Hè về rồi!
Tôi thấy những cánh diều thấp thoáng bay trên đoạnđường đi làm về. Trong tôi bình yên đến lạ. Sao lại thế nhỉ?
Nguồn: Báo Công an Nhân dân
Nguồn: Báo Công an Nhân dân
Tôi tò mò lên mạng tìm xem có gì hay ho về cánh diều.Tôi phát hiện ra cánh diều nằm trong những vần thơ tôi từng học thuở bé:
“Quê hương là chùm khế ngọt Cho con trèo hái mỗi ngày Quê hương là đường đi học Con về rợp bướm vàng bay Quê hương là con diều biếc Tuổi thơ con thả trên đồng Quê hương là con đò nhỏ Êm đềm khua nước ven sông”
(Quê hương – Đỗ Trung Quân)
 Hay như trong lời bài hát Quê tôi của ca sĩ Thùy Chi:
“Quê tôi sớm tinh mơ tiếng gà gọi cha vác quốc ra đồng. Ai đem nắng đong đầy đôi vai, cháy những giọt mồ hôi” Quê tôi có cánh diều vi vu, xa xa lũy tre làng. Trưa trưa dưới mái đình rêu phong, là bóng mát ngày thơ.”
Hình ảnh cánh diều còn trở thành biểu tượng của một trong những giải thưởng điện ảnh lớn nhất Việt Nam là “Cánh diều vàng” do Hội điện ảnh Việt Nam trao tặng hàng năm cho các tác phẩm phim ảnh xuất sắc.
Tôi nghĩ tôi tìm trên mạng đủ rồi. Tôi tự hỏi chính mình, ấn tượng gì về cánh diều mà khiến tôi có cảm giác ấy? Tôi lục tìm lại ký ức và phát hiện ra tôi ấn tượng về nó vào hơn 15 năm về tước.
Tôi nhớ mình khi đó hớt hải chạy lên sân thượng nhà mình. Chăm chăm nhìn theo cánh diều cao vút mà mấy đứa hàng xóm đương thả. Uớc rằng giá mà mình cũng được như thế. Dường như cái khoảnh khắc ấy khái quát tuổi thơ tôi thì phải. Luôn muốn chạm tới tột đỉnh mọi thú chơi, nhưng rồi lại bị những rào chắn vô hình lẫn hữu hình cản ngăn, khiến bản thân chưa khi nào chạm tới sự vút cao ấy.  
Trong dòng suy tưởng ấy, tôi nhớ lại tôi của những ngày bé con. Tôi nhớ bà nội cõng tôi trên lưng bì bõm lội qua đoạn nước lụt từ trường về nhà vào ngày trời mưa to. Tôi ngày bé từng nhiều lần cãi bà, nhiều lần làm bà tức đến mức bị ăn đòn. Dẫu vậy tôi lại rất mê hương vị thức ăn bà nấu. Những món ăn ngày Tết như thịt lợn tẩm ngũ vị hương ướp hành xả rán khô, xôi trắng xối mỡ gà phi hành kèm với ruốc rắc lên mặt, thịt sấn nguyên miếng nấu măng... cái mùi thơm phúc cùng cái vị béo ngậy ấy cứ mãi in đậm trong tôi những năm tháng ấu thơ. Tôi thắc mắc rằng sao Tết được ăn nhiều đồ ngon thế, bà bảo: “Đói ngày dỗ cha, no 3 ngày Tết con à”.
Bởi Tết Nguyên Đán vừa là một nét phong tục tập quán vừa là một nét văn hóa riêng biệt để phân biệt Việt Nam với các nước bạn. Nó là dịp mọi người cùng hướng về cội nguồn, về Tổ tiên với tấm lòng thành kính, là thời điểm tất cả thành viên trong gia đình được xum họp sau một năm lao động vất vả, cùng quây quần bên mâm cơm ấm cúng, chia sẻ với nhau mọi buồn vui của năm cũ, cùng nhau hướng tới một năm mới với nhiều sức khỏe, may mắn, tài lộc. Có lẽ vì tổng hòa quá nhiều thứ như vậy mà ký ức được bà cõng trên lưng ngày mưa lụt ấy luôn đậm nét trong tôi. Giờ thì tôi quá lớn để bà có thể cõng rồi, tôi chỉ muốn mỗi ngày đi làm về còn thấy bà loanh quanh với mấy đứa chắt là đã mừng lắm rồi. Và bà thì vẫn ngóng tôi cho bà bế chắt.
Xuôi tiếp dòng ký ức tới nửa cuối những năm 2000s.
Khi đầu băng VHS dần được thay thế bằng đầu đĩa DVD. Với thiết kế cùng các cải tiến hơn trong việc nén dữ liệu trên đĩa, gọn gàng hơn trong việc bảo quản, đầu DVD đã thật sự bùng nổ doanh số. Đặc biệt mua đầu đĩa Ông Trọc ngày đấy là được combo thêm bộ tay cầm chơi game, chiến mượt mà các con game như Contra, Ninja Rùa...Thằng nào nhà sở hữu bộ đầu này chắc chắn là idol của cả xóm. Cả lũ sẽ bâu sang chơi hoặc xem ké bất kể giờ giấc, và chỉ giải tán khi phụ huynh réo về ăn cơm.
Ngày đấy ngoài chơi game thì còn rất nhiều dòng đĩa để giải trí.
Đầu tiên phải kể tới bộ môn đĩa siêu nhân. Ui cha, bộ siêu nhân Gao, siêu nhân Điện Quang, siêu nhân Cuồng Phong... xem không biết chán là gì! Không rõ do phim hay hay là vì thời đó chả có gì để xem nên có gì xem là mê đắm cái đấy. Cứ thằng nào có đĩa siêu nhân là cả bọn bu tới xem ké ngay, lo lắng hồi hộp khi phía yêu quái chiếm thế thượng phong, cau có lúc đĩa xước, xuýt xoa theo từng nhịp giao tranh, sau cùng thì hú hét vỡ òa khi bên chính nghĩa thắng, buổi xem kết thúc là cả lũ lao ra sân chung của xóm khoa chân múa tay xi xa xi xô các kiểu. Thời đó thằng nào cũng có cho mình ít nhất một món đồ liên quan tới siêu nhân như đồ chơi, quần áo, hộp bút, cặp sách...Và để có được chúng thì đổi lại phải là những ngày ngoan ngoãn học tập, chăm chỉ làm việc nhà kèm theo một chút tiểu xảo lăn đùng giãy đành đạch, phụng phịu thậm chí khóc òa lên khi phụ huynh đứng phân vân ở cửa hàng đồ chơi.
Nguồn: Báo Lao động thủ đô
Nguồn: Báo Lao động thủ đô
Dòng đĩa phim cũng sở hữu vị thế ngang ngửa với đĩa siêu nhân luôn. Đủ mọi thể loại, từ đánh võ đến bắn nhau, từ sướt mướt đến kinh dị, hoạt hình á âu mỹ nhật có hết, phải nói là “nhạc nào cũng nhảy”. Khi tôi lên cấp 2 cũng là lúc ông nội vừa mới sắm con đầu đĩa. Đầu tôi nảy số ngay, phải nhập vai “good cháu” thật mượt mà để mượn đầu đĩa của ông ra ngoài nhà xem. Lúc đó tôi sẽ thực sự chìm sâu trong “bồn tắm” ấy mà không sợ nhăn nheo da.
Một dòng đĩa cũng rất đặc trưng khi đó là dòng đĩa hài, nổi nhất là Thăng Long Audio, hãng này cho ra hàng loạt sản phẩm hài Tết hay như Râu Quặp, Thích Lên Voi, Thầy Dởm... cùng các đĩa hài như Nói xấu vợ của Chiến Thắng, hài Vượng Râu, hài Hoài Linh, hài ca nhạc thì có Trọn đời bên em của Lý Hải. Cứ tới cận Tết ai ra quán đĩa kiểu gì cũng cầm về từ một đến vài đĩa hài Tết. Độc lạ hơn nữa là chỉ ngay tối mùng 1 Tết là mọi người đã có thể mua đĩa Táo Quân phát sóng lúc 20h tối Giao thừa.
Dẫu biết tuổi thơ thật đẹp, nhưng nó cũng như mọi thứ trên cuộc đời này, đều hữu hạn.
Nếu gia đình không trong hoàn cảnh khó khăn khiến buộc ta phải đi làm kiếm từ nhỏ thì tôi định nghĩa khoảng thời gian ta thật sự được sống đúng như một đứa trẻ là đến trước khi bước chân vào THPT hay còn gọi là vào cấp 3. Bởi vì sau cánh cổng THPT chúng ta bắt đầu lờ mờ xác định được khi kết thúc giai đoạn học tập này thì ta sẽ phải rẽ theo một trong hai hướng, bắt đầu đi làm kiếm tiền luôn hoặc sẽ tiếp tục cho những bậc học cao hơn.
Vậy nên thời điểm càng cận kề tới ngưỡng ấy càng để lại cho tôi những dòng cảm xúc khó phai. Tôi cũng từng viết về cấp 2 của tôi ở đây. Còn tại đây thì sẽ khai thác những đặc sản ký ức khác thời đó. Đại diện tiêu biểu cho thời kỳ này chắc chắn phải là truyện tranh.
 Đó là chú mèo máy Doraemon đến từ tương lai, mê ăn bánh rán, bụng đeo chiếc túi thần kỳ chứa muôn vàn bảo bối. Anh bạn cùng phòng Nobia hậu đậu, lười học, yếu đuối suốt ngày bị Chaien, Xeko bắt nặt; thế mà lại đem lòng thích cô bạn Xuka vừa xinh gái vừa học giỏi. Đó là cậu khỉ con Son Gôku cùng team gồm CaĐích, Krilin, Pocolo... với tinh thần sắt đá, lòng quả cảm, ý chí quyết tâm luôn sẵn sàng tiến lên phía trước dù kẻ thù có là ai đi nữa. Họ luôn ý thức được sứ mệnh bản thân là phải bảo vệ hành tinh xinh đẹp này trước những kẻ xâm lăng đến từ bên ngoài Trái Đất. Còn cả nhóc thám tử Conan cũng làm cho biết bao đứa trẻ mê mẩn với tài suy luận logic, đưa những kẻ sát nhân ra ánh sáng, bảo vệ công lý ở bất kỳ nơi nào cậu tới. Rồi thế giới nhẫn giả đầy mê hoặc trong Naruto, cuộc phiêu lưu đi tìm kho báu cùng giấc mơ trở thành vua Hải tặc của Luffy và đồng bọn trong One Piece, những trận bóng vừa hài hước vừa kịch tính trong Itto (trước đó gọi là Jindo) cùng rất rất nhiều đầu truyện tranh khác đã tạo nên một khoảng tuổi thơ cực đẹp của tôi và bạn bè tôi thời đó. Chính những giá trị tốt đẹp ấy hình thành nên tôi của hiện tại.
Một góc nhỏ của tôi.
Một góc nhỏ của tôi.
Dường như “cánh diều” của tôi bay cũng khá cao đấy chứ. Dù nó không cao bằng những người mà mình hay ghen tị thì nó vẫn cao hơn rất nhiều những thân phận trẻ thơ đặc biệt nào đó ngoài kia mà. Những bạn ấy có khi còn không dám ước mơ cánh diều của mình được bay cao vì biết rằng nó sẽ chỉ làm các bạn ấy thêm day dứt. Vậy thì đâu còn phải ngần ngừ nhỉ, hãy cứ vui vẻ tận hưởng cuộc sống thôi. Tiếp tục phát triển, tạo ra những giá trị tốt đẹp, và rồi biết đâu những giá trị tôi tạo ra có thể giúp những cô cậu bé đặc biệt ấy được một lần thấy cánh diều của mình bao lên trời xanh bao la.
HẾT!!!