[Cảm nhận sách] Có gì thú vị trong sách Sapiens: A Graphic History
Lại là Sapiens à? Đây chắc chắn là một đầu sách quen thuộc với rất nhiều người, ngay cả trong Spiderum cũng không thiếu bài viết về...
Lại là Sapiens à? Đây chắc chắn là một đầu sách quen thuộc với rất nhiều người, ngay cả trong Spiderum cũng không thiếu bài viết về cuốn sách này. Ví dụ như bài này:
Hay bài này chẳng hạn:
Tóm lại là rất nhiều. Nhưng tại sao tôi lại nhắc lại nó? Nhưng để mà nói thì cái phiên bản mà tôi nhận được lần này nó là truyện tranh. So sánh vui vui thì nếu cuốn Sapiens nhiều chữ kia là Light Novel của ngành Lịch sử thì cuốn Sapiens: A Graphics History này có thể coi như là Manga cũng được.
Phiên bản “truyện tranh” có gì giống và khác so với cuốn sách gốc?
Cuốn Sapiens: Lược sử loài người gồm 4 phần (section) lớn bao gồm Cuộc cách mạng nhận thức, Cách mạng nông nghiệp, Sự thống nhất của loài người và Cách mạng Khoa học, thì cuốn Sapiens: A Graphic History này nội dung của nó bao trọn trong phần 1: Cuộc cách mạng nhận thức.
Để có thể chuyển từ chữ sang hình, tác giả Yuval Noah Harari và hai họa sĩ đã thêm rất nhiều những yếu tố mới, trong đó phải kể đến các nhân vật thú vị như giáo sư Saraswati (lấy cảm hứng từ nữ thần Saraswati đại diện cho tri thức trong thần thoại Hindu giáo), Tiến sĩ Hư cấu (Dr. Fiction), hay Bill Tiền sử (lấy cảm hứng từ loạt series Flintstones)... Nhờ các nhân vật này mà mạch truyện liên tục được thay đổi qua từng phần để không quá nhàm chán hoặc quá ôm đồm kiến thức, giúp các độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ dễ tiếp cận hơn với một hình thức hoàn toàn mới.
Nhưng có một điều thú vị là ban đầu khi được đề xuất làm một nhân vật trong cuốn sách này thì Yuval Harari đã từ chối luôn vì ông muốn đứng ngoài và không muốn tham gia vào làm người kể chuyện trong cuốn sách đó. Thế nhưng sau khi được họa sĩ và biên kịch thuyết phục thì mình cũng không hiểu sao ông ấy xuất hiện ngay từ đầu sách luôn, với minh họa là một ông giáo sư hói, gầy nhẳng và đeo kính, nhìn rất là nerdy. Các bạn có thể đọc thêm về phần phỏng vấn với ông ấy với The Guardian tại đây.
Sách có “nặng” không?
Khi cầm sách trên tay và bắt đầu tìm hiểu thì mình thấy nó nặng đúng theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng luôn. Sách bìa cứng, khổ rất to nên anh chị em mà mua chắc không cầm lên mà đọc trên giường như sách bình thường được đâu, mỏi tay quá hay ngủ quên mà để sách đập vỡ mặt như chơi.
Ngoài ra, so với những cuốn truyện tranh bình thường thì cuốn Sapiens: A Graphic này cũng “nặng” về kiến thức hơn rất nhiều, vì đây không phải là cuốn sách đơn thuần để giải khuây hay đọc cho vui, nhưng so với bản chữ thì đã được giản lược đi một số phần để ngay cả những người không thích đọc lịch sử cũng có thể tìm hiểu được chi tiết. Các lý thuyết, kiến thức hóa học, sinh học, nhân học, lịch sử..., và tư tưởng trong sách cũng được minh họa thú vị, một số được lấy ví dụ trực tiếp từ trong Sapiens: Lược sử loài người. Các chi tiết về chiến tranh, bạo lực, sự tàn nhẫn của loài Sapiens cũng được minh họa giản lược, bớt đi phần máu me nhưng vẫn khiến tôi rùng mình nhận ra rằng suốt chiều dài lịch sử, loài người là một giống loài phải nói là racist, và đặc biệt tàn nhẫn với các loài khác.
Tôi bắt đầu đọc cuốn Sapiens: A Graphics History này sau khi vừa hoàn thành một cuốn sách khác, đó là Tam Thể của Lưu Từ Hân. Cốt truyện của nó đại khái là như thế này (*spoiler alert), nhân vật chính của chúng ta, Uông Diểu—một kĩ sư vật liệu nano, tham gia vào một trò chơi tên là Tam Thể, nhưng không ngờ trò chơi đó còn ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của anh, đó là một game online mô phỏng một thế giới có ba mặt trời, một nền văn minh có thể chỉ kéo dài vài ngày, vài năm hoặc vài nghìn năm, và con người phải “thoát nước” để sinh tồn. Thế nhưng anh không ngờ rằng thế giới Tam Thể là có thật, và trò chơi mô phỏng đó là cách để những sinh vật có trí tuệ trên hành tinh đó tới xâm lược địa cầu. Sau tất cả những âm mưu, những nỗ lực, câu hỏi còn đọng lại không phải là “Nhân loại phải làm gì trước nguy cơ bị người ngoài hành tinh xâm lăng”, mà là “Loài người đã làm gì chính mình?”
Vậy thì chính xác là loài người đã làm gì chính mình?
Trước khi trả lời câu hỏi này thì phải xem xét loài người đã làm gì những loài người khác nữa. Có thể cho đến bây giờ chúng ta cô đơn trong vũ trụ, nhưng từ rất nhiều năm về trước, chúng ta lại không hề cô đơn trên Trái Đất. Cụ thể là cùng chung sống với loài Homo Sapiens, đã có thêm Homo Neanderthalensis, Homo Erectus, Homo Luzonensis và Homo Floresiensis.
Thế nhưng tại sao lại không có nhiều ngoài người cùng tồn tại đến bây giờ?
Theo lời kể từ chính Yuval Harari, để có thể thực hiện bộ sách gồm 4 tập này, thách thức lớn nhất chính là “làm sao để có thể phác họa được bằng xương bằng thịt những khái niệm được giải thích một cách trừu tượng bằng ngôn ngữ?” Ví dụ như nếu dùng từ ngữ để mô tả sự giao cấu của một cá thể Sapiens với một cá thể Neanderthal, chúng ta có thể bỏ qua những câu hỏi kiểu như “cá thể Sapiens đó là nam và cá thể Neanderthal đó là nữ hay ngược lại? Trông họ như thế nào?” Nhưng với truyện tranh thì mọi thứ phải đủ rõ ràng để người đọc có thể hình dung được. Điều đó kéo theo những vấn đề về chính trị, tư tưởng, văn hóa, chủng tộc, vấn đề giới… Vậy Yuval Harari và hai họa sĩ minh họa là David Vandermeulen và Daniel Casanave đã xử lý như thế nào?
Ở phần đầu tiên theo chân người dẫn chuyện của chúng ta, nhà sử học Yuval Noah Harari, chúng ta sẽ đến với một “gameshow truyền hình thực tế”, một cuộc đua giữa 6 loài người chính thức được bắt đầu! Trong vòng hơn hai triệu năm tiến hóa, Sapiens vẫn là một loài yếu ớt trên đồng cỏ và cho đến tận 100.000 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của bộ não và tư thế đứng thẳng, qua những thử thách như khí hậu khắc nghiệt, các loài thú săn mồi hung dữ, biến đổi gen, lai tạo tổ tiên chúng ta sau khi tạo ra được những công cụ tinh xảo, làm chủ được sức mạnh của lửa mới chính thức ở trên đỉnh của chuỗi thức ăn. Theo tác giả Harari, những công cụ thô sơ đầu tiên của chúng ta là để thu dọn những thứ đồ thừa mà sư tử và linh cẩu để lại, và điều đó thực sự giúp chúng ta hiểu được lịch sử phát triển tâm lý của loài người. Nó giải thích vì sao chúng ta rất căng thẳng và luôn hoảng sợ về vị trí độc tài mới nổi của mình, ta luôn e ngại rằng một ngày nào đó mình sẽ bị mất đi quyền lực. Điều đó khiến chúng ta trở nên độc ác và nguy hiểm hơn gấp bội. Rất nhiều cuộc chiến tồi tệ và thảm họa sinh thái là kết quả của việc chúng ta đột ngột nhảy lên đỉnh cao. Rất nhiều hình ảnh minh họa trong sách được lấy cảm hứng từ các biểu tượng của pop-culture như the Flintstones, Planet of the Apes hay bức họa kinh điển Guernica của Picasso.
Con người là một loài động vật xã hội?
Giờ quay lại cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Tam Thể” tôi vừa nhắc đến bên trên, trước nguy cơ bị người ngoài hành tinh xâm lăng thì nhân loại làm gì? Họ tổ chức một hội nghị bao gồm các học giả và chuyên gia khoa học, thượng tá không quân Hoa Kỳ, thượng tá Lục quân Anh Quốc, quan sát viên từ Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ…
Nhưng điều gì khiến những người xa lạ, thậm chí các bên đối địch có thể trở mặt làm bạn, trở thành đồng minh với nhau? Đó là vì chúng ta có năng lực hợp tác vượt trội so với các loài khác, từ việc tổ tiên chúng ta có thể đi săn theo nhóm, hình thành các Công xã nguyên thủy, cho tới thời kì Tư bản khi mà ta có thể xây dựng Trạm vũ trụ ngoài không gian. Tất thảy đều dựa trên sự hợp tác quy mô lớn.
Và ngay trong cuốn sách Sapiens: A Graphic History này chúng ta sẽ được dẫn đường bởi các nhân vật hư cấu:
Để cùng khám phá các huyền thoại trong suốt chiều dài lịch sử như tôn giáo, các quốc gia dân tộc, hệ thống tư pháp, công lý và tiền bạc…
Chúng ta đã làm gì với hành tinh này?
Phần kịch tính nhất, và cũng là phần mà tôi thích nhất trong cuốn truyện tranh này là phần cuối cùng, Những kẻ sát nhân liên lục địa.
Lấy bối cảnh cuộc điều tra phá một vụ án giết chóc hàng loạt, ta sẽ cùng đồng hành với thám tử Lopez của sở cảnh sát New York để đi tìm hung thủ đã phạm phải tội ác diệt chủng với các loài động vật, trong đó có nhiều loài là động vật khổng lồ như voi ma-mút, chim dodo ở châu Úc, những con lười đất khổng lồ nặng tới 8 tấn và cao tới 6 mét… Hàng nghìn loài động vật có vú nhỏ hơn, bò sát, chim chóc, cả côn trùng và kí sinh trùng cũng tuyệt chủng khi những loài vật chủ khổng lồ đi vào quên lãng. Qua các dấu tích khảo cổ, cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay không phải là lần đầu tiên loài người chúng ta thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái, theo ước tính đã có hơn một triệu loài sinh vật bị loài người hoàn toàn tiêu diệt. Hai nhân vật trong thế giới truyện-tranh-trong-truyện-tranh, đồng thời là nghi phạm của cuộc diệt chủng đã bị điều tra viên Lopez lôi ra trước tòa.
Nhưng chính luật sư, bồi thẩm đoàn, và bị cáo đều cùng một loài Homo Sapiens, vậy thì cuộc xét xử ngay từ đầu đã không còn công bằng, và thẩm phán—để đảm bảo cho tính công chính của tòa án—đã chuyển vụ án tối cao lên tòa án tương lai. Chính chúng ta đều có trách nhiệm và phải chịu hành động cho cuộc tuyệt chủng đang diễn ra này.
Hay chúng ta sẽ chờ đợi một nền văn minh ngoài hành tinh khác đến và phán xét cho những tội lỗi mà ta đã gây ra?
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất