Yêu là chết trong lòng một ít…
Yêu một người mắc rối loạn tâm lý
Tình yêu, tôi cho nó là một tình cảm rất đẹp. Nói theo góc nhìn Tâm lý học, yêu và được yêu là nhu cầu bậc 3, thuộc nhu cầu cấp cao trong tháp nhu cầu gồm 6 bậc của Abraham Maslow. Vì thế, dù bạn là ai, bạn có gì, bạn vẫn xứng đáng được yêu và yêu một ai đó.
Thế nhưng, với tôi, tình yêu không chỉ "đẹp" ở những cảm xúc hưng phấn, nồng nàn, mà những lúc "chết trong lòng một ít" cũng là một thứ khiến tình yêu trở nên đậm sâu hơn trong tâm hồn và trải nghiệm của mỗi người. Sau những lần ấy, cả hai có thể hiểu về nhau hơn, và nếu con người ta vượt qua được những điều đó, người ta hiểu được sức mạnh của tình yêu từ chính mình, bằng việc nhận ra "tình yêu" đã giúp họ vượt qua được những khó khăn đấy như thế nào.
Những chuyện tình hẳn bao giờ cũng trải qua ít nhiều lần căng thẳng, đôi khi là chuyện nhỏ, đôi lúc là chuyện to. Mà nguyên nhân có thể là bất kì điều gì, từ chuyện giận hờn vu vơ cho tới bất đồng quan điểm...Nhưng nhiều lúc, những nguyên nhân ấy còn bao hàm trong nó nhiều nguyên nhân sâu xa khác khi chúng ta bắt đầu nghĩ về sức khỏe tinh thần của mỗi người trong mối quan hệ đó.
Với tôi, mối tình có sự hiện diện của những vấn đề tâm lý, là những mối tình day dứt, rất khó giải quyết và đôi lúc là dang dở. Vấn đề này không hiếm thấy, hiện đã có rất nhiều topic trên mạng xã hội bàn luận về chủ đề này:" Yêu một người trầm cảm", hay " Làm sao để yêu một người mắc Rối loạn nhân cách ranh giới"...
Thật khó nhỉ? Nên ngày hôm nay, tôi muốn nói một chút về Tình yêu và Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder - BPD) - một rối loạn tâm lý có ảnh hưởng khá nhiều đến các mối quan hệ, trong đó bao gồm cả tình yêu.
Nói một cách sơ lược, rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) được đặc trưng bởi sự không ổn định và quá nhạy cảm trong mối quan hệ giữa các cá nhân, sự mất ổn định về hình ảnh cá nhân, có những cảm xúc và phản ứng tâm lý dữ dội.
Nguyên nhân của BPD có thể xuất phát từ những căng thẳng và sang chấn thời thơ ấu, quá khứ có tuổi thơ thường bị bỏ rơi, ghẻ lạnh, không đầy đủ sự quan tâm,.. Một số trường hợp cũng đã chỉ ra rối loạn nhân cách ranh giới có một thành tố do di truyền.
Người có dấu hiệu rối loạn nhân cách ranh giới rất sợ bị bỏ rơi và sợ sự cô đơn trong mối quan hệ, do đó họ thường có những hành vi và cảm xúc không kiểm soát, đôi khi có thể gọi là giận dữ và “phát điên” lên khi người yêu (hoặc đối tượng thân thiết trong mối quan hệ ) của họ đến trễ vài phút, không trả lời tin nhắn hoặc từ chối một yêu cầu nào đó…
Những cô gái hoặc chàng trai này trong tình yêu thường luôn ở trong một nỗi bất an, không phải do hoàn cảnh, không phải do đối phương, mà do vấn đề tâm lý từ chính họ. Và bởi vì mang trong mình nỗi sợ hãi bị bỏ rơi và cô đơn to lớn, nên bất cứ hành động nào của đối phương trở nên “lệch” bình thường  một chút nhỏ, cũng đủ để khiến họ “bùng nổ”. Sự “bùng nổ” ở đây đôi khi được thể hiện ra bằng những hành vi gây hấn, bốc đồng, đôi khi lại ngầm chạy như một trận chiến trong đầu họ, với vô vàn suy nghĩ hỗn tạp.
Ở giai đoạn đầu của mối quan hệ yêu đương, cô ấy/ anh ấy có xu hướng lý tưởng hóa người yêu của họ, luôn muốn chia sẻ với nhau mọi thứ và muốn dành nhiều thời gian bên nhau. Nhưng sự thất thường trong tâm trạng có thể khiến họ đột ngột cảm thấy người yêu của mình không dành đủ sự quan tâm cho mình, đột nhiên vỡ mộng và trở nên giận dữ, cáu bẳn. Sự thay đổi từ việc lý tưởng hóa sang thất vọng và coi thường người yêu của họ như vậy phản ánh lối suy nghĩ đen - trắng (phân cực giữa tốt và xấu, hay cũng chính là ở giữa những đường “ranh giới”).
Nhưng tất cả những cảm giác, cảm xúc này cũng gây ra nhiều nỗi khổ cho người yêu của bạn nếu cô ấy/anh ấy có dấu hiệu của rối loạn nhân cách ranh giới. Thật sự sẽ không bao giờ là dễ chịu và dễ yêu một ai đó khi mỗi ngày đều là một trận chiến trong đầu họ. “Cô ấy” có lẽ đã chiến đấu với những cảm xúc của mình rất nhiều, thế nhưng những bất an, lo sợ vẫn thường trực và đeo bám suy nghĩ “cô ấy” rất nhiều. Để rồi dù chỉ là một hành động nhỏ nào đó của người yêu, cũng đủ khiến cô ấy/ anh ấy dấy lên nỗi lo sợ bị bỏ rơi, bị ghẻ lạnh và cô đơn trong mối quan hệ, từ đó có những hành vi như mỉa mai, cay nghiến, và hành vi bốc đồng tức giận, nhưng đối tượng hướng đến lại chính  là những người yêu, người thân, và người mà họ tin tưởng nhất. Thế nhưng sau cơn bùng nổ, họ sẽ cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và nghĩ bản thân mình là người không tốt.
Và nếu thật sự là như thế, thật sự cô ấy/anh ấy đã thể hiện mọi cơn tức giận, bốc đồng với bạn, có vẻ cô ấy/ anh ấy thật giống một người xấu và ích kỷ, nhưng tất cả những sự “không kiểm soát” này đương nhiên không phải là điều cô ấy muốn, và quan trọng hơn là họ nhận ra được vấn đề này nhưng lại khó có thể “kiểm soát” được nó. Điều này khiến mọi thứ như một cuộc hỗn chiến trong tâm hồn của người rối loạn nhân cách ranh giới với các mối quan hệ quan trọng của họ, điều này đẩy họ ngày càng xa khỏi mối quan hệ đó, và nó thật sự là một nỗi khổ tâm vô cùng lớn!
Vậy sẽ ra sao khi một người yêu rất nhiều và rất khao khát tình yêu lại mắc rối loạn nhân cách ranh giới - thứ đẩy họ ra xa khỏi mối quan hệ mà họ tìm kiếm và rất trân trọng?
Và… đây cũng là một câu hỏi dành cho chính tôi, hẳn sẽ không có một giải pháp chính xác nào được viết ở đây, mà tôi muốn viết nên một sự thấu cảm, viết nên một “cái ôm”. Rằng bạn rất đẹp khi bạn yêu thật lòng, bạn cũng rất đẹp khi bạn khao khát tình yêu, bạn vẫn rất đẹp khi bạn trải qua rối loạn nhân cách ranh giới nhưng vẫn chọn yêu! Tình yêu không sai, và bạn cũng không sai, bạn càng đáng được trân trọng khi vượt qua và cố gắng kiểm soát vấn đề đó để giữ và sống trọn vẹn với tình yêu của bạn!
Và đây là những dòng chữ dành cho một người khi người yêu của họ có rối loạn nhân cách ranh giới. Chắc chắn, nó không dễ chịu và dễ dàng, khó khăn mà bạn trải qua cũng gần như những khó khăn trong cảm xúc của người bạn yêu. Bởi vì mối quan hệ giữa hai bạn là tình yêu, và nó có sự lan truyền rất nhiều năng lượng. Tôi cũng muốn dành một “cái ôm” và sự thấu hiểu đến bạn.
Khi yêu một người có rối loạn nhân cách ranh giới, tối muốn nói vài điều…
Hãy thấu hiểu cho nỗi đau của họ, đó là cách chân thành nhất mà ta yêu họ.
Nhận ra, và tìm hiểu về một số dấu hiệu của rối loạn nhân cách ranh giới, để khiến ta hiểu, cảm thông và giúp đỡ họ nhiều hơn.
Tuy nhiên, hãy nhớ mình cũng cần được yêu thương và đặt ra một giới hạn cho mình, bạn nhé!
Và tôi cũng tin, có đôi khi chẳng cần một bài blog, hay một bài viết khoa học nào, bạn vẫn biết cách yêu, ở bên, và hỗ trợ người yêu của bạn, chỉ cần là bạn có tình yêu, bạn nhỉ?
Bài viết có sử dụng tài liệu tham khảo (tìm hiểu đầy đủ thêm về Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) ở đây):
Choi-Kain L. (2021, September 11). Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD). Cẩm nang MSD - Phiên bản dành cho chuyên gia. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tâm-thần/rối-loạn-nhân-cách/rối-loạn-nhân-cách-ranh-giới-bpd