
Những nỗi băn khoăn lớn nhất của tôi là về Cái chết, Hi vọng và Ý nghĩa tồn tại đều đã được các nhà tư tưởng thông qua văn chương, triết học đặt nghi vấn tử thởu hồng hoang. Những nghi vấn sơ khởi, những lời diễn giải được chất đống qua hàng thiên niên kỉ. Song, vấn đề vẫn còn ở đó, vẫn đề hãy còn mới mẻ; bởi lẽ chưa ai thành công đưa ra một lời giải thích tường tận. Căn bản là vì không ai có thể biết tới cái chết thực sự mà quay về mô tả cho ta. Cái chết mà chúng ta biết chỉ dừng lại ở sự quan sát dưới góc nhìn thứ ba và mãi chỉ là dưới tư cách người quan sát. Con người khao khát được chất vấn, được thấu tỏ Cái chết như một trải nghiệm tự thân nhưng ngay khi một người bước ra khỏi lằn ranh của sự sống thì thế giới qua đôi mắt, đôi tai, làn da, khối óc của anh ta biến mất, vạn vật hoá hư vô, ý thức vụt tắt…
Không ít người khi chứng kiến sự ra đi của một đồng loại mà khiếp sợ cho số phận tương tự của bản thân. Nhưng nỗi sợ chết cho cùng cũng chỉ là một nỗi sợ phi lý, không hơn một kẻ gác thuê cho ý chí sinh tồn để đảm bảo cho sự tồn vong của giống loài. Cái chết đơn thuần là lát cắt thời gian cuối cùng của một đời ngắn ngủi. Nỗi sợ chết, theo đó, không hơn một ảo ảnh. Khi một người đã nhận thức được điều này thì cái chết mang tới cho anh ta hi vọng nhiều hơn là tuyệt vọng. Hi vọng được thoát khỏi bi kịch cuộc đời vốn chất chứa đầy khổ đau và phiền muộn. Cái chết khi đó là Hi vọng giải phóng.
Đối với Camus thì chỉ riêng sự tồn tại thôi đã là phi lý. Việc ta nghĩ, việc ta làm, việc ta còn ở đây, còn đang sống, thảy đều là sự phi lý. Phi lý đó là khi trí năng sáng suốt nhận thức được những bức tường thành chót vót bao quanh nó và ở giữa là một khoảng cách không thể lấp đầy nhưng vẫn lê lết từng bước trong không gian bất tận ấy chỉ để tiệm cận bức tường thành mà nó không mảy may có chút hi vọng vượt qua. Trong cơn túng quẫn của tuyệt vọng, trí năng sáng suốt nhất hoặc mù quáng nhất tiếp tục cuộc hành trình…
Vậy tồn tại là sự phi lý. Tồn tại là nỗi thống khổ, là sự dày vò tới cùng cực trên từng lát cắt thời gian của cái tổng thể mà ta gọi là cuộc đời. Phải chăng là Cái chết và sự chấm dứt cho hành trình đầy nỗi bi ai này xem chừng là điều hợp lí duy nhất? Và Tự sát, giờ đây hoặc sẽ là hành động can đảm nhất hoặc là hành động hèn nhát nhất?
Đối diện với quyết định từ bỏ sinh mệnh ta chỉ cần dứt khoát một lần, can đảm duy chỉ một lần để thôi không phải can đảm suốt phần thọ mệnh còn lại. Tự sát tuy cũng là một phương cách, nhưng là phương cách trốn chạy, là hèn nhát. Và sống thì cần nhiều can đảm hơn là chết.
Song không chỉ có Tự sát về mặt thể lý là khiến cơ thể sinh học ngừng hoạt động. Ta còn có Tự sát triết học là sự tin tưởng mù quáng dành cho một thế lực ngoại lai giả dụ như trong các tôn giáo độc thần răn người ta phải có niềm tin vào đấng siêu nhiên hay cách rao giảng chân lý dỏm vào dân chúng để duy trì và củng cố vị thế chính trị của một số đảng cầm quyền vốn cũng chẳng khác tôn giáo là bao. Với dạng thứ nhất là những người với đầu óc thô sơ, ta hãy khoan dung, chí ít dưới lớp vỏ gian trá của tôn giáo còn ẩn chứa một sự thật cao cả mà họ khó lòng thấu tỏ. Song với dạng thứ hai là những trí giả với học vấn uyên sâu thì quả thực đáng quan ngại. Bởi lẽ kể cả với vốn học thức sâu rộng mà họ cũng chẳng mảy may tìm thấy Ý nghĩa trong cuộc sống thì phải thấy họ tuyệt vọng tới nhường nào mới phải viện tới sự bất duy lý từ tôn giáo. Khi này Tự sát tuy không chấm dứt hoàn toàn sinh mệnh nhưng cũng làm băng hoại đạo đức một cách khủng khiếp.
Vậy Tự sát là thất sách cuối cùng. Còn Hi vọng nào cho ta ngoài sự chấp nhận. Rằng đời thì vô nghĩa thật đấy nhưng chẳng phải đời vô nghĩa thì tốt hơn sao? “chúng ta bị bỏ rơi trên thế giới ... theo nghĩa là chúng ta đột nhiên thấy mình đơn độc và không có sự giúp đỡ. Con người bị kết án là tự do; bởi vì một khi bị ném vào thế giới, anh ta phải chịu trách nhiệm về mọi việc mình làm” (Sartre). Không có Đấng siêu nhiên với lời hứa hẹn về hạnh phúc muôn đời hay sự kì vọng của xã hội cùng nghĩa vụ cống hiến lớn lao nào cả, một người tốt hơn hết nên sống vì chính bản thân hơn là vì bất kì lý tưởng nào được gán ghép cho ý nghĩa cuộc đời chính anh ta. Ý nghĩa chẳng ở đâu xa “bởi thứ con người tìm kiếm thực ra đâu phải là khổ đau hay hạnh phúc, mà đơn giản là cuộc đời” (Oscar Wilde- Tiểu luận Những lời gan ruột)
Nhân loại muốn cứu vớt ánh sáng lé loi của Hi vọng, nhân loại trước tiên phải thấy được đáy sâu của Tuyệt vọng; vì chỉ khi ánh sáng dường như vụt tắt tia sáng chân lý mới được thấu tỏ. Hi vọng thuần khiết phải xuất phát từ nỗi túng quẫn tới tột cùng của Tuyệt vọng. Mọi thứ Chủ nghĩa hiện sinh đều phải bắt nguồn từ Chủ nghĩa tuyệt diệt. Mọi thứ Chủ nghĩa hiện sinh đều là điều xằng bậy nếu không có hư vô. Nơi Hi vọng vụt tắt cũng chính là nơi nó bắt đầu. Vì nỗi buồn thì không đeo mặt nạ.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này