Dựng vợ gả chồng được xem là hỷ sự, là chuyện trăm năm có một của người Việt Nam. Chuyện cưới hỏi cũng vì đó được xem như chuyện trọng đại của đời người. Song với sự phát triển của xã hội, chẳng biết từ bao giờ, những giá trị mới và cũ đan xen khiến con người trở nên bối rối trong những quan niệm về hôn nhân và biến câu chuyện vui ấy trở thành một nỗi ám ảnh và áp lực. Đặc biệt là những người được xem như đang trong tuổi “cài trâm kết tóc”, lại càng hoang mang hơn.

Bao giờ cho bác ăn cỗ?

Con người ta thường gán cho mỗi số tuổi một nhiệm vụ riêng. Ví thử như bạn 15 tuổi, việc của bạn bây giờ là phải học hành cho tử tế. Nếu như bạn 40 tuổi, bạn phải có một sự nghiệp ổn định, con cháu đề huề. Tương tự như vậy đối với kết hôn, khi đã 30 thì tức là bạn đã phải yên bề gia thất, lập một gia đình nhỏ nhắn.
Đến tuổi 26, 27, kết hôn như một điều cần làm của các cô gái trong mắt xã hội. Bố mẹ bắt đầu đứng ngồi không yên vì trong nhà có một quả “bom nổ chậm”, mãi vẫn chưa có ai rước đi. Hàng xóm điều tiếng vì sao con bé lớn bằng nấy rồi mà vẫn không có anh nào đưa rước, có phải có vấn đề gì không? Mỗi lần họp gia đình là mỗi lần đau đầu khi bị tra tấn bởi những câu hỏi mà không biết làm gì ngoài cười trừ -  “Bao giờ thì lấy chồng?” “Bao giờ thì cưới?” “Đã có người yêu chưa?” “Đã đưa anh nào về ra mắt chưa?”
Rồi đến một lúc nhất định nào đó, bạn lại càng hoang mang khi ngoài kia bạn bè mình cũng dần dần lên xe hoa hết, mình thì vẫn còn bơ vơ một mình, liệu thì có nên lấy chồng không. Con gái trong mắt gia đình dường như bị bó buộc trong một khuôn khổ nhất định: đi học - ra trường kiếm một công việc ổn định tàm tạm và sau đó tập trung cưới chồng sinh con.
Hồi tôi hoạt động trong một CLB tình nguyện, có một chị đã 27 tuổi. Mọi người ngạc nhiên, tại sao chị đã lớn tuổi như vậy, tuổi đáng nhẽ ra phải ôm con chăm chồng lại đi tham gia một chương trình sinh viên. Chúng tôi hay đùa gọi chị là “Cô” và tôn chị là “Miếu thần của hội”, bao giờ chị lấy chồng thì chúng tôi mới hết ế. Nghĩ lại thấy buồn cười. Trong những buổi đi họp, đi nói chuyện và tâm sự, chị cũng nói rất nhiều. Gia đình ban đầu cũng hỏi han, người ngoài ban đầu cũng nói rất nhiều, nhưng sau này chị cứ ngó lơ và thủ thỉ với mẹ những điều mình cho là đúng, vậy là xuôi xuôi. Chị bảo chỉ cần những người thân thiết nhất hiểu cho mình, vậy là được, không cần nhiều. Chị dành rất nhiều thời gian khắp nơi đi du lịch, vi vu khắp tận cùng mọi chốn, cũng rủ cả gia đình đi luôn cho thêm phần đặc sắc. Năm ngoái, chị đã gửi thiệp mời cho chúng tôi, thông báo chị sẽ lấy chồng. Chúng tôi thực sự rất vui cho chị.
Bố mẹ và thế hệ trên chúng ta đã sống trong một thời đại im lặng, khi mà những giá trị và khuôn mẫu định kiến luôn được đặt xuống con người. Họ gán tuổi 20 - 30 như một độ tuổi tuyệt vời để kết hôn. Nói đúng ra, nó không hoàn toàn phi lý. Xét về mặt pháp luật, con người có trách nhiệm xây dựng gia đình, duy trì nòi giống để phát triển xã hội. Đối với phụ nữ, độ tuổi tốt nhất để thụ thai là từ 20 - 24, sau tuổi đó, sinh sản sẽ khó hơn và đến sau 35 trở đi thì khả năng sinh sản bắt đầu giảm mạnh. Độ tuổi hơn 20 cũng là độ tuổi xuân sắc, khi con người ta trẻ khỏe, khi trai gái tìm đến nhau và nhiều đối tượng để kết hôn nhất. Sau độ tuổi này, đa phần mọi người đều đã có gia đình ổn định. Những câu hỏi của bố mẹ, của gia đình họ hàng xét ra đều vì quan tâm và lo lắng cho bản thân ta, khi ta chưa có người bạn đời bên cạnh, khi ta chưa có ai để sẻ chia mọi lúc. Họ đã đi qua cả những giai đoạn khó khăn trong đời, và họ thấm thía những gì người chồng người vợ bên cạnh đã giúp họ như thế nào. Họ sợ rằng nếu một ngày không còn họ nữa, ai cũng có những ngôi nhà riêng, nếu một ngày mai ta cô đơn thì sao?

Lấy chồng chính là “đánh rơi tuổi trẻ” “bán rẻ tương lai”?

Ngược lại với suy nghĩ của thế hệ trước, ta mắc kẹt nhiều hơn trong suy nghĩ hiện đại. Dường như từ lúc một lúc nào đó kết hôn ở tuổi dưới 25 trở thành kết hôn sớm. Ở cái tuổi mà bố mẹ ở nhà giục cưới, thì xã hội bên cạnh đồng niên với mình lại cho rằng cưới làm gì, cứ chơi đi đã, cứ tận hưởng đi đã. Cưới ở tuổi đấy chẳng phải là giới hạn bản thân, là ngăn cản tương lai, là chơi chưa đã hay sao. 
Khi bạn tôi chia sẻ về chuyện nó sẽ lấy chồng khi nó mới 19 tuổi, ở bên cạnh đều nói bằng giọng ngạc nhiên “Lấy chồng sớm thế để làm gì”. Khi đồng nghiệp tôi 24 tuổi nói đến chuyện cưới chồng, một chị đồng nghiệp khác đã nhanh chóng phủ nhận “Chơi đi rồi hẵng cưới em ạ, chị chơi đến 27 tuổi rồi mà vẫn hối hận vì đã cưới ở tuổi đó, đáng nhẽ ra phải chơi thêm”.
Chúng ta mất niềm tin vào hôn nhân và cho rằng nó là nấm mồ chôn tuổi trẻ, không bay nhảy, không tự do, bó buộc vào mình nhiều vấn đề. Đôi khi, ta nhìn bạn bè cưới sớm hơn một chút so với quy chuẩn hiện tại đã vội cho rằng đó là một sự rủi, rằng có biết bao nhiêu đều tươi đẹp ở phía trước hơn là chuyện “đeo gông vào cổ”, ngoài “bác sĩ bảo cưới” ra thì cũng chẳng ai dại gì để bước vào, ta dè bỉu những người “cưới vì đam mê”.
Tôi đã không biết bao nhiêu lần nghe những lời khuyên nhủ như vậy. Trong ngày cưới của chị hàng xóm, tôi chỉ nhớ mãi chị nói với tôi một câu “Đừng có lấy chồng sớm, cứ chơi đủ đi đã”. Những lời nói “Cứ chơi đi, đừng cưới chồng vội” cứ như một cái gai mà lứa anh chị ghim vào lòng những người trẻ như tôi, khiến chúng tôi suy nghĩ về hôn nhân một cách sai lệch với tất cả những gì đau khổ và mệt mỏi nhất, rằng chúng tôi phải chạy thật xa, chứ đừng dại chui đầu vào.
Nhịp sống đang ngày càng hiện đại, xã hội cùng ngày một phát triển, phụ nữ thời nay không còn bị bóc buộc trong việc nhà hay góc bếp nữa. Sự xâm nhập từ văn hóa phương Tây khiến cho họ đề cao cái tôi nhiều hơn, chú trọng đến hạnh phúc nội tại, nâng cao các kiến thức để chống lại định kiến chứ không chỉ đi theo và mặc nhiên nó là đúng như những thế hệ trước. Hiện nay vai trò của phụ nữ trong xã hội đang dần được cân bằng, họ có nhiều công việc mới, trải nghiệm mới, đa dạng và thú vị hơn. Dần dà, tiêu chuẩn dành cho phụ nữ hạnh phúc cũng hướng nhiều về phía cá nhân, họ cũng kiếm được nhiều tiền, sử dụng nó vào chăm sóc sắc đẹp của bản thân như spa, làm đẹp, chi tiền vào mỹ phẩm, nước hoa, túi xách. Một vài tháng nào đó, họ vi vu trên những chuyến du lịch sang chảnh khắp mọi nơi trong nước và nước ngoài. Họ yêu những lần rảnh rang nhàn nhã trong khi nhìn bạn bè mình lao đao chăm sóc chồng con. Sự tự do, trải nghiệm và làm chủ bản thân như trở thành một tiêu chuẩn để họ đánh giá một tuổi trẻ. Tuổi trẻ chỉ đáng nhớ khi ta không vướng bận gia đình và tự do bay nhảy.
Không chỉ người bên cạnh và những kiến thức về “love-yourself”, truyền thông cũng đang nói về kết hôn nhiều hơn. Những người nổi tiếng, báo đài không ngừng nói về nỗi khổ của kết hôn và người phụ nữ trong gia đình. Các cuộc hôn nhân tan vỡ ngày càng nhiều, ra rả trên các mặt báo. Như cặp vợ chồng “vua cafe” Trung Nguyên, một cuộc hôn nhân mấy chục năm, ở bên nhau từ khi còn trẻ, cùng nhau gây dựng mọi thứ, cùng nhau trải qua cuộc đời nhiều cay đắng và cũng cùng nhau tạo nên một thương hiệu lẫy lừng. Cuối cùng lôi nhau ra tòa - một cuộc ly hôn đầy ồn ào tốn bao nhiêu giấy mực của cánh truyền thông khi giành nhau khối tải sản khổng lồ. Thành thử ra cho chính những người trẻ, khao khát tình yêu ở sâu thẳm phía trong những lại dè dặt trước ngưỡng cửa hôn nhân. Những định kiến xã hội, những ví dụ qua lời người khác kể lại khiến cho họ có cái nhìn u tối về hôn nhân, âu lo về hôn nhân, âu lo về những trách nhiệm đè nặng lên vai khi mình chưa sẵn sàng. Cuối cùng họ chọn Chơi. Chơi đi đã, làm gì mình thích đi đã, cưới chồng sau.
Đúng là sẽ có những niềm vui, có sự tự do, có những hạnh phúc, không gánh nặng, không phải san sẻ thời gian cho ai.
Tôi từng nghe chia sẻ của một CEO, chị đã ngoài 40 nhưng vẫn rất trẻ đẹp. Và chị không lấy chồng. Toàn bộ thời gian của chị dành cho công việc, quản lý công việc, quản lý nhân viên, bay qua bay lại giữa các thành phố để họp, để giao thiệp khách hàng. Chị bảo chị vẫn chăm sóc bản thân rất tốt, ăn uống điều độ, ngủ đủ tám tiếng, sáng dậy đi tập thể dục. Khi rảnh chị đi từ thiện, về nhà ăn cơm với gia đình. Chị đã đạt được đến đỉnh cao của một người phụ nữ thành đạt, đối với chị, tiền không còn là vấn đề nữa. Song chị bảo mình vẫn hẹn hò, chị vẫn có tình yêu, chỉ là chưa kết hôn thôi, có thể một ngày nào đó chị vẫn sẽ kết hôn. Đó dường như là biểu tượng cho lối sống “một mình vẫn vui”. Chị tận hưởng nó, hạnh phúc vì nó.
Ngược lại, không phải ai cũng sẽ có niềm vui. Tùy từng cảm nhận của mỗi người, nhưng cũng có những người sẽ không thể tận hưởng niềm vui mà một mình mang lại như tất cả những gì trên mạng nói.
Tôi từng đọc một bài tâm sự trong group. Chị ấy nói rằng mình có học vị rất cao, đi du học rồi mải miết học lên học lên. Tuổi trẻ như những đóa hoa rực rỡ, được đi nhiều nơi, đi nước ngoài, lương thưởng cao. Nhưng chị bảo sâu bên trong đó không bao giờ nguôi đi khủng hoảng. Tuổi 30 cũng đầy rẫy những đớn đau. Chị nhìn xung quanh thấy bạn bè mình đã kết hôn, đang hạnh phúc cùng gia đình nhỏ nên ít có thời gian dành cho bạn bè hơn. Những chàng trai cùng lứa thì đều đã lập gia đình hết cả. Hàng ngày đều chỉ đi về một mình, ăn cơm một mình, làm mọi thứ một mình. Chị thấy hoang mang và đau đớn hơn cả, thấy mình cô đơn lạc lõng giữa dòng người. Người ta bảo chỉ có Khủng hoảng nửa phần tư cuộc đời, ai biết đâu Tuổi 30 của chị cũng khủng hoảng.

Tuổi nào kết hôn thì đúng đắn?

Từ nhỏ, tôi được gieo rắc không biết bao nhiêu tư tưởng con gái lấy chồng như thế nào từ thế hệ bố mẹ ông bà, và khi lớn lên, tôi lại hoang mang hơn với những gì người lớn tuổi hơn - thế hệ anh chị của tôi chia sẻ về một tuổi trẻ thanh xuân chơi đi đừng vội lấy chồng. Chị họ của tôi cũng từng nêu cao phong trào lấy chồng muộn vì phải chơi cho đã thanh xuân, nhưng đến năm 30 tuổi sinh con xong, chị lại lẳng lặng bảo tôi “Hãy cưới chồng sớm vào cho sướng. Cưới muộn mệt lắm”. Lời khuyên đúng với những gì bố mẹ ông bà hay nói, nhưng ngược hẳn với những gì chị tôi từng nêu cao trước kia, và cũng khác hẳn với đồng nghiệp tôi - một người cũng đã lập gia đình và tiếc nuối tuổi trẻ. Như chị CEO và chị tôi đọc được tâm sự trong group, họ cũng đối lập nhau trong cách tận hưởng cuộc sống độc thân. Một người khủng hoảng, một người hạnh phúc.
Như bạn thấy đấy, cho dù đặt vào một hoàn cảnh, nhưng không có ai giống ai cả. Có những người đã kết hôn, cảm thấy muốn quay trở về thời trẻ để tận hưởng thêm nữa, nhưng có những người mong cưới sớm hơn để đỡ mệt. Có những người thích thú tận hưởng cuộc sống độc thân mà chưa kết hôn, có những người đau khổ khi nhầm tưởng suy nghĩ của mình. Có người nói hôn nhân rất tuyệt vời hạnh phúc, có những người nói hôn nhân đau khổ. Vậy thì bạn nghĩ xem, tuổi nào kết hôn thì hạnh phúc nhất?
Thật ra, không có quy định tuổi tác nào để kết hôn cả
Một cặp vợ chồng dù cưới sớm hay cưới muộn, hay cưới ở bất kỳ độ tuổi nào, hôn nhân của họ cũng sẽ đều gặp những trục trặc nhất định, sẽ có những lúc cãi vã, nhưng cũng sẽ có những lúc ngọt ngào bay bổng. Nhưng kết cục của nó ra sao, tan vỡ kết thúc hay đơm hoa trái ngọt đều là do con người chúng ta tạo nên.
Vì vậy, dù cho bố mẹ bảo bạn hãy cưới đi, hay bạn bè bạn bảo bạn đừng cưới mà hãy chơi đi cho giống họ, thì bạn cũng đừng nghe bên nào cả. Hãy lắng nghe trái tim của bạn. Nó sẽ là thứ đúng đắn nhất. Mọi thứ đều là lựa chọn của bạn.
Nếu bạn vẫn chưa sẵn sàng bước vào một cuộc hôn nhân, muốn dành nhiều thời gian hơn nữa, hãy làm nó, tự tin, không để ý lời bên ngoài.
Nếu bạn thấy người này chưa thực sự phù hợp với mình nhưng bạn bè mình đều cưới, bố mẹ mình cũng giục thì có lẽ nên gật đầu thôi thì đó là quyết định sai lầm. Hãy cho bản thân một lần hít thở sâu và sẵn sàng nói từ chối khi bạn thấy không phù hợp. Đó là sẽ là người đồng hành với bạn trong suốt cuộc đời, hãy chọn một người bạn thực sự cảm thấy hạnh phúc.
Nếu bạn đã gặp được người đàn ông mà bạn sẵn lòng ở bên cạnh, bạn muốn lùi về chăm sóc cho tổ ấm của mình, hãy tự tin bạn làm điều cho là đúng.
Kết hôn không có thời điểm cụ thể, chỉ có đúng người hay không mà thôi. Điều quan trọng nhất không phải là bao giờ kết hôn, điều quan trọng là người bạn đã sẵn sàng bước vào nó và chịu trách nhiệm với điều mình làm chứ không phải lo ý kiến của người khác.
Hôn nhân dù ở bất kỳ thời điểm nào cũng là do chính mình làm chủ. Hãy làm gì khiến mình hạnh phúc, thế là đủ!