Dịch bệnh COVID-19 đang khoét sâu vào những bệnh tật trong lòng các xã hội phương Tây, làm lung lay tận gốc nền kinh tế lệ thuộc vào chủ nghĩa tiêu dùng ở các quốc gia giàu có nhất…

Trích dịch bài viết của tác giả David Harvey, một giáo sư nổi tiếng về nhân chủng học và địa lý của Đại học Thành phố New York. Ông là tác giả cuốn sách The Way of the World, xuất bản tháng 4/2016. Bài viết của ông được đăng trên tạp chí Jacobin của Mỹ ngày 20/3/2020.
Vào ngày 26/1/2020, khi lần đầu tiên đọc về loại virus Corona đang nổi lên ở Trung Quốc, tôi đã nghĩ ngay đến những hậu quả cho toàn cầu cho sự tích lũy tư bản. Tôi hiểu từ các nghiên cứu của mình về mô hình kinh tế rằng sự tắc nghẽn và gián đoạn trong dòng vốn liên tục sẽ dẫn đến sự mất giá, và sự mất giá trở nên phổ biến và sâu sắc sẽ báo hiệu sự khởi đầu của khủng hoảng.
Tôi cũng nhận thức rõ ràng rằng Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và nước này đã cứu trợ chủ nghĩa tư bản toàn cầu một cách hiệu quả sau hậu quả của cuộc khủng hoảng 2007-2008, do đó, bất kỳ tác động nào đến nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu, vốn dĩ đã ở trong tình thế bấp bênh.
Mô hình tích lũy tư bản hiện có, đối với tôi, dường như đã gặp rất nhiều trục trặc. Các phong trào phản kháng đã xảy ra ở hầu hết mọi nơi (từ Santiago đến Beirut), nhiều trong số đó tập trung vào thực tế là mô hình kinh tế thống trị không vận hành tốt đối với số đông dân chúng. Mô hình tân tự do này đang ngày càng dựa vào nguồn vốn giả tưởng, sự mở rộng về cung ứng tiền và tạo ra nợ. Nó không nhận thức được các giá trị mà nguồn vốn đó có khả năng sản xuất.
Vậy làm thế nào mô hình kinh tế thống trị, với tính hợp pháp và sức mạnh của nó, có thể hấp thụ và gánh vác những tác động không thể tránh khỏi của một đại dịch? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào việc sự đình trệ sẽ kéo dài và lan rộng trong bao lâu. Như Marx đã chỉ ra, sự mất giá không xảy ra vì hàng hóa không thể bán được mà vì chúng không thể được bán kịp thời.
Từ lâu, tôi đã từ chối ý tưởng về một thứ “bản chất tự nhiên” nằm ngoài và tách biệt với văn hóa, kinh tế và cuộc sống hàng ngày. Tôi có một cái nhìn biện chứng và tương tác về mối quan hệ qua lại của con người với tự nhiên. Tư bản làm biến đổi môi trường sống của chính nó với một hậu quả không lường trước được (như biến đổi khí hậu), đồng thời chống lại các lực lượng tiến bộ đang đấu tranh cho việc định hình lại các điều kiện môi trường. Từ quan điểm này, không có gì được coi là một thảm họa thực sự tự nhiên. Chắc chắn là virus có thể đột biến vào bất cứ thời điểm nào. Nhưng hoàn cảnh mà một đột biến trở thành mối đe dọa tính mạng phụ thuộc vào hành động của con người.
Có hai khía cạnh liên quan đến điều này. Đầu tiên, điều kiện môi trường thuận lợi làm tăng xác suất đột biến mạnh mẽ. Chẳng hạn, có thể tin rằng các hệ thống cung cấp thực phẩm trong vùng cận nhiệt đới ẩm đã góp phần vào việc này. Các hệ thống như vậy tồn tại ở nhiều nơi, bao gồm cả vùng Nam sông Dương Tử của Trung Quốc và Đông Nam Á. Thứ hai, các điều kiện thuận lợi cho việc truyền nhiễm qua cơ thể vật chủ rất khác nhau. Quần thể người với mật độ cao dường như là một mục tiêu dễ dàng. Người ta biết rằng dịch sởi, ví dụ vậy, chỉ phát triển mạnh ở các trung tâm dân số đô thị lớn và nhanh chóng biến mất ở các khu vực dân cư thưa thớt. Cách con người tương tác với nhau, di chuyển đến mọi nơi, thói quen vệ sinh… ảnh hưởng đến cách truyền bệnh. Trong thời gian gần đây, dịch SARS, cúm gia cầm và cúm lợn dường như đã bùng phát từ Trung Quốc hoặc Đông Nam Á. Trung Quốc đã phải gánh chịu nhiều hệ quả từ cơn sốt thịt lợn trong năm qua, kéo theo việc giết mổ lợn hàng loạt và giá thịt lợn leo thang.
Tôi không có ý định kết tội Trung Quốc. Có rất nhiều nơi khác mà rủi ro môi trường đối với đột biến và khuếch tán virus là rất cao. Cúm Tây Ban Nha năm 1918 có thể đã xuất phát từ bang Kansas của Mỹ, Châu Phi có thể đã ủ dịch HIV/AIDS, và chắc chắn là nới khởi đầu của dịch bệnh sốt Tây sông Nile và Ebola, trong khi sốt xuất huyết dường như phát triển mạnh ở Châu Mỹ Latinh… Nhưng các tác động kinh tế và nhân khẩu học của sự lây lan của virus phụ thuộc vào các vết nứt và lỗ hổng có sắn trong mô hình kinh tế thống trị.
Tôi không quá ngạc nhiên khi virus gây dịch bệnh COVID-19 được tìm thấy đầu tiên ở Vũ Hán (mặc dù nó có nguồn gốc từ đó hay không là điều không chắc chắn). Rõ ràng các hiệu ứng địa phương là đáng kể do đây là một trung tâm sản xuất lớn, có khả năng sẽ gây hậu quả kinh tế toàn cầu. Câu hỏi lớn là làm thế nào sự lây lan và khuếch tán có thể xảy ra và nó sẽ kéo dài bao lâu (cho đến khi phát triển được vắc-xin).
Kinh nghiệm trước đó đã chỉ ra rằng một trong những nhược điểm của quá trình toàn cầu hóa ngày càng tăng là sự bất lực trong việc ngăn chặn sự lan truyền nhanh chóng trên phạm vi quốc tế của các căn bệnh mới. Chúng ta sống trong một thế giới kết nối cao, nơi hầu hết mọi người đi du lịch. Nguy cơ khuếch tán dịch bệnh là rất lớn trong mạng lưới của con người. Điều nguy hiểm (về kinh tế và nhân khẩu học) là cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh có thể sẽ kéo dài tới một năm hoặc hơn.
Mặc dù đã có một sự suy giảm ngay lập tức trên thị trường chứng khoán toàn cầu khi tin tức ban đầu về dịch bệnh được đưa ra, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi sau một tháng hoặc hơn, thị trường đã đạt mức cao mới. Các tin tức cho thấy việc kinh doanh diễn ra bình thường ở mọi nơi ngoại trừ Trung Quốc. Dường như đã có niềm tin là chúng ta sẽ trải qua một đợt dịch bệnh giống như SARS với kết thúc nhanh và có tác động toàn cầu thấp, mặc dù tỷ lệ tử vong cao và tạo ra sự hoảng loạn không cần thiết trong thị trường tài chính.
Khi COVID-19 xuất hiện, một phản ứng nổi trội là mô tả nó như sự tái hiện của dịch SARS, với sự hoảng loạn thái quá. Phần còn lại của thế giới đối xử sai lầm với dịch bệnh này như thể một điều gì đang xảy ra ở “đâu đó”, dẫn đến sự chủ quan trong tầm nhìn và tâm trí (kèm theo các dấu hiệu của thái độ bài xích Trung Quốc ở một số nơi trên thế giới). Việc sự tăng trưởng của Trung Quốc bị virus làm ngừng trệ thậm chí còn được chính quyền Trump đón chào với sự vui mừng trên một chừng mực nào đó.
Tuy nhiên, những câu chuyện về sự gián đoạn trong chuỗi sản xuất toàn cầu liên quan đến Vũ Hán bắt đầu lan truyền. Chúng phần lớn bị bỏ qua hoặc được coi là vấn đề đối với các dòng sản phẩm hoặc tập đoàn cụ thể (như Apple). Việc phá giá chỉ xảy ra ở cấp độ địa phương, mang tính cá biệt và không hệ thống. Các dấu hiệu về nhu cầu tiêu dùng giảm cũng được giảm thiểu, mặc dù các tập đoàn, như McDonald, và Starbucks, có hoạt động rộng trong thị trường nội địa Trung Quốc đã phải đóng cửa ở đất nước này. Trùng với dịp năm mới của Trung Quốc, sự bùng phát của virus đã không được lưu tâm đúng mức trong suốt tháng 1. Sự tự mãn của phương Tây đã bị đặt sai chỗ.
Thỉnh thoảng mới có những tin tức về sự lây lan dịch bệnh trên phạm vi quốc tế, cho đến khi có nhiều đợt bùng phát nghiêm trọng ở Hàn Quốc và Iran. Và sự bùng nổ dịch bệnh ở Italia đã gây ra phản ứng dữ dội đầu tiên. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán bắt đầu vào giữa tháng 2, rồi chập chờn, đến giữa tháng 3 đã mất giá ròng gần 30% trên toàn thế giới.
Sự leo thang theo cấp số nhân của dịch bệnh dẫn đến một loạt các phản ứng không mạch lạc và đôi khi là hoảng loạn. Tổng thống Trump đã có những phát biểu kỳ khôi khi đối mặt với một làn sóng bệnh tật và tử vong tiềm tàng đang gia tăng. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất khi đối mặt với virus có vẻ kỳ lạ, ngay cả khi người ta nhận ra rằng hành động này nhằm giảm bớt tác động đến thị trường thay vì ngăn chặn tiến trình của virus.
Hầu như ở mọi nơi, các cơ quan công quyền và hệ thống chăm sóc sức khỏe đã vỡ trận. 40 năm của chủ nghĩa tân tự do ở khắp Bắc, Nam Mỹ và Châu Âu đã khiến công chúng hoàn toàn bị động và không sẵn sàng đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng kiểu này, mặc dù những nỗi sợ hãi trước đây về SARS và Ebola đã đưa ra hàng loạt cảnh báo và bài học sâu sắc về những điều cần phải được thực hiện. Trong nhiều phần của cái thế giới được cho là thuộc về văn minh phương Tây, các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương, được coi là tuyến đầu trong các trường hợp khẩn cấp về an toàn và sức khỏe cộng đồng loại, đã bất lực vì không có nguồn tài chính, do chính sách thắt lưng buộc bụng được thiết kế để phục vụ lợi ích của các tập đoàn và người giàu.
Các tập đoàn y tế chủ chốt đã ít hoặc không quan tâm đến việc nghiên cứu điều trị các bệnh truyền nhiễm, và hiếm khi đầu tư vào phòng ngừa. Họ không quan tâm đến việc đầu tư vào sự chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng mà chỉ thích thiết kế các phương pháp chữa bệnh cho cá nhân riêng lẻ. Người dân càng ốm đau, họ càng kiếm được nhiều tiền. Việc phòng dịch không đóng góp vào giá trị cổ đông. Việc vận hành kiểu con buôn đã loại bỏ khả năng đối phó với những trường hợp khẩn cấp của dịch vụ y tế công cộng.
Phòng ngừa thậm chí không phải là một lĩnh vực đủ hấp dẫn để đảm bảo quan hệ đối tác công tư. Tổng thống Trump đã cắt giảm ngân sách của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh và giải tán nhóm làm việc về đại dịch trong Hội đồng an ninh quốc gia với tinh thần giống như ông đã cắt mọi nguồn tài trợ nghiên cứu, kể cả về biến đổi khí hậu. Nói theo lối nhân hóa, tôi có thể kết luận rằng bản chất của dịch bệnh COVID-19 là sự trả thù của thiên nhiên sau hơn 40 năm.
Có một biểu hiện được ghi nhận, đó là các nền kinh tế mạnh và ít theo chủ nghĩa tân tự do nhất, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, cho đến nay đã kiểm soát đại dịch tốt hơn Italia. Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã xử lý dịch SARS khá tệ với rất nhiều sự che giấu và mâu thuẫn ban đầu, nhưng lần này, ông Tập đã nhanh chóng yêu cầu sự minh bạch cả trong báo cáo và thử nghiệm, và Hàn Quốc cũng làm tương tự. Mặc dù vậy, ở Trung Quốc, một khoảng thời gian quý giá đã bị mất (chỉ vài ngày làm cho tất cả trở nên khác biệt). Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở Trung Quốc là việc hạn chế dịch bệnh ở phạm vi tỉnh Hồ Bắc với thành phố Vũ Hán ở trung tâm. Dịch bệnh đã không di chuyển đến Bắc Kinh và các khu vực khác. Các biện pháp được thực hiện để hạn chế lây lan là rất mạnh tay, và gần như không thể thực hiện tương tự ở nhiều nơi khác vì lý do chính trị, kinh tế và văn hóa.
Trung Quốc và Singapore đã triển khai việc giám sát cá nhân đến mức độc đoán. Nhưng về tổng quan, điều này dường như đã cực kỳ hiệu quả trong việc chống dịch, tránh được nhiều cái chết do sự tăng vọt của dịch bệnh, mặc dù các biện pháp kiểm soát này đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ bên ngoài. Đây là thông tin quan trọng: Bất kỳ đồ thị tăng trưởng theo cấp số nhân nào cũng có một điểm cong mà ở đó số lượng tăng lên hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát (lưu ý ở đây, một lần nữa, tầm quan trọng của số lượng trong mối tương quan đến tỷ lệ). Việc Trump phải mất nhiều tuần để hiểu ra điều này có thể sẽ phải trả giá bằng nhiều mạng người.
Các  tác động kinh tế đã vượt khỏi tầm kiểm soát cả ở Trung Quốc và xa hơn nữa. Sự gián đoạn của việc làm thông qua chuỗi giá trị của các tập đoàn và trong một số lĩnh vực nhất định hóa ra có tính hệ thống và thực chất hơn so với suy nghĩ ban đầu. Hệ quả lâu dài có thể là rút ngắn hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong khi chuyển sang các hình thức sản xuất ít lao động hơn (với tác động to lớn cho thị trường việc làm) và phụ thuộc nhiều hơn vào các hệ thống sản xuất dựa trên trí thông minh nhân tạo. Sự gián đoạn của các chuỗi sản xuất đòi hỏi phải sa thải nhân công, làm giảm nhu cầu về nguyên liệu thô và tiêu thụ. Những tác động này sẽ tự tạo ra ít nhất một cuộc suy thoái nhẹ.
Nhưng các lỗ hổng lớn nhất tồn tại ở nơi khác. Các thể chế của chủ nghĩa tiêu dùng bùng nổ sau khủng hoảng 2007-2008 đã sụp đổ với những hậu quả tàn khốc. Các thể chế này dựa trên việc giảm thời gian quay vòng tiêu thụ càng sớm càng tốt. Luồng đầu tư vào các hình thức tiêu dùng như vậy có liên quan đến việc hấp thụ tối đa lượng vốn tăng theo cấp số nhân trong các hình thức tiêu dùng có thời gian quay vòng ngắn nhất có thể.
Du lịch quốc tế là biểu tượng cho điều này. Các chuyến xuất ngoại du lịch đã tăng từ 800 triệu lên 1,4 tỷ trong giai đoạn 2010-2018. Hình thức tiêu dùng tức thời này đòi hỏi phải đầu tư cơ sở hạ tầng lớn vào các sân bay và các hãng hàng không, khách sạn và nhà hàng, công viên giải trí và các sự kiện văn hóa, v..v.
Mạng lưới tích lũy tư bản này giờ đây đang chết chìm: Các hãng hàng không sắp phá sản, các khách sạn trống rỗng, và thất nghiệp hàng loạt trong ngành khách sạn sắp xảy ra. Ăn uống ngoài đường không phải là một ý tưởng tốt và các nhà hàng và quán bar đã bị đóng cửa ở nhiều nơi. Ngay cả việc ra khỏi nhà cũng nhiều rủi ro. Đội quân lao động đông đảo trong nền kinh tế thời vụ hoặc trong các hình thức làm việc bấp bênh khác đang bị sa thải mà không có phương tiện hỗ trợ hữu hình. Các sự kiện như lễ hội văn hóa, giải đấu bóng đá và bóng rổ, buổi hòa nhạc, hội nghị kinh doanh và chuyên gia, và thậm chí các cuộc họp mặt chính trị xung quanh hoạt động bầu cử đều bị hủy bỏ. Các sự kiện này đều dựa trên các hình thức khác nhau của chủ nghĩa tiêu dùng đang giãy chết. Các khoản thu của chính quyền địa phương đã bị sụp đổ. Các trường đại học và trường học đang đóng cửa.
Phần lớn các mô hình tiên tiến của chủ nghĩa tiêu dùng tư bản đương đại là không thể hoạt động trong điều kiện hiện nay. Động lực hướng tới những gì André Gorz mô tả là “chủ nghĩa tiêu dùng bù trừ” (lý thuyết cho rằng khi các cá nhân gặp phải sự khác biệt giữa bản thân hiện tại và bản thân họ mong muốn, tức là bị “tha hóa”, họ có thể giải quyết sự khác biệt này và sự khó chịu tâm lý liên quan bằng cách tiêu thụ hàng hóa – Người dịch) đã không còn chỗ đứng.
Khoảng 70 hoặc thậm chí 80% giá trị nền kinh tế tư bản đương đại được định đoạt bởi chủ nghĩa tiêu dùng. Niềm tin và tình cảm của người tiêu dùng trong hơn 40 năm qua đã trở thành chìa khóa để tăng nhu cầu mua sắm, từ đó tăng vốn để đáp ứng nhu cầu này. Trong nhiều năm, nguồn năng lượng kinh tế này đã không chịu sự biến động mạnh mẽ (với một vài ngoại lệ như vụ phun trào núi lửa Iceland đã chặn các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương trong một vài tuần).
Nhưng đại dịch COVID-19 không phải một dạng thiên tai mà là một sự sụp đổ toàn diện trái tim của chủ nghĩa tiêu dùng đang thống trị các quốc gia giàu có nhất. Hình thức xoắn ốc của tích lũy tư bản vô tận đang tan vỡ từ nơi này sang nơi khác. Điều duy nhất có thể cứu nó là sự tài trợ của chính phủ cho một văn hóa tiêu dùng đại chúng. Điều này sẽ yêu cầu xã hội hóa toàn bộ nền kinh tế của Mỹ. Và đó có thể coi là một hình thức của chủ nghĩa xã hội.
Nguồn: Anti-Capitalist Politics in the Time of COVID-19, David Harvey, Jacobinmag.com.
Biên dịch: Đại Việt / Redsvn.net.