Một ngày, tôi nhận ra mình bị nghiện cảm giác không hạnh phúc.
Công việc tôi từng coi trọng hóa ra không còn ý nghĩa nữa, người tôi thích cũng không thích lại tôi như tôi hy vọng. Với những người gặp biến cố lớn trong cuộc đời thì các vấn đề vẩn vơ của tôi thậm chí không đáng được gọi là bất hạnh. Nhưng tôi là trung tâm trong thế giới của mình nên tôi nghiễm nhiên coi mọi biến cố, dù nhỏ nhất là bất hạnh. Các biến cố nho nhỏ trở thành những nỗi buồn con con, cắm rễ vào suy nghĩ rồi nảy ra mầm cái cây tôi đặt tên là bất hạnh. Buồn cười thay là tôi thích cái cây này vì nỗi buồn và những bi kịch tưởng tượng có năng lực kích thích và phóng đại cảm xúc, khiến tôi có vẻ sống động hơn hẳn lúc thường.
Cảm giác bất hạnh ve vuốt các trạng thái cảm xúc khác, đặc biệt là sự tức giận. Cơn giận của tôi bùng lên với đồng nghiệp và sếp, với người tôi thích, khiến tôi không ngừng chất vấn về mình, về cả những điều tôi từng tin tưởng. Mỗi ngày tâm trạng của tôi có thể thay đổi ba vạn tám ngàn lần, nói quá thế thôi, chắc chỉ ba đến tám lần là cùng. Tôi nghĩ rằng tôi bất hạnh, và người bất hạnh thì có quyền được làm mình làm mẩy. Đấy là vác một cái mặt hoặc nhợt nhạt chán chường hoặc hằm hằm tức tối, hoặc hoang mang đờ đẫn hoặc giễu cợt bất cần. Chỉ khi nhìn thấy những bức ảnh bị bạn bè chụp trộm tôi mới thấy cái biểu cảm bất hạnh có chủ đích của mình. Một người bất hạnh thường được chú ý nhiều hơn một người hạnh phúc, chắc vậy. Vì câu chuyện của người bất hạnh nhiều tình tiết hơn, gay cấn hơn và làm người nghe hứng thú hơn. Chuyện cướp của giết người ngoại tình phản bội đương nhiên thu hút hơn chuyện một người ngủ dậy, ăn sáng, nghe nhạc, hít thở, trải qua một ngày bình thường.
Khi nghiện cảm giác không hạnh phúc, rõ ràng tôi đã trở thành một phiên bản đầy kịch tính của mình. Tôi tìm đến bạn bè để kể lể. Kể xong tôi về nhà, ngồi một mình khóc lóc vật vã. Tôi cho rằng thôi thế là hết, cuộc đời này đi tong, dù sao ta cũng thất nghiệp, thất tình rồi. Tôi là biên kịch, đạo diễn kiêm diễn viên trong bộ drama của mình.
Sau khi bộ drama tự viết đạt đến cao trào đỉnh điểm cũng là lúc cảm xúc bắt đầu xuống dốc, nhạt màu. Thế là tôi phát hoảng. Vấn đề là những lúc bình thường, cảm xúc của tôi rất nhạt nhòa, tôi thậm chí không thể viết ra bất cứ thứ gì, tôi bị vô cảm với xung quanh và với chính mình. Khi có chuyện xảy ra, dù nhỏ tin hin tôi sẽ biến nó thành cái cớ để vui buồn thả phanh. Hóa ra tôi cố tình tìm đến bất hạnh đơn giản chỉ vì thấy cuộc sống nhàm chán, bản thân vô vị. Khi bi kịch nhảm không tiến thêm được bước nào nữa, tôi thấy mình trống rỗng, cảm xúc lại bắt đầu tẻ nhạt, thế là tôi tìm đến điều tiêu cực mới và tiếp tục phóng đại nó lên. Cái vòng drama hóa tiếp tục lan ra, tôi không ngừng vạch ra các bi kịch mới và hì hục biên tập thêm vài tập nữa cho bộ phim của mình.
Cho đến một ngày, cơ chế tự cân bằng bản năng nào đó bên trong nhắc nhở tôi đang đi quá giới hạn. Cái tôi ung dung ngớ ngẩn từng hạnh phúc chỉ vì mát trời, được đi bộ và hít thở bình thản lóp ngóp bò dậy. Bất hạnh cũng là một thứ cám dỗ mà cám dỗ thì dễ làm người ta ngã lòng. Thật ra chẳng ai đủ rảnh để quan tâm đến bất hạnh của người khác khác vì còn đang bận biên kịch bất hạnh của mình. Phải cai đi thôi, cai cảm giác không hạnh phúc đầy hưng phấn này.