5 cách viết bài luận xin học bổng du học BAO TRƯỢT
Một cán bộ tuyển sinh chương trình MBA đọc trung bình 25 đến 50 bài luận mỗi ngày. Tức là, ngay cả khi họ bỏ toàn bộ 7 tiếng làm việc...
Một cán bộ tuyển sinh chương trình MBA đọc trung bình 25 đến 50 bài luận mỗi ngày. Tức là, ngay cả khi họ bỏ toàn bộ 7 tiếng làm việc để đọc bài luận, thì họ cũng chỉ có 8 đến 16 phút cho một bài luận! Và vì thế, bạn sẽ không muốn làm theo những cách mà Nancy L. Nolan đã mô tả và cảnh báo mọi người nên tránh, như ở dưới đây (trích từ cuốn 180 Successful Business School (MBA) Essays).*
Phần mở rộng (in nghiêng) là của H.D.Long – 1 người có nhiều bài viết đáng đọc về học bổng du học Thạc sĩ.
1. Cố quá!
Nhiều ứng viên cố gắng nhồi nhét mọi thành tích từng có vào một bài luận dài chỉ 1 trang. Những người khác thì cố gắng nhấn mạnh họ “thực sự, thực sự” muốn vào trường như thế nào. Đừng tiếp cận bài luận một cách “quẫn quá hóa liều” như thế.
Trong một buổi nói chuyện, một chị từng được học bổng Fulbright đã nói với tôi rằng nhiều bạn có cách tiếp cận mà ban giám khảo không ưa lắm: cố gắng viết bài luận khoe mẽ theo kiểu nhao nhao lên giữa một đám đông “tôi đây, tôi đây, chọn tôi đây này”. Fulbright ở một đẳng cấp khác, và họ sẽ không ưa những cách tiếp cận thô như vậy. Với kinh nghiệm của mình, tôi có thể khẳng định rằng các ban xét duyệt học bổng chính phủ khác cũng đều như vậy: chẳng khó để họ nhận ra một người đang cố quá, đang “oversell” bản thân. Và những người thực sự có chất luôn thể hiện được chất của họ một cách rất tự nhiên. Đó sẽ là những người được ưu tiên chọn.
2. Cố nêu những thông tin mà người ta có thể tìm được ở phần khác trong cả bộ hồ sơ
Chúng tôi đã biết GPA, điểm GMAT, giải thưởng và danh hiệu học tập của bạn rồi. Hãy dùng không gian có hạn của bài luận để nói về những trải nghiệm mà không một phần nào khác của bộ hồ sơ này tiết lộ. Hãy xem bài luận của mình như một buổi phỏng vấn thư giãn, một quãng thời gian độc quyền “mặt đối mặt” giữa bạn và hội đồng xét duyệt. Hãy cho chúng tôi thấy tại sao nên nhận bạn vào cộng đồng học tập của chúng tôi.
Đây là một lời khuyên không hề lạ lẫm: đừng khoe lại những cái mà bạn đã viết trong CV! Nhiều người tốn không gian của bài luận để nói về những thứ mà ban xét duyệt chỉ cần 10 giây đọc CV là biết. Hãy chú ý rằng người ta muốn biết “trải nghiệm” của bạn, tức là cái bạn trải qua, cảm nhận, tương tác, hành động để phản ứng với nó. Chứ không phải mấy cái con số trong học bạ!
3. Viết một bài luận học thuật hay mang tính chuyên môn & thuật ngữ quá khó hiểu
Bài luận là cơ hội để thể hiện thế mạnh của bạn ở những mảng phi học thuật, đặc biệt là tính cách. Đừng lãng phí cơ hội để cho chúng tôi biết con người thật của bạn.
Một số bạn chuyên làm nghiên cứu khoa học, và có thể nổi hứng nói về những thứ như “in-vitro” hay “in vivo” để rồi… chẳng để làm gì cả.
Thay vào đó, trước hết hãy tưởng tượng người đọc của mình là một người đã tốt nghiệp đại học và có đủ kiến thức bình thường của một người đã tốt nghiệp đại học, nhưng KHÔNG BIẾT GÌ về ngành của bạn hết. Và viết sao cho một người như vậy cũng hiểu ý mình.
4. Cố biện bạch cho những tỳ vết trên hồ sơ của bạn
Ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ rất hiếm, việc giải thích những điểm thi thấp và điểm trung bình môn thấp, mà không tỏ ra rằng mình vô trách nhiệm hoặc đang bao biện, là điều bất khả thi. Bất kể thế nào, làm như vậy cũng sẽ không nâng cao cơ hội được chọn của bạn. Nếu bạn có một lời giải thích thuyết phục cho một điểm đáng thất vọng nào đó về thành tích học tập, hãy đặt nó trong một phần bổ sung riêng vào hồ sơ, thay vì trong phần thân của một bài luận hoặc personal statement.
Rất nhiều người cho rằng nên và thực sự đã cố gắng biện hộ cho những điểm số thấp thời đại học ở những môn quan trọng (tức những môn liên quan trực tiếp đến khóa học thạc sỹ mà họ đang nộp hồ sơ). Thậm chí một số người đã được các học bổng toàn phần cũng làm vậy và còn lớn tiếng khuyên người khác nên làm vậy. Thực chất, như Nolan đã nói, cách làm ấy chỉ làm giảm cơ hội của bạn thôi.
Bởi vì, khi bạn thực sự ưu tiên việc học (hay bất cứ việc gì khác) hơn những thứ khác, bạn sẽ luôn tìm ra cách để sắp xếp thời gian và công sức cho nó. Những lời biện hộ kiểu như “tôi bận tham gia hoạt động cộng đồng hay hoạt động tình nguyện” là những lời bao biện sáo rỗng cho sự vô trách nhiệm của mình. Nó còn thể hiện sự hèn nhát, không chính trực, và ấu trĩ. Người chính trực dám làm thì dám chịu, không bao biện. Và chỉ những người ấu trĩ mới cho rằng những trò bao biện thô thiển như vậy có thể qua mắt ban xét duyệt.
Nói đơn giản, bạn có điểm môn Xác suất Thống kê thấp, tức là bạn không quan tâm đến nó, không thích nó. Chấm hết!
5. Dùng những từ đao to búa lớn và ra vẻ
Hãy dùng ngôn ngữ đơn giản nhất có thể để giải thích chính xác những ý mình muốn nói. Việc sử dụng những từ khó, ít người hiểu, để gây ấn tượng với hội đồng thường sẽ phản tác dụng, vì nó khiến người ta có ấn tượng rằng bạn kiêu ngạo và tự phụ.
Hiển nhiên đúng! Lỗi mà rất nhiều người gặp phải là thường thích dùng những từ hoa mỹ như “excellent”, “outstanding”, hay “extraordinary” để mô tả bản thân hay sản phẩm và thành tích của mình. Những thứ tốt chân chính sẽ không cần lời giải thích. Genuine thing speaks for itself. Các con số, như GPA chẳng hạn, sinh ra là để người ta (người và ta) biết rằng năng lực đang ở đâu trên một thang đo chung. Điểm 3.6/4.0 nghĩa là mức 3.6 trên thang đo 4.0. Nó không cần một lời bình luận nào cả.
Chừng nào bạn viết luận mà không cần một tính từ nào (ngoại trừ ở một vài câu chủ đề), khi đó bạn mới thực sự hiểu cách thể hiện giá trị một cách chân thành.
Yên tâm đi, ban xét duyệt các suất học bổng du học tiền tỷ đủ tinh tường để nhìn ra các bạn ah.
Source: re-post từ nguonhocbong.com
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất