Nội dung

    “Làm đĩ” có một nội dung đơn giản là việc tại sao Huyền, một cô gái nhà gia giáo, ngoan hiền lại có thể trở thành một gái giang hồ.

Cảm nhận

          Tác phẩm không ngần ngại nói về những cảnh quan hệ xác thịt nhưng không phải một cách thô thiển khi ta dùng máy ảnh chụp lại cảnh một cặp đôi làm tình mà Vũ Trọng Phụng cũng đã tinh tế khi chỉ sử dụng những âm thanh hay hình ảnh để gợi hình ảnh cho người đọc nhưng có lẽ vào thời đó, như thế cũng quá đủ đồi trụy. Việc mô tả quan hệ xác thịt trong tác phẩm không phải khuyến khích người ta nối gót Huyền mà hành nghề vốn tự có mà nói về những sự thật xấu xa, hoàn cảnh xã hội thời đó ép họ phải như thế.
          Hiện thực xã hội được phô bày kệch cỡm không chỉ trong những câu tả về đời sống của tầng lớp thượng lưu ngày ấy mà còn qua trong trữ tình ngoại đề của chính Vũ Trọng Phụng để phê phán xã hội. Vẫn giọng điệu gay gắt mà cũng giễu nhại quen thuộc khi ông viết “Số đỏ” thì lần này giọng văn của Vũ Trọng Phụng có phần hiền từ hơn đối với số phận Huyền cũng như bao cô gái bán hoa khác. Ngoài lên án xã hội, cuốn tiểu thuyết này còn một vấn đề khá thời sự cho tới bây giờ chính là việc giáo dục giới tính, giáo dục giới tính ngày xưa vốn tránh nói tới vì nhạy cảm, vì cho là bậy bạ, vẽ đường cho hươu chạy khiến bọn nhóc chả biết gì phải tự mình tìm hiểu lấy rồi chúng chạy lung tung và tự lãnh hậu quả. Ngày nay, việc giáo dục giới tính có phần được đẩy mạnh mà mình thấy chưa được mạnh lắm, cần mạnh hơn nữa.

Vài suy nghĩ bên lề

          Một tác phẩm tiêu biểu của Vũ Trọng Phụng cũng như trào lưu văn học hiện thực phê phán ở nước ta vào giai đoạn Pháp thuộc. Nhưng có vẻ như ông cũng có phần cực đoan khi cho những điều Pháp mang vào Việt Nam là xấu chứ không có một lợi ích gì. Nếu ai đó đã hứng thú với “Số đỏ” (hay qua đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” đã được học trong trường) thì có thể tìm đọc tác phẩm này để hiểu thêm về giọng văn của Vũ Trọng Phụng.
Tái bút: Bài viết đã đăng trên facebook cá nhân vào ngày 13/05/2019.