Nhưng người quá khờ khạo, cũng khó không kém để trực ngộ ^_^ Điều này bởi vì họ không có nhiều điều kiện để tiếp cận chân lý, nên nhìn chung có thể dễ hiểu được. 
Vì thế, với người khờ khạo, kém trí, người ta thường tiếp cận chân lý bằng niềm tin trước tiên. Bởi họ dễ dàng tin tưởng, và nếu đủ duyên và tinh tấn, họ đạt Định thì rồi cũng trực ngộ được. 
Còn người tài trí, lại có cái khó riêng, có khi còn khó hơn cả người kém trí. Bởi người tài trí thường tích lũy cho mình rất nhiều tri thức, lại dễ có cái Tôi lớn, nặng Ngã chấp. Cái khó trong việc trực ngộ hay Giác Ngộ, là rũ bỏ được cơ chế quy Ngã, hay nói dễ hiểu rằng rũ bỏ được cơ chế quy về cái Tôi của ý thức. Bằng cách trực nhận ra bản chất thực tại, vốn luôn biến đổi, cấu hợp, do điều kiện tương ưng mà đến hoặc đi, để rồi sau cùng nhận thấy chẳng có một thứ gì là thực sự cố hữu. 
Tuy nhiên, cơ chế ý thức con người vốn bám nặng vào sự quy Ngã, nên nó khó rũ bỏ được tính đó, và khó có được cái thấy đại đồng, bình đẳng. Nên người tài trí, càng dễ có cái Tôi cao, bởi bản thân đã có cái gì đó hơn người khác, và việc muốn thể hiện điều đó khiến việc rũ bỏ cái Tôi càng khó khăn hơn. 
Giác ngộ thực ra chỉ đơn giản là rũ bỏ mọi thứ, không cần phải làm gì, ngoài việc thực sự trực nhận những gì đang xảy ra và thấy được bản chất của nó. Tuy nhiên, do cơ chế quy Ngã quá mạnh, chúng ta khó mà thực sự không làm gì. Tâm trí chung ta luôn suy nghĩ, liên tưởng, và khi đó, có sự phân chia. Có Người, có Ta, có vật này, có vật khác... Khi đó, chúng ta không ở trong trạng thái của toàn thể mọi thứ đang hiện tiền, mà chỉ gói gọn mình trong một đối tượng nhất định của ý thức. 
Và chúng ta càng có nhiều tri thức, càng tích lũy nhiều tư tưởng, chúng ta lại càng dễ bồi đắp cho cái Ngã của mình, nghĩ rằng chúng ta đã thực sự thấu hiểu chân lý, nhưng thực chất tất cả chỉ là trò chơi của ý thức mà thôi. 
Ý thức hay kiến thức, tư tưởng của ta, vốn cũng chỉ là ảo ảnh của những thứ ở ngoài kia. Nó trừu tượng, không thực có, mang tính khái niệm, và vì thế nó tách rời với những gì thực sự đang diễn ra. Nó là hệ quả thiếu sót của thực tại, bởi nó chỉ là sự vơ vét bởi ý muốn nửa vời của một cá nhân chứ không phải là toàn bộ thực tại. 
Nó cũng chỉ là những kết quả của sự lưu chuyển, vận động của thực tại. Không khác gì âm thanh của tiếng chuông phát ra khi cái chuông gặp cái dùi. Và chính vì thế, nó cũng biến diệt liên tục, thay đổi liên tục, cũng như khoảnh khắc chúng ta thốt lên từ "bây giờ" thì cái sự bây giờ đã trôi qua mất rồi. 
Nhưng khổ nỗi, chúng ta không nhận ra điều đó, do đã quá quen với việc dính mắc vào tư tưởng của mình. Và chỉ khi nào chúng ta có thể dừng lại, nhìn vào những gì đang xảy ra mà không suy nghĩ. Thực sự cảm nhận thực tại hiện tiền, và tìm hiểu nó, nhưng không phải qua trí năng mà là qua kinh nghiệm, khi đó ta mới có thể trực ngộ được. 
Giống như việc chúng ta chỉ đơn thuần ăn một quả cam, và cảm nhận nó bằng miệng, lưỡi, chứ không phải ăn bằng ý thức.