Đã bao giờ bạn nghe đến những cái tên như Tequila, Cognac, Champagne, hay Cheddar và thấy những cái tên ấy thật bình thường và phổ biến giống như mình?
Trước khi biết đến cụm từ "chỉ dẫn địa lý", mình đã nghĩ đó chỉ là những sản phẩm có thể được sản xuất ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới và có thể được bán bởi bất kỳ ai. Tuy nhiên, sự thật là đằng sau mỗi cái tên ấy là những câu chuyện rất thú vị về lịch sử, địa lý, chính trị, và cả xây dựng thương hiệu. Tìm hiểu kỹ hơn về "chỉ dẫn địa lý", tôi có cơ hội hiểu thêm về cách các nước khác, đặc biệt là các nước phát triển, đang xây dựng và bảo vệ thương hiệu của sản phẩm của nước họ, dù đó vốn chỉ là một sản phẩm truyền thống của một địa phương, một ngôi làng, hay một ngọn núi nhỏ bé.
Thị xã Cognac, Pháp. Năm 2018, tại đây đã xuất khẩu 204.4 triệu chai Cognac, đóng góp 3.6 tỉ USD lợi nhuận cho vùng (nguồn Cognac France)
Thị xã Cognac, Pháp. Năm 2018, tại đây đã xuất khẩu 204.4 triệu chai Cognac, đóng góp 3.6 tỉ USD lợi nhuận cho vùng (nguồn Cognac France)

1. Định nghĩa và mục đích của CDĐL

Để hiểu về chỉ dẫn địa lý (geographical indication – GI), trước hết chúng ta phải nói về khái niệm. 

Theo Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs): “Chỉ dẫn địa lý là chỉ dẫn một hàng hoá có xuất xứ từ một lãnh thổ, hoặc một địa phương thuộc lãnh thổ đó, mà theo đó chất lượng, danh tiếng, hoặc các đặc trưng khác của sản phẩm được cấu thành chủ yếu nhờ vào xuất xứ địa lý”. 
Còn theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ, hay quốc gia cụ thể”. Nói một cách dễ hiểu, chỉ dẫn địa lý là gắn liền tên của sản phẩm với xuất xứ của sản phẩm đó.
Mục đích chính của chỉ dẫn địa lý là bảo vệ lợi thế cạnh tranh của người sản xuất. Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều sản phẩm đã trở nên vô cùng nổi tiếng nhờ vào những đặc tính riêng biệt có liên quan đến nơi xuất xứ của sản phẩm đó. Những đặc tính này giúp sản phẩm trở nên nổi bật trên thị trường.

Bên cạnh các yếu tố tự nhiên như đất, nước, độ ẩm, v.v, lợi thế địa lý của một sản phẩm còn có thể là một quy trình, một phương pháp sản xuất đặc biệt chỉ có tại địa phương đó. Dù là yếu tố tự nhiên, yếu tố con người, hay yếu tố sản xuất, những lợi thế này đều mang tính địa phương và đã được gìn giữ, phát triển trong suốt vài chục cho đến vài trăm năm. Vậy nên nếu thiếu đi sự bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm có thể bị làm giả hoặc bị pha trộn, khiến người sản xuất mất đi lợi thế cạnh tranh.
Chỉ dẫn địa lý tuy thường áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp như chè, rượu, gạo,… nhưng vẫn có thể dùng để chỉ dẫn các sản phẩm công nghiệp như dao, đồng hồ, v.v. Tuỳ thuộc vào mỗi quốc gia và khu vực mà một sản phẩm sẽ phải đáp ứng các yêu cầu khác nhau để được chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

2. Tiêu chí để được chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Thông thường, để được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, một sản phẩm phải đáp ứng một trong các tiêu chí: (1) Nguyên liệu xuất xứ từ địa phương; (2) Khâu kiểm tra chất lượng được thực hiện tại địa phương; (3) Khâu sản xuất được thực hiện tại địa phương với sự tham gia của người dân bản địa.
Tuy nhiên, cũng có một số dạng chỉ dẫn yêu cầu khắc khe về xuất xứ của sản phẩm hơn các dạng chỉ dẫn thông thường, điển hình như nhãn PDO (protected direct original) của EU. Để được chứng nhận nhãn PDO, toàn bộ quy trình từ nguyên liệu đầu vào cho đến đóng gói đầu ra đều phải được thực hiện tại địa phương. Các tiêu chí đưa ra càng cao sẽ càng đảm bảo chất lượng của sản phẩm. 

3. Một số sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý nổi tiếng hẳn bạn đã từng nghe qua

a. Phô mai Parmigiano – Reggiano

Logo của Parmigiano - Reggiano
Logo của Parmigiano - Reggiano
Phô mai Parmigiano – Reggiano được mệnh danh là “vua của các loại phô mai”. Tên của loại cheese này được đặt theo tên của các vùng sản xuất ra nó, bao gồm Parma, Reggio Emilia, Bologna, Modena, và Mantua, Ý.
Chỉ riêng loại phô mai đến từ các tỉnh Parma, Reggio Emilia, Modena cho đến mạn trái con sông Reno và từ Mantua cho đến mạn phải con sông Ro mới được gọi là Parmigiano – Reggiano. Các loại phô mai tương tự với giá thành thấp và hương vị kém tinh tế hơn sẽ được gọi là Parmesan.
Sau hơn 900 năm, loại phô mai này vẫn được ưa chuộng trên khắp thế giới và làm say lòng biết bao tín đồ ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực Ý. Để được như vậy, Parmigiano – Reggiano phải đáp ứng rất nhiều quy định khắt khe trong suốt quá trình sản xuất và loại phô mai này cũng được bảo hộ bởi nhãn PDO từ năm 1992. 
Phô mai Parmigiano – Reggiano được chứng nhận bảo hộ có hình dạng bánh tròn đặc trưng, trên thân khắc tên và thông tin sản xuất như dưới đây:
Bánh phô mai
Bánh phô mai

b. Rượu Champagne

Ảnh bởi
Tristan Gassert
trên
Unsplash
Champagne là một loại rượu vang sủi bọt (sparkling wine) xuất xứ từ vùng Champagne của Pháp. Tất cả champagne đều được gọi là rượu vang sủi bọt, nhưng chỉ có loại rượu vang sủi bọt đến từ một trong 3 vùng Grand Est, Hauts-de-France, và Ile-de-France mới được gọi là Champange. Được xem như quốc bảo của Pháp, quy trình sản xuất rượu Champagne được chính phủ Pháp quy định vô cùng chặt chẽ.
Để tạo thành một chai Champagne bao gồm 3 công đoạn chính: trồng nho, sản xuất rượu, và đóng gói. Ở giai đoạn trồng nho, ba loại nho chính được dùng để ủ thành rượu gồm hai giống nho đỏ Pinot Noir và Meunier và một giống nho trắng Chardonnay. Sau khi thu hoạch, quá trình sản xuất được chia thành 13 giai đoạn nhỏ và kéo dài trong khoảng 2-3 năm đối với những chai vang non-vintage, 4-10 năm với những chai vang vintage. Cuối là quy trình đóng gói, các chai vang sẽ được gắn cổ chai và dán nhãn.
Chính nhờ sự nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất và chứng minh nguồn gốc mà sau gần một thiên niên kỉ, cái tên CHAMPAGNE vẫn giữ vị trí độc tôn và không thể bị pha lẫn trên toàn thế giới.  

c. Đồng hồ Thuỵ Sĩ

Dòng chữ Swiss made thường xuất hiện trên bề mặt đồng hồ Thuỵ Sĩ
Dòng chữ Swiss made thường xuất hiện trên bề mặt đồng hồ Thuỵ Sĩ
Bên cạnh thiên nhiên trù phú và những ngân hàng giàu sụ, Thuỵ Sĩ còn là ngôi nhà chung của những thương hiệu đồng hồ hàng đầu thế giới với những thương hiệu nổi tiếng như Rolex, Omega, Audemars Piguet, Cartier, Hublot, Richard Mille, Tisot, hay Patek Philippe. Giá của những chiếc đồng hồ này có thể giao động từ vài trăm USD cho đến vài triệu USD một chiếc, trong đó, số lượng đồng hồ có mức giá 1000USD hoặc hơn chiếm gần 95%.
Giá trị xuất khẩu đồng hồ của Thuỵ Sĩ, Hong Kong, Trung Quốc, Pháp, và Đức
Giá trị xuất khẩu đồng hồ của Thuỵ Sĩ, Hong Kong, Trung Quốc, Pháp, và Đức
Tuy sản lượng lượng đồng hồ Thuỵ Sĩ chỉ chiếm 2% (20 triệu đồng hồ năm 2019) sản lượng đồng hồ toàn cầu, nhưng lại chiếm hơn 50% (53 tỉ USD) giá trị thị phần. 
Nói về đồng hồ Thuỵ Sĩ thì không không kể đến Grandmaster Chime ref. 6300a-010 của thương hiệu Patek Philippe. Đây là chiếc đồng hồ đắt nhất trên thế giới, tốn đến 100.000 giờ để chế tạo hoàn toàn thủ công, và có mức giá 31 triệu FHC, tương đương với 720 tỉ đồng.
Grandmaster Chime
Grandmaster Chime
Theo Luật bảo hộ nhãn hiệu thương mại Thuỵ Sĩ, để được dán nhãn Swiss hay Swiss made, mỗi chiếc đồng hồ phải đáp ứng các yêu cầu sau:
“A watch is considered to be a Swiss watch if:  At least the following elements of its technical development are carried out in Switzerland: … a. its movement is Swiss; b. its movement is cased up in Switzerland; c. the final inspection of the watch is conducted by the manufacturer in Switzerland; and d. at least 60% of the manufacturing costs are incurred in Switzerland.
Ngoài ra còn có rất nhiều quy định nhỏ đi kèm mỗi yêu cầu ở trên. Tất cả các quy định khắc khe xoay quanh cụm từ Swiss made hay Swiss hay Geneva đều nhằm bảo vệ các thương hiệu và người tiêu dùng đồng hồ Thuỵ Sĩ. 

d. Trà Darjeeling

Cái tên cuối cùng trong danh sách này là một sản phẩm đến từ một nước đang phát triển J, đó chính là trà Darjeeling của Ấn Độ.
Logo của trà Darjeeling, được quản lý bởi hội đồng trà Ấn Độ
Logo của trà Darjeeling, được quản lý bởi hội đồng trà Ấn Độ
Trà Darjeeling vốn là một loại trà bình thường có nguồn gốc từ Trung Quốc, được đem đến trồng tại quận Darjeeling, bang West Bengal, Ấn Độ từ cuối thế kỉ 19. Tuy cũng xuất xứ Trung Quốc nhưng trà Darjeeling rất khác với những loại trà bình dân chúng ta uống thường ngày. 
Trà được trồng ở độ cao 2000 – 3000m so với mực nước biển dưới khí trời trong lành của dãy Himalaya. Tổng cộng, trà Darjeeling có 4 vụ trồng chính và mỗi vụ sẽ cho ra hương vị khác nhau, từ đó giá của cũng giao động theo thời điểm thu hoạch. Hương vị của trà Darjeeling được giới thưởng trà nhận xét là pha lẫn một chút vị của rượu vang, một chút vị của cây rừng, một chút vị của hoa quả, vô cùng tinh tế và nhẹ nhàng.
Được coi là niềm tự hào của Ấn Độ, trà Darjeeling còn được mệnh danh là “Champagne của các loại trà”. Để bảo vệ thương hiệu trà Darjeeling, Hội đồng Trà tại Ấn Độ cũng đã đề ra rất nhiều quy định để các nhà vườn, nhà sản xuất được cấp phép sử dụng logo và cái tên DARJEELING, một số yêu cầu tiêu biểu:
Được trồng, thu hoạch, và sản xuất tại một trong 87 khu vực trồng trà (tea estate hoặc tea garden) tại Darjeeling, Ấn Độ. Đây là 87 vườn trà đã được Hội đồng cấp phép và bảo vệ; Được xử lý và đóng gói tại các nhà máy đã được cấp phép ở địa phương; Được các chuyên gia về trà công nhận chất lượng, chất lượng ở đây bao gồm hương vị, màu sắc, v.v.
Dưới sự giám sát nghiêm ngặt trong trong suốt quá trình sản xuất – xuất khẩu, chất lượng của trà Darjeeling chính hiệu luôn nằm trong top những loại trà hảo hạng nhất thế giới.

4. Bài học cho Việt Nam

Việt Nam chúng ta vốn là một nước đa dạng về sản phẩm nông nghiệp nhưng giá bán của các mặt hàng này so với các mặt hàng ngoại nhập tại thị trường nội địa vẫn còn rất thấp. Đây thực sự là một điều vô cùng đáng tiếc. Để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam thành công và có chỗ đứng trên thị trường nội địa và quốc tế, chúng ta cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp, và người nông dân, trong đó giới truyền thông cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Không thể phủ nhận rằng những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam đã dần phát triển theo hướng “nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường”. Việc gia nhập các Hiệp định thương mại cũng đã mở ra cho nước ta rất nhiều cơ hội để xuất khẩu nông sản sang các thị trường tiềm năng như châu Âu. Chúng ta đang có những bước đi đúng đắn, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể nói lên được điều gì. 
Mình tin rằng các chính sách về đầu tư, sản xuất, và xuất khẩu là rất cần thiết, nhưng đi kèm với đó chúng ta cũng phải có các biện pháp bảo vệ môi trường và bảo vệ thương hiệu Việt Nam. Trong đó, việc bảo vệ môi trường cần được chú trọng ở từng địa phương, từng khu vực vì biết đâu, chính tại những nơi đó, nước nắm Phan Thiết, vải thiều Lục Ngạn, chè Tân Cương có cơ hội vươn ra biển lớn.

Tài liệu tham khảo