...
...
...
...
...
...
...



 "Người ta cho rằng tu thiền là khó, nhưng họ thường không hiểu rõ lý do vì sao. Thiền không khó vì nó bắt ta phải ngồi tréo chân trong tư thế kiết già, hay vì nó đòi hỏi ta phải đạt đến sự giác ngộ. Nhưng khó là vì chúng ta không thể giữ cho tâm mình được thanh tịnh và sự tu tập của mình được trong lành theo đúng như bản chất của nó. Sau khi được lập nên ở Trung Hoa, thiền đã được phát triển qua nhiều lối khác nhau. Nhưng cũng trong thời gian ấy, thiền càng lúc càng bị pha trộn làm mất đi sự trong sáng của nó. Nhưng tôi không muốn bàn về thiền Trung Hoa hay về lịch sử Thiền tông. Ở đây, tôi chỉ muốn giúp cho sự tu tập thiền của bạn được trở lại thuần túy như xưa. 
Ở Nhật Bản, chúng tôi có chữ shoshin, có nghĩa là Sơ tâm, “tâm của một người mới bắt đầu”. Mục đích của sự tu tập là làm sao giữ được mãi cái sơ tâm ấy của mình. Ví dụ như khi bạn mới tụng Bát Nhã Tâm Kinh lần đầu tiên. Lần tụng đó chắc là thú vị lắm. Nhưng nếu bạn tụng thêm hai lần, ba lần, bốn lần, hay nhiều hơn nữa thì sao? Bạn sẽ dễ dàng đánh mất đi cái thái độ cởi mở đầu tiên của bạn đối với bản kinh ấy. Việc tu thiền cũng thế. Trong thời gian đầu, bạn vẫn còn giữ được cái sơ tâm, nhưng sau khi tiếp tục hành thiền trong một, hai, ba năm hay lâu hơn nữa, mặc dù có thể bạn có vài tiến bộ, nhưng cũng có thể bạn đã đánh mất đi sự rộng mở vô biên của cái sơ tâm buổi ban đầu. 
Đối với một thiền sinh, điều quan trọng nhất là đừng có một tâm phân biệt (dualistic). Cái sơ tâm của chúng ta hàm chứa hết tất cả mọi sự vật. Tự nó luôn luôn đầy đủ và giàu có. Ta đừng bao giờ để mất đi trạng thái luôn tự túc và đầy đủ ấy của tâm mình. Đó không phải là một tâm hẹp hòi, nhỏ nhen, mà đây chính là một cái tâm rỗng không và sẵn sàng. Nếu tâm của bạn rỗng không thì tự nhiên nó sẽ sẵn sàng cho mọi việc. Nó lúc nào cũng sẽ rộng mở và đón nhận được tất cả. Trong tâm của người mới bắt đầu, sơ tâm, rất nhiều điều có thể xảy ra, nhưng trong tâm của một nhà chuyên môn thì việc ấy rất là hiếm hoi. 
Nếu ta phân biệt nhiều quá, thì ta đang tự giới hạn mình đấy. Khi ta đòi hỏi và tham lam, có nghĩa là lúc ấy tâm ta đang túng thiếu. Nếu ta đánh mất đi cái bản tâm đã tự đầy đủ của mình, ta sẽ phạm vào hết mọi giới luật. Vì khi tâm ta đòi hỏi, muốn được việc này hay việc nọ, ta sẽ chiều theo nó, và cuối cùng phạm vào những giới luật như: không nói dối, không trộm cắp, không sát sanh, không tà dâm… Vì vậy, chỉ cần gìn giữ được cái tâm ban sơ ấy thì mọi giới luật tự nó sẽ được giữ gìn. 
Với một sơ tâm, ta không hề có ý nghĩ, “Tôi đã đạt được một cái gì đó”. Mọi tư tưởng tự kỷ đều sẽ làm giới hạn cái tâm rộng lớn của ta. Chỉ khi nào chúng ta buông bỏ hết những ý niệm về thành đạt, về một cái “Tôi”, chừng ấy ta mới thật sự là những người mới bắt đầu tu tập. Và chỉ chừng đó ta mới thật sự tiếp nhận được những điều mới lạ. Sơ tâm cũng chính là tâm từ. Khi tâm ta có sự từ ái, nó sẽ trở nên rộng lớn, vô giới hạn. Thiền sư Đạo Nguyên, vị Sơ tổ của dòng thiền chúng tôi, luôn luôn nhấn mạnh vào việc tiếp xúc lại cái bản tâm nguyên thủy vô biên ấy của mình. Được như vậy chúng ta mới có thể sống thực với chính mình, có tình thương đối với mọi loài, và mới có thể thực sự tu tập. Cho nên vấn đề khó khăn nhất là làm sao lúc nào chúng ta cũng giữ được cái sơ tâm ấy của mình. Bạn không cần gì phải có một sự hiểu biết sâu xa về thiền. Dù cho bạn đã đọc nhiều về văn học Thiền, bạn hãy đọc mỗi câu trong quyển sách này với một tâm mới mẻ. Đừng bao giờ cho rằng “Tôi đã biết thiền là gì”. Vì đây cũng là một bí quyết cho mọi nghệ thuật: luôn luôn làm một người mới bắt đầu. Hãy thật cẩn thận ở điểm này. Nếu bạn bắt đầu thực hành thiền, bạn sẽ cảm nhận và trân quý cái sơ tâm của bạn. Tinh yếu của sự hành thiền là ngay ở đấy."
---Shunryū_Suzuki---
PS:
- Không phân biệt.
- Không dính mắc.
- Không ham cầu.