Chi phí của tình bạn
Tôi nhận ra: tôi thật sự không có ai bên cạnh. Không phải tôi không có bạn, nhưng tôi không có ai ở-bên-cạnh. Tôi có bạn không? Có...
Tôi nhận ra: tôi thật sự không có ai bên cạnh. Không phải tôi không có bạn, nhưng tôi không có ai ở-bên-cạnh.
Tôi có bạn không? Có chứ. Mỗi (vài) năm tôi vẫn gặp và nói chuyện với họ. Chúng tôi nói về cuộc sống, sự nghiệp, góc nhìn và sự thay đổi. Có thể rất khác nhau, như đỏ với trắng, nhưng chúng tôi tôn trọng suy nghĩ riêng của mỗi người, và phần nào tự hào vì sự khác biệt. Một điều mà tôi nhận ra: Chúng tôi không chia sẻ chuyện cá nhân. Tôi không biết tên vợ thằng bạn, dù tôi và nó trốn học đi chơi và chịu phat cùng nhau suốt cấp 3. Có đứa khác đăng ảnh con thì tôi mới biết nó đã lấy vợ. Tôi từng nghĩ thế là bình thường, nhưng hóa ra không phải.
Như tôi với thằng bạn thân của tôi, chúng tôi chỉ nói về 2 thứ: những cái-đã-qua và những-cái-sắp-tới. Chúng tôi không nói về những-cái-đang-xảy-ra. Với những cái đã qua, đó là câu chuyện, rồi suy nghĩ và bài học. Với cái sắp tới, đó là dự định rồi kế hoạch, và có lẽ một chút niềm tin. Thế nên một buổi sáng năm 2021 tôi được nghe một câu chuyện từ năm 2015, một câu chuyện từ năm 2018, và hình ảnh thằng bạn hướng đến năm 2023. Tôi cũng vậy, tôi kể một câu chuyện vướng đã lâu mà gần đây tôi mới có câu trả lời. Chúng tôi không hỏi nhau những câu kiểu như: 2020 làm gì, ở đâu, có vui không. Chúng tôi chưa bao giờ hỏi nhau như vậy.
Chúng tôi không chia sẻ cảm xúc. Tôi còn giữ lá thư của nó gửi cho người yêu đầu tiên, mà hôm đó nó chạy xe qua nhà tôi bảo tôi đọc thử, rồi tôi chê chữ xấu, rồi bắt nó viết lại. Tôi biết người yêu nó như vậy, tên tuổi địa chỉ kèm ảnh và thậm chí, sở thích cá nhân, nhưng phải nhiều năm sau tôi mới được nghe câu chuyện. Những chuyện như này thường là một câu chuyện buồn. Chỉ là nhiều năm sau tôi mới biết nó buồn.
Tôi từng nghĩ điều gì làm tôi, hay những người bạn của tôi, như vậy. Tôi thấy nhiều người, thường có một hội bạn tụ tập, có thể gặp nhau hằng ngày hàng tuần, và chia sẻ với nhau một cách đơn giản, dễ dàng. Tôi có lẽ như thằng bạn tôi, chỉ có thể chia sẻ cảm xúc cá nhân với phụ nữ. Còn với nam giới, chúng tôi nói về kế hoạch, dự định, góc nhìn. Cùng nhau nghĩ, làm, giải quyết hay thay đổi cái gì đó. Tôi từng cảm thấy khó chịu khi ở cạnh những người-đàn-ông-không-làm-gì. Tôi từng khinh thường và cảm thấy mình ưu việt. Phải cho đến gần đây, tôi mới nhận ra được vài điều.
Trước khi chia sẻ tiếp, tôi muốn kể lại điều này. Trong đám bạn tôi hay được coi là đỏ, vì lòng nhiệt thành cách mạng và tinh thần vô sản mãnh liệt. Cảm ơn gia đình đã tạo điều kiện cho tôi đọc sách. Từ bé tôi đã thấm nhuần tư tưởng vô sản, vô hình, vô sinh, nếu không đọc Lenin thì tôi sẽ đọc Kafka, nếu không là đường lối cách mạng thì sẽ là thư tình. Như thư Kafka viết cho Milena. Lớn hơn thì bập vào Trung Quốc. Cũng hai thể loại đó thôi, hoặc là tuyên ngôn Đảng Cộng Sản hoặc là ngôn tình. Lạy chúa quyển anh có thích nước Mỹ không. Cái cây táo trong truyện đó làm tôi suy nghĩ nhiều hơn cả bài thi toán cuối kì. Ghê thật.
Có một thằng bạn trong nhóm, vốn là đài-địch bên kia chiến tuyến, bảo rằng lối suy nghĩ đỏ rực như tôi là sự tuyệt vọng về niềm tin vào con người, chứ không phải thiên đường chủ nghĩa nơi người tin người. Nó kể rất nhiều, nhưng hồi đó tôi bỏ ngoài tai, và tôi trấn áp nó bằng khả năng tuyên huấn cực đỉnh (mà tôi đoán có liên quan đến việc tôi đọc nhiều ngôn tình). Tóm lại, tôi luôn có quá bán ủng hộ. Mồm dẻo thì ấm no, muôn đời.
Tôi kể chuyện này vì gần đây, khi quan sát chính trị quốc tế, tôi nhận ra: Trung Quốc luôn cô độc. Tôi tìm thấy câu trả lời cho tôi trong việc nhìn vào Trung Quốc, rằng Trung Quốc, cũng như tôi hay những thằng bạn tôi, đều không có một người ngang hàng.
Trung Quốc chưa bao giờ ở ngang với ai, luôn bé hơn hoặc lớn hơn mọi nước xung quanh, và luôn đối xử với vị trí của kể bề trên hoặc bề dưới. Không giống như Anh với Pháp với Đức, Trung Quốc không thật sự có một người bạn, vừa là tình thân vừa là kẻ thù ngang hàng. Cũng không như Mỹ khi sinh ra đã ở một thế giới riêng, Trung Quốc phải vật lộn trong việc định nghĩa một khái niệm rất thường: tình bạn.
Tôi nhận ra tôi cũng vầy. Cả tuổi trẻ leo thang. Học, trở thành giỏi nhất, vào môi trường mới, trở thành kém nhất, lại hì hục leo lên, rồi lặp lại. Như lên lv đó. Chỉ nhìn lên và xuống thôi chứ không nhìn ngang. Đến lưng chừng cuộc đời thì không biết đang ở đâu.
Trung Quốc không hướng ngoại. Bạn tôi bảo rằng trong những nước độc đảng thì 3 bộ to nhất là Công An, Quân Đội, Ngoại Giao. Nhưng Ở Trung Quốc thì Bộ Ngoại Giao "ở dưới", và ngang hàng với mấy bộ như Xây Dựng, Kinh Tế hay Giáo Dục...Cá nhân tôi thấy nếu xếp vậy thì Bộ Ngoại Giao là một hình thức dùng ngoại giao để đối nội, chứ không thực sự đối ngoại. Tôi không rõ và không muốn lạm bàn. Tôi kể ra điều này vì thấy có một ý liên quan đến tư tưởng của tôi: Mọi vấn đề là vấn đề nội tại. Tôi đã nghĩ rằng những cái bên ngoài sẽ không giải quyết được vấn đề, và những tác động bên ngoài là công cụ cho nội lực bên trong mà thôi.
Điều này dẫn đến cái thứ 3, là cái quan trọng nhất và là cái tôi trả giá nhiều nhất để học được: đó là cách tôi đối xử với chính tôi, và với mọi người. Thật lòng như shit. Bằng sự kiêu ngạo về khả năng lên đỉnh cũng như phủ nhận những nỗ lực ngoại vi từ người khác, tôi chính thức trở thành thằng khốn trong mắt nhiều người. Tôi vẫn nghĩ tôi là dạng Hit or Miss, nhưng hóa ra không phải, tôi chỉ là thằng thích tự bôi vẽ cá nhân và di tay lên người khác. Tôi sẽ đọc lại xin lỗi anh có thích nước Mỹ không để tự trừng phạt mình. Tôi luôn mong một sự tha thứ.
Trung Quốc cũng vầy thôi, chỉ là một thằng khốn nhưng có phần tội nghiệp. Cách họ đối xử với chính họ, vừa tốt vừa tệ, vừa đáng kinh ngạc vừa đáng thở dài, làm cho tôi thấy chính mình trong đó. Có lẽ cũng băn khoăn không biết phải làm gì với cuộc đời? Trung Quốc sẽ lên cao để ngang hàng với Mỹ? Mấy cái chính sách kiểu cây gậy và cà rốt sẽ không mang lại bạn bè. Xuống để ngang với Nhật, Hàn, Pháp, Đức? Cũng hơi quá muộn, thế giới đã chia phe đủ, mà đang gồng dở nội lực rồi nhả phanh làm sao?
Giờ chẳng dính dáng gì đến Trung Quốc (tôi nhận ra tôi chỉ thích gái Trung Quốc, không liên quan đến nước Trung Quốc, càng không liên quan đến đảng cộng sản Trung Quốc) tôi thấy công tâm khi quan sát, và cho rằng đây là vở kịch to nhất của thế kỉ. Tôi cũng kệ thôi, và ngày hôm nay tôi quyết định thành lập bộ ngoại giao trong lòng tôi, hoặc ít nhất nâng cấp bộ ngoại giao (nếu đã có) trong tôi lên 1 tầm mới. Tôi đã tin rằng đối ngoại quan trọng như đối nội. Tôi không cần thêm kẻ thù. Một buổi sáng thức dậy, tôi nhận ra tôi muốn ở cạnh những người bạn của mình. Không có vinh quang trong sự cô độc.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất