"Chống Lầy" Để Làm Gì?
Tôi không ngờ là tôi đã đến giai đoạn mà mỗi lần sinh nhật sẽ không còn ghi chính xác tuổi thật của mình, mà thay vào đó là bắt chước...
Tôi không ngờ là tôi đã đến giai đoạn mỗi lần sinh nhật không còn ghi chính xác tuổi thật của mình, mà thay vào đó là bắt chước cái "trào lưu" 18+5, 18+6, 18+n...
Tôi giật mình nhận ra ngày này rồi cũng đến. Cái ngày mà bạn Đại học của tôi lần lượt gia nhập hội mẹ bỉm sữa và chia sẻ mấy công thức nấu cháo nuôi con thành bé khỏe bé ngoan thay cho những dòng thi ca ướt át tự sáng tác. Ngày mà tôi thấy mấy đứa con trai cùng xóm học cấp 2 hồi xưa với tôi vác cái bụng phệ đứng phơi quần áo phụ vợ, thay vì đi chơi xuyên ngày lẫn đêm vào chủ nhật và đều đặn đăng ảnh thả thính vào đầu tuần. Ngày mà đầu bếp bố hùng hồn biểu tôi xuống bếp học hỏi để mai sau còn lấy chồng thay vì say mê vừa đứng nấu vừa nghe tôi đàn tình tang tính phục vụ văn nghệ như trước đây. Một sớm mai tươi xanh nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng, đầu tôi nảy ra câu hỏi: "Chống lầy để làm gì?".
"Chống lầy để làm gì?". Tôi không muốn nó là một câu hỏi tu từ. Vậy nên, rất quan trọng và cấp bách, tôi nghĩ mình phải tìm cho ra câu trả lời. Với tôi, đây là một thắc mắc hết sức vĩ đại.
Tôi nhớ chuyện của chị kia. Vì sống không hợp với bố mẹ, nên chị ấy muốn lấy chồng để thoát li khỏi gia đình. Nghe thì hợp lí nhưng xem ra tốn kém thấy mồ! Lấy chồng vì lí do này nếu có cãi nhau với chồng, chắc bả sẽ xách vali ra khách sạn chứ không lết thân về nhà mẹ đẻ để ăn chực. Tôi chưa dư tiền để mướn khách sạn 5 sao nên không bắt chước bà chị này được.
Có câu chuyện vầy. Anh nọ đi hỏi lần lượt các cô gái ảnh quen rằng: "Theo em thì lấy chồng để làm gì?". Mười cô đầu đều nói: "Em lấy chồng để được hạnh phúc". Đến cô thứ mười một thì khác. Cô ấy bảo: "Em lấy chồng để đem lại hạnh phúc cho chồng". Vậy là ảnh quyết định chọn cô thứ mười một. Xem ra, cô này là người rất có tinh thần trách nhiệm. Hạnh phúc của bản thân, cô ấy tự nắm giữ, và còn tự tin rằng mình có thể đem lại hạnh phúc cho cuộc đời một người khác nữa. Có bà vợ ông cựu Tổng thống Mỹ nọ cũng trả lời tựa tựa kiểu vậy: "Tôi nhận ra rằng mình có trách nhiệm cho hạnh phúc của riêng mình. Tôi không cưới Barack để anh ấy khiến tôi hạnh phúc". Quả là một tấm gương đáng ngưỡng mộ và noi theo! Tôi thì chưa đủ tự tin và độc lập như vậy. Hạnh phúc của tôi còn lệ thuộc vào chuyện quán trà sữa yêu thích khi nào được mở cửa trở lại nữa mà.
Hồi tôi năm 3 Đại học, trường có hội trại. Đợt đó mỗi khoa tự tổ chức trong khuôn viên của mình. Nhưng các khoa khác có giao lưu qua lại với nhau, trừ khoa tôi. Mỗi lớp là một trại. Trại lớp chúng tôi có tên là: "Nữ Nhi Quốc". Đúng như tên gọi, lớp tôi là xứ sở của các "nàng". Đã vậy toàn hot girl xinh xắn thùy mị. Cả lớp tổng cộng có chưa đến 10 chàng, nhưng trong số đó chưa hẳn tất cả đều là "chàng". Vậy nên, chúng tôi đương nhiên là Nữ Nhi Quốc rồi còn gì. Với tên đó, trại lớp tôi nổi tiếng bốn phương tám hướng. Văn nhân mặc khách, anh hùng hào kiệt khắp nơi từ các khoa khác đều muốn tìm đến thăm hỏi. Nghe đâu, bên khoa Công nghệ còn có một trại rất nhiều bạn muốn được ứng tuyển làm rể lớp tôi. Trại đó đặt tên là: "Thiếu Nữ". Bên ấy toàn nam, không có lấy một "bóng hồng" nào.
Tuy rất nhiều người tìm đến, nhưng khoa tôi chỉ "mở cổng chào" ban ngày để kinh doanh đồ ăn. Còn những hoạt động văn nghệ giao lưu, trò chơi, cuộc thi đặc sắc khác đều tổ chức vào buổi tối, và không cho người khác khoa vào. Làn sóng phẫn nộ ngập tràn khắp các diễn đàn mạng xã hội của trường. Các chàng "rể hụt" liên tục bày tỏ sự bất bình, giận dữ. Tôi còn nhớ có một bình luận nhận được vô vàn lượt like: "Khoa Sư phạm chơi kiểu Bắc Hàn. Gái Sư phạm ế là cái chắc". Giờ mà cho tua lại thời gian, tôi chắc chắn sẽ trả lời cái bạn comment rủa gái Sư phạm ế đó: "Nu! Pogodiiiiiiiiiiiiiiiii!" . Gái lớp tôi chống lầy hơn nửa lớp rồi ế chỗ nào mà ế. Lêu lêuuuuuu!
Vì nữ nhi lớp tôi không ế. Nên tôi đã đem thắc mắc vĩ đại của mình đi hỏi những đứa bạn - những người đã lấy chồng và sắp lấy chồng, người mới lấy chồng và người lấy chồng hơi lâu lâu xíu. Lạ là tụi nó đều bật cười rồi sau đó trầm ngâm suy nghĩ. Sau đó, vì có quá nhiều thứ để trò chuyện sau chuỗi ngày dài xa cách, tôi bị cuốn vào những câu chuyện chuyên mục tình yêu và hôn nhân, gia đình và sự nghiệp mà quên mất việc phải bắt tụi nó trả lời. Về phía bạn tôi, không biết là tụi nó cố ý không trả lời hay là vô tình quên mất. Dù không nói cho tôi biết vì sao lấy chồng, nhưng tụi nó lại mở đầu những câu chuyện của mình bằng câu: "Chồng tao thì...". Ví dụ như, "Chồng tao thì có tật xấu là ngủ ngáy. Hai đứa đi nặn mụn ở spa rồi ổng ngủ quên, ổng ngáy mà tao xấu hổ không biết chỗ nào để chui". Hay "Chồng tao thì có tật xấu là hay quên. Sáng hôm qua ổng không nhớ dắt xe giùm tao. Tao buồn mà tới chỗ làm rồi tao vẫn còn ấm ức"... Vậy ra, lấy chồng là để có niềm vui từ việc nói xấu chồng lúc tán gẫu cùng chị em. Nghe vui phết!
Ở tuổi này, chúng tôi không còn mơ mộng về những chuyện tình cảm lãng mạn như phim Hàn, không còn tưởng tượng hình ảnh người chồng lý tưởng "cưng em như trứng, hứng em như hoa". Chúng tôi khó để cảm nắng một người như hồi hồn nhiên hễ vài câu thả thính là ngất ngây hạnh phúc. Chúng tôi bắt đầu "soi" nhiều và đột nhiên trở thành những kẻ khó tính lạ lùng. Chúng tôi không trầm trồ khi đọc mấy cái trích dẫn kiểu như: "Người đàn ông yêu bạn thật sự sẽ...". Mà thay vào đó, chúng tôi trở nên thực tế hơn, xem phim Hàn chỉ là để giải trí chứ không tin sái cổ như thuở nhí nhảnh mới lớn. Chúng tôi biết suy nghĩ hơn khi sửa câu trên thành cấu trúc: "Nếu hai người yêu nhau thật sự sẽ....". Tình yêu phải là nỗ lực góp sức của hai người cùng xây đắp chứ không thể một phía rung đùi ngồi chơi, bắt phía còn lại phải đổ mồ hôi vượt chướng ngại vật. Chúng tôi không còn nghĩ rằng chỉ cần có tình yêu là tiến đến hôn nhân. Bớt mộng mơ, chân chúng tôi chạm đất. Chúng tôi hiểu rất rõ sức nặng của hai tiếng "chống lầy".
Trong phim "30 chưa phải là hết", Hiểu Cần đã nói với Cố Giai": "Những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống khiến người ta trở nên vô vị, mất đi hào quang. Trước đây mình không tin, vì không hiểu, cái gì gọi là chuyện nhỏ nhặt? Kem đánh răng, lông mèo, chìa khóa, đống bát cạnh bồn rửa, giày vứt bừa ở cửa ra vào, cuộc sống chính là những thứ nhỏ nhặt đó, không phải thế giới trò chơi”. Lúc yêu nhau là lúc ta "dát vàng" lên người ta yêu. Nhưng nếu không có sự tìm hiểu rõ ràng và chuẩn bị kỹ càng cho cuộc sống mới, rất có thể những kỳ vọng của ta về người bạn đời của mình sẽ bị sụp đổ. Việc phải chung sống lâu dài với một người, chấp nhận tất cả những điều khác biệt trong lối sống của đối phương là chẳng dễ dàng gì. Một cặp vợ chồng sống với nhau hơn 25 năm vẫn cãi nhau um lên về chỗ treo 4 cây guitar và 2 cây đàn tranh, hoặc chỉ là chuyện mở hay đóng cửa sổ vào mỗi tối khi đi ngủ. Mẹ để bàn chải đánh răng của bố bên cái ly góc phải, mẹ thì góc trái. Mẹ bảo tôi theo phe nào thì tự để bàn chải mình vào bên phía đó. Đắn đo cân nhắc mãi, tôi đưa ra một quyết định hết sức sáng suốt. Đó là lấy thêm một cái ly khác, để bàn chải của mình vào, đặt ngay chính giữa.
"Chống lầy", là một trải nghiệm đặc biệt có một không hai. Có thể với một cô gái mới kết hôn vài tháng thì sẽ hào hứng "Ôi biết sướng thế này thì mình đã lấy chồng hồi mình 17 tuổi". Còn với một cô đã "vào lồng" năm thứ 3 rồi thì sẽ tặc lưỡi: "Kết hôn như vào wc đi vệ sinh. Người bên ngoài muốn vào, kẻ bên trong thì muốn ra".
Kết hôn không chỉ là chuyện "hai mình". Nó là chuyện của "nhiều mình". Bạn tôi nói rằng khi có con rồi, thì ta không còn mang tên riêng của mình, ta trở thành "mẹ" của một đứa trẻ. Đó là khi, trong nhóm chat Zalo của lớp Mầm Hai, tên ta sẽ không còn là tên ta, mà sẽ thành "Mẹ Xuân Nhi", "Mẹ Ngọc Diệp"... Và trong túi một người mẹ sẽ nào là tã lót, bình sữa, đồ vắt sữa, khăn tay... Muôn vàn bận rộn. "Mẹ ơi...mẹ đâu rồi?". "Mẹ đây mẹ đây", thêm cây dù và áo ấm khi trời mưa, thêm vài cây bút màu, ba lô của con đâu, và "mẹ ơi, mẹ có nhớ mang theo bánh không?".
Quên đi những bó hoa hồng và ánh trăng lãng mạn. Bỏ qua những bản tình ca và tối cuối tuần ở rạp phim. Mẹ không còn cần những điều đó nữa. Điều một người mẹ thực sự cần, đó là có thêm một đôi tay! Có thể đúng giờ hoặc trễ nãi, luôn sẵn sàng hoặc không biết tổ chức, khéo léo hoặc vụng về. Bằng cách này hay cách khác, rồi một cô gái cũng thích nghi với việc làm mẹ. Vậy ra, lấy chồng là để có thêm trách nhiệm. Lấy chồng là để có ngôi nhà và những đứa trẻ. Là một người mẹ theo cách mà một cô gái mong ước được trở thành.
Khi đã bắt đầu "đến tuổi", một cô gái sẽ nhột nhột khi nghe bài ca của Bích Phương, suy nghĩ về việc chống bùn, à nhầm chống lầy, kèm theo nhiều nỗi lo sợ về những thứ ở tương lai. Có thể là lo lắng vì "lấy chồng là lấy cả họ nhà chồng". Có thể là sự bất mãn khi nhìn thấy đổ vỡ từ hôn nhân của những người xung quanh, thậm chí là nỗi mặc cảm, ám ảnh về hôn nhân không hạnh phúc của chính người thân trong gia đình. Có thể là cảm giác đôi phần ích kỷ vì sợ đánh đổi tự do và thanh xuân. Là cảm giác hoài nghi, chưa đủ tự tin để hoàn thành tốt mọi thứ khi bước chân vào một cuộc sống với quá nhiều trách nhiệm. Là nỗi niềm kỳ lạ mà luôn khiến con gái chạnh lòng như nhỏ bạn tôi ngay khi nhận lời cầu hôn của người yêu, nó liền băn khoăn: "Tết đến sẽ đón giao thừa ở đâu?".
Mẹ tôi ví von lấy chồng như đi chợ, đi sớm về sớm, đi trễ về trễ. Mà nói chứ, đi chợ về cũng có là xong việc rảnh thân đâu. Còn phải bày ra, sơ chế rồi nấu nướng sao cho ngon, cho khéo. Tưởng dễ mà chẳng dễ. Nên mẹ nói: "Con khéo, con chăm học hỏi để ngày càng cải thiện thì tốt mà con đã hậu đậu và còn lười nữa thì con tự chịu".
Tôi ngẫm nghĩ thấy mẹ nói cũng chí lí, bèn hỏi mẹ: "Lỡ con đi chợ trễ quá, đồ hết tươi ngon, người ta dọn nghỉ thì sao mẹ?". Mẹ tôi đáp: "Hết thì vô siêu thị mua".
Nói rồi, mẹ đi xuống bếp - nơi có bố tôi đầu cổ bùm xùm, cởi trần, quần đùi, đang chiên trứng với thao tác điêu luyện của một đầu bếp trứ danh.
Tôi chợt nhận ra còn một nguyên nhân nữa để "chống lầy". Với mẹ tôi, có lẽ là để có người bày bừa cho mình dọn. Có người làm đổ sữa cho mình lau, làm bể dĩa cho mình gom mảnh vỡ. Dẫu rất rất rất mệt, nhưng mẹ luôn nhẫn nại lau lau chùi chùi, dọn dọn rửa rửa, sắp xếp lại vị trí úp nồi chảo khi bố để không ngay ngắn và rửa lại chúng khi bố rửa không sạch. Tất cả chỉ là để bố tôi được vui vẻ thỏa sức vào bếp theo đúng đam mê của bố ngày ngày, tháng tháng, năm năm.
Yêu
/yeu
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất