“Tôi có một nguyện vọng duy nhất, đó là chết ở Hà Nội” – Tôi nhớ tôi đã nói với những người bạn cũ như vậy khi còn ở Úc.
Tôi không nhớ tôi nói câu này khi nào. Khi tôi đang say những chai Soju pha Yakult rẻ tiền hay khi tôi đang trở về nhà sau những ca rửa bát đến 10 rưỡi tối. Tôi chỉ nhớ, tôi không nói vậy vì tôi muốn chết, mà tôi nói vậy vì đó là điều duy nhất tôi có thể hy vọng vào. Trọng tâm của câu nói đặt vào chữ “duy nhất” chứ không phải chữ “chết”.
Tôi không biết những giấc mơ đóng lại từ khi nào. Hồi bé, tôi mơ làm bác sĩ, có lẽ vì thể trạng yếu đuối nên hay ốm vặt phải đi gặp bác sĩ hoài. Ông bác sĩ tên Cần, cụ lúc đó già lắm rồi, giờ nghe đâu đã mất, khám bệnh rất rầm mặc. Cụ có một cái nút bấm màu đỏ, mà cứ bấm một cái là có cô y tá chạy ra đưa thuốc hoặc mở cửa tiễn khách. Hồi đó tôi nghĩ rằng như thế thật ngầu. Nhưng sau rồi tôi học toán kém quá, bố mẹ bảo, học thế này thì làm bác sĩ kiểu gì. Thế là tôi không mơ làm bác sĩ nữa.
Rồi tôi mơ làm siêu nhân. Ai cũng mơ làm siêu nhân nhỉ. Những giấc mơ này về sau chắc bị lũ người Nhật đặt tên là “hội chứng cấp hai”, dạng ảo tưởng sức mạnh. Nhưng tôi đã từng nghĩ, nếu làm siêu nhân thì thật ngầu, bình thường nhìn nhạt nhẽo nhưng lại có vô khối chuyện để làm, không phải sợ ai cả, kể cả những đứa bắt nạt khối trên.
Rồi tôi mơ giàu. “Giàu hay đấy. Nhưng giàu để làm gì?”, cô chú tôi hỏi tôi. Tôi ấp úng. Tôi nghĩ giàu sẽ rất sướng. Trên TV hồi đó hay chiếu nước chấm Chinsu có loại đặc biệt là nước mắm nhỉ. Nước mắm nhỉ là nước mắm từ vài giọt đầu tiên của thùng mắm mới xong, rất quý và đắt tiền, mẹ tôi bảo vậy. Rồi tôi nghe chuyện hái nấm “trúp phờ” ở Pháp, người ta phải nuôi loại lợn rừng rất hiếm và bí mật, rồi sáng sớm vào rừng từ 3, 4 giờ sáng để đi hái những cây nấm mọc dại. Tôi nghĩ, nếu mình giàu thì bữa nào mình cũng được ăn nấm trúp phờ chấm nước mắm nhỉ. Những giấc mơ tinh túy thượng lưu của một thằng nhóc thị dân trước chập choạng thời kinh tế thị trường.
Vào Đại học. Ông bô tôi bảo, “con không ngu dốt, không kém cỏi, nhưng có một điều làm bố mẹ lo nhất… Ấy là con chẳng thích cái gì cả. Con đéo có ước mơ, con ạ”. Tôi gật đầu. Như những đứa không có ước mơ, tôi chọn một ngành học chung nhất có thể và vẫn còn đang hot thời đó, marketing. Nếu là thế hệ 9x đầu, những người như tôi sẽ chọn Quản trị Kinh doanh. Những ngành chung chung chẳng có kỹ năng thật sự gì, mắt nhắm mắt mở học mãi cũng xong.
 Khi sang tới Úc, đất nước tôi chọn để du học thật vội trước đó chỉ hai tháng, tôi mới nhận ra tôi cồn cào nhớ Hà Nội. Có những giấc mơ gần như là ám ảnh. Ông bà bô ship sang Úc chiếc xe Cub của ông nội mà tôi vẫn hay lái ở Việt Nam, rồi tôi dùng nó phóng vù vù, không phải đợi xe bus nữa. Đấy là một giấc mơ. Hoặc đi chơi với cô bạn quanh quanh Hồ Tây chẳng làm gì cụ thể, rồi bạn đưa tôi đi rửa ảnh phim. Đấy là một giấc mơ nữa. Hoặc đi bắn thuốc lào trong một quán trà đá của bà cụ già lắm lắm cạnh Hồ Gươm. Đấy cũng chỉ là giấc mơ thôi.
Và tôi mơ về cái chết. Tôi muốn chết, điều này chẳng có gì xa lạ hay cần phải giấu diếm. Tôi muốn chết, tôi nghĩ về chuyện tự tử và suýt tự tử vài lần. Nhưng lần nào tôi mơ về cái chết, tôi cũng nghĩ đến Hà Nội. nếu tôi nhảy cầu, đó phải là cầu Long Biên. Nếu tôi treo cổ, đó phải là trên cái quạt trần trong căn nhà ống lúc nào cũng hôi hôi ẩm trong Khâm Thiên. Nếu tôi rạch tay, à thì nhà tôi không có bồn tắm… Chắc vì thế nên lần tôi tự tử tại Úc tôi chọn rạch tay. Vì hồi đó nhà tôi thuê có bồn tắm.
Kỳ lạ thay, giấc mơ đó lại là giấc mơ tồn tại lâu nhất. Một giấc mơ về cái chết giúp tôi đủ sức mà sống cho tới lúc về Hà Nội. Hà Nội dĩ nhiên xấu xí hơn trong tưởng tượng của tôi. Vừa mở cửa sân bay, hơi nóng ẩm xộc vào mặt như một cú tát của cô giáo cấp một. Thế nhưng, tôi vẫn cứ bám víu lấy cái giấc mơ ấy, và nó giống như một tia sáng trong cuộc sống chẳng có gì diễn ra của tôi.
Ngày nào đi làm tôi cũng phải lái qua sông Hồng và về khi trời đã ngả tối. Nước sông Hồng dập dìu nhẹ vỗ vào bờ. Tôi nhớ những ngày ở Úc, có đợt tôi đi làm trang trại nho, công việc đầu tiên là đan những chiếc đinh vào tấm vải bạt trùm lên hàng cây để bảo vệ cây qua cơn bão. Tôi bị sốt dị ứng, trời nóng gần 40 độ. Nhìn lên bầu trời xanh xanh cao, tôi hoa mắt như thể nhìn vào một mặt biển tĩnh mà chiếc bạt là những đợt sóng lạ vỗ ngược. Phụt. Tôi đâm chiếc đinh vào tay. Một dòng máu đỏ tươi ứa ra, loang trên bầu trời.
Nước sông Hồng buổi đêm như tấm vải bạt ngày nào, và tôi nghĩ, nếu tôi nhảy xuống ngay bây giờ, tôi sẽ rơi ngược. Tôi sẽ rơi lên bầu trời kia và hàng ngàn chiếc đinh to như những ngón tay út sẽ tứa qua người tôi. Và điều đó làm tôi hy vọng. Tôi khấp khởi đón thêm một ngày mới khi tôi biết rằng mình sẽ chết ở Hà Nội.
Ai cũng phải có ước mơ. Ông bà bô tôi bảo vậy. Ai cũng phải có ước mơ. Xã hội bảo vậy. Chúng ta khinh miệt và coi thường những kẻ không có giấc mơ. Nhưng nếu như con thuyền giữa biển lặng trong màn đêm đen, chẳng có hướng đi và chẳng có nơi nào đến, chẳng có ánh hải đăng sáng trong đêm… Người thủy thủ đành đặt ước mơ nơi những vì sao trên trời cao mà thôi.
Và tôi muốn chết trong bầu trời ấy.