"Chiến binh cầu vồng" là bản hùng ca về niềm đam mê mãnh liệt, sự kiên trì bền bỉ của mười hai con người tại trường Muhammadiyah. Đúng như tên gọi tác phẩm, mỗi một nhân vật được khắc họa chính là một chiến binh vĩ đại trong cuộc đấu tranh giành quyền được học, đến trường, được thay đổi số phận. Mỗi nhân vật mang trong mình một gam màu riêng để rồi tất cả cùng nhau tạo nên dải cầu vồng kỳ diệu trên bầu trời cao vợi sau những lần chiến đấu gian nan không mệt mỏi. Không hề quá khi cho rằng, "Chiến binh cầu vồng" như một lăng kính vạn hoa, chỉ cần một cái lắc nhẹ nhàng là một câu chuyện mới được kể ra, một cảm xúc mới lại hiện lên trong trái tim độc giả. Cứ như thế, từ những dòng đầu tiên cho đến những con chữ cuối cùng của tác phẩm, người đọc sẽ được trải qua hàng trăm cung bậc cảm xúc, lúc sâu lắng nhẹ nhàng, khi lại cuộn trào mãnh liệt. Ta sẽ cùng khóc, cùng cười với chính câu chuyện của mười hai con người – mười hai chiến binh vĩ đại ở xứ đảo xa xôi.
        Tác phẩm được mở đầu bằng câu chuyện về ngày đầu đến trường của những đứa trẻ “kì lạ” ở Belitong – Mã Lai. Nói là kì lạ vì câu chuyện đến trường với nhiều người hiển nhiên như việc ăn việc uống hằng ngày. Nhưng với những đứa trẻ ở đây, vì ngay cả miếng cơm manh áo cũng đã đủ ghì chặt chúng vào vòng xoáy nghèo khổ bao đời, nên việc đến trường lại càng hão huyền hơn. Đối với chúng, đến trường là hi vọng, đi học là ước mơ. Đoạn đầu tác phẩm được tác giả khắc họa hết sức sinh động bởi những gam màu đối chát nhau, sự tương phản đến kịch tính giữa một bên là những đứa trẻ cùng niềm hứng khởi đến trường với một bên là cha mẹ chúng cùng biết bao nỗi lo toang muộn phiền vì nỗi lo lắng mất một người làm công trong nhà. Là sự tương phản giữa số phận nghèo khổ đến cùng cực với tinh thần ham học, khát khao thay đổi cuộc đời đến cháy bỏng trong mỗi đứa trẻ. 
        Làm nền cho câu chuyện của mười hai con người vĩ đại chính là ngôi trường Mahammadiyah. Khi mà hình tượng con người được tác giả khắc họa lấp lánh, rực rữ, đầy nhựa sống bao nhiều thì ngôi trường lại hiện lên với nét thiếu thốn, hoang tàn bấy nhiêu. Đó là ngôi trường xập xệ đến mức có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Lớp học được tả lại với sự thiếu thốn đến mức thảm thưởng: tủ kính trưng bày trống hua hoắc, không có lịch, bảng nhân,...Thế nhưng, ngôi trường ấy đã lại chính là nơi ôm ấp và cứu lấy giấc mơ của những đứa trẻ, nơi mà người ta luôn thấy những trái tim rực lửa cháy hừng hực suốt mấy năm trời. Là ngôi trường mà hơn mười con người đã chiến đấu đến cùng để bảo vệ bằng mọi giá. Khung nền bao quát cho cả câu chuyện chính là cuộc sống cùng cực nơi đây, khi mà mười đứa trẻ luôn đi học trong tình trạng rách rưới, không có dép; áo của đứa nào có đủ dãy cúc đã là một sự “giàu có” trong mắt của những đứa còn lại. Khi mà trường thậm chí đã miễn mọi thứ phí cho học sinh thì bố mẹ chúng vẫn nghĩ rằng việc con mình ở nhà để kiếm sống vẫn tốt hơn nhiều so với đến trường.  Thế nhưng, hơi ai hết những đứa trẻ đó lại luôn muốn bẻ gãy vòng tròn nghèo đói lặp đi lặp lại mấy đời nay.
"Sự sống nảy sinh từ trong cái chết..." - Ảnh: Unplash
        “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Câu chuyện về mười hai con người ấy là minh chứng sống cho chân lý đó. Trên nền cuộc sống ở đáy cùng của xã hội, bị người đời lãng quên là hình ảnh sáng lòa của những nhân cách cao cả, của những tinh thần ham học ham dạy. Họ giống như “những động vật thân mềm nhỏ bé bám vào nhau để tự bảo vệ mình khỏi những đợt sóng dập dồn trong đại dương tri thức”. Là Syahdan với vóc dáng nhỏ bé nhưng sức ăn thì khỏe nhất lớp. Kế đến là A Kiong xuất thân từ một gia đình gốc Hoa có vẻ ngoài “ma chê quỷ hờn” nhưng lại sáng dạ. Đối lập với A Kiong là Kucai có vẻ ngoài ưa nhìn nhưng việc hấp thụ kiến thức đối với cậu là việc khá khó khăn. Tuy nhiên với những tố chất khác: tinh quái, thái độ biết tuốt thì cậu được vinh dự bầu làm lớp trưởng. Được mệnh danh là “chàng hoàng tử” của lớp, Trapani hoàn hảo với khuôn mặt điển trai, ngoại hình luôn tinh tươm. Sahara lại là đứa con gái duy nhất của lớp với tính cách hết sức chân thật, luôn ân cần quan tâm mọi người. Một học sinh đặc biệt của lớp là Harun, cậu bé kém may mắn bị hội chứng down nhưng luôn vui vẻ. Không thể kể đến hiệp sĩ danh dự của lớp là Borek với niềm đam mê mãnh liệt có được thân hình vạm vỡ của một tráng sĩ. Hay Ikal với câu chuyện tình đầy ngây thơ trong sáng.
        Trong mười đứa trẻ của ngôi trường ấy, có hai nhân vật được tác giả đặc biệt thể hiện hết sức tài tình là Litang và Mahar. Litang xuất hiện trước hết là một phép màu kì lạ. Để đến được trường, không như những học sinh khác, cậu phải vượt qua hành trình hơn bốn mươi cây số, đi qua bốn khu rừng rậm rạp, lúc đạp xe, lúc lại phải bơi qua sông luôn có cá sầu rình rập. Thế nhưng, những gian nan ấy chưa bao giờ là lý do để Litang từ bỏ việc học. Càng trong ngọn lửa hung tàn của khó khăn Litang cành mạnh mẽ, càng kiên cường và nung nấu ý chí khai phá cánh cửa tri thức. Litang có khả năng tư duy vượt trội, nhanh chóng hiểu được và luôn mê mẩn với những thứ quá tầm với tuổi cậu, đặc biệt là môn toán học. Dần dần, dưới sự mài dũa tỉ mẫn của cô Mus, Litang trở thành viên ngọc sáng ngời, tỏa sáng lấp lánh.
        Trái với “thần đồng toán học” Litang, Mahar lại được mệnh danh là “kẻ mộng mơ”. Trong một bức tranh, nếu Litang là những nét vẽ rắn rỏi thể hiện cho một lý trí sắc bén, thì Mahar lại là những đường nét mềm mại, uyển chuyển thể hiện một tâm hồn bay bổng. Mahar là cây văn nghệ đích thực của lớp, hình ảnh cậu bé nghệ sĩ “bụi bặm” xuất hiện cùng cây ghi ta và thể hiện xuất sắc bài hát Tennessee Walz đã khiến tim ai nấy đều run rẩy. Không chỉ biết hát, Mahar còn biết ngâm thơ, có trí tưởng tượng hết sức phong phú khá am hiểu về âm nhạc và có niềm đam mê mạnh liệt với những truyền thuyết và mọi thứ có hơi hướng siêu linh.
        Trong tác phẩm này, không thể không nói đến hai con người vĩ đại là thầy hiệu trưởng Harfan và cô giáo Mus. Nếu có một giải Nobel nào cho ngành giáo dục, thầy Harfan và cô Mus chính là những người đầu tiên xứng đáng được trao giải. Đó là những nhà giáo dục tuyệt vời với khát khao cháy bỏng được mang con chữ đến cho học trò xứ nghèo. Thầy Harfan là người hết lòng phụng sự ngôi trường Mahammadiyah hàng chục năm nay mà không được trả một đồng lương nào. Thầy đã khơi gợi ở mỗi đứa trẻ niềm học hành say mê, niềm khát khao cháy bỏng và niềm tin mãnh liệt về hành trình chinh phục ước mơ. Người thầy ấy dường như được sinh ra để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng cho giáo dục, miệt mài cả đời bên giáo án để rồi đến lúc ra đi vẫn đang gục xuống bên trang sách. Đó còn là hình ảnh cô giáo trẻ tuổi Mus, dù mới chỉ mười lăm tuổi nhưng cô Mus luôn tràn đầy tinh thần trách nhiệm, không bao giờ nao núng trước khó khăn mà luôn vực dậy tinh thần của lũ trẻ. Người ta khó mà tìm được ai yêu nghề và vui với nghề như cô Mus. Những nhân cách cao cả, những tâm hồn cao đẹp cùng những bài học thiêng liêng của thầy Harfan, của cô Mus như cơn mưa mùa hạ tắm mát tâm hồn những đứa trẻ khát chữ bao đời.
        Mười hai con người ấy đã chiến đấu không mệt mỏi suốt mấy năm liền để giữ vững ước mơ đời mình. Trong tuần học đầu tiên, bài học mà họ dạy và học không phải là bảng chữ cái, cũng không phải là những con số, mà là bài học về đạo đức, về những giá trị thiêng liêng của cuộc sống. Đó chính là bài học nền tảng của con người. Trước khi thành tài, thì những đứa trẻ cần phải thành người. Nhìn vào ngôi trường bé nhỏ lọt thỏm giữa hòn đảo, người ta sẽ luôn thấy sục sôi ở đó một tinh thần quả cảm tuyệt vời của mười hai con người. Thầy cô giáo ngày đêm miệt mài cống hiến từng con chữ, học trò nghèo mong mỏi từng ngày đến trường để được học. Tất cả mọi người luôn tỏa ra thứ năng lực tích cực, thứ ánh sáng kỳ lạ đẹp đẽ nhất.
        Trong hành trình đó, ngôi trường đã đối mặt không ít khó khăn khi luôn bị đe dọa đóng cửa. Thầy trò trường Mahammadiyah đã làm mọi cách để giữ lại sự sống cho ngôi trường. Trong nỗ lực tuyệt vời ấy trước hết phải kể đến chiến thắng ngoạn mục của trường trong lễ hội hóa trang, với sự sáng tạo vô tận của Mahar cùng sự cố gắng của đám bạn, ngôi trường đã dành được chiếc cúp danh giá nhất cho tiết mục Biểu diễn nghệ thuật đặc sắc trong năm – chiếc cúp mà dù trong mơ những đứa trẻ cũng không nghĩ sẽ được chạm đến. Đó là cú lội ngược dòng đầy xúc động của Lintang trong kỳ thi học sinh giỏi, khi xuất sắc vượt qua ngôi trường giỏi nhất đảo Belitong, và giây phút cậu dùng tài năng của mình để phản biện lại thầy Zulfikar đầy ngạo mạn thì giây phút ấy mọi định kiến về ngôi trường Muhammadiyah đã thay đổi. Trên hành trình ấy, có lúc dường như số phận ngôi trường đã chấm hết, đó là khi những đốc công PN tiến những chiếc máy xúc lại sát rạt ngôi trường để tìm thiếc, ngôi trường ngồi thụp xuống “như con thỏ bị tê liệt cả thân mình khi bị một bầy linh cửu bao quanh”. Ngày này sang ngày khác, cô Mus nhìn lũ học trò với ánh mặt tuyệt vọng. Rồi lũ lượt từng đứa học sinh cũng bỏ học khiến cô Mus cũng phải từ bỏ việc dạy. Thế nhưng, Lintang vẫn không từ bỏ mà đảm nhận luôn công việc của cô giáo, dạy tất cả các môn, học trò của nó là Sahara, là Flo, Trapini và Harun. Có thể nói, dù mọi thứ có sập đổ ngay dưới mắt, Lintang vẫn chiến đấu cho đến hơi sức cuối cùng. Hình ảnh Lintang cùng bạn bè mình tiếp tục chiến đấu trong ngôi trường xẹo xiên là hình ảnh thiêng liêng, là ngon lửa giữa lại hi vọng cho thầy cô và khát vọng cho các bạn. Câu nói “những thứ đã không thể làm bạn chùng bước thì nhất định làm bạn mạnh mẽ hơn” đã được thầy trò trường Muhammadiyah chứng minh.
        Thế nhưng, đến cuối cùng, ngôi trường già xiêu vẹo cũng đã biến mất. Sau nhiều năm chiến đấu thì những ước mơ cháy bỏng lại không thắng nổi cái nghèo đói bao đời, miếng cơm manh áo vùi chôn tài năng của cậu bé Lintang giỏi giang, vòng xoáy cơm áo gạo tiền thiêu rụi ước mơ trở thành nhà giáo của Ikal, hiện thực trần trụi phủ dày lớp bụi lên giấc mơ của A Kiong, khiến cậu quên đi mình từng mong ước trở thành người thuyền trưởng tài ba và Sahara cũng không là một nhà đấu tranh cho cho nữ quyền. Cô giáo Mus yêu nghề nhiệt huyết phải tạm gác đam mê đời mình lại để trở thành người thợ may. Trường làng, tuổi trơ, kỷ niệm, tất cả chỉ còn là  tàn tro. Thứ chủ nghĩa thực dụng lại là kẻ cuối cùng chạm đích, đạp đổ những điều tốt đẹp thiêng liêng ít ỏi ở vùng đảo Belitong ấy.
        Dù đến cuối cùng chủ nghĩa thực dụng, xã hội đồng tiền đã chiến thắng những giấc mơ tốt đẹp nhưng điều quan trọng là mười hai con người ấy đã sống một cuộc đời đáng nhớ. Họ đã ghi dấu đậm sau trên cuộc đời này và trong trái tim người khác. Họ đã chiến đấu đến cùng để khai phá sức mạnh bản thân, để tiến lên phía trước. Những thân phận tận cùng xã hội đã vươn lên như vậy, tại sao chúng ta lại không?
        Nhiều người cho rằng tác phẩm dường như không mang màu sắc, hơi hướng của sự thật nhưng bạn phải chấp nhận một điều rằng, cuộc sống còn nhiều điều kỳ diệu hơn thế. Là vì cuộc đời chúng ta đã quá may mắn nên không tin nổi cái thực tế nghèo khổ ngoài kia mà nhiều người khác đang phải trải qua, không tin được nghị lực phi thường mà họ có được. Nhưng hãy nhìn từ tác phẩm để rồi đưa con mắt mình hướng về phía hiện thực, để cảm thận, để thay đổi, để thấy rằng huyền thoại không ở đâu xa, huyền thoại ở ngay xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta muốn, và đủ khát khao, thì chính mình cũng có thể là huyền thoại.
        Tác phẩm đưa đến cho người đọc những bài học ý nghĩa.  Đó là đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, cũng đừng bao giờ từ bỏ niềm tin, vì đó là kim chỉ nam dẫn đường  cuộc đời mỗi người. Tôi tin chắc rằng bản thân ai cũng ấp ủ cho mình những giấc mơ riêng, nhưng đừng để nó mãi là ảo ảnh, hư vô, giấc mơ hay niềm tin nếu không đi kèm với hành động, thì đó cũng chỉ là sự bắt đầu của những ảo tưởng. Hãy như Litang, như Ikal…hãy bước ra vùng an toàn và chạy hết sức. Dù đạt được được hay không, bạn cũng đã chiến thắng được chính bản thân mình, thứ chiến thắng vinh quang nhất trong mọi cuộc chiến.
        Tác phẩm cũng thể hiện một điều, đó là chúng ta không thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng có thể chọn cho mình cách để lớn lên. Số phận nghiệt ngã có thể quật ngã bạn, mọi người có thể nói với bạn là không thể, nhưng chính bạn mới là người quyết định có thể hay là không, dù cho bất kỳ chuyện gì xảy ra. Cuộc đời lắm gian truân thử thách, nhưng khó khăn ấy là thứ chúng ta cần để có thể tìm ra sức mạnh của bản thân. Tôi đã tự hỏi, liệu không có khó khăn thì chúng ta có biết được giới hạn của bản thân đến đâu? Nếu không có khó khăn, liệu những trò nghèo ở Belitong có bao giờ nghĩ rằng mình có thể vượt qua những học sinh ưu tú hàng đầu của vùng đảo giàu có?
Chúng ta không thể lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng có thể lựa chọn cách mình lớn lên - Ảnh: Unplash.
        Và không thể không nói đến, đó chính là ý nghĩa của giáo dục đối với cuộc đời mỗi người. Giáo dục chính là thứ vũ khí sắc bén nhất để có thể khai phá mọi bí ẩn của vũ trụ, đưa nhân chạm tay đến với văn minh. Vì thiếu giáo dục, những culi, những thợ chài ở vùng Belitong đời này sang kiếp khác bị vùi lấp trong nghèo đói, trong nỗi lo cơm áo gạo tiền. Chỉ có tiếp cận với giáo dục, con người mới được rèn dũa một cách tỉ mẫn để trở thành những viên ngọc sách ngời, để thay đổi cuộc đời mình và cuộc đời của những người khác, Vậy nên, dù trong thời đại nào, giáo dục cũng cần được ưu tiên hàng đầu.
        Tác phẩm đã đưa đến cho tôi những giá trị nhân văn tốt đẹp, đã cho tôi sống những cuộc đời khác. Hình ảnh thầy giáo Harfan già cỗi, cô giáo Mus dịu dàng và cả mười học trò nghèo sẽ mãi là hình ảnh ngọt ngào neo đậu trong trái tim mỗi người, để chúng ta biết sống đúng, sống đẹp và có một cuộc đời thật ý nghĩa.
Đọc thêm: