Chevening - Vân Hoàng | Hành trình chinh phục học bổng chính phủ Anh
Back to student life Shall we jump so high We'll eventually die Why not die satisfied? ***Bài viết này mình xin dành tặng cho: ***...
Back to student life Shall we jump so high We'll eventually die Why not die satisfied?
***Bài viết này mình xin dành tặng cho: ***
Những chàng trai, cô gái luôn ao ước được một lần trong đời trải nghiệm nền giáo dục phương Tây, trải nghiệm cuộc sống ở một quốc gia cách quê hương nửa vòng Trái Đất... nhưng buộc phải có một nguồn viện trợ tài chính để giấc mơ thành hiện thực.
***Những nam thanh, nữ tú sắp đến tuổi "lên thớt", mong muốn viết những trang cuối của thời "đơn thân độc mã" một cách oanh liệt trước khi theo chàng/ rước nàng về dinh...
***Và đặc biệt dành cho những người đã giúp đỡ mình rất rất nhiều trên suốt chặng đường biến giấc mơ thời niên thiếu thành hiện thực.Những dòng chia sẻ vụn vặt dưới đây sẽ là những câu chuyện rất thật về hành trình chinh phục học bổng Chevening của mình từ hơn một năm về trước, trong đó có cả những thành công, và những thất bại, vấp váp. Hi vọng đâu đó trong bài viết này, các bạn sẽ tìm thấy một nguồn cảm hứng hay một thông tin hữu ích về việc chinh phục học bổng của chính phủ UK.
1. Mọi sự bắt đầu từ một bài note
Cũng không ngoa khi nói rằng một phần lớn khiến mình thực hiện được "giấc mộng trời Âu" để hôm nay ngồi viết những dòng này là nhờ bài note của anh Long D. Hoang(hereinafter referred to as "bác Long" =]]]) https://www.facebook.com/notes/long-d-hoang/chevening-awards-những-điều-ứng-viên-nên-biết-phần-1/10153547646627792
Vì sao? Mình bắt đầu có ý nghĩ sẽ đi du học vào khoảng tháng 5 năm trước (2015). Khi mình nói điều này với chị gái mình, chị ý đã rất ủng hộ và khuyên mình thử tìm hiểu mấy học bổng chính phủ xem sao. Mình nghe chị gái nói vậy mà bò lăn ra cười, nào là: "Ôi giời, điên à, mấy học bổng đó làm gì đến lượt em", "Thôi thôi k được đâu, có đăng kí cũng chả được đâu, cá nhân thì chả có gì đặc biệt, làm việc thì toàn làm khối tư nhân...", "Em giờ chỉ đi làm tích tiền rồi kiếm cơ hội học mấy nước miễn học phí còn may ra..." blah blah blah...Mình đã thực sự nghĩ như thế, cho đến một ngày đẹp trời ngồi cà phê lướt facebook, và chợt thấy trên newsfeed hiện ra bài note kể trên. Mình vào đọc, nghiền ngẫm từng phần từng phần một trong series bài viết. Đó cũng là lúc một tia hi vọng nhen nhóm trong mình. Đó cũng là lúc mình nhận ra, rào cản lớn nhất không phải là "cá nhân chả có gì đặc biệt", không phải là "toàn làm việc khối tư nhân", không phải là "ngành học chả bao giờ thuộc diện được học bổng ưu tiên" .... mà chính là "thái độ", là tư tưởng sẵn sàng bỏ cuộc khi còn chưa bắt đầu :)Nghe thì hơi giống "nói khoác", nhưng nếu bạn cũng đang gặp những rào cản như mình ngày đó, hãy thử đọc series bài note này, có lẽ bạn sẽ hiểu và đồng cảm.
2. Sống là không chờ đợi - Hành động ngay và luôn!
Khi tia hi vọng nhen nhóm, mình đã nhanh chóng đổ thêm dầu và bỏ thêm củi cho hi vọng cháy bùng bùng luôn. Sau cái lần được "khai sáng" nhờ bài note đó, việc đầu tiên mình làm là kết bạn với tác giả (bác Long) trên Facebook. Nhưng cũng phải 2, 3 tuần sau mình mới dám bắt chuyện hỏi han. Mình đã hỏi đủ thứ trên đời dưới biển về việc apply học bổng. Một số câu hỏi được lặp đi lặp lại là: "Anh ơi, em làm khối tư nhân thì liệu có cơ hội không anh?", "Anh ơi, em đi làm mấy năm rồi nên văn phong nhiễm văn nói ghê lắm, cứ cool cool sao á, không có academic, liệu có cơ hội không anh", "Anh ơi, em bây giờ mới biết đến học bổng, mà còn chưa có IELTS, hạn nộp học bổng sắp đến, liệu có ok không anh?"... Sau chừng 10 phút nói chuyện đả thông tư tưởng cho mình thì bác Long gửi luôn cho mình mấy bài luận mà bác ý viết khi apply Chevening. Mình nhận mà như bắt được vàng, những bài viết mà theo mình là 3S - "Smart, Simple, and very Sharp". Sau đó thì cũng không ngần ngại ngỏ lời nhờ bác ý sau này review bài luận cho, dù ngoài đời chả hề quen biết, và đó là lần đầu tiên nói chuyện! Sau này nhìn lại, mình mới càng thấm thía rằng chính sự "không biết ngại là gì" ngày ấy đã giúp mình hôm nay có thể ngồi đây và viết vài nhời chia sẻ như thế này.
3. "Nuôi" giấc mơ trước khi viết bài luận.
Sau khi biết về học bổng Chevening, và được nghe chia sẻ từ chính một Chevener "đương nhiệm", mình không bắt tay vào viết bài luận ngay (có 4 bài luận tất cả), mà dành thời gian để...hiểu chính mình: "Mình là người như thế nào? Mình có gì đặc biệt? Mình muốn gì? Mình cần gì?" ... Nói ra thì hơi mất mặt ban đại diện, nhưng có thể nói số cuốn sách mình đọc trong quãng thời gian apply học bổng bằng số sách (trừ sách giáo khoa) mình đọc suốt 24 năm trước đó :))) Mình bắt đầu tìm đọc những cuốn sách về leadership và networking skills (do đây là hai tố chất chính mà Chevening tìm kiếm ở ứng viên). Phần lớn sách mình đọc là của tác giả John C. Maxwell, "Thinking for a Change", "Every one communicates, few connect", "Sometimes you win, sometimes you learn", ...Bên cạnh việc đọc sách, mình nhấc mông đi tham dự một số hoạt động. Thay vì viêc ngày ngày đi làm rồi về nhà, mình đi dự các sự kiện meet-up ở Sài Gòn. Và thật may mắn, mình gặp được người bạn cũ Phuong Bui Ha, một người có niềm đam mê đặc biệt với start-up. Chính những buổi đi dự các sự kiện của cộng đồng start-up với Phương đã giúp mình hình thành ra ý tưởng để trả lời cho câu hỏi "Mình muốn gì", và đưa chúng vào những bài luận xin học bổng.
4. "Đặt" trứng vào nhiều giỏ, chứ đừng "ném" trứng vào nhiều giỏ!
Hoà cùng tâm lý chung của những "thợ săn học bổng", mình cũng rải "trứng hồ sơ" vào khá nhiều "giỏ học bổng". Tuy nhiên, mình đã quên mất một điều là "giỏ học bổng" nào cũng toàn sỏi đá, cái nào là chứa đệm Kymdan cả. Thế mà mình cứ ném trứng bùm bụp. Kết quả là kết quả cũng nổ tành tạch ngang pháo hoa: - Học bổng của trường: TẠCH - Học bổng Eiffel của chính phủ Pháp: TẠCH. Để rồi khi hi vọng được học bổng chính phủ của mình sắp về Mo thì lại có hai bất ngờ đến với mình gần như cùng một lúc, dù hơi muộn nhưng vô cùng ngọt ngào: - Được trao học bổng Chevening của chính phủ Anh - Được chọn là "semi-finalist" của học bổng Fulbright của chính phủ Hoa Kỳ.Thời điểm mới biết kết quả, tâm trạng mình rất hỗn độn. Một trong số những xúc cảm lúc đó là thấy "kì lạ". Kì lạ là bởi vì mình đã từng coi học bổng của trường và học bổng Eiffel là back-up plan. Kì lạ là bởi vì mình từng nghĩ Chevening và Fulbright có lẽ không tới lượt mình đâu... Vậy mà cuối cùng back-up plan thì tạch bằng hết...Nhưng khi nhìn lại một cách khách quan, thì mình mới nhận ra đó là một kết quả rất logic:- Lý do mình coi học bổng của trường là back-up plan vì học bổng chỉ cover học phí. Với chi phí đắt đỏ ở Anh, nếu có được thì cũng "chưa chắc đã đi được", mình đã nghĩ như vậy. - Tương tự với học bổng Eiffel, học bổng chỉ cho mình hơn 1000 euro một tháng kèm return ticket tới Pháp, trong khi riêng học phí của mình đã là 19,000 euro rồi... "Nếu được chưa chắc đã đi được"...Mình đã mang cái tâm lý "Nếu được chưa chắc đã đi được" ấy đi để chuẩn bị hồ sơ cho Eiffel và học bổng của trường. Trong khi mình dành hàng tháng để nghiên cứu nghiền ngẫm, và trau chuốt bài luận cho Chevening lẫn Fulbright, thì mình đã "sản xuất thần tốc" bài luận cho Eiffel trong vòng 1 tuần, cho học bổng trường trong vòng 3 ngày!!Thất bại này đã khiến mình rút ra được hai điều: - Đánh giá độ khó của một học bổng dựa trên số tiền mà học bổng đó cho là điều ngớ ngẩn nhất mà mình từng làm. Mỗi học bổng đều có tiêu chí riêng của nó. Dù là cho 1 đồng hay cho 10 đồng. Nếu không thực sự nghiêm túc, và cố gắng làm việc hết mình thì dù chỉ là 1 đồng người ta cũng chả cho. - Nếu xác định một cơ hội là "Nếu được cũng chưa chắc đã đi được" thì tốt nhất là "Anh rất tốt nhưng em rất tiếc" ngày từ phút ban đầu cho lành, vì có làm cũng hời hợt, không có động lực để làm hết sức, tốn thời gian vô ích.
5. Ngành ưu tiên cũng chỉ để tham khảo mà thôi.
Trong một vài sự kiện tư vấn du học mà mình có tham gia, mình được nghe không ít bạn hỏi rằng: "Ngành em không phải là ngành ưu tiên của học bổng, em có nên đổi sang ngành ưu tiên để tăng cơ hội hay không?" Rất tiếc là chẳng có ai hỏi mình, nếu không mình sẽ trả lời là: "Ngành ưu tiên cũng chỉ để tham khảo mà thôi. Quan trọng là đam mê của bạn là gì, định hướng của bạn là gì". Vì suy cho cùng thì hội đồng xét tuyển vẫn đánh giá bạn dựa trên những dấu ấn cá nhân thể hiện qua đam mê, hoài bão, định hướng nghề nghiệp... Nếu đổi ngành chỉ để có thể apply vào một ngành ưu tiên, trong khi bản thân chẳng có tý đam mê hay tâm huyết gì thì có khác nào "mượn" giấc mơ của người khác để đi trình diện? Mà một khi đã là vay mượn rồi thì dễ gì tạo được dấu ấn cá nhân? Có cần thiết phải làm khó mình như vậy không? Thay vì thế, vì sao không suy nghĩ như trong cuốn sách David & Goliath - những thứ tưởng chừng là lợi thế lại hoá ra là yếu thế, và ngược lại. Những ngành ưu tiên hẳn sẽ thu hút được nhiều người apply hơn, và hiển nhiên là cạnh tranh hơn, và khó tạo ra sự khác biệt hơn. Ngược lại, những ngành chả bao giờ được ưu tiên hẳn sẽ ít hồ sơ hơn, và có khi mình ngẫu nhiên nổi bật chính vì cái ngành của mình chả có ma nào học! "Khác biệt hoặc là chết", tạo được sự khác biệt mà dễ dàng thế thì tội gì!!Xét như trường hợp của mình, nếu mình muốn apply ngành ưu tiên thì chỉ còn nước đổi ngành đổi nghề, đổi giấc mơ. Vì ngành marketing của mình chả có học bổng chính phủ nào ưu tiên (theo như mình biết), thậm chí cấp độ trường cũng thế, chưa thấy ma nào nói là Marketing là ngành ưu tiên của chúng tôi năm nay cả! Thế nhưng mình cũng chả quan tâm lắm, chỉ cần người ta không nói "Học bổng này không áp dụng cho ngành marketing và khối tư nhân" là mừng lắm rồi!
6. Là chính mình.
Cái này thì nghe hơi nhàm, vì nghe hơi giáo điều, mà ai cũng nói đi nói lại rồi. Nhưng chính vì nó quan trọng nên mới được nhai đi nhai lại như thế, ở vòng hồ sơ mà đặc biệt là vòng phỏng vấn. Vì có thể qua câu chữ, mình có thể che giấu được những cái không thật và thổi cho nó cái hồn của dấu ấn cá nhân, nhưng khi đến vòng phỏng vấn thì dù có diễn giỏi thế nào thì cũng không qua được mắt hội đồng, vì họ đã phỏng vấn quá nhiều để nhận ra được những triệu chứng "diễn" rồi. Suy cho cùng cái học bổng tìm kiếm là một lý do để họ có thể nói rằng cá nhân này khác biệt, và nổi bật so với hàng trăm/ngàn cá nhân khác. Còn gì dễ dàng để khác biệt hơn là kể những trải nghiệm của chính bản thân mình, những thứ mà chẳng ai biết được ngoại trừ mình?Thần thái, cá tính cũng vậy. Trước khi tới buổi phỏng vấn Chevening, mình đã luôn miệng luyện câu thần chú: "Cứ thoải mái đi! Cứ tự nhiên thôi!" Và nó đã công hiệu! Khi bước vào phòng phỏng vấn, chắc được ông bà phù hộ nên mình chẳng run tẹo nào, rất thoải mái. Một phần vì mình đã chuẩn bị khá kĩ trước đó, một phần vì mình đã tự tạo cho mình một tâm lý thoải mái, tự nhiên nhất có thể. Cũng bởi vậy mình đã rất thoải mái trò chuyện với hội đồng xét tuyển. Mình có cái thói là nói chuyện là tay phải khua khoắng, nghe ai nói gì mắc cười là phá lên cười giòn tan. Lúc bắt đầu, bác Tổng lãnh sự có nói mấy câu hài hài, mình nghe cười phớ lớ, cũng từ đấy mình thấy thoải mái và tự nhiên hơn rất nhiều. Mình cũng là đứa hơi hài hài, thích trêu. Nên lúc trả lời câu hỏi tạm dịch là: "Bé nghĩ việc học ở UK sẽ giúp ích gì cho kế hoạch nghề nghiệp của Bé?" mình trả lời rất dõng dạc là nó sẽ giúp cho tôi ba thứ cần thiết cho định hướng nghề nghiệp: A, B, C. Lúc trình bày xong ý đầu tiên, mình quên béng mất ý thứ hai mà mình vừa đề cập là gì. Nhưng thay vì lấp liếm thì mình chọc chọc: "Tự dưng tôi quên mất tiêu ý thứ hai tôi định nói là gì rồi, nên tôi sẽ nói ý thứ ba trước", thế là bác Lãnh sự được bữa cười phớ lớ.Nói nhiều. Mình là đứa mà động phải chủ đề mình hứng thú thì sẽ nói cực nhiều không ngừng nghỉ. Lúc Bác Lãnh sự hỏi mình là mình cho rằng vấn đề nào mà Việt Nam đang đối mặt, mình có nói về education. Và bắt đầu mải miết kể các ví dụ một cách hăng say (gãi đúng chỗ ngứa mà). Bác lãnh sự nghe rất hào hứng nhưng xong vì thời gian đã quá dài roài (1 tiếng chứ ít gì), bác dừng mình lại và nói đại ý là: "Chú mà không dừng thì chắc bé có thể kể tiếp 100 ví dụ mất" :)) Tất nhiên cái gì quá cũng không tốt, nhưng một lời khuyên mình nghĩ là đúng ấy là, đừng lo lắng khi bạn nói nhiều nhé, nó lợi nhiều hơn hại, vì suy cho cùng là người ta đang ở đó để nghe bạn nói, và sẽ đánh giá bạn dựa trên những thông tin họ thu thập được mà.
7. Trải nghiệm du học đối với bạn là bình thường hay phi thường? Good-to-have or Must-have?
Phần này mình viết dành tặng riêng cho người bạn "Việt Kiều" tại Philippines của mình (thoả ước mong làm nhân vật phản diện nhaaa :))))) Mình từng đọc được ở đâu đó câu nói rằng, để đạt tới thành công, vấn đề không phải là bạn giỏi tới đâu, bạn xuất sắc như thế nào, mà ở chỗ: Bạn muốn thành công tới mức độ nào?Hành trình đến với Chevening đối với mình thực sự là một sự đánh đổi lớn. Khi mình đang chuẩn bị cho Chevening và sắp tới vòng phỏng vấn thì cũng là lúc mình đứng trước cơ hội được làm việc full-time tại Singapore, điều mà mình vẫn trông chờ từ rất lâu. Mặc dù trước đó mình vẫn bay qua bay lại Singapore, và đã có một số hiểu biết nhất định về thị trường này, nhưng việc được base tại Singapore thực sự là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, ở lại Singapore cũng đồng nghĩa với việc mình rất khó khăn để có thể tiếp tục chuẩn bị cho dự định du học của mình, với một quỹ thời gian hạn hẹp.
Và thế là sau khi vắt tay lên trán suy nghĩ và được sự tư vấn từ người yêu, mình quyết định đánh đổi cơ hội đó vì Chevening, mặc dù lúc đó còn chưa tới vòng phỏng vấn.Khi mình gần như mất hi vọng được học bổng chính phủ, thì Chevening lại nở nụ cười với mình. Nhưng đó cũng là lúc mình đứng trước một cơ hội mới, còn hấp dẫn hơn nhiều cơ hội trước đó: viết tiếp giấc mộng Singapore và bắt đầu chuyện tình mới với Hàn Quốc!! Nhưng rồi cuối cùng mình vẫn quyết định đánh đổi. Vì mình thực sự rất muốn có được trải nghiệm này, đối với mình điều đó trên cả tuyệt vời và đáng để đánh đổi.Vì vậy, nếu như bạn muốn du học lắm, nhưng mà bạn còn bận với mấy cơ hội làm việc ở Nhật Bản, bạn muốn học GMAT lắm mà còn mấy phi vụ du lịch Thượng Hải, với cả mấy dự án start-up cực cool,... thì có lẽ du học chưa phải là giấc mơ của bạn. Và có lẽ bạn nên dẹp nó qua một bên luôn để tập trung vào những thứ thực sự là ước muốn của bạn ;)
8. "It's not, and NEVER a one-man ride!" - Hành trình không đơn độc.
Ngay từ ban đầu, hành trình chinh phục của mình đã không hề đơn độc. Mình đã nhờ đến sự giúp đỡ của không ít người, và đã nhận được sự giúp đỡ trên cả mong đợi từ rất nhiều người.***Trước hết là những người anh, người chị, người thầy, người cô đã giúp đỡ mình rất nhiều trong quá trình chuẩn bị hồ sơ.Người đầu tiên phải kể đến có lẽ chính là anh Long. Ngoài đời mình và anh Long hoàn toàn không quen biết. Và trước khi mình đọc được bài note cũng như kết bạn với anh Long trên facebook thì mình và anh Long cũng chẳng có dây mơ rễ má gì trên mạng xã hội cả. Ấy vậy mà anh ý có lẽ là người giúp đỡ mình nhiều nhất trên hành trình này, từ việc đả thông tư tưởng, "tư vấn du học", đến review bài luận... Mối nhân duyên này với anh Long một lần nữa chứng tỏ cho mình thấy... thói nghiện facebook nhiều khi rất có ích cho đời =))Người tiếp theo là chị già kute xinh đẹp, mỗi tội ế Vũ Thùy Liinh và chị Trang Ngo :)) Mình tình cờ gặp lại chị Linh kute sau hơn một năm xa cách trong một sự kiện tư vấn du học của Hội đồng Anh. Khi biết mình đang mày mò apply Chevening, chị Linh đã kết nối mình với chị Trang, và mọi sự thay đổi từ đây :)) Sau này chính chị Trang là người đã giúp mình review hai bài luận chủ đạo của học bổng (leadership & networking essays). Chị ý cũng giúp mình rất nhiều khi tìm hiểu về Manchester và Leeds. Nếu không được Linh xênh đệp giới thiệu cho chị Trang, và được chị Trang sử bài, thì mình đã nộp hồ sơ với một bài "networking" vô cùng sơ sài, và chắc giờ vẫn ngồi ở Việt Nam mơ mộng trời Âu :))) Cô giáo xì-tin thân yêu của mình Phạm Hồng Hoa Mình rất may mắn khi được học cô Hoa tới hai môn thời đại học, và được chọn vào nhóm hướng dẫn viết khoá luận của cô Hoa. Quãng thời gian đó mình thực sự đã học được rất nhiều điều. Chính vì vậy, khi phải chọn người viết thư giới thiệu về kĩ năng/kiến thức học thuật mình đã nghĩ ngay đến cô. Và mặc dù từ khi ra trường, học trò đi đây đi đó chả bao giờ buồn hỏi thăm thầy cô, nhưng khi "bị" nhờ vả, cô đã giúp mình vô cùng nhiệt tình. Không chỉ cô mà cả thầy Chiến trưởng khoa cũng đã giúp mình vô cùng nhiều, dù chắc thầy chẳng nhớ mình là ai. Nhưng chỉ cần biết là học trò khoa Marketing NEU là các thầy cô sẽ giúp hết mình. Cảm động hơn khi mình cảm ơn, thầy cô vẫn nhận giúp đỡ học trò là trách nhiệm của thầy cô, có gì đâu mà cảm ơn... Lúc đó chỉ muốn hô to: I love You, Chiu Chiu :*Anh sếp cực "cool" của mình Quang Nguyen Anh Quang là sếp trực tiếp của mình ở công ty thứ hai. Không biết có phải do mình vía nặng quá hay không mà lúc làm công ty đầu tiên cũng đổi sếp liên tục, sang công ty thứ hai thì cũng vậy, cũng trải qua vài ba.. "đời sếp" :))) Nhưng nói một cách thẳng thắn thì ở công ty thứ hai này, người sếp mình thích làm việc và nể nhất là anh Quang. Chính vì vậy khi phải nhờ người viết thư giới thiệu về năng lực làm việc, mình đã nghĩ ngay đến anh Quang. Và thực sự anh ý viết rất có tâm! Thay vì viết đại đại vài ý xong quăng cho mình tự sửa, anh ý vào hẳn web Chevening đọc kĩ càng hướng dẫn viết của Chevening về các nội dung cần đề cập ở thư giới thiệu. Cái này mình thậm chí còn chả đọc lúc tự viết thư academic reference letter, đoảng thế là cùng :))) Và khi anh ý gửi bản thảo cho mình đọc, thì nói thật là đọc xong mà thấy tự tin hơn hẳn, phải thốt ra "Eo ơi, mình được như này cơ á :)))" Vô cùng "inspiring"!Anh sếp Đài Loan rất bự và rất tốt bụng của mình Max Wu Max là một trong số...khá nhiều "đời sếp" của mình ở công ty đầu tiên. Điều đặc biệt là, khi dưới trướng Max, mình đích thị là một con ngựa non háu đá, vô cùng ương bướng. Không biết có phải do thời điểm đó mình đảm nhiệm nhiều vai trò quá nên tính tình nóng nảy, khó ở hay không, nhưng cãi sếp, độc đoán là chuyện như cơm bữa... Thế nhưng khi mình cần nhờ đến sự giúp đỡ của Max để làm thư giới thiệu thứ 3 cho học bổng Fulbright (Fulbright yêu cầu 3 thư giới thiệu lận), thì Max đã không ngần ngại giúp đỡ mình, dù mình biết rằng công việc mới của Max dưới vai trò một Assistant General Director là không hề rảnh rỗi :) Max, I just want to say that I am really grateful for your help. Thank you so much for your support during my application for Fulbright scholarship, even though I was so stubborn when under your supervision in Hanoi. Without your help, I won't be able to make it to the semifinalist of Fulbright. Thầy Huy Vinh, một người thầy rất có tâm với nghề và với trò :) Thầy Vĩnh Huy chính là ngừoi đã giúp đỡ mình rất nhiều trong quá trình chuẩn bị hồ sơ cho học bổng Fulbright. Mình biết đến thầy Vĩnh Huy qua sự giới thiệu của một người bạn. Và khi biết thầy mở khoá ASH để hướng dẫn học sinh chuẩn bị hồ sơ cho Fulbright, mình đã đăng kí học ngay, dù lúc đó chưa biết gì về cơ chế tuyển chọn của Fulbright. Sau này thầy cũng là người đã nhiệt tình giúp mình hoàn thành bài luận cho trường Manchester và Leeds mà không lấy chút học phí... Điều mình thích ở cách hướng dẫn của thầy là thầy sẽ không trực tiếp sửa lỗi sai cho bài viết của mình. Thay vào đó thầy sẽ chỉ ra vấn đề, và đưa ra định hướng cho mình hoàn thiện bài. Nhờ vậy, bài viết của mình sau quá trình được thầy hướng dẫn chỉnh sửa đã khác hoàn toàn so với bài viết ban đầu, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn cá nhân. Nếu ai đó cần một nơi hướng dẫn làm hồ sơ apply học bổng tận tâm thì mình nghĩ lớp học ASH của thầy Huy là một địa chỉ rất đáng tin cậy, và rất hiệu quả.Anh trai béo ú của mình Hoàng Cao Nguyên Mình thực sự là một người may mắn, khi mặc dù là đứa ương bướng nhất nhà, nhưng lúc nào cũng được cả nhà thương yêu và hỗ trợ. Khi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ học bổng, mình lúc thì ở Sài Gòn, lúc thì ở Singapore, trong khi giấy tờ ở hết Hà Nội. Thế là bắt đầu hành trình "điều khiển từ xa". "Anh Nguyên công chứng giúp em cái này", "Anh Nguyên đem dịch giúp em cái kia", "Anh Nguyên đi gặp cô giáo của em lấy thư giới thiệu này", "Anh Nguyên đi gặp cô giáo xin lại chữ kí của thầy giúp em..." Nếu như không có sự giúp đỡ của anh trai thì chắc mình đã không thể hoàn thiện hồ sơ... Anh mình cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mình. Mình còn nhớ lúc mình ôn luyện phỏng vấn, anh mình vẫn nhắc nhở: "Anh chỉ mong là mày đừng có tự tạo quá nhiều áp lực cho bản thân, cứ nghĩ là không có năm nay thì còn có năm sau. Phải nghĩ như thế nhé!"Chị gái Luna Nga thân yêu và giỏi giang. Chị Nga là người mình may mắn biết được khi học chung một khoá IELTS ACET thời năm 3 đại học. Chị ý cũng là một học giả của học bổng Erasmus Mundus <3 Khi chuẩn bị hồ sơ, mình cũng tham khảo kinh nghiệm của chị khi viết "Personal Statement" cho học bổng. Vào thời điểm đó, mình còn chưa biết thế nào là một "Personal Statement", và cấu trúc bài viết như nào thì hợp lý. Chị đã hào phóng gửi luôn cho mình bài luận của chị, và cũng từ đó mà mình bắt đầu hình dung ra những nội dung cần có để tạo thành bài luận logic. Chị ý cũng đã cổ vũ mình rất nhiều. Thật may mắn là em đã làm được, và nhất định sẽ làm chuyến qua Bồ Đào Nha thăm chị :)) Cô bạn tài giỏi Vuthao Nguyen và chị mentor đáng khâm phục Trang Tara Thảo và chị Trang là hai người đã giúp đỡ mình rất nhiều khi apply học bổng Eiffel. Mình biết đến Eiffel khá muộn khi thấy Thảo được học bổng này, và bắt đầu hỏi han Thảo để xin kinh nghiệm. Thảo đã rất kiên nhẫn trả lời mọi câu hỏi của một đứa lười tìm kiếm thông tin như mình, dù nhiều câu đến mình còn thấy ngớ ngẩn :)) Chị Trang cũng là một người mà mình may mắn biết được. Khi mình qua làm việc ở Singapore, chị đã giúp đỡ mình rất nhiều. Và trong lần apply Eiffel cũng vậy. Lúc cần người viết thư giới thiệu cho trường Grenoble, mình đã nhờ chị Trang, và tất nhiên là chị đã nhiệt tình đồng ý. Thậm chí, lúc thấy mình viết thư giới thiệu sơ sài, cẩu thả quá, chị còn gọi điện qua chỉ cho cách viết sao cho thuyết phục hơn :)) <3***Những người thân, người bạn - những chỗ dựa tinh thần vững chắc Nghe tới đây, có thể bạn sẽ phẩy tay mà nói "Ôi dào, apply có mỗi cái học bổng mà bày đặt chỗ dựa tinh thần..." Nhưng thực sự, mình tin rằng có không ít người đồng cảm với suy nghĩ này của mình - rằng công cuộc chinh phục học bổng cũng là một hành trình đấu tranh tâm lý cam go, nhất là khi bạn vừa đi làm vừa apply học bổng, và việc đi du học không đơn thuần là một cơ hội mà là một sự đánh đổi! Đó là lý do vì sao trên hành trình đó, mình luôn chia sẻ với những người thân cận nhất, có được sự ủng hộ của họ để có thêm động lực, sự kiên nhẫn, kiên định và sự bình tĩnh.Đó là chị gái mình Hoang Thi Thuy Ngay từ ban đầu chị gái mình đã là người cổ vũ nhiều nhất cho dự định du học này. Ngay cả khi mình chưa có ý định săn học bổng chính phủ thì bà ý đã suốt ngày ra rả bên tai mình rồi. Mỗi lần mình bị tạch học bổng nào đó, là mình lại nói với chị mình luôn, và lại được động viên tinh thần để tiếp tục cố gắng. Chị mình lúc nào cũng nói mình phải giữ "can-do spirit". Mình đã làm như vậy. Khi biết được Chevening, người đầu tiên mình thông báo cũng là chị mình. Mặc dù bất đồng quan điểm trên nhiều khía cạnh của cuộc sống (=))) ) nhưng riêng khoản này thì có vẻ hai chị em khá đồng điệu :)))) Bố mẹ mình An Và Lam Ông Thời gian mình mày mò xin học bổng là thời gian mình sống xa gia đình, xa bố mẹ. Nên gần như mình không tâm sự gì nhiều về dự định này với bố mẹ. Bố mẹ mình chỉ được nghe lại qua lời kể của anh chị. Thỉnh thoảng bố mẹ lại gọi điện hỏi thăm mình học tập ra sao (ý là luyện IELTS), và động viên mình cố gắng. Dù bố mẹ mình tương đối truyền thống, và như bao ông bố bà mẹ khác đều muốn con mình ở gần, nhưng khi biết đó là nguyện vọng, ước mơ bao lâu của mình thì bố mẹ vẫn ủng hộ hết lòng. Ngày được học bổng, về nhà là mình báo bố mẹ ngay. Bố mẹ cười tươi lắm, bố xoa đầu mình, còn mẹ bắt tay chúc mừng như bắt tay đối tác. Đi xa rất nhớ bố mẹ. Dù mình là đứa con ương bướng thế nào đi chăng nữa, nhưng việc được bố mẹ đứng sau cổ vũ ủng hộ vẫn là nguồn động lực lớn lao nhất của mình...Hai con lợn Black Nguyen và Louis Vu Hai đứa bạn thân thân ai nấy lo thời đại học =)) Hai con lợn này là chuyên gia "bán than". Kiểu gì chúng nó cũng than được. Đã thế lại chuyên gia dìm hàng, không nói được điều gì tử tế bao giờ. Vậy mà không hiểu sao mỗi lần nói chuyện với hai con lợn này là cười muốn rụng hàm. Thời gian apply học bổng mình vẫn thường tâm sự với hai con lợn này. Đứa thì cổ vũ, đứa thì bảo về Hà Nội luôn và ngay, không có học hành gì hết :)) Đúng là hai con lợn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Lúc bị tạch học bổng, mình nói chuyện với chúng nó ngay, thế là chúng nó được thể dìm hàng, mà chả hiểu sao chúng nó dìm xong là mình hết buồn luôn =)) Không có hai con lợn này thì quãng thời gian săn học bổng áp lực hơn ghê gớm.Con sâu thân yêu Mai Hanh Bui Mình may mắn khi có được một con bạn thân như con lợn sâu, một đứa chín chắn, bình tĩnh và luôn chịu đựng cái tính nóng nảy của mình. Nó cũng là đứa đã ở bên mình suốt từ những ngày đầu tiên nhen nhóm ý tưởng du học. Có thông tin học bổng nào là nó ới mình liền. Xong còn bị mình bắt thức đêm review bài luận giúp mình nữa :)) Nhớ ngày nào hai đứa còn ngồi cùng nhau ở The KAFE, ngó xuống còn đường Nguyễn Khánh Toàn thân quen trong lần thăm Hà Nội chớp nhoáng của mình, rồi bắt đầu mơ mộng một ngày hai đứa gặp nhau ở trời Âu. Ấy thế mà giờ nó đã ở Ý và mình đã ở Anh, và cái hẹn gặp lại ở Hi Lạp vẫn còn đó... Nhìn chung là anh cũng nhớ chú phết :)))And... my dear friend Ng Wei Siang Thank you very much for always standing by my side, supporting me no matter what. I know that you are confused about what I am talking about :)) But just remember that you are always my dear friend, no matter what. I am so lucky to have you by my side, supporting me in those difficult days struggling with life, and those intensive days running for my scholarship application, which is why you were one of the first I informed my scholarship result. Thank you always "huai ren"!!!Và người yêu. Người yêu xuất hiện khá muộn trên hành trình săn tìm học bổng của mình, nhưng cũng là người đã cùng mình trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc của chặng đường này, lo âu có, áp lực có, phấn khích có, hồi hộp có, thất vọng có, hạnh phúc có. Mình vẫn nhớ những lần mình thức đêm tới 1, 2h sáng để làm bài tập hoặc viết hồ sơ học bổng, là y như rằng sẽ có người thức cùng hỏi han nói chuyện... cho đỡ buồn :)) Rồi những lần mình tập phỏng vấn, người yêu đi làm về là lại thức luyện phỏng vấn cho mình tới 12h, 1h sáng... Rồi những lần mình bị báo tạch học bổng này học bổng kia, thậm chí cả khi báo đỗ học bổng này học bổng kia, thì người yêu cũng xác định hôm đó phải nghe tâm sự đêm khuya =)) Kết quả là chỉ sau vài tháng quen nhau, người yêu mình đã được đào tạo thành công, từ một người ăn ngủ điều độ, 11h tối đã đi ngủ, sáng 5h dậy đi tập gym rồi đi làm, thành một con cú đêm chuyên nghiệp =)) Giờ thức đêm giỏi hơn mình rồi :))))Tóm lại, hành trình mình đã đi có dấu chân của không ít người, nãy giờ sơ sơ cũng được gần hai chục. Và điều đặc biệt là có những người trong số đó là những người mình hoàn toàn không quen biết trước đó, hoặc ít liên lạc. Có thể bạn sẽ ngại ngần khi liên hệ với một ai đó không thân quen, có thể bạn sẽ sợ rằng họ không giúp đỡ hay thấy bị phiền phức. Điều mình rút ra từ câu chuyện của mình là hãy cứ mạnh dạn hỏi, giống như ngày xưa đi học cứ mạnh dạn giơ tay phát biểu khi không hiểu gì. Và bạn sẽ thật bất ngờ và ấm lòng khi nhận được sự giúp đỡ vô cùng hào phóng và trên cả trông đợi từ mọi người.
9. KẾT
Cuối cùng, mình xin gửi tặng những ai đang mơ cùng một giấc mơ câu nói mà một người rất đặc biệt đã tặng mình: "You only fail to do something when you stop doing it!" Hãy cứ cố gắng hết mình, làm hết mình, sống hết mình và không dừng lại. Chỉ cần bạn thực sự muốn, thì sẽ luôn có một con đường dẫn đến đích. Hơn một năm về trước một bài note đã khiến mình thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về học bổng chính phủ, và giúp mình chạm được tới giấc mơ niên thiếu thuở nào. Mình hi vọng bài viết này sẽ có thể truyền được cảm hứng cho ai đó ngoài kia có động lực để thực hiện giấc mơ của mình. Và mình mong rằng khi giấc mơ thành hiện thực, thì các bạn hãy tiếp tục chia sẻ câu chuyện cho những người xung quanh được biết nhé. Vì mình tin rằng ngoài kia còn rất nhiều người giống mình của hơn một năm về trước, thiếu tự tin, bỡ ngỡ, cần lắm một lời chỉ dẫn, một sự động viên từ những người đi trước.:)#IamChevening
P/S 1: 30 giây quảng cáo: Chevening là học bổng dành cho bậc sau đại học của chính phủ Anh, học bổng được vận hành trên hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, áp dụng với các khoá sau đại học tại bất kì trường đại học nào thuộc Vương Quốc Anh. Học bổng cover toàn bộ học phí, hỗ trợ ăn ở, vé máy bay khứ hồi tới UK, tiền làm visa và một số khoản allowance khác như tiền khám sức khoẻ, tiền đi lại để tham gia các sự kiện của Chevening tại Anh...
P/S 2: Vài nhời yêu trường: University of Leeds là một trong những trường thuộc Russell Group (nhóm 25 trường đại học hàng đầu UK), và là trường top 1 ở UK về đào tạo marketing. (ai dự định học marketing ở UK thì cứ nhào vô nhaaa)
Tác giả: Vân Hoàng
Đọc thêm:
Tổng quan về du học
Cùng với sự phát triển của thế giới và xu thế hội nhập, rất nhiều bạn học sinh, sinh viên đã lựa chọn hình thức đi du học. Nếu ngày xưa, du học lạ là điều gì đó xa vời và ngoài sức tưởng tượng thì nay, du học sẽ nhanh chóng được hiện thực hoá nếu bạn biết lên kế hoạch và đảm bảo sắp xếp đầy đủ mọi điều kiện cần thiết.shop.spiderum.com
Cùng với sự phát triển của thế giới và xu thế hội nhập, rất nhiều bạn học sinh, sinh viên đã lựa chọn hình thức đi du học. Nếu ngày xưa, du học lạ là điều gì đó xa vời và ngoài sức tưởng tượng thì nay, du học sẽ nhanh chóng được hiện thực hoá nếu bạn biết lên kế hoạch và đảm bảo sắp xếp đầy đủ mọi điều kiện cần thiết.shop.spiderum.com
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất