Chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979 - Nhìn từ góc độ công pháp quốc tế
“Khi đại bác lên tiếng thì luật pháp im lặng” - câu nói này không chỉ đúng với cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979. Những thiết chế chính trị - an ninh quốc tế đã không thể cứu Việt Nam khỏi một cuộc chiến với đất nước anh em chung ý thức hệ và chung đường biên giới. Tuy nhiên, khi độ lùi của lịch sử đã đủ để cho phép nhìn lại cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu này, cần thiết phải đặt sự bùng nổ của cuộc chiến dưới lăng kính công pháp quốc tế. Chỉ khi nhìn nhận lại cuộc chiến dưới các chuẩn mực công pháp quốc tế, thì hai nước - hai dân tộc, cũng như cộng đồng quốc tế mới thực sự rút ra được bài học kinh nghiệm, để tránh những hiểm họa binh đao trong tương lai.
Sự bùng nổ của chiến tranh: jus ad bellum và jus in bello
Hiểu một cách khái quát, công pháp quốc tế là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể công pháp quốc tế (mà chủ yếu là các quốc gia). Luật chiến tranh có lẽ là một bộ phận ra đời sớm nhất của công pháp quốc tế, gắn liền với lịch sử chiến tranh của loài người.
Hai nhóm vấn đề quan trọng của luật chiến tranh, đó là jus ad bellum (quyền tiến hành/phát động chiến tranh), và jus in bello (quyền hành xử/ứng xử trong chiến tranh). Jus ad bellum là tập hợp các chuẩn mực, các lí do hợp pháp để tiến hành một cuộc chiến tranh vũ trang; còn jus in bello là “bộ quy tắc ứng xử” của các bên tham chiến, nhằm lại giảm sự đau khổ và hậu quả của chiến tranh, như quy chế đối xử với tù binh, với dân thường, không sử dụng một số loại vũ khí như bom chùm, vũ khí xạ sinh hóa (NBC) …
Trong bài viết này, chủ yếu tập trung phân tích về sự bùng nổ của cuộc chiến, dưới góc độ jus ad bellum. Câu hỏi nghiên cứu chủ yếu được đặt ra là: Liệu Trung Quốc có đủ lí do hợp pháp để tiến hành chiến tranh chống Việt Nam hay không? Và lí do thực sự của cuộc chiến là gì?
Chiến tranh trừng phạt dưới vỏ bọc “Đối Việt tự vệ hoàn kích chiến”
Trong lịch sử, thường có ba lí do để biện minh về quyền tiến hành chiến tranh của một quốc gia (jus ad bellum): Đó là (i) tự vệ (self-defence), (ii) chiến tranh phòng ngừa (preventative war), và (iii) chiến tranh trừng phạt (punitive war).
Tuy nhiên, sau năm 1945, thì chỉ còn các cuộc chiến tranh tự vệ là hợp pháp, theo điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc (Không có một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên Liên hợp quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng bảo an chưa áp dụng được những biện pháp cần thiết để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế). Ngoài ra, sự ra đời của định chế Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng hợp pháp hóa các hoạt động quân sự thuộc thẩm quyền của Hội đồng bảo an.
Với cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979, phía Trung Quốc gọi đây là “Đối Việt tự vệ hoàn kích chiến”, tức Chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam. Điều này mang hàm ý rằng đây là một cuộc chiến tự vệ, phù hợp với điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc. Song trên thực tế, các bằng chứng lịch sử và những lập luận pháp lý đã bóc trần cuộc chiến này như một cuộc chiến tranh trừng phạt, để “dạy cho Việt Nam một bài học” như lời của ông Đặng Tiểu Bình.
Lẽ dĩ nhiên, đặt trong bối cảnh chính trị thế giới sau năm 1945, khi mà chỉ có các hành vi tự vệ được cho phép, thì tất cả các quốc gia - không chỉ Trung Quốc - đều tìm cách biện minh cho cuộc chiến như là một hành vi tự vệ. Điều này dẫn đến một câu hỏi: Điều gì phân biệt một cuộc chiến tranh tự vệ với một cuộc chiến tranh trừng phạt?
Chiến tranh trừng phạt chưa bao giờ biến mất trong chính trị quốc tế
Một cách chung nhất, chiến tranh trừng phạt có thể được định nghĩa là sự phản ứng cao nhất của một quốc gia đối với một quốc gia khác, vì một hành vi được cho là sai trái. Hành vi sai trái này được coi là lí do cho sự trừng phạt, giúp gia tăng tính chính nghĩa của cuộc chiến.
Thời kì Trung cổ, các cuộc chiến tranh trừng phạt thường nhân danh Chúa. Trong thời kì hiện đại, với sự phát triển của các định chế an ninh quốc tế như Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, quan điểm về việc một quốc gia có thể trừng phạt một quốc gia khác bằng chiến tranh ngày càng mất chỗ đứng. Chỉ còn một số học giả vẫn ủng hộ chiến tranh trừng phạt. Những học giả này dựa vào hai lập luận chính để bảo vệ việc tiến hành chiến tranh trừng phạt, đó là: (i) chiến tranh trừng phạt được thực hiện như một sự trả đũa (retribution) nhằm cân bằng lại những điều mà quốc gia trừng phạt đã phải chịu đựng đối với quốc gia bị trừng phạt; (ii) một cách thực dụng để khôi phục trật tự quốc tế, bằng cách trừng phạt một quốc gia cho đến khi quốc gia đó từ bỏ việc xâm phạm trật tự quốc tế.
Xét trong trường hợp của cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, Trung Quốc cũng sử dụng những quan điểm nói trên để biện minh cho việc phát động chiến tranh, theo đó chiến tranh biên giới phía bắc được phát động để trả đũa lại việc Việt Nam phát động chiến tranh biên giới tây nam để lật đổ chế độ Polpot, đồng thời cũng là để buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Cam-pu-chia. Cách lập luận này xuất phát từ một giả định cho rằng có những quốc gia “bình đẳng” hơn các quốc gia khác, có quyền áp đặt trừng phạt lên một chủ thể đồng đẳng với mình. Rõ ràng, điều này đi ngược lại tinh thần của Hiến chương Liên Hợp Quốc về sự bình đẳng giữa các quốc gia.
Mặc dù chiến tranh trừng phạt đã bị cấm bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc, song nhiều quốc gia vẫn sử dụng hình thức này - dưới vỏ bọc chiến tranh tự vệ. Một ví dụ tương tự cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, là việc Mỹ đã hủy diệt một nửa lực lượng hải quân Iran, để đáp trả việc tàu hộ vệ USS Samuel B. Roberts bị trúng thủy lôi của Iran trong vịnh Ba Tư năm 1988. Iran sau đó đã kiện Mỹ ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vào năm 1992. Mặc dù ICJ kết luận rằng hành động của Mỹ là phi lí, nhưng phán quyết này cũng không củng cố thêm yêu sách bồi thường của Iran, hay lập luận về sự tự vệ của phía Mỹ.
Trong giai đoạn cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, các cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và thứ hai, cuộc chiến ở Nam Tư, ở Libya … đều mang dấu ấn của chiến tranh trừng phạt, khi mà nước Mỹ đã thể hiện vị trí như một “cảnh sát quốc tế”, áp đặt các quốc gia khác theo các chuẩn mực chính trị của mình.
Giả định cơ bản về chiến tranh trừng phạt, đó là việc một quốc gia hay một cộng đồng các quốc gia đã bị xâm phạm bởi một quốc gia khác. Do đó, quốc gia này thực hiện các biện pháp đáp trả tương ứng, bao gồm việc sử dụng lực lượng vũ trang tiến hành chiến tranh trừng phạt. Những người ủng hộ chiến tranh trừng phạt cho rằng quốc gia bị trừng phạt cần phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nếu không, các khuôn khổ về chủ quyền quốc gia và chuẩn mực quốc tế sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đã tồn tại các định chế an ninh quốc tế như Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, thì việc trao cho một quốc gia quyền được trừng phạt quốc gia khác là không hợp lí.
Những biện minh vụng về của Trung Quốc cho việc tiến hành chiến tranh trừng phạt Việt Nam năm 1979
Dưới góc độ chính trị, việc phát động chiến tranh của Trung Quốc nhằm nhiều mục đích, như “chia lửa” cho đồng minh là chế độ Polpot, tàn phá tiềm lực kinh tế - quân sự của Việt Nam, thử phản ứng của Liên Xô và khối quân sự Warsaw trong tình huống nổ ra chiến tranh lớn với Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ về chính trị - kinh tế - kĩ thuật của Mỹ và phương Tây, cũng như các mục tiêu chính trị nội bộ khác …
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật quốc tế, thì việc phát động chiến tranh chống Việt Nam được Trung Quốc biện minh như là một sự tự vệ đáp trả lại việc Việt Nam gây ra xung đột ở biên giới phía bắc, và phát động chiến tranh ở biên giới tây nam chống chế độ Polpot. Trong hoàn cảnh Liên Xô đứng về phía Việt Nam, và sử dụng quyền phủ quyết (veto) ở Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và các đồng minh không thể nhân danh Liên Hợp Quốc để thực hiện một hành động quân sự chống Việt Nam, mà chỉ có thể tố cáo Việt Nam “xâm lược” Cam-pu-chia ở diễn đàn quốc tế này, để củng cố tính “chính nghĩa” của cuộc chiến. Mặc dù chiến tranh trừng phạt là bị cấm theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, song qui định về “tội phạm xâm lược” (crime of aggression), hay khái niệm “mối đe dọa với hòa bình” (threat to peace) lại rất mơ hồ, khiến cho Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc rất linh động trong giải thích và áp dụng.
Trước hết, Trung Quốc đã vi phạm khoản 4, điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc (Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hợp Quốc). Trung Quốc chắc chắn đã sử dụng vũ lực qui mô lớn, khi huy động hơn 600.000 quân cho một cuộc chiến tranh xâm lược (war of aggression) Việt Nam.
Thêm vào đó, Trung Quốc không thể biện minh cho cuộc xâm lược này là một hành vi tự vệ chống Việt Nam, bởi việc tự vệ theo điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc phải là sự đáp trả lại một cuộc tấn công vũ trang (armed attack). ICJ định nghĩa tấn công vũ trang là việc quân đội chính quy của một quốc gia xâm phạm đến toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác. Chỉ khi đó, quốc gia bị tấn công mới có quyền tự vệ đáp trả. Trên thực tế, không có bằng chứng nào về một cuộc tấn công vũ trang từ Việt Nam chống Trung Quốc. Những xung đột (mà chủ yếu do Trung Quốc gây ra) ở đường biên trước ngày 17/02/1979 chỉ được coi là những xung đột biên giới (border clash). Trong những cuộc xung đột đó, cả hai phía đều gần như không sử dụng hỏa khí, và lực lượng tham gia chủ yếu chỉ là lính biên phòng và dân quân ở biên giới. Những xung đột biên giới (do chính Trung Quốc gây ra) không phải là một cuộc tấn công vũ trang, để tạo ra cái cớ cho Trung Quốc tiến hành phản kích tự vệ.
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc cũng không phù hợp với các tiêu chuẩn của jus ad bellum về sự cần thiết (necessary) và sự tương xứng (proportional). Về sự cần thiết, mặc dù điều này không được giải thích rõ ràng, nhưng có thể hiểu khái quát rằng: việc tiến hành chiến tranh phải là giải pháp cuối cùng (last resort), khi không còn giải pháp phi vũ lực nào khác. Quốc gia tiến hành chiến tranh tự vệ phải chứng minh rằng việc tự vệ phải cần thiết, tức thời, áp đảo, không còn giải pháp thay thế, và không có thời gian để cân nhắc. Trên thực tế, thì Trung Quốc không hề có nỗ lực tìm kiếm các giải pháp ngoại giao song phương và đa phương để giải quyết vấn đề biên giới với Việt Nam, trước khi bắt đầu tiến hành chiến tranh. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã được dự tính trước, vượt khỏi khuôn khổ tự vệ, và Trung Quốc cũng không gặp phải nguy hiểm tức thời từ các xung đột biên giới với Việt Nam đến mức buộc phải tiến hành chiến tranh mà không có thời gian để cân nhắc.
Cuộc chiến tranh chống Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc cũng không hề tương xứng với thực tế biên giới hai nước khi đó. Sự tương xứng có thể xem xét đối với qui mô sử dụng vũ lực, cũng như với mục tiêu chiến tranh. Về qui mô sử dụng lực lượng, Việt Nam chỉ duy trì các đơn vị công an nhân dân vũ trang (biên phòng - border guard) cùng với dân quân tự vệ ở sát đường biên. Trong các cuộc xung đột, phía Việt Nam thường bị áp đảo, và rất hạn chế sử dụng hỏa lực, mà chủ yếu là đụng độ bằng chân tay, hay các vũ khí lạnh. Đến trước chiến tranh, các quân khu biên giới của Việt Nam cũng chỉ có 7 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập, với tổng quân số chỉ khoảng từ 70.000-100.000 quân. Trong khi đó, trực tiếp tham chiến bên phía Trung Quốc là 30 sư đoàn bộ binh, cùng nhiều đơn vị binh chủng như xe tăng, pháo binh, phòng không … với tổng quân số lên đến 600.000 quân. Có nơi quân Trung Quốc đánh sâu vào biên giới Việt Nam đến 50km, bao vây cả các sư đoàn chủ lực của Việt Nam, chiếm và hủy diệt một số thị xã tỉnh lị của Việt Nam như Lạng Sơn hay Cao Bằng. Qui mô sử dụng lực lượng này không tương xứng với tính chất của các cuộc xung đột biên giới trước ngày 17/02/1979, cũng không hề tương xứng với mục đích tự vệ mà Trung Quốc tuyên truyền.
Trên phương diện liên hệ với cuộc chiến chống chế độ Polpot của Việt Nam ở biên giới tây nam, Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã xâm lược Cam-pu-chia, và cần phải “dạy cho Việt Nam một bài học” - một cách nói ẩn dụ của việc trừng phạt Việt Nam. Tuy nhiên, việc trả đũa vũ trang (armed reprisal) đã bị cấm bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc. Trung Quốc phải thông qua các thủ tục tại Chương VII của Hiến chương để phản ứng với Việt Nam, nếu như cho rằng các hành vi của Việt Nam là một cuộc chiến tranh xâm lược.
Khi chiến tranh trừng phạt không bị trừng phạt
Với những phân tích ở trên, có thể thấy rõ rằng: Cuộc chiến tranh chống Việt Nam của Trung Quốc năm 1979 là vi phạm nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, cũng không thể được biện minh bằng quyền tự vệ theo điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Việc phát động chiến tranh không đảm bảo những tiêu chuẩn về sự cần thiết và sự tương xứng của một cuộc chiến tranh tự vệ.
Tương phản lại với điều này, là cuộc chiến tranh biên giới tây nam do Việt Nam phát động cuối tháng 12/1978, chống lại chế độ Polpot ở Cam-pu-chia. Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công vũ trang qui mô lớn từ Polpot trong suốt giai đoạn 1975-1978. Mức độ sử dụng binh lực ngày càng tăng dần, mà đỉnh điểm là việc Polpot huy động đến 19 trong tổng số 23 sư đoàn chủ lực để vượt biên giới tấn công Việt Nam. Nói cách khác, từ một xung đột biên giới, những hành động chống Việt Nam của chế độ Polpot đã trở thành một cuộc tấn công vũ trang thực sự. Phía Việt Nam cũng đã sử dụng nhiều giải pháp ngoại giao, tận dụng nhiều diễn đàn quốc tế để cố gắng hòa giải xung đột biên giới. Việc phản công tự vệ lại quân Khmer Đỏ là phù hợp với pháp luật quốc tế, là giải pháp cuối cùng, và là sự đáp trả tương xứng với qui mô của cuộc chiến.
Thế nhưng, điều trớ trêu là đòn phản công tự vệ của Việt Nam chống Polpot lại bị coi là một cuộc chiến tranh xâm lược Cam-pu-chia, và là cái cớ để nhiều nước lên án Việt Nam trên trường quốc tế. Việc Trung Quốc tiến hành chiến tranh chống Việt Nam vào tháng 02/1979 rõ ràng là một cuộc chiến trừng phạt - điều đã bị cấm bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc. Song với vị thế là một ủy viên thường trực Hội đồng bảo an, có quyền phủ quyết, Trung Quốc đã không phải chịu một phản ứng nào mang tính thực tế, ngoại trừ những phê phán ở cấp độ quốc gia, đến từ một số đồng minh của Việt Nam như Liên Xô hay Cuba. Nói cách khác, ngoại trừ việc mất uy tín trên trường quốc tế do tính phi lí của cuộc chiến tranh, và những tổn thất quân sự không tương xứng với tương quan lực lượng hai bên trong chiến cuộc, Trung Quốc không phải gánh chịu những hậu quả lớn từ cuộc chiến tranh trừng phạt này.
Cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979 là một ví dụ điển hình cho một cuộc chiến tranh trừng phạt trong thế kỉ XX - một cuộc chiến tranh trừng phạt ẩn dưới lớp áo tự vệ. Dù Hiến chương Liên Hợp Quốc đã cấm hình thức trừng phạt bằng chiến tranh, thì các cường quốc vẫn chưa bao giờ từ bỏ công cụ này trong địa hạt chính trị quốc tế. Jus ad bellum - những tiêu chuẩn về tính chính nghĩa khi phát động chiến tranh - đã bị lạm dụng để biện minh cho những hành động chiến tranh trừng phạt của một số nước lớn.