Sự kỳ vọng của một người hay cho đi - #3 Series Tôi đi tìm cầu vồng (TDTCV)
Kỳ vọng là nguyên nhân gây tổn thương, thất vọng cho người hay cho đi. Hãy cùng Subin thiết lập quan niệm mới khắc chế kỳ vọng và sự ích kỷ.
Trong chuỗi bài Tôi đi tìm cầu vồng (TDTCV), một trong những nội dung khiến Subin đắn đo nhất sẽ được chia sẻ trong bài viết này. Bởi vì những kinh nghiệm đúc kết cho bài viết này đến từ trải nghiệm, suy nghĩ sai rồi sửa, sửa đi sửa lại đến khi mình tìm thấy lối suy nghĩ khiến mình bình an khi cho đi. Trước đây, Subin luôn tự hỏi: Mình nên cho cái gì và nhận lại món quà nào sẽ khiến tâm mình hạnh phúc? Nếu bạn cũng đang bận tâm về vấn đề này, hãy chậm rãi cùng Subin nghiên cứu về chủ đề này.
Đầu tiên, chúng ta cùng bàn với nhau về định nghĩa về “sự kỳ vọng”. Đối với mình, kỳ vọng mô tả tâm lý mong chờ cho một sự việc được chúng ta dự đoán sẽ xảy ra trong tương lai. Đa phần, chúng ta kỳ vọng cho một điều liên quan đến người khác, một cách chủ ý hay vô tình, hoặc mong đợi người khác làm điều gì cho mình. Kỳ vọng và hy vọng có một vài điểm giống nhau, trong định nghĩa cũng gần giống nhau. Nhưng nếu xét trong bối cảnh khác nhau, bạn sẽ thấy được sự khác biệt giữa hai tâm lý này. Thậm chí, hỳ vọng không được đáp ứng có thể gây tổn thương nhiều hơn hy vọng không được đáp ứng.
Tuy nhiên, Subin chỉ bàn về sự kỳ vọng trong nội dung bài viết này và hy vọng sẽ có một bài viết nói về hai khái niệm trên trong tương lai.
Vì sao chúng ta kỳ vọng?
Vì tâm lý cho đi – nhận lại bị ‘công bằng hóa’
Trong tập 1 và tập 2 của chuỗi TDTCV, Subin thường sử dụng ví dụ về hộp socola nên bài viết này vẫn tận dụng ví dụ này. Bây giờ, bạn hãy tưởng tượng trên tay bạn là một hộp socola, khi bạn cho đi một viên kẹo thì bạn sẽ nhìn vào chỗ trống của viên kẹo vừa cho đi hay nhìn người bạn đang vui vẻ thưởng thức socola của bạn?
Nếu bạn mang quan điểm cho đi – nhận lại theo cách công bằng thì bạn sẽ mong đợi nhận được giá trị cho đi tương xứng hoặc gần giống với giá trị nhận lại. Lấy ví dụ, người bạn thân tặng cho bạn một món quà trị giá 200 ngàn, bạn sẽ tặng lại một món quà ít nhất 200 ngàn. Một lần khác, bạn tặng một món quà trị giá 500 ngàn cho người bạn đó nhưng họ lại tặng bạn món quà có giá trị thấp gấp đôi, thậm chí là gấp mười lần. Lúc này, trong nội tâm của bạn bất đầu nảy sinh sự so sánh và đánh giá theo quan điểm công bằng hóa hai món quà.
Sự so sánh xuất hiện khi bạn mang tâm lý kỳ vọng trước khi được nhận quà. Sự kỳ vọng này được hình thành từ trải nghiệm trong quá khứ và bạn tin tưởng đối phương sẽ cho bạn một món quà tương xứng. Nhưng khi sự kỳ vọng không được đáp ứng, bạn cảm thấy không hài lòng với món quà và có suy nghĩ khác hơn về đối phương. Điều này có tác động đến hành vi, suy nghĩ của bạn với người đó trong tương lai.
Vì cảm giác mong chờ
Cảm giác mong chờ người khác làm điều gì cho mình hoặc hiểu cho mình giống như bạn sắp rơi xuống núi và đang nắm một sợi dây thừng kết nối với người đó. Trong cuộc sống, chúng ta thường bị ràng buộc với những người xung quanh thông qua sự kỳ vọng. Như là, ba mẹ nuôi con cái và kỳ vọng con họ ăn học thành tài sau đó báo hiếu khi họ về già. Thầy cô dạy học trò và kỳ vọng học trò thi được điểm cao. Các bạn sinh viên nỗ lực lấy tấm bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi với kỳ vọng công ty trả mức lương cao.
Nhìn chung, chúng ta thường kỳ vọng người khác làm một điều gì đó xứng đáng với nỗ lực của bản thân. Khi bạn càng nỗ lực thì kỳ vọng càng cao, đồng thời thất vọng càng nhiều nếu kỳ vọng không được đáp ứng.
Một trường hợp khác, bạn luôn tốt với một nhóm bạn và nghĩ rằng họ hiểu về bạn. Nhưng khi xung đột xuất hiện, một hiểu lầm hoặc bạn làm điều gì làm phật ý họ, bạn mong đợi họ sẽ bỏ qua vì bạn đã từng tốt với họ. Tiếc thay, mọi người vẫn chì chiết bạn vì vi phạm đó. Bạn thất vọng và tự hỏi “Tại sao không ai thông cảm cho tôi?”, “Tại sao không ai đứng về phía tôi”, “Tôi chỉ vô tình phạm lỗi nhưng tôi rất tốt với mọi người mà”.
Có thể thấy, khi mong đợi càng nhiều, kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng càng ‘đau’. Thậm chí, bạn cố gắng ngừng mong đợi nhưng quan điểm công bằng hóa cho đi và nhận lại trong tiềm thức của bạn vẫn nảy sinh sự kỳ vọng trong lòng bạn.
Khi kỳ vọng hóa thành ích kỷ?
Nhiều kỳ vọng không được đáp ứng
Hậu quả của việc kỳ vọng cao và nhiều kỳ vọng không được đáp ứng dễ khiến một người từng cao thượng chọn cách khép lòng và không còn tin tưởng người khác.
Trong bài viết trước, Subin có đề cập về thuyết vòng tròn quan tâm, trong đó những kỳ vọng của bạn cho người khác nằm ở vòng tròn quan tâm. Nghĩa là, bạn đang mong chờ vào điều mà bạn không thể ảnh hưởng đến. Từ đó, cảm xúc của bạn bị phó thác vào sự phản hồi của người khác. Nên phần lớn bạn luôn mong chờ về một kết quả tốt đẹp mà quên tự hỏi rằng sự mong chờ đó có quá sức với đối phương.
Kỳ vọng thất bại = Thất vọng
Khi kỳ vọng cao và nhiều kỳ vọng, bạn cảm giác tổn thương và thấy người khác tồi tệ. Càng nhiều kỳ vọng thất bại càng gia tăng thất vọng. Đáng tiếc thay, bạn khó thể lý trí mà suy xét vấn đề khi mãi tập trung vào sự thất vọng đó.
Tóm lại, khi nhiều kỳ vọng không được đáp ứng, cảm giác thất vọng gia tăng thì sự ích kỷ có cơ hội hình thành. Trên thực tế, sự ích kỷ đã được nhen nhóm từ lúc bạn nảy sinh tâm lý kỳ vọng. Có một sự thật mà Subin từng khó khăn nhận ra, đó là kỳ vọng vào một điều mình muốn người khác làm cho mình cũng là một dạng của sự ích kỷ. Dù cho, bạn có động cơ để kỳ vọng, như việc bạn tốt với họ hoặc bạn cho họ quá nhiều điều thứ nên bạn cho bản thân quyền được mong chờ nhận lại. Nhưng khi nhận kết quả không đúng mong đợi, bạn lại trách họ. Thành thật nhé! Có phải sự ích kỷ đã khiến bạn chỉ cho phép họ làm đúng như mong đợi của bạn?
Làm sao để thỏa hiệp với sự kỳ vọng?
Trong cuộc sống, chúng ta khó thể không kỳ vọng. Mỗi người khi chọn một đức tin, một tôn giáo hoặc một quan điểm sống vẫn luôn mưu cầu hạnh phúc. Do đó, chúng ta khó thể loại bỏ hoàn toàn sự kỳ vọng, bởi vì mặt tích cực của kỳ vọng thể hiện bạn có sự tin tưởng đến người khác.
Vì vậy, điều có thể giúp Subin và bạn tăng sức đề kháng để đối diện với những kỳ vọng thất bại là học cách thỏa hiệp. Dưới đây là hai quan điểm mới được Subin thiết lập. Dĩ nhiên, bạn có thể tham khảo hoặc thử biến chúng thành của mình… bởi vì bạn cần thời gian dài để thật sự đón nhận nó.
Điều hướng kỳ vọng thành hai điều kiện
Trong điều kiện IF của excel sẽ cho ra kết quả theo biểu thức Đúng và Sai, còn trong kỳ vọng sẽ là Đáp ứng và Không đáp ứng. Nếu đối phương đáp ứng được kỳ vọng của bạn, bạn sẽ vui mừng và càng tin tưởng họ hơn. Nhưng nếu họ không thể đáp ứng kỳ vọng, bạn sẽ đối xử với họ như thế nào?
Trước khi kết quả xuất hiện, bạn hãy chuẩn bị tinh thần cho trường hợp không đúng như mong đợi. Bởi vì, bạn có thể đánh giá sự việc một cách sáng suốt hơn trong giai đoạn này. Đồng thời, việc suy nghĩ trước cho trường hợp xấu giúp cho bạn có tâm lý sẵn sàng đối mặt với tình huống tương tự trong tương lai. Khi tình huống xảy ra, bạn không quá bất ngờ, cảm xúc thất vọng phần nào được làm nguội.
Ngoài ra, giai đoạn bạn quyết định đặt kỳ vọng cũng là lúc bạn vô tình nảy sinh sự ích kỷ. Do đó, hành động suy xét hai điều kiện sẽ giúp bạn nhìn nhận lại sự ích kỷ của bạn. Từ đó, bạn có thể điều hướng sự ích kỷ thành sự bao dung.
Lấy ví dụ, con của bạn bị tụt hạng trong kỳ thi quan trọng. Nếu bạn đã nghĩ về tình huống xấu, mặc dù kết quả thực tế còn tệ hơn, thì cảm xúc thất vọng đã giảm một phần. Lúc này, bạn đủ bình tĩnh để suy xét vấn đề, thậm chí bạn đủ bao dung để nghĩ về tâm lý tổn thương của con bạn. Thực tế thì con của bạn không chỉ vừa nhận một kết quả đáng thất vọng mà còn lo sợ cái nhìn phán xét của bạn và mọi người xung quanh.
Tâm lý của người nông dân
Một điều thú vị mà Subin nhận ra từ người nông dân là họ luôn có sự chuẩn bị cho điều kiện khắc nghiệt. Khi họ trồng trọt, họ không chỉ đối mặt với nguy cơ thiên tai, lũ lụt, điều kiện thời tiết bất lợi mà còn tìm cách đối phó với chim, chuột hoặc côn trùng.
Khi bạn trồng mười hạt giống, chim có thể gắp đi bốn hạt, ba hạt không nảy mầm và hai hạt phát triển thành cây yếu ớt. Kết quả là, họ chỉ có một cây lúa khỏe mạnh. Khi công nghệ phát triển, người nông dân tìm các biện pháp ngăn chặn sự tàn phá của chim, chuột và côn trùng. Họ dùng phân bón tốt hơn để cho ra năng suất hạt lúa tốt.
Đối với điều kiện khí hậu, người nông dân thường thúc đẩy thu hoạch trước mùa lũ và bắt đầu mùa vụ mới sau khi lũ kết thúc. Đối với những ngày nắng gắt, họ tìm giải pháp như tưới nước, phun sương hoặc chọn trồng cây ưa nắng.
Nhìn chung, người nông dân luôn có phương án đối phó với các trường hợp xấu bởi vì họ không thể kiểm soát thiên nhiên. Bù lại, họ có thể điều chỉnh hành động để ứng phó với các điều kiện bất lợi. Đối với sự kỳ vọng cũng vậy, bạn không thể kiểm soát kết quả của người khác nhưng có thể điều chỉnh cách ứng phó với trường hợp xấu.
Chuyển hóa quan điểm cho đi – nhận lại và tâm lý được – mất
Khi bạn cho đi vật chất - bạn nhận lại sự an nhiên Khi bạn cho đi lòng nhân ái - bạn nhận lại cái tôi ‘lùn’ Khi bạn cho đi bao dung - bạn khắc chế vô minh
Khi bạn được an nhiên – Bạn mất tham Khi bạn giảm cái tôi – Bạn mất sân Bạn khắc chế vô minh - Bạn mất si
Kết lại, người hay cho đi biết giảm kỳ vọng thì gia tăng bao dung. Khi những kỳ vọng không đến từ sự ích kỷ, không so sánh thì bạn mới giảm thất vọng, tổn thương, tham lam trong mình. Từ đó, quan điểm cho đi không còn công bằng hóa, tâm lý khi cho đi cũng bình an hơn.
_
Đôi lời từ Subin: Chuỗi TDTCV gồm 9 bài viết, mình sẽ cố gắng đăng bài vào thứ 5 và chủ nhật mỗi tuần với độ dài mỗi bài thường hơn 2,000 chữ. Sau chuỗi này, mình muốn hướng đến những điều phù hợp với độc giả hơn, nên bạn đọc có thể đề nghị về vấn đề đang gặp phải từ phát triển bản thân và sức khỏe tinh thần.
Với những vấn đề mà mình đã trải qua, mình sẵn sàng cùng bạn nêu quan điểm. Để mình có thể gói gọn vấn đề trong một bài viết thì mình cần nghiên cứu, vì vậy mình hy vọng bạn đọc đừng ngại đặt vấn đề để mình có thể tập trung nghiên cứu sớm hơn.
Chúc bạn một ngày trọn vẹn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất