ trong ra ngoài, ta dựa vào tính không hiện hữu để an trú tâm ta bình lặng trước, sau đó sẽ thấy vạn vật ngoài tâm ta cũng là không. Còn chủ nghĩa Khắc Kỷ, thì ngược lại, từ ngoài vào trong, ta đang hoang mang chưa biết làm thế nào để tâm ta bình lặng, vậy thì ta hãy điều khiển hành vi và nhận thức của ta trước, nếu cái ao không thể bình lặng, vậy thì ta làm 1 cái chậu gỗ ở nơi bình lặng trước, sau đó lấy nước trong ao đổ vào, thế là ta sẽ có một cái chậu nước hoàn toàn bình lặng của riêng ta.
Có lẽ trên đời không có trường phái triết học hoặc một chủ nghĩa tâm linh nào có thể phù hợp cho tất cả mọi người, chỉ có người này hợp với cái này, người khác thì không, vậy thôi! Chủ nghĩa Khắc Kỷ nhìn chung phù hợp với những người thích suy tưởng, tâm trí họ chưa thể đạt đến sự thinh lặng tinh không như những thiền sư đã nhiều năm học cách để tâm trí trống rỗng. Nhưng dù thế nào, có một triết lý sống phù hợp với tính cách bản thân ở thời điểm hiện tại, luôn tốt hơn là không có một triết lý sống nào, có phải vậy không?
Hiếu Nguyễn
23/02/2022.
Nguồn:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất