Đọc Sapiens xong thì thấy gì?
Nếu có thể giới thiệu cho ai đó cuốn sách về lịch sử loài người hay nhất, súc tích nhất, kèm theo những mô tả đầy đủ về bản chất của...
Nếu có thể giới thiệu cho ai đó cuốn sách về lịch sử loài người hay nhất, súc tích nhất, kèm theo những mô tả đầy đủ về bản chất của hành vi con người, sự vận động của xã hội từ thời xa xưa đến thời hiện đại và những dự đoán về tương lai thì có lẽ chỉ có thể là cuốn Sapiens- Lược sử loài người. Một lý do quan trọng nữa tôi rất tâm đắc và khuyến nghị đọc cuốn sách này thay vì những cuốn khác là vì tôi chưa đọc những cuốn sách khác, mới đọc có 1 cuốn kiểu vầy thoai. Ahihi!
Đọc thêm:
Một học sinh lớp 12 đọc quyển này chắc khá thấm vì nó là cuốn sách liên ngành tổng hơp kiến thức về tôn giáo, kinh tế, chính trị, triết học, khoa học, sinh học, lịch sử và địa lý, nên là không có quyển nào phù hợp hơn để luyện kỹ năng giải đề thi tích hợp nhiều môn khác nhau cho các em phổ thông. Nói vui vậy thôi, bản thân tôi thấy cũng khá ngợp với lượng kiến thức khá khủng được tổng hợp một cách logic, thú vị và cuốn hút từ thời kì cổ đại đến những thời kì kỷ nguyên của công nghệ.
Thực chất là đọc sách nào cũng thấy ngợp ><
Thế rốt cuộc nó nói về gì nhỉ, sau đây là một số kiến thức thú vị mà may mắn còn sót lại trong tâm trí sau khi nuốt xong cuốn sách này:
Homo Sapiens là gì? Là loài sapiens (tinh khôn) của chi Homo (người)- Loài người tinh khôn
Thứ nhất, nếu muốn tập hợp, kết nối và dẫn dắt được số đông hình thành nên một tổ chức để hợp tác với nhau, ta cần kể họ nghe và tin vào những câu chuyện hư cấu.
Ví dụ như người nguyên thuỷ gia cố trật tự xã hội bằng niềm tin vào ma quỷ và linh hồn. Giáo hội bắt nguồn từ những tôn giáo chung. Những người Công giáo chưa bao giờ gặp nhau vẫn có thể cùng tham gia thập tự chinh hoặc cùng gây quỹ xây dựng một bệnh viện, vì họ đều tin vào Thiên Chúa. Các quốc gia bắt nguồn từ những huyền thoại chung về dân tộc. Hai người Việt Nam có thể liều mạng cứu lẫn nhau vì cùng tin vào sự tồn tại của dân tộc Việt Nam, quê hương Việt Nam và lá cờ Việt Nam. Hệ thống tư pháp bắt nguồn từ những huyền thoại chung từ luật pháp. Hai người luật sự chưa từng biết nhau sẵn sàng chung sức bảo vệ chung một người xa lạ vì cùng tin vào sự tồn tại của luật pháp, công lý và nhân quyền. Có thể nói, việc “tưởng tượng” ra những khái niệm “hư cấu” như vậy đã giúp cho loài người phát triển đến ngày nay. Loài Sapiens chúng ra tồn tại được và không bị diệt vong như những loài khác một phần nhờ vào “sự sáng tạo” này. Và tác giả gọi đó là một “trật tự tưởng tượng”, khi mà chúng ta đều tin vào những huyền thoại chung nào đó.
Đọc thêm:
Ngay từ xa xưa, vào năm 1776 TCN, Babylon, thành phố lớn nhất thế giới với hơn một triệu thần dân đã được cai trị bởi nhà vua Hammurabi bằng Bộ luật Hammurabi.
Thế bộ luật này lợi hại như thế nào? Nó thực sự lợi hại vì nó là một “trật tự tưởng tượng” tuyên bố rằng các vị thần Anu, Enlil và Marduk, đứng đầu trong các vị thần Lưỡng Hà đã cử Hammurabi đến mặt đất để đem lại công lý cho mọi thần dân bằng việc dẹp tan những kẻ xấu.
Một số điều trong bộ luật:
196. Nếu một người đàn ông ưu tú* làm mù mắt một người đàn ông ưu tú khác, người ta sẽ làm mù mắt anh ta.
197. Nếu anh ta làm gãy xương của một người đàn ông ưu tú khác, người ta sẽ làm gãy xương anh ta.
…
211. Nếu anh ta đánh và làm cho một người đàn bà thường dân sảy thai, anh ta sẽ phải cân và nộp 5 shekel bạc.
…
* Bấy giờ con người được chia làm hai giới tính và ba tầng lớp: người tưu tú, thường dân và nô lệ.
Chúng ta hiểu rằng trật tự xã hội Babylon đã được khẳng định bằng Bộ luật Hammurabi, bộ luật được hình thành từ niềm tin từ các vị thần tối cao. Nên vị vua đã nhờ vào điều này để cai trị đế chế của mình. Điều tương tự nếu chúng ta xem xét đến Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, nó cũng chỉ ra được những nguyên tắc về công lý nghe có vẻ hiển nhiên và khiến mọi người tin vào nó, chỉ khác là người Mỹ cho rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và tin vào nó, còn người Babylon thời ấy thì lại tin rằng con người rõ ràng là không bình đẳng(vì chia ra ba tầng lớp). Không có người nào đúng người nào sai, chỉ là bối cảnh khác nhau thì họ tin vào những điều khác nhau mà thôi.
“Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” - Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ-
Vậy thế nào là bình đẳng? Bình đẳng với nhau theo nghĩa nào? Chúng ta được sinh ra để tiến hoá chứ sao lại bình đẳng? Nào giờ hãy thử cắt nghĩa những câu chữ trong bản tuyên ngôn này theo nghĩa sinh học, bởi vì chúng ta được sinh ra mà, và trên phương diện sinh học, “ Đấng tạo hoá” nào “ban cho” con người bất cứ cái gì? Ta được sinh ra và sở hữu các bộ phận cơ thể, các khả năng và đặc điểm chứ sở hữu quyền là sở hữu cái gì? Và các bộ phận cơ thể đó có thực sự bất khả xâm phạm? Rồi tự do và hạnh phúc định nghĩa làm sao?
Kết quả là, người Mỹ sẽ tin rằng dù không bình đẳng về bản chất theo ý nghĩa nào đó, nhưng nếu họ tin rằng họ bình đẳng dựa trên tuyên ngôn độc lập này, thì xã hội sẽ phồn vinh và ổn định. Cũng giống như vị vua Hammurabi ở trên, cùng một logic, ông có thể bảo vệ bộ luật của ông với luận điểm kiểu như: Dù biết rằng người ưu tú, thường dân và nô lệ không phải là những người khác nhau, nhưng nếu mọi người tin là như vậy, thì sẽ tạo ra một xã hội phồn vinh và ổn định.
Nghe thì có vẻ như thuyết âm mưu hay kiểu chúng ta đang bị chi phối bởi thế lực ngầm nguy hiểm nào đó, nhưng thực chất, để tất cả mọi người hợp tác cùng nhau, thì đó là cách duy nhất.Thế thì câu hỏi đặt ra, tôi đã đọc và biết rằng chúng ta đang tin vào những cái “hư cấu” như vậy, tôi quyết định ngừng tin vào chúng và có thể muốn phá vỡ những “trật tự tưởng tượng”này, vào những định chế tài chính, nhân quyền hay luật pháp, blah..blah.. thì tin vui là chúc mừng bạn đã giác ngộ và bạn có quyền tách rời khỏi đám đông, xách ba lô lên và đi… ra một hòn đảo nhỏ nào đó và tự gây dựng một thế giới riêng cho mình, ở đó hoặc là một mình bạn sinh sống, tuân thủ theo những nguyên tắc do bạn tự gây dựng nên mà không ai phản đối hoặc là bạn đủ mạnh để lôi kéo nhiều người, rất.. rất..rất nhiều người XA LẠ tin vào “huyền thoại chung” nào đó mà bạn nghĩ ra được và họ sẽ theo bạn, bạn sẽ có một đế chế cho riêng mình. Và đến đây, chúng ta đã hiểu tại sao có những cuộc bạo động, tại sao mọi người lại tham gia hội Đức thánh chúa trời, tại sao lại có tư bản, tại sao lại có cộng sản, tại sao trong lớp phải nghe lời con lớp trưởng, tại sao lại có luật pháp,… vì đơn giản, ta đang tin vào something can assemble us together to build a better world.
Còn nữa...
Nguồn: Tổng hợp từ sách Sapiens: Lược sử loài người
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất