Cái gì làm cho người ta đau khổ?
Đừng để gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống...
Trong thế giới hiện đại, con người tạo ra đủ mọi phương tiện để phục vụ và đáp ứng cho những nhu cầu của mình. Như thế, đáng lẽ họ phải thật hạnh phúc và sung sướng mới phải. Thế nhưng, không phải vậy, họ vẫn đau khổ và dường như đau khổ hơn thời cha ông của mình khi còn khó nghèo, thiếu thốn là khác. Tại sao vậy? Đầy đủ và văn minh mà nhìn chung hầu như ai cũng có vẻ rầu rĩ, nhăn nhó như loài khỉ bị nhốt trong chuồng trong cũi lâu ngày. Nói như vậy không có nghĩa là ở đời này ở thời đại ngày nay chẳng ai là hạnh phúc cả. Dĩ nhiên, vẫn có nhiều người thực sự rất hạnh phúc, nhưng nếu xét cho kĩ cho tường tận thử hỏi được mấy người? Nếu đem ra so sánh với tỉ lệ dân số, chắc phải khập khiễng lắm. Bằng chứng là quan sát đám người trên đường, trong phòng làm việc hay ngoài công trình…vv. Thấy dường như ai cũng vội vã hấp tấp. Họ luôn phải chạy. Chạy để kịp giờ làm, chạy để sao cho đúng giờ họp, giờ ăn và thậm chí cả giờ ngủ, giời chơi. Nhìn những con người đó, hẳn sẽ thấy họ lúc nào cũng ưu tư, đăm chiêu vô cùng. Họ lo lắng và đám đông nơi họ là thành phần cũng đầy lo lắng với bao nỗi niềm băn khoăn. Tất cả họ đều ưu tư, giống như ai cũng cho rằng mình là người đang mang trong mình nhiệm cụ giải cứu và gánh vác cả thế giới vậy.
David Henry Thoreau nói rằng: “Bận rộn tích trữ kho báu để mối mọt làm hư nát và để kẻ cắp đột nhập lấy mất. Đó là lối sống ngu xuẩn”[1]. Biết là vậy, nhưng thực sự mấy ai đủ tỉnh táo, can đảm để nhận ra điều đó. Dù sao của cải vẫn có sức quyến rũ làm mê hoặc lòng người cách đáng sợ qua biết bao thời và với biết bao người. Quả thực, lối sống trục vật, tư lợi mà nhiều người xưa cũng như nay là tín đồ ngoan đạo đã thổi bay biết bao điều thú vị của cuộc sống. Bởi, đời họ chỉ biết đến tiền đến lợi danh. Khi bị căng thẳng quá họ thường tìm đến rượu để giải khuây, để quên đi. Russell cho rằng nguyên nhân của những hình thức đau khổ đó một phần do chế độ xã hội và phần khác do tâm lý cá nhân của mỗi người. Dĩ nhiên, với ông phần đầu chịu trách nhiệm nhiều hơn. Một chế độ mà trong xã hội ấy con người luôn phải tranh đấu, giành dựt, mâu thuẫn triền miên, thử hỏi con người làm sao có thể hạnh phúc được? Hơn nữa, nền giáo dục chỉ hướng con người ta làm sao để đạt được thành công và để có thật nhiều tiền. Chính vì thế, con người phải gồng mình để chạy theo, để đạt được, để được công nhận thì làm sao lại không đau khổ cho được. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng: “Ý kiến nhầm lẫn về thế giới do những luân lý sai lạc hoặc những thói sống vô ý thức. Đó cũng là thứ làm con người ta đau khổ”[2]. Hay quá chú ý về bản thân mà quên đi vẻ đẹp của ngoại vật cũng không làm ta hạnh phúc được. Có nhiều cách để chú đến bản thân, Russell chia làm ba hạng thường gặp đó là: “Hạng tội lỗi, hạng tự thán phục mình quá mức và sau cùng là hạng tham danh vọng”[3]. Trong ba hạng người này, kẻ thì tự ti quá mức lúc nào cũng trách mình hận mình. Kẻ thì yêu mình quá đáng, luôn đòi hỏi ai cũng phải kính mình, mến mình. Mà khổ nỗi ở đời làm gì có chuyện đó, đến các thánh tu đức hiền lành có tiếng kia còn có kẻ ghét người thương huống chi kẻ hống hách kiêu mạn. Người còn lại như đã nói là kẻ ham danh vọng. Hạng người này khác người thán phục mình ở chỗ là muốn được người ta sợ mình. Đây là kẻ cuồng danh, cuồng quyền tới mức lố bịch, điên khùng, lúc nào cũng thích ra vẻ oai nghiêm và muốn thị uy. Bởi vậy, Russell mới nói: “Kẻ điên khùng thì tưởng mình là vị hoàng đế, có thể sung sướng đấy, nhưng người bình thường không ai muốn được sung sướng theo cách đó”[4]. Ông cũng cho rằng: “Ở đời này, không ai có thể có uy quyền tuyệt đối được, nên nếu suốt đời chỉ khao khát tìm quyền thế sớm muộn gì cũng thất bại ê chề vì gặp trở ngại không sao vượt nổi”[5]. Quả vậy, vượt không nổi thì sinh ra đau khổ. Cố quá thành quá cố. Thế thì sao mà hạnh phúc cho được. Vậy nên, sống ở đời không phải chỉ tiền tài danh vọng hay quyền uy, nhưng hạnh phúc mới là điều thực đáng quý đáng tìm và đáng để chinh phục. Dẫu vậy, có thể nói cái gì quý thì không phải cứ muốn mà dễ dàng có được, nhưng phải tìm kiếm, phải chinh phục, phải nỗ lực, phải can đảm, phải kiên trì và không ngừng cố gắng. Chính vì thế, phải tìm cho đúng con đường mình muốn đi, xác định cho rõ đích mình muốn đến và nhất là phải sống cho ra sống, sống cho thực là sống, sống cho thực là người đang sống chứ không chỉ là tồn tại. Bởi thế, Henry có nói một câu rất hay rằng: “Đừng để gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống”[6].
- Hạ Sơn -
Trích dẫn:
[1] Thoreau, David Henry. Walden – Một mình sống trong rừng. Dịch giả: Hiếu Tân. Nxb tri thức, Hà Nội, 2016. Trang 16.
[2] Russell, Bertrand. Chinh phục hạnh phúc. Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê. Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018. Trang 24.
[3] X. sđd. Russell, Bertrand. Chinh phục hạnh phúc. Trang 26.
[4] X. sđd. Russell, Bertrand. Chinh phục hạnh phúc. Trang 29.
[5] X. sđd. Russell, Bertrand. Chinh phục hạnh phúc. Trang 29.
[6] X. Sđd. Thoreau, David Henry. Walden – Một mình sống trong rừng. Trang 39.
Tài liệu tham khảo
Thoreau, David Henry. Walden – Một mình sống trong rừng. Dịch giả: Hiếu Tân. Nxb tri thức, Hà Nội, 2016.
Russell, Bertrand. Chinh phục hạnh phúc. Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê. Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018.
Pascal, Blaise. Suy tưởng. Dịch giả: Quách Đình Đạt. Nxb khoa học xã hội, Tp. HCM, 2019.
Russell, Bertrand. Những điều tôi tin. Dịch giả: Huỳnh Duy Thanh. Nxb khoa học xã hội, Tp. HCM, 2018.
Russell, Bertrand. Minh triết Phương Tây. Dịch giả: Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2020.
Russell, Bertrand. Những tiểu luận triết học. Dịch giả: Huỳnh Duy Thanh. Nxb khoa học xã hội, Tp. HCM, 2019. Tái bản lần 1.
Russell, Bertrand. Các vấn đề triết học. Dịch giả: Huỳnh Duy Thanh. Nxb khoa học xã hội, Tp. HCM, 2019.
Matthieu, Ricard. Bàn về hạnh phúc. Dịch giả: Lê Việt Liên. Nxb lao động, Hà Nội, 2017. Tái bản lần 5.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất