Cho đi làm sao để không mất…lòng tin? - #4 Series Tôi đi tìm cầu vồng (TDTCV)
Tính cách nhân ái được gieo từ khi bạn là một đứa trẻ. Thử thách 'đáng gờm' của cây nhân ái là mất lòng tin. Bài viết này cung cấp bài tập tăng sức đề kháng cho cây nhân ái của bạn.
Tính cách nhân ái giống như một hạt giống được ươm trong tâm hồn lúc còn là một đứa trẻ. Khi chúng ta lớn lên, một nhóm người tiếp tục nuôi dưỡng hạt giống nhân ái khiến họ sống giàu tình cảm, thích quan tâm, cho đi sự tử tế. Nhưng bản chất của cuộc sống luôn cài cắm khó khăn khiến ‘cây nhân ái’ đối mặt với nhiều thử thách, mà thử thách lớn nhất là mất lòng tin.
Đã bao giờ bạn thất vọng vì người bạn thương nhất bỏ rơi bạn? Hay món quà mà bạn đặt hết tình cảm bị xem thường? Hoặc bạn phát hiện người bạn thân nhất nói xấu sau lưng?
Cây nhân ái đối diện với nhiều thử thách và còn nhiều hơn nữa trong tương lai. Một vài người từng rất tốt bụng vì không chịu được đả kích, tổn thương nên từ bỏ tính cách tốt đẹp này. Một bộ phận khác kiên cường hơn nhưng lòng tin của họ dần mai một. Nếu bạn quyết tâm muốn che chắn cho cây nhân ái, Subin hy vọng bài viết này hữu ích với bạn.
Vì sao chúng ta mất lòng tin?
Khi nhiều kỳ vọng không được đáp ứng
Trong tập 3 của chuỗi TDTCV, Subin giải thích về kỳ vọng không đáp ứng và mẹo để thỏa hiệp với kỳ vọng. Trên thực tế, nhiều người hay cho đi thường có trái tim giàu tình cảm. Một số người may mắn vì họ phát triển cây nhân ái nhờ vào quan sát, cảm nhận tình yêu thương từ những người xung quanh.
Đối với tuýp người này, sự cho đi của họ thuần khiết và chân thành. Vì vậy, nhiều người muốn thiết lập mối quan hệ với họ, để đón nhận năng lượng nhân ái. Dĩ nhiên, họ cũng có thể thu hút những người tiếp cận vì mục đích không thiện lành, thậm chí là lợi dụng.
Nếu họ vô tình kết bạn với những người lợi dụng hoặc vô tâm, sự cho đi của họ có thể không được hồi đáp dù ở mặt tinh thần lẫn vật chất. Lúc này, những tổn thương chưa từng có xuất hiện. Dù họ tự an ủi bản thân rằng “có lẽ bạn mình chỉ vô tình” nhưng kỳ vọng cho lần sau càng nhiều hơn. Khi đối phương thể hiện rõ sự lợi dụng và vô tâm, kỳ vọng của bạn không được đáp ứng. Dần dà, bạn nhận lại ngày càng nhiều thất vọng, hậu quả là bạn mất niềm tin không chỉ với họ mà còn với nhiều người khác.
Một nhóm khác ít may mắn hơn vì trải qua những sự kiện tổn thương trong quá khứ. Những sự kiện đó tạo thành cái bóng tâm lý khó thể vượt qua. Tuy nhiên, sức sống bền bỉ khiến họ trở thành người cao thượng. Họ đồng cảm với những người bị thiếu tốn tình cảm hoặc từng chịu tổn thương. Thậm chí, họ không muốn người khác bị rơi vào vết xe đổ và cho đi điều mà họ từng khao khát được nhận lại.
Tuýp người này có sức đề kháng tốt hơn vì họ từng trải qua bài học của những tổn thương. Họ đặt bản thân vào vị thế của người khác để cảm nhận cảm xúc của đối phương. Từ đó, sự cho di của họ sâu sắc và tinh tế. Tuy nhiên, việc chữa lành cho một người từng bị tổn thương không dễ dàng. Đối phương có thể xem bạn là cứu tinh hoặc nghi ngờ vì lòng tốt của bạn. Khả năng cao, họ sẽ đáp lại bằng hành động không đúng như kỳ vọng của bạn.
Hành động đáp lại của đối phương nằm trong vòng tròn ảnh hưởng
Trong tập 1 của chuỗi TDTCV, Subin đã nhắc đến thuyết Vòng tròn quan tâm. Sự quan tâm, cho đi của bạn có thể ảnh hưởng tốt đến đối phương nhưng kỳ vọng của bạn lại nằm ở vòng tròn quan tâm. Điều đáng tiếc là kỳ vọng đáp lại từ đối phương đa phần gây ảnh hưởng đến bạn, về suy nghĩ hoặc cảm xúc.
Lấy ví dụ, bạn thường giúp bạn bè những khi họ gặp khó khăn. Đến lúc chính bạn rơi vào khó khăn, bạn tìm đến sự giúp đỡ của những người bạn thân thiết. Trong điều kiện lý tưởng, một vài người trong số đó có khả năng giúp đỡ bạn.
Cũng với tình huống này, trường hợp không mong muốn là không ai trong số họ có thể giúp đỡ bạn. Thậm chí, một vài người quay lưng, trốn tránh sự nhờ vả của bạn.
Khi bạn tìm đến sự giúp đỡ của người khác, lựa chọn của họ dựa trên khả năng, tiềm lực và suy nghĩ. Bạn không thể kiểm soát hoặc ra lệnh họ phải giúp bạn. Do đó, lựa chọn của họ nằm ở vòng tròn quan tâm của bạn. Nhưng quyết định của họ lại có tác động đến suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Nếu họ nhiệt tình giúp đỡ, bạn vui mừng và biết ơn họ. Những người muốn giúp nhưng không đủ khả năng, bạn ghi nhận tình cảm của họ. Những người quay lưng và từ chối thì bạn dễ cảm thấy thất vọng, hối tiếc vì đã tốt với người không xứng đáng.
Cách tăng sức đề kháng cho cây nhân ái
Một trong những điều thú vị khi Subin tìm hiểu về sức khỏe tinh thần là niềm tin vào ‘cơ thể tự chữa lành’, điển hình như hệ thống miễn dịch tạo nên sức đề kháng. Để bạn đọc dễ hình dung, hệ thống miễn dịch của chúng ta rất kiên cường, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt các tác nhân gây hại. Ngoài ra, cơ thể nhận biết những dưỡng chất có lợi để hấp thụ, tiếp tục nuôi dưỡng tế bào.
Hãy tưởng tượng cây nhân ái của bạn được bao bọc bởi một hệ thống miễn dịch trong suốt. Tăng sức đề kháng giúp hệ thống chống lại tác nhận đe dọa cho cây và chỉ tiếp nhận những điều tốt đẹp để nuôi dưỡng nhân ái. Nói một cách đơn giản, bạn cần thiết lập những quan điểm phù hợp để ngăn chặn sự mất lòng tin.
Thay đổi tâm lý cho đi – nhận lại bị ‘công bằng hóa’
Tâm lý cho đi – nhận lại bị ‘công bằng hóa’ khi bạn kỳ vọng nhận giá trị cho đi tương xứng hoặc gần giống với giá trị nhận lại, đa phần bạn thường nghĩ đến các giá trị vật chất. Như Subin đã nói phía trên, hành động đáp lại của đối phương nằm trong vòng tròn quan tâm. Khi bạn càng kỳ vọng được nhận lại thì hành động không đáp ứng kỳ vọng từ đối phương càng khiến cảm xúc của bạn tồi tệ hơn.
Làm sao để bạn thoát khỏi tâm lý này? Hãy suy nghĩ kỹ trước mỗi lần bạn muốn cho đi. Nếu bạn phát hiện lý do khiến bạn cho đi là muốn nhận lại. Vậy hãy ngừng lại vài phút để tự hỏi bạn muốn nhận lại điều gì? Điều đó có dễ dàng để đối phương dành cho bạn không? Nếu họ không thể cho bạn điều bạn muốn thì bạn có thất vọng không?
Ban đầu, bạn sẽ cảm thấy mất thời gian khi phải suy xét nhiều vấn đề. Thành thật thì không phải ai cũng kiên nhẫn để trả lời hàng chục câu hỏi để quyết định cho đi một món quà nhỏ. Nhưng Subin tin rằng nếu bạn tìm ra câu trả lời phù hợp trong những lần đầu thì hệ thống miễn dịch của bạn đang được xây dựng. Trong những lần tiếp theo, câu hỏi sẽ giảm dần mà bạn nhanh chóng quyết định cho lựa chọn cho đi.
Mục đích của việc đặt câu hỏi là giúp bạn nhìn nhận lại lý do thật sự khiến bạn muốn cho đi và đối diện với trường hợp xấu có thể xảy ra. Một hệ thống miễn dịch khỏe sẽ biết cách phân biệt những tác nhân xấu và có kịch bản để loại bỏ nó. Từ đó, sức đề kháng của cây tăng lên và cảm xúc của bạn ít bị ảnh hưởng dù thứ bạn nhận lại không như bạn mong muốn.
Dưới đây là ba câu hỏi điển hình giúp bạn quyết định cho đi, đó là:
Bạn có thật sự thấy vui vì đã giúp đỡ người khác, bạn muốn nhận gì từ họ ngoài các món quà vật chất?
Nếu người bạn giúp chỉ xuất hiện một lần trong đời? Điều gì thúc đẩy bạn muốn giúp họ?
Nếu một người không có gì trong tay và cần bạn, bạn có muốn giúp họ không?
Nếu một ai đó phản bội bạn, Subin mong là bạn chỉ buồn ngắn hạn và suy xét lại mối quan hệ đó. Một điều lạc quan là bạn đã nhận ra và vừa loại bỏ một tác nhân xấu trong dài hạn.
Gán các hoạt động cho trạng thái trầm tư
Khi bạn vừa đối mặt với một hoạt động tồi tệ từ người khác. Cảm xúc tiêu cực phóng đại khiến bạn căng thẳng, khó chịu, bứt rứt và những cảm xúc này có ảnh hưởng đến cơ thể của bạn. Sau đó, não bộ gán ký ức đó với một trạng thái kèm theo cảm xúc tiêu cực. Bạn có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn, dẫn đến trầm tư.
Trầm tư là một trạng trái đáng lưu tâm vì bạn có xu hướng phân tích vấn đề và một lần nữa chìm vào cảm xúc tiêu cực. Giống như bạn vừa kết thúc một trận cãi vã với người yêu nhưng sau đó bạn mới tìm được lý lẽ để thuyết phục cho luận điểm của bản thân. Hoặc những suy nghĩ lúc trầm tư càng khiến đối phương xấu trong mắt bạn, hành động của họ được in đậm trong trí não khiến bạn sợ phải chịu tổn thương tương tự. Từ đó, bạn mất lòng tin với họ, dần dà khép lòng khiến cây nhân ái bị khô héo.
Nếu bạn từng trải qua tình huống này, và Subin cũng từng như vậy, đã đến lúc chúng ta gán các hoạt động để tránh trạng thái trầm tư tiêu cực. Điều cần làm rõ là chúng ta thường trầm tư khi ở một mình hoặc trong thời gian rảnh. Do đó, Subin gợi ý hai giai đoạn để bạn tận dụng khoảng thời gian này.
Đầu tiên, hãy nhìn nhận vì sao bạn thu hút những hành động tiêu cực. Phương pháp này sẽ cần đến giấy và bút. Bạn cần nhìn nhận lại cảm xúc bản thân khi đối diện với hành động đó và ghi vào giấy. Sau đó, hãy tìm nguyên nhân khiến họ làm hành động đó với bạn. Tiếp đến, bạn phân tách vấn đề và xem xét trên góc nhìn khách quan. Cuối cùng, hãy đặt một giải pháp để vượt qua vấn đề đó trong tương lai.
Để dễ hình dung, Subin sẽ chuyển thành bốn câu hỏi:
1. Cảm xúc của tôi/mình khi nhận hành động đó (ghi ra hành động của đối phương)? 2. Vì sao họ đối xử như vậy với tôi/mình? 3. Nếu tôi/mình là họ, mình có hành động như vậy không? 4. Làm thế nào để tránh hành động tương tự xảy ra?
Nếu bạn không thể có câu trả lời cho các câu hỏi, như với câu 2,3,4, thì bạn có thể tìm đến đối phương để có một cuộc trò chuyện thẳng thắn. Trong trường hợp đối phương cắt đứt liên hệ hoặc bạn không thể nói chuyện thẳng thắn với họ, hãy tìm sự giúp đỡ của một người bạn có khả năng nhìn nhận vấn đề.
Lưu ý: Ưu tiên tìm người có tiếp xúc với bạn và đối phương để họ cho cái nhìn khách quan hoặc bạn hãy kể một cách đầy đủ chi tiết để bạn của bạn có thể đưa ra quan điểm phù hợp.
Thứ hai, Hãy tìm cách giải tỏa cảm xúc rồi mới phân tích vấn đề. Trong trường hợp bạn không thể đối diện với vấn đề, vì cảm xúc từ sự kiện quá lớn, thì hãy tìm cách làm dịu bản thân bằng các hoạt động tách bạn khỏi mạch trầm tư như nói chuyện với một người cho bạn cảm giác an toàn, nghe nhạc, tập thể dục, đi bộ, xem phim…
Khi tinh thần được thoải mái, bạn sẽ giảm cái nhìn chủ quan khi phân tích vấn đề. Mục đích từ việc nhìn nhận nhằm giúp bạn hiểu bản thân và hiểu động cơ cho hành động của người khác, từ đó bạn mới có thể quyết định từ bỏ hay tha thứ. Đồng thời, bạn cũng tăng sức đề kháng để giảm cảm xúc tiêu cực khi gặp trường hợp tương tự.
Chọn lọc mối quan hệ phù hợp
Một lý do khiến bạn mất lòng tin là lựa chọn tin tưởng vào mối quan hệ độc hại. Hãy tưởng tượng mỗi người là một trường năng lượng, nó không chỉ thu hút những người giống bạn mà còn ‘dính’ phải những người tìm đến vì mục đích thiếu lành mạnh, lợi dụng.
Một số dấu hiệu nhận biết đối phương là mối quan hệ độc hại
- Đối phương gây khó chịu bằng lời nói, hành động.
- Nói xấu sau lưng.
- Thích đòi hỏi, thích nhận nhưng không muốn cho.
- Thích thắng trong các cuộc tranh luận.
- Thường tìm bạn kể lể, than phiền về cuộc sống nhưng không nhận lời khuyên.
- Nhiều lần phớt lờ cảm xúc, thói quen của bạn.
- Bắt bạn thay đổi theo họ.
Đến một ngày, bạn nhận ra hành động của mình không sai, bạn nhiều lần cho đi nhưng đối phương không đáp lại thì đây là dấu hiệu cho thấy cả hai không phù hợp. Một mối quan hệ độc hại sẽ khiến bạn cảm giác khó chịu, thiệt thòi hoặc không được lắng nghe, thấu hiểu. Đôi khi, bạn cảm thấy bị lợi dụng về mặt tình cảm hoặc vật chất. Hậu quả, bạn không được sống với tính cách thật mà còn mất niềm tin.
Có thể bạn đã nghe qua ví dụ này, nhưng Subin cảm thấy phù hợp nên đề cập lại, đó là làm bạn với một người không phù hợp như việc gắn sai nút áo. Nút áo đầu tiên bị gắn sai dẫn đến những nút sau cũng sai. Cách tốt nhất là gắn lại từ nút áo đầu tiên.
Từ đầu bạn đã tìm kiếm mối quan hệ độc hại thì những hành động tiếp theo có đúng đắn cũng mang đến hậu quả cho bạn. Nếu bạn nhận ra nhưng vẫn không từ bỏ, vì bạn tin bản thân có thể thuần hóa họ, thì nên xem xét họ có muốn thay đổi vì bạn. Ranh giới giữa kiên trì và cố chấp cách nhau ở suy nghĩ và kết quả. Nếu họ không thay đổi suy nghĩ thì nỗ lực của bạn không chỉ khiến bạn xói mòn niềm tin mà còn tạo cái bóng tâm lý để khép lòng với người khác.
Hãy tưởng tượng vòng tròn yêu thương của bạn là một lọ thủy tinh và các mối quan hệ là trái bóng. Bạn nhìn thấy những trái bóng màu đen và giữ mãi trong lọ thì bạn đã bỏ lỡ những trái bóng màu sắc khác. Vậy tại sao không lấy trái bóng đen để nhường chỗ cho trái bóng màu 'niềm tin'?
Cuối cùng, Subin muốn chia sẻ trải nghiệm về sức mạnh của luật hấp dẫn và sự từ bỏ. Nếu bạn có tìm hiểu về thần số học thì bạn có thể biết cách tính con số chủ đạo bằng việc cộng ngày tháng năm sinh ra một con số từ 2 đến 11. Subin có số chủ đạo 11, sau một thời gian tự xây dựng quan hệ và học cách từ bỏ những mối quan hệ không phù hợp, vòng bạn bè của mình đón nhận nhiều người bạn giàu tình cảm và lòng nhân ái. Một lần rảnh rỗi, subin cộng ngày sinh của họ thì nhận thấy rất nhiều người bạn thân thiết có số chủ đạo 11.
Nếu bạn có biết về sinh trắc học vân tay, dựa trên vân tay phân ra ba chủng là Whorl, Loop và Arch. Trong đó, Arch là chủng vân tay hiếm, chỉ chiếm 5% dân số thế giới. Subin may mắn có chủng vân tay này và từ khi biết đến nó, mình nhận ra nhiều bạn bè cũng có chủng Arch. Nhờ vậy, mình dễ hiểu họ và chúng mình có thể học hỏi lẫn nhau.
Kết lại, bạn xứng đáng gặp được nhiều người phù hợp để quyết định đặt niềm tin. Khi ai đó làm tổn thương bạn, thì không tránh khỏi cảm xúc tồi tệ, tổn thương. Điều mà bạn có thể làm là nhìn nhận vấn đề và tìm cách hóa giải nếu trường hợp đó tiếp tục xảy ra trong tương lai. Bởi vì mối đe dọa lớn của cây nhân ái là mất lòng tin. Vì vậy, hãy xây dựng hệ miễn dịch biết đón nhận chất dinh dưỡng và loại bỏ mối quan hệ độc hại.
Đôi lời từ Subin: Chuỗi TDTCV gồm 9 bài viết, mình sẽ cố gắng đăng bài vào thứ 5 và chủ nhật mỗi tuần với độ dài mỗi bài thường hơn 2,000 chữ. Sau chuỗi này, mình muốn hướng đến những điều phù hợp với độc giả hơn, nên bạn đọc có thể đề nghị về vấn đề đang gặp phải từ phát triển bản thân và sức khỏe tinh thần.
Với những vấn đề mà mình đã trải qua, mình sẵn sàng cùng bạn nêu quan điểm. Để mình có thể gói gọn vấn đề trong một bài viết thì mình cần nghiên cứu, vì vậy mình hy vọng bạn đọc đừng ngại đặt vấn đề để mình có thể tập trung nghiên cứu sớm hơn.
Chúc bạn một ngày trọn vẹn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất