Rất lâu rồi mình mới sắp xếp được thời gian ngồi viết. 
Nhân dịp tuần trước vừa thực hiện buổi talk ra mắt cuốn Mùi Mẹ của chị Phạm Việt Hà và hôm nay là 20/10, mình cũng muốn chia sẻ với các nhện một trải nghiệm đặc biệt của bản thân trong vòng hơn một năm qua. Đấy là những suy nghĩ của mình xung quanh câu chuyện mình đã có bầu em bé và trở thành mẹ trẻ con.
Trong những lúc ôm con mình đã tranh thủ nghĩ xem mình muốn viết cái gì? Phần lớn thời gian mình viết những nội dung cho sách, nội dung truyền thông, quảng bá, chia sẻ... nên có lẽ viết cho bản thân là một đặc quyền hiếm hoi.
Và mình nghĩ có vài điều mình muốn ghi chép lại để cho chính mình, cho con mình sau này và cho bất cứ ai vô tình đọc được bài viết này.

Cái duyên

Mình tin rằng những việc như gặp gỡ ai, làm việc gì, nắm bắt được cơ hội hay không... có một yếu tố đóng vai trò quan trọng gọi là cái duyên
Vào một ngày trời nắng đẹp của năm hai không mười bảy, có một anh thanh niên nghệ danh là Please trưởng phái võ lâm Nhện Nhọ, ở trên núi đã lâu quá thèm người nên đã quyết chí làm một phen xuống đồng bằng, nơi anh được người ta mời tới một cái ì ven (event) làm diễn giả, nói chuyện về những thứ ước mơ đẹp đẽ. Nghe nói ì ven được tổ chức tại một quán rất xinh có cái tên rất tình là Tổ Chim Xanh, và chị MC hôm đấy thì lại rất đẹp. Không biết anh Please đã chia sẻ những gì ở trong buổi ì ven đó, chỉ biết anh hứng khởi về văn phòng nhỏ mười mấy mét vuông của Spiderum lúc bấy giờ (chính là nhà anh) và hồ hởi khoe với mình: "Nay gặp được một tay hay lắm. Rủ hắn lên Spiderum viết luôn và ngay."
Mình lúc đấy còn đang vò đầu bứt tai điên đảo edit bài, lên ý tưởng làm E-mag cho các báo, rồi lại nghĩ doanh thu tháng này của công ty thì không đủ tiền về nộp cho mẹ, thì ừ ừ rồi chả quan tâm lắm. Thế nào đùng cái sau vài hôm thấy một thanh niên sơ vin quần bò leo lên cái văn phòng mười mấy mét vuông nóng nực của bọn mình. Trên tay anh cầm một chai Latte trà sữa. Mình lúc đó không hề có ý niệm gì với anh sơ vin này nhưng có một luồng điện bất chợt xẹt qua đầu: Latte trà sữa là thứ mình khoái khẩu lúc bấy giờ. Mình bèn lọ mọ vào đọc lại mấy bài viết đầu tay của anh này trên Spiderum, cái gì mà toàn súng với ống, không phải thứ mình quan tâm lắm nên chẳng ấn tượng gì. Ấn tượng mỗi cái là anh này viết Tiếng Anh tốt thật, IELTS tám chấm chắc cũng còn phải xách dép. Thế rồi dụ ảnh cộng tác với cái rate viết bài bèo bọt cho một job bọn mình thầu được. Thậm chí đã có lần anh sơ vin bị mình mắng cho te tua can tội ốm nên quên mất deadline. 
Lúc đấy mình nghĩ: Người nộp chậm deadline (dù chỉ một lần) cũng không phải mẫu đàn ông của mình.
Đùng cái thì tự nhiên có một hôm anh sơ vin rủ mình đi sự kiện, rồi đi ăn cháo ếch, rồi đi xem phim. Đùng tiếp cái nữa thì tự dưng mình lấy anh sơ vin làm chồng, ơ! Phần còn lại của lịch sử thì là câu chuyện các bạn đang đọc ngày hôm nay. 
Bài học rút ra ở đây là: Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của một chai Latte trà sữa. 
Tất cả cái đoạn vừa rồi là mình kể cho vui thôi, nhưng các bạn thấy đó, nếu cuộc đời không xô đẩy cho mình trở thành đồng đội của anh trưởng môn phái Nhện Nhọ ở Spiderum; nếu ngày hôm đó Please không nhận lời mời làm diễn giả talkshow; nếu trong sự kiện anh sơ vin không giơ tay phát biểu để lần đầu biết tới một cộng đồng viết lách như Động Nhện... thì mình đã không có một "anh bạn thân" cùng nhà, một gia đình, và một em bé đáng yêu. Và rất có thể vào những thời điểm khó khăn nhất trong quá khứ, mình đã không đủ dũng cảm để từ bỏ công việc tại big corp mà quay về với Spiderum nếu không có chồng mình (lúc đó là người yêu) hết mực ủng hộ. 
Ngày hôm nay mình là mẹ của một em bé gần 4 tháng tuổi. Trong suốt thời gian mang thai và sinh bé, mình đã suy nghĩ và nhận ra có rất nhiều dữ kiện trong quá khứ mà nếu chỉ lệch đi một li thì điều này đã không thành hiện thực. Chỉ nghĩ đến khả năng đó thôi, mình lại thầm cảm ơn cái duyên đã kết nối tất cả mọi thứ đi đúng hướng. Câu chuyện làm mẹ của mình ngày hôm nay có thể đã bắt đầu với những cái duyên từ rất nhiều năm về trước.
Cái duyên đã giúp cho bé Mup trở thành em bé Spiderum thế hệ F1 đầu tiên :)

Làm startup vs Làm mẹ

Trong những ngày tháng ở cữ, mình còn nhận ra rằng việc làm startup giống với làm mẹ ở rất nhiều khía cạnh. Tưởng chẳng liên quan mà lại liên quan không tưởng! 
Đầu tiên là... đau.
Bạn vẫn thường nghe nói rằng cơn đau đẻ tương tự như khi gãy 20 cái xương sườn cùng một lúc và cảm giác hơi sợ sợ đúng không? Nhưng để hình dung cụ thể hơn nữa thì giới hạn chịu đau thông thường của con người là 47 đơn vị đau. Gãy 20 cái xương sườn thì tương đương với 57 đơn vị đau. Hãy cảm ơn mẹ của bạn vì sự tồn tại của bạn trên đời! 
Với trường hợp của mình, cơn đau bắt đầu xuất hiện từ khoảng 4h chiều và cường độ tăng dần lên tới 10h đêm (tới gần 11h đêm là mình không thể nói được nữa vì quá đau). Mình đã cắn răng để không kêu một tiếng nào vì mình biết gào thét sẽ rất mất sức, nhưng mình cũng biết có nhiều chuyện khôi hài về các bà vợ vì quá đau đẻ nên la hét ầm ĩ, thậm chí... chửi chồng.
Mặc dù đáng sợ như vậy nhưng cơn đau đẻ là một yếu tố cực kỳ quan trọng để cuộc sinh nở có thể diễn ra thành công. Để em bé có thể được đẩy ra ngoài, tử cung của mẹ phải hoạt động rất nhiều tạo nên các cơn co thắt tự nhiên. Tất cả quá trình ép, uốn và đẩy này tuy mẹ sẽ rất đau ở khu vực xương chậu, lưng, tầng sinh môn, bàng quang và ruột—nhưng lại vô cùng quan trọng để từ từ "dọn đường" cho em bé "xuất xưởng": Nó tạo ra một cuộc biến đổi từ từ để người mẹ có thể đón nhận em bé ra thế giới bên ngoài. Mặt tích cực nữa là sau khi đã trải qua cơn đau đẻ rồi, bạn thấy mấy cái cảm giác đau đớn khác thật là... muỗi :)). 
Mình lên bàn mổ vào lúc 11h đêm. Mình mong muốn được sinh thường nhưng vì một sự cố mà bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con. Lúc đấy nằm trong căn phòng phẫu thuật trắng toát, mình cảm giác buồn vô cùng vì đến "phút bù giờ" lại không thể đẻ thường, toàn thân nhũn ra giống như một con cá ươn thoi thóp sắp bị "lên thớt" và phải cố gắng lắm để không bật khóc. 
Em bé chào đời vào lúc 0h 5 phút sáng.
3 tiếng sau thì mình được nằm cạnh bé và bạn nhỏ bắt đầu mút ti mẹ. Lúc đó mình vẫn chưa cử động được toàn bộ cơ thể, còn em bé thì ôi chao, bé xíu xìu xiu ấy. Lần đầu cho con bú còn siêu lóng ngóng, nhưng cảm giác ấm áp lúc da kề da với con và được nhìn thấy giọt sữa đầu tiên trên môi con thực sự tuyệt vời các bạn ạ! Đau đớn tột cùng nhưng thành quả rất xứng đáng. 
Còn làm startup thì đau kiểu gì?
Nếu như cơn đau đẻ mình mô tả bên trên khá là "vồ vập" về mặt thể chất, thì "cơn đau" khi khởi nghiệp lại tương đối... dai dẳng về mặt tinh thần. 
Trong một bài viết trước đây, founder Please đã chia sẻ rằng bọn mình từng trải qua rất nhiều thời gian khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần trong suốt quá trình làm Spiderum. Bọn mình đã làm một việc "không nên làm" là khởi nghiệp khi còn quá trẻ và quá ít kinh nghiệm, do đó có nhiều vấp ngã cực kỳ đau thương. Cuối năm 2017, sau khi đã hết tiền mà vẫn loay hoay với mô hình kinh doanh, core team phải tách ra ngoài làm các việc full-time khác trong khi vẫn duy trì Spiderum từ xa. 
Đó là thời điểm mà mình buồn rất nhiều vì sự lạc lối, rất đau khi gia đình mình... vui lúc mình tạm nghỉ Spiderum để đi làm. Đó là cảm giác hoài nghi: Có phải từ trước đến giờ những gì bọn mình làm là sai? Có phải làm điều tốt không phải lúc nào cũng đúng?
Lúc đó Spiderum đã là một cộng đồng nội dung được tương đối nhiều người biết tới, song bọn mình không có khả năng trả lương cho team. Trong một thời gian các anh em trong core team đã phải góp tiền túi để trả chi phí server, duy trì hoạt động của platform—nơi các bạn vẫn luôn được đọc, viết và tranh luận hoàn toàn miễn phí. 
Lần đau đó đã cho bọn mình cơ hội để nhìn nhận lại bản thân và chính Spiderum. Thời gian hơn một năm tách ra để đi làm ở các môi trường khác nhau cũng giúp bọn mình trang bị thêm nhiều góc nhìn mới và kiến thức về kinh doanh. 
Sau này bọn mình còn nhiều lần "đau" nữa phải trả giá bằng tiền bạc, thời gian và công sức, nhưng nếu không có tất cả những lần vấp ngã đó, sẽ không có Spiderum của ngày hôm nay. 
Có thể nói, những "cơn đau" ở nhiều hình dáng và mức độ khác nhau đã nhào nặn nên chính sản phẩm và con người của bọn mình, giúp bọn mình được "tái sinh" một lần nữa. Và cũng giống như việc sinh con, mình không hề hối hận.
Làm mẹ còn giống với làm startup ở yêu cầu phải liên tục học hỏi không ngừng. 
Thật sự thì mình vô cùng tâm đắc với điều này. Mình không dám tự nhận là một bà mẹ chăm chỉ học (sự thật là mình chỉ luôn vừa kịp nghiên cứu về một vấn đề hoặc giai đoạn nào đó trước một thời gian ngắn), nhưng trong quỹ thời gian ít ỏi thì mình đã luôn phải cố gắng đọc sách, tải app, đọc tài liệu nước ngoài nước trong, google... thậm chí trong tháng đầu tiên sau sinh mình đã ghi chép tất cả hoạt động của em bé theo thời gian biểu—không sót một việc nào từ ăn, ị, ngủ, tắm, chơi—chỉ để đảm bảo mình hiểu lịch trình sinh hoạt của con. Trong nhà mình có 3 cuốn sách về vấn đề mang thai, 3 cuốn khác về vấn đề chăm sóc bé sơ sinh, và một vài cuốn nữa về sức khoẻ của trẻ (mà mình vẫn chưa có thời gian đọc xong, huhu). 
Việc học và tìm hiểu kiến thức đối với các ông bố bà mẹ lần đầu như vợ chồng mình quả thực rất quan trọng. Bạn hãy hình dung một ngày đẹp trời có một "sinh vật" bé xíu tự nhiên xuất hiện và đảo lộn tất cả cuộc sống của gia đình. Thời gian đầu sau sinh mình không thể ngủ đủ giấc chứ đừng nói đến nghỉ ngơi hay thư giãn. Con nôn trớ là tại sao? Đọc. Con tự dưng "quẩy" xuyên màn đêm không chịu ngủ? Đọc. Con khóc sau khi ăn sữa? Đọc. Và vô vàn vấn đề khác nữa. 
Nhưng cũng chính việc phải nạp kiến thức liên tục và thường xuyên như vậy đã giúp cho bọn mình dần dần hiểu em bé hơn và làm quen với trạng thái "bình thường mới", và có những trải nghiệm chưa từng bao giờ có như cảm xúc "vừa bực mình vừa buồn cười" (trích chồng mình). Dù rằng việc nuôi con là không hề dễ dàng, bọn mình đã dần cảm nhận được niềm vui và không còn quá "hoảng loạn" trước những thay đổi của em bé—tất cả nhờ vào sự chuẩn bị kiến thức. Đến bây giờ thì vui chính thức là nhiều hơn hoảng loạn rồi :>
Còn làm startup thì khỏi phải nói chắc ai cũng đều hiểu. Từ những ngày đầu của Spiderum, những người sáng lập như bọn mình đều phải mày mò tự học để có thể làm những công việc từ viết content (dù dở), thiết kế ảnh (dù xấu), học cách chạy quảng cáo (làm sao đừng đốt tiền ngu quá), thuyết phục khách hàng trả tiền (mà đừng đánh họ), cho đến quản lý nhân sự, quản trị dòng tiền, kêu gọi vốn đầu tư... 
Chính kỹ năng tự học và đương đầu với áp lực khi làm Spiderum cũng giúp mình trong việc làm mẹ nhiều đến bất ngờ. Rất có thể mình đã rèn luyện được sự bền bỉ, kiên nhẫn và nỗ lực để trở thành một người mẹ tốt hơn nhờ có kinh nghiệm làm startup. 
Cuối cùng để so sánh giữa việc làm startup với làm mẹ, thì mình còn thấy cả hai đều cần sự tin tưởng vào trực giác
Bản năng làm mẹ sẽ mách bảo cho bạn điều gì là tốt nhất với con mình, cho dù là lần đầu sinh con đi chăng nữa, hoặc là những người xung quanh có các phương pháp khác với bạn. Tất cả các bà mẹ trên đời này đều có thể làm mẹ thành công ở những khía cạnh cơ bản nhất, và mình tin dù vụng về, kém cỏi đến thế nào thì bất cứ bà mẹ nào cũng có sự kết nối thiêng liêng với con mình. Không ai được phép hay có quyền hoài nghi điều đó. Trực giác sẽ mách bảo. 
Cũng giống như cái khoảnh khắc mà mình vẫn còn rất nhớ, vào năm 2016 ở chân cầu thang của toà nhà văn phòng khi mình nói với Please: Tớ làm Spiderum được không? Khi ấy dù gần như không có một cơ sở gì để ra quyết định, nhưng trực giác đã mách bảo mình. 
Mình biết rằng làm startup hay làm mẹ là hai trải nghiệm cực kỳ quý giá đối với bản thân. Mình biết rằng mình đã may mắn. 

Bài viết này xin phép dừng tại đây. Nhưng mình còn muốn gửi lời cảm ơn tới chị Việt Hà vì cuốn Mùi Mẹ của chị đã giúp mình tin tưởng mạnh mẽ vào niềm hạnh phúc vẹn tròn của người phụ nữ, dẫu việc sinh con và nuôi con là cả một hành trình đòi hỏi nhiều nỗ lực. 
Cảm ơn những người anh em của mình ở Spiderum vì đã cáng đáng công việc trôi chảy trong suốt thời gian mình nghỉ sinh. 
Cảm ơn anh sơ vin và Please, hai người bạn tri kỷ, hai người đàn ông vô cùng quan trọng đối với cuộc đời mình—và cả bé Mup. 
Mình không đăng hình con lên mạng, nên xin phép dùng chiếc ảnh do một người em mình thiết kế ở đây. Cảm ơn em!